Từ đường Tôn Đức Thắng, thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo, du khách nhìn ra phía vịnh Côn Sơn êm đềm, nước biển xanh trong màu ngọc bích, xa xa có 2 hòn đảo nhỏ. Đó là Hòn Trác lớn và Hòn Tài lớn.
Hòn Trác lớn và Hòn Tài lớn là 2 trong 16 hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc. Những bậc cao niên trên đảo thường kể cho con cháu nghe về truyền thuyết tên gọi của 2 hòn đảo này gắn liền với những người con kiên trung, bất khuất, chống lại thực dân Pháp xâm lược nên đã bị đày ra đảo.
Chuyện kể rằng, trong số quan quân theo vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương, kháng Pháp có hai anh em nhà họ Đặng. Người anh là Phong Tài, người em là Trác Vân, vốn là hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc nên mọi người thường nhầm lẫn người này với người kia. Gia đình họ Đặng có nuôi một trẻ mồ côi tên Trương Quang Ngọc. Lúc ra phò vua giúp nước, Phong Tài có đem theo Ngọc cùng đi. Ít lâu sau, Ngọc sinh lòng phản trắc, toan tính bắt vua nộp cho giặc để lấy tước hàm Lãnh binh. Phong Tài cũng bị bắt trong cuộc phản trắc đó, còn người em là Trác Vân may mắn trốn thoát.
Phong Tài bị đày ra Côn Đảo vào cuối năm 1888. Hồi đó, chế độ nhà tù còn dễ dãi, nên Phong Tài lấy được vợ trong thời gian bị tù đày ở đây. Vợ chàng là người làng An Hải, tên gọi Đào Minh Nguyệt, tục danh là nàng tiên An Hội, sắc đẹp mê hồn. Cha nàng là vị Hương cả trong làng, cũng vốn là tù nhân cựu trào, nhờ cần cù chịu khó, nên tài sản cũng liệt vào hàng khá giả nhất nhì Côn Đảo lúc bấy giờ. Vợ chồng Phong Tài được cha vợ cấp cho một khu vườn rộng (tức sở An Hội ngày nay) làm nơi sinh sống và lập nghiệp.
Một hôm, Phong Tài có việc, phải vắng nhà vài ba hôm mới về. Theo thói quen, mỗi khi thấy chồng đi xa mới về, nàng thường chạy tới ôm chàng để tỏ sự nhớ thương. Lần này cũng vậy, nhác thấy bóng chồng, nàng chạy ra định ôm thì bị người đó đẩy ra và nói: “Xin chị tha lỗi, em là Trác Vân, em chồng của chị. Em mới bị Tây đày ra đây và được họ cho vào sở này để được cùng chung sống với anh chị”.
Minh Nguyệt ngẩn người ra một lát, song cũng gắng gượng hỏi rõ đầu đuôi cơ sự. Thì ra từ ngày thoát nạn, Trác Vân theo về với Phan Đình Phùng (lãnh tụ phong trào Khởi nghĩa Hương Khê, Hà Tĩnh) để tiếp tục chiến đấu chống Pháp và đã giết được kẻ phản trắc Trương Quang Ngọc. Nhưng sau đó, Trác Vân lại bị giặc bắt và đày ra Côn Đảo. Khi Phong Tài về, anh em gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Về phần mình, nàng Minh Nguyệt ngắm nhìn hai anh em giống nhau như đúc, trong lòng không khỏi xúc động. Đối với nàng, Phong Tài là người chồng đáng kính, còn Trác Vân là một người thanh nhã, đáng yêu… và thầm cảm mến.
Một hôm, nhân lúc chồng ra khơi đánh cá, Minh Nguyệt biết rõ nhưng vẫn cố tình vờ như nhầm lẫn để chạy lại ôm lấy Trác Vân. Chàng lại một lần nữa từ chối, khiến nàng tiên An Hội ngỡ ngàng… Không biết nói gì hơn, nàng viện cớ đó là sự nhầm lẫn, xin thứ lỗi…
Tuy nhiên, Trác Vân cũng đã thấy rõ tâm tình của chị dâu. Chàng e ngại biết đâu chẳng có một ngày sa ngã, rồi ra lỗi đạo luân thường. Vậy là chàng bèn kết bè để sang một hòn đảo phía trước vịnh Côn Sơn tạm lánh. Phong Tài vì quá thương em nên sang theo. Nhưng khi đến nơi, chàng mới hay Trác Vân đã chạy sang hòn đảo khác gần mũi Đá Trắng. Phong Tài không dám đuổi theo nữa, vì sợ em sẽ đi xa hơn, nên ở lại đó cho gần em, bỏ mặc người vợ trẻ ở lại nhà. Họ sống như vậy cho đến lúc chết. Sau này, người dân biết chuyện, đã đặt tên cho 2 hòn đảo này là Hòn Tài và Hòn Trác.
Thương thay cho số phận nàng tiên An Hội. Giữa lúc tình duyên đang độ nồng thắm mà nàng phải sống cuộc đời cô độc, quạnh hiu. Ở Côn Đảo, người dân vẫn còn truyền tụng những câu hát để diễn tả lại chuyện tình éo le, ngậm ngùi của nàng tiên An Hội như sau:
Ai sang Hòn Trác, Hòn Tài
Cho tôi nhắn gởi một vài câu thơ
Đêm sương gió lặng sao mờ
Trăng khuya chếch bóng vẫn chờ đợi mây
Chừng nào núi Chúa hết cây
Côn Lôn hết đá, dạ này hết thương.
Xem thêm:
NGUYỄN DUYÊN
baobariavungtau.com.vn