Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (1905-2020): “Những dấu ấn hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt tại nhà tù Côn Đảo”
Đồng chí Hoàng Quốc Việt là nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước. Trong cuộc đời cách mạng trải qua gần 70 năm, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giữ nhiều chức vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Một trong những trọng trách mà đồng chí được giao phó là tổ chức, lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân ngay từ ngày đầu thành lập và là người Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên của Ngành. Trong 16 năm liên tục giữ cương vị Viện trưởng VKSND tối cao (1960-1976), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng đối với sự hình thành, phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân.
Quá trình chiến đấu, công tác, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã để lại nhiều dấu ấn đối với những địa phương, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt là nhà tù Côn Đảo, nơi lưu giữ dấu ấn hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt khi bị kết án chung thân biệt xứ tại trong giai đoạn 1931-1936.
Đến với Côn Đảo là đến với những trang sử hào hùng của vùng đất này thông qua các di tích lịch sử còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Hệ thống nhà tù Côn Đảo – nơi đã giam cầm và đày ải gần 2000 chiến sỹ cách mạng kiên trung. Nhà tù Côn Đảo được Thống đốc Nam kỳ Bonard (Bô–na) ký quyết định thành lập ngày 01/02/1862, gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này.
Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng – điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà của cả nhiều du khách nước ngoài khi đến tham quan, du lịch tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Là một di tích đặc biệt, hệ thống nhà tù Côn Đảo là nơi tập trung nhất hệ thống cai trị tù khét tiếng của Pháp và Mỹ, điển hình về chế độ áp bức, giam cầm, hành hạ và tàn sát các chiến sỹ cách mạng, tù nhân lao động khổ sai đến kiệt sức; là nơi mà kẻ thù hung bạo phải run sợ trước khí phách, khí tiết cách mạng và niềm lạc quan của người tù yêu nước.
Nhà tù Côn Đảo cũng là “Trường học cộng sản” rèn luyện phẩm chất, ý chí của các chiến sỹ cộng sản trên trận tuyến nhà tù, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của các thế hệ hoạt động cách mạng tiền bối cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, người xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Trước năm 1923, đồng chí học Cao đẳng tiểu học tại quê nhà, thi lấy bằng tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học (Certificat) ở Lạng Sơn. Từ năm 1923 đến năm 1925, đồng chí học nghề tại Trường Bách nghệ Hải Phòng (Trường Kỹ nghệ Thực hành). Cuối năm 1925 đến đầu năm 1926, đồng chí bị đuổi khỏi trường vì đã tham gia đoàn biểu tình chặn đường tên toàn quyền Varen từ Đồ Sơn về Hải Phòng, đưa yêu sách đòi thả cụ Phan Bội Châu.
Từ năm 1926 đến năm 1927, đồng chí làm thợ sửa máy bơm nước dưới hầm lò than mỏ Cẩm, mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên), thợ sửa chữa máy ở Xưởng cơ khí mỏ than Mạo Khê (Quảng Ninh).
Năm 1928, đồng chí làm thợ nguội trong Sở máy Ca Rông (Hải Phòng). Tại đây, đồng chí giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng. Trong hồi ký “Chặng đường nóng bỏng”, đồng chí đã tâm sự: “Tôi được sống những ngày tuyệt đẹp của tuổi thanh xuân, đã tìm thấy lý tưởng, được tôi luyện trong những cuộc đấu tranh giai cấp sôi động, được chứng kiến và tham gia chuyển những chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội thành những chi bộ Cộng sản đầu tiên, được góp phần mình chuẩn bị cho Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời”. Đầu năm 1929, do hoạt động trong phong trào cách mạng, đồng chí bị đuổi khỏi nhà máy và bước vào cuộc đời của một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được tổ chức cử vào Nam để cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương nhằm tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng của Đảng. Đồng chí được cử sang Pháp để liên hệ với Đảng Cộng sản Pháp xin tài liệu và đề nghị bạn giúp đỡ Đảng ta có thêm điều kiện hoạt động. Chuyến đi đầy gian khổ nhưng trót lọt đó không chỉ đặt đường dây liên lạc bí mật giữa Đảng ta với Đảng bạn, mà còn là dịp giúp đồng chí mở rộng tầm nhìn và thấm thía thế nào là tình cảm quốc tế vô sản.
Về đến Sài Gòn, hay tin Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập trên cơ sở hợp nhất các Đảng Cộng sản hiện có ở các xứ, đồng chí lại được cử thay mặt bộ phận Đông Dương Cộng sản ở Nam Kỳ ra dự hội nghị thực hiện việc hợp nhất. Nhưng đến Hải Phòng, mới kịp gặp đồng chí Trần Phú để nghe thông báo nội dung và chương trình nghị sự thì đồng chí đã bị bắt cùng nhiều đồng chí khác.
Đầu năm 1931, Tòa án đề hình Kiến An (Hải Phòng) kết án đồng chí Hoàng Quốc Việt tù chung thân biệt xứ, đưa lên giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), rồi đày ra Côn Đảo cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ…
Hệ thống nhà tù Côn Đảo được xây dựng dần dần từ năm 1862 đến năm 1945, hệ thống đó bao gồm: Những trại giam (các banh) và những sở chuyên môn, gọi tắt là các sở tù. Khi bị kết án và đưa đi đày tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã bị giam giữ tại Banh II (Trại Phú Sơn) – là nơi giam giữ các tù chính trị. Banh II từ đầu năm 1930 là nơi tập trung nhiều tù chính trị thuộc các tổ chức cách mạng như: Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Tân Việt cách mạng đảng, Việt Nam Quốc dân đảng, Đảng cộng sản… Yêu cầu khách quan đặt ra cho những người cộng sản bị giam giữ ở Banh II là đoàn kết các xu hướng chính trị, đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi thực hiện chế độ tù chính trị, bảo vệ sinh mạng cán bộ và tổ chức học tập văn hóa, lý luận, đào tạo rèn luyện cán bộ cho Đảng.
Cuộc thảo luận về vấn đề thành lập chi bộ cộng sản ở Banh II chưa đi đến nhất trí, tù chính trị Banh II tổ chức Ban lãnh đạo dưới hình thức Ban trật tự ở các khám và Ban trật tự chung toàn Banh II. Người trong các ban đó do tù chính trị cử ra và đấu tranh buộc sếp banh công nhận. Ban trật tự điều khiển toàn bộ hoạt động của tù nhân và giao dịch với sếp banh, gác ngục. Ban lãnh đạo chăm lo công tác cứu tế tù nhân, chăm sóc những người tù đau yếu, bệnh tật… Lúc này, không ít người tù chưa tin rằng ở Côn Đảo có thể tổ chức và đấu tranh thắng lợi được. Ban lãnh đạo chủ trương đưa khẩu hiệu đấu tranh từ thấp đến cao, kiên trì đấu tranh, giành kết quả thiết thực ban đầu. Ban lãnh đạo ở các khám và Ban lãnh đạo chung được củng cố với nhiều đồng chí có trình độ lý luận, các đồng chí Phạm Hữu Lầu, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Phạm Văn Đồng… đã có nhiều đóng góp trong quá trình tổ chức và lãnh đạo tù nhân Banh II. Sau nhiều lần đấu tranh, bọn cầm quyền ở Côn Đảo buộc phải để cho tù nhân được tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và học tập chính trị, lý luận. Tù chính trị Banh II đã biên soạn và trình diễn nhiều vở kịch để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng. Hoạt động văn hóa nghệ thuật đã góp phần cảm hóa, tranh thủ nhiều gác dang (giám thị người Pháp), ma tà (giám thị người Việt), tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc đấu tranh quyết liệt sau này.
Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng với Ban lãnh đạo Banh II luôn là một trong những người tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc, dã man của thực dân Pháp, đòi cải thiện đời sống sinh hoạt, cải thiện chế độ nhà tù. Nhiều cuộc đấu tranh lớn có sự phối hợp của anh em tù chính trị đã gây tiếng vang không chỉ trên đảo mà còn làm xôn xao dư luận ở đất liền, làm cho thực dân Pháp phải khiếp sợ, phải nhiều lần nhượng bộ.
Với chủ trương biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, Ban lãnh đạo Banh II đã tổ chức học tập văn hóa và nghiên cứu lý luận các văn kiện của Đảng. Nội dung chương trình học tập và những vấn đề lý luận cơ bản được phản ánh trên tạp chí “Ý kiến chung” ra hàng tháng ở khám 3. Tờ báo “Ý kiến chung” do đồng chí Hoàng Quốc Việt và một số anh em tù chính trị khác phụ trách thường xuyên ra đều đặn. Báo được viết trên giấy học trò khổ 13x19cm, mỗi số có phần tin tức, bình luận, xã hội và nghiên cứu lý luận. Báo được bí mật chuyền tay dưới dạng những bức thư gửi cho nhau để phục vụ việc học tập và nghiên cứu lý luận, thông tin kịp thời những tin tức thời sự trên thế giới, trong nước và trên đảo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
Bên cạnh đấu tranh chống chế độ giam giữ hà khắc, cải thiện chế độ nhà tù, đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí cộng sản còn phải đấu tranh chống lại những tư tưởng tư sản lỗi thời, đường lối cách mạng không triệt để và tính chất manh động của những tù nhân thuộc phái Quốc dân đảng. Quá trình học tập, sinh hoạt và thái độ đúng mực của những người cộng sản có ảnh hưởng tốt đến số đông tù nhân. Tuy nhiên, những thủ lĩnh Quốc dân đảng cực đoan coi những người cộng sản là kẻ thù và chống cộng ra mặt, mà trong đó có những tên có tư tưởng chống cộng quyết liệt như Nhượng Tống, Đội Sơn, Đội Luyện… Nguy hiểm hơn, Quốc dân đảng còn tìm mọi cách ám sát các lãnh tụ cộng sản. Bọn Tâm Cụt âm mưu ám sát đồng chí Tôn Đức Thắng, một đồng chí trung kiên có uy tín ở Banh I; tên Đội Sơn, Đội Lãng tổ chức ám sát đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt và một số đồng chí có vai trò lãnh đạo ở Banh II. Những âm mưu đen tối của chúng bị những người cộng sản phát hiện, tù chính trị cộng sản phải tổ chức các đội tự vệ để theo dõi hành động của Quốc dân đảng và bảo vệ đồng chí của mình. Tổ chức mưu sát không thành, những tên trùm Quốc dân đảng ở Banh II tìm cách gây chiến với tù cộng sản nhưng quần chúng của họ không ủng hộ. Những người cộng sản nắm được tình hình và tích cực chuẩn bị đối phó. Bọn Quốc dân đảng cực đoan bị vạch mặt và bị cô lập, phải xin phép sếp banh ra ở riêng một dãy, hi vọng sẽ tách được quần chúng ra khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Việc học tập, thảo luận ở Banh II có sức thuyết phục những người yêu nước chân chính trong hàng ngũ Quốc dân đảng. Một bộ phận tù nhân Quốc dân đảng chuyển biến về tư tưởng sâu sắc, nghiêng hẳn về lập trường vô sản và giác ngộ, đứng vào hàng ngũ những người cộng sản, tham gia những phong trào đấu tranh của tù nhân dưới sự lãnh đạo của tổ chức cộng sản trong nhà tù. Trường học chính trị tại nhà tù Côn Đảo đã mở ra con đường cho những người yêu nước chân chính trong hàng ngũ Quốc dân đảng gia nhập chủ nghĩa cộng sản khi hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được đất nước khỏi ách thực dân.
Năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp, sự thành lập và đấu tranh của Mặt trận dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương, tù nhân tại nhà tù Côn Đảo (chủ yếu là Banh I và Banh II) đã phát động phong trào đấu tranh mạnh mẽ chống chế độ nhà tù tàn bạo và đại xá tù chính trị với hình thức đưa yêu sách, tuyệt thực… Dưới sức mạnh của phong trào đấu tranh, sức ép của dư luận tiến bộ, thực dân Pháp phải nhượng bộ và trả tự do cho một số tù chính trị Côn Đảo. Mùa thu năm 1936, đồng chí Hoàng Quốc Việt được trả tự do, trở về đất liền. Và từ đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp tục dọc ngang khắp nước, để móc mối, gây dựng, củng cố và phát triển cơ sở Đảng, phát triển phong trào, bất chấp sự rình rập, chăng bẫy ngày đêm của kẻ thù.
Lớp đảng viên cộng sản ở tù ra, nhất là số đảng viên từ Côn Đảo trở về là một nguồn cán bộ quý của Đảng; trưởng thành về lý luận, dày dạn trong đấu tranh cách mạng. Bằng vốn lý luận và những kinh nghiệm hoạt động đã được đúc kết trong nhà tù, những người cộng sản đã thể nghiệm thành công trên nhiều lĩnh vực hoạt động như củng cố, xây dựng cơ sở Đảng; tổ chức quần chúng mít tinh, biểu tình, diễn thuyết, làm báo chí công khai… Có những đồng chí trước kia là công nhân, nông dân mà nay ở tù về diễn thuyết rất hay, biết phân tích tình hình thế giới, tình hình Đông Dương và xu thế cách mạng tất yếu của thời đại làm cho quần chúng khâm phục và tin tưởng. Nhiều đồng chí trở thành những cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta trong cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), Cách mạng tháng 8/1945 như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Ung Văn Khiêm, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Văn Linh, Hà Huy Giáp, Trần Huy Liệu…
Từ tháng 5/1930 đến tháng 10/1936, đồng chí Hoàng Quốc Việt dù bị giam cầm, tra tấn dã man, đặc biệt là tại nhà tù Côn Đảo –“địa ngục trần gian”. Ngay từ khi bị bắt, đồng chí đã tự nhủ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững lời thề thiêng liêng khi vào Đảng: Không phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc. Đồng chí coi việc vượt qua mỗi trận đòn, mỗi cuộc chiến đấu, mỗi cuộc tuyệt thực là một thử thách. Dù chế độ nhà tù Côn Đảo hà khắc, phải đấu tranh chống lại sự thù địch của bọn thực dân, bọn phản động, bệnh tật… đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn giữ vững những phẩm chất của một người chiến sỹ cách mạng trung kiên, mẫu mực, tin tưởng vào thắng lợi của lý tưởng cách mạng. Quá trình học tập, nghiên cứu lý luận Mác – Lênin trong nhà tù, những cuộc đấu tranh chống chế độ đày ải man rợ trong tù đã tôi luyện ý chí và bản lĩnh cách mạng của đồng chí. Vì thế mà chính sách của kẻ thù không tiêu diệt được ý chí của người cộng sản mà trái lại, đồng chí trở nên “cứng như sắt, vững như đồng”.
Có thể nói, nhà tù Côn Đảo cũng như nhiều nhà tù của đế quốc, thực dân Pháp là biểu tượng của sự hà khắc, đàn áp; nhưng với khí phách anh hùng của người cách mạng, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, cuộc đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo đã góp phần quan trọng cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục tồn tại và phát triển, đập tan mưu đồ của thực dân Pháp hòng biến nhà tù Côn Đảo thành công cụ để tiêu diệt Đảng. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng của “địa ngục trần gian” nhà tù Côn Đảo, lòng tin sắt đá, không gì lay chuyển nổi vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã biến nhà tù khủng khiếp này thành trường học chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta rất tự hào phần lớn các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ Bác Hồ đến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng đều trải qua nhà tù đế quốc. Bác Tôn, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh… và các đồng chí cán bộ cấp cao khác của Đảng, trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt, người Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên đã trải qua “trường đại học sau chấn song sắt” ở nhà tù Côn Đảo.
Nhà tù Côn Đảo không thể tiêu diệt được ý chí của những người cộng sản. Những người cộng sản đã đấu tranh đòi quyền sống và biến nhà tù thành nơi đào tạo, rèn luyện cán bộ cung cấp cho Đảng. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Biến cái rủi thành cái may, các đồng chí của ta đã lợi dụng những ngày tháng ở tù để hội họp và học tập lý luận. Một lần nữa, việc đó chứng tỏ rằng chính sách khủng bố cực kỳ dã man của kẻ thù chẳng những không ngăn trở được bước tiến của cách mạng mà trái lại, nó đã trở thành một thứ lửa thử vàng, nó rèn luyện cho người cách mạng thêm cứng rắn, mà kết quả là cách mạng đã thắng, đế quốc đã thua” (Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980)./.
Bài Viết: Trần Văn Tùng – VPTH VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Tài liệu tham khảo:
1. Lịch sử nhà tù Côn Đảo (1862-1975) của tác giả Nguyễn Đình Thống, Nguyễn Linh, Hồ Sĩ Hành; Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
2. Bài viết “Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (1905-2015): Hoàng Quốc Việt, người thợ – nhà cách mạng lỗi lạc” của tác giả Đặng Hòa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3097/18159/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-djong-chi-hoang-quoc-viet-1905-2015-hoang-quoc-viet-nguoi-tho-nha-cach-mang-loi-lac.html).
3. Bài viết “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác vận động quần chúng của Đảng” của tác giả Nguyễn Túc (https://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/dong-chi-hoang-quoc-viet-voi-cong-tac-van-dong-quan-chung-cua-dang-tintuc446162).
4. Bài viết “Đồng chí Hoàng Quốc Việt người cộng sản trung kiên của Đảng” của tác giả Lê Thị An (https://baobacninh.com.vn/news/-/details/20182/-ong-chi-hoang-quoc-viet-nguoi-cong-san-trung-kien-cua-ang).
5. Bài viết “Đôi nét về Hệ thống Nhà tù Côn Đảo”, Lê Khiêm (tổng hợp), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/62104/djoi-net-ve-he-thong-nha-tu-con-djao.html).
6. Hồi ký “Hoàng Quốc Việt: Chặng đường nóng bỏng”; Nxb Lao Động.
7. Huyền thoại Côn Đảo; Nxb Lao động Xã hội.
Xem thêm: Giải cứu Phan Châu Trinh