Tàu cao tốc Côn Đảo – Vũng Tàu tiếp tục tạm dừng hoạt động

Theo lịch trình dự kiến tàu cao tốc Côn Đảo – Vũng Tàu sẽ hoạt động lại trong 02 ngày 18-19/4/2020 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại giữa đảo và đất liền của bà con nhân dân, cán bộ công nhân viên đang công tác tại Côn Đảo và những người có công việc cấp thiết tại đảo.

TUY NHIÊN, HIỆN NAY TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH VẪN TIẾP TỤC DIỄN BIẾN PHỨC TẠP NÊN TIẾP TỤC TẠM DỪNG HOẠT ĐỘNG

Trước tình hình diễn biến dịch Covid, theo chỉ đạo của Chính phủ ngày 15/04/2020 và theo chỉ đạo mới nhất của UBND huyện Côn Đảo ngày 16/04/2020, để chủ động nêu cao tinh thần đoàn kết chống COVID bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Côn Đảo Express xin thông báo tiếp tục tạm ngưng vận hành tuyến Vũng Tàu <=> Côn Đảo cho đến khi có chỉ đạo mới!

Theo đó, Côn Đảo Express sẽ không vận hành vào ngày 18/04 và 19/04/2020 như đã thông báo trước đó!

Rất mong nhận được sự thông cảm của bà con và quý khách vì những thay đổi không mong muốn trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid!

Lịch trình cụ thể tuyến Côn Đảo – Vũng Tàu cụ thể như sau:

Tuyến

Thời gian

Địa điểm khởi hành

Vũng Tàu đi Côn Đảo

Tạm dừng hoạt động

Cảng Cầu Đá – Vũng Tàu
Côn Đảo về Vũng Tàu

Tạm dừng hoạt động

Cảng Bến Đầm – Côn Đảo

Liên hệ đặt vé:

Trước đó, ngày 27/3/2020 UBND huyện Côn Đảo cũng đã có công văn gửi các hãng tàu cao tốc, hãng máy bay trong đó đề nghị chỉ giải quyết bán vé phục vụ đi lại cho người dân vì mục đích cần thiết.

  • Đối với người dân địa phương: phải có sổ hộ khẩu thường trú, sổ tạm trú tại Côn Đảo.
  • Đối với người dân ở các địa phương khác: phải có giấy xác nhận, giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị cử đi công tác, đơn vị sử dụng lao động.

Các hãng, đại lý bán vé phải lưu các giấy tờ liên quan nói trên của hành khách để đối chiếu khi cần thiết. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ 00 phút ngày 28/3/2020 cho đến khi có thông báo mới. Các đơn vị nào bán vé cho hành khách mà không có giấy tờ xác minh kèm theo, để xảy ra sự việc đáng tiếc thì liên đới chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, hành khách phải thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc trước khi thực hiện hành trình trên các chuyến tàu cao tốc ra đảo.

Nhân viên phục vụ trên các phương tiện nêu trên thực hiện các bước sau:

  • Bước1, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để tải ứng dụng khai báo sức khỏe (tìm kiếm theo từ khóa chính xác: “Vietnam Health Declaration“) từ CH Play (đối với hệ điều hành Android) hoặc App store (đối với hệ điều hành iOs).
  • Bước 2 là hướng dẫn và hỗ trợ hành khách khai báo trên trang website https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng như hướng dẫn tại bước 1 đối với hành khách chưa khai báo.
  • Bước 3 là thông báo ngay cho sở y tế, Trung tâm y tế dự phòng/Trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 nơi gần nhất khi phát hiện hành khách có biểu hiện nghi ngờ nhiễm COVID-19 (sốt, ho, khó thở).

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hành khách trước khi thực hiện hành trình của mình phải thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc và cung cấp cho nhân viên sử dụng ứng dụng, thực hiện quét mã “QR code” mà khách được cấp khi khai trên ứng dụng này./.

Tình hình diễn biến dịch Covid-19

Chiều 15/4, phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về phân loại nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương dựa trên một số tiêu chí như các phân tích dịch tễ học, tình hình dịch bệnh hiện nay, khả năng ứng phó, đặc điểm dân số, giao thông, có nhiều người nước ngoài đến, có nhiều ca lây nhiễm…

Thủ tướng đồng ý chia làm 3 nhóm gồm: nhóm địa phương có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp; đồng thời thống nhất nhóm này không phải là bất biến.

Trong cuộc họp tuần tới, Chính phủ sẽ xem lại các nhóm để điều chỉnh.

Nhóm có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, TPHCM, Tây Ninh, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4, tùy tình hình cụ thể về lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Cũng có thể trong phiên họp tới, bổ sung một số địa phương vào nhóm này nếu xảy ra tình trạng lây nhiễm.

Tuy là nhóm có nguy cơ cao nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, giao thông.

Nhóm nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành: Bình Dương, Thái Nguyên, Cần Thơ, Nam Định, Hà Nam, Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp, Sóc Trăng, kết hợp thực hiện tốt Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 đến ngày 22/4.

Quyết định tiếp theo sẽ được đưa ra vào ngày 22/4 tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nhóm nguy cơ thấp gồm 36 địa phương còn lại tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể việc thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp áp dụng cụ thể trên địa bàn của mình một cách phù hợp, nghiêm túc theo các cấp độ.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định cụ thể cơ sở kinh doanh dịch vụ cần đóng cửa; chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, cơ sở sản xuất kinh doanh và yêu cầu ngừng sản xuất kinh doanh nếu cơ sở không đảm bảo việc phòng lây nhiễm COVID-19.

Như vậy, lãnh đạo các địa phương sẽ quyết định đóng cửa các cơ sở kinh doanh chưa cần thiết, kể cả với nhóm nguy cơ và ít nguy cơ.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn quyết định việc có thể kéo dài thực hiện Chỉ thị 16, “nếu thấy rằng cần phải áp dụng mạnh mẽ chuyện này”.

Việc thực hiện cách ly xã hội có thể theo quy mô cấp xã, huyện, tùy theo nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn.

Thủ tướng yêu cầu các ngành chức năng xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch./.

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
Dịch vụ hỗ trợ chọn chỗ ngồi trên tàu cao tốc Côn Đảo Express
Next Post
Cùng Côn Đảo Express kết nối năng lượng – đánh bay Covid

1 Bình luận. Leave new

Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.