Giải cứu Phan Châu Trinh

Một loạt bài báo đánh động lương tâm người Pháp của nhà báo Babut chính là chìa khóa mở sớm cánh cửa nhà tù Côn Đảo, giải phóng chí sĩ Phan Châu Chinh.

Hồ sơ của Alfred-Ernest Babut từ mật vụ Pháp dày thêm lên hay nói khác đi, công lao đấu tranh chống bất công, áp bức của chính quyền thực dân với người Việt Nam của nhà báo Babut nổi bật ở việc giải cứu Phan Châu Trinh sớm ra khỏi nhà tù Côn Đảo.

Gióng tiếng kêu cầu

Nhắc lại việc Babut giúp mở sớm cánh cửa nhà tù cho chí sĩ Phan Châu Trinh, bà Lê Thị Kinh không giấu được niềm cảm kích. Cứ nói vài câu bà Kinh lại lặng im một lúc như để mặc niệm người quá cố được nhắc đến.

“Ông ấy đã làm cả nước Pháp toáng lên với chuyện cụ Phan” – bà Kinh nhận xét.

Mở đầu cho cuộc giải cứu mang tính tổng lực này, ngay sau khi Phan Châu Trinh bị bắt vào sáng 31-3-1908 tại Hà Nội (sau cuộc nổi dậy xin giảm sưu thuế của người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi…), Babut đã viết bài cho đăng trên báo Người Tiên Phong Đông Dương (Le Pionnier Indochinois) của mình ngay trong ngày này.

Ông khái quát sự oan sai của vụ trấn áp và bắt giữ người, đánh động lương tâm người Pháp trong bài báo ngắn nhưng rất mạnh mẽ:

“Cộng tác viên, bạn của chúng ta, Phan Châu Trinh mới vừa bị bắt. Các nhà lãnh đạo Đông Dương của chúng ta muốn bắt chúng ta quay trở lại thời kỳ ghê gớm của những bức thư có đóng dấu chăng? Nhưng họ phải biết không ai để họ làm vậy.

Phan Châu Trinh không phạm tội nào hết. Sai lầm duy nhất của ông ta là thấy nhiều việc không tốt ở Đông Dương và dám nói, dám viết lên điều đó… Nội trong 24 giờ Phan Châu Trinh đã bị bắt giải về Huế và được giao cho công lý của triều đình.

Những ai biết được lối xử án hồ đồ và tàn bạo của quan lại Trung kỳ không khỏi lo ngại cho số phận Phan Châu Trinh… Nếu còn có thể làm điều gì để ngăn chặn hành động kinh tởm đó, công luận phải can thiệp ngay.

Nước Pháp Cộng hòa sẽ mang nhục nếu cho phép người ta thực hiện một cuộc ám sát như vậy ngay dưới bóng cờ của mình…”.

Tất cả cho cuộc giải cứu, Babut đã nhắm thẳng tới những cánh cửa quyền lực cao cấp của người Pháp tại Đông Dương.

Không kìm nén được phẫn nộ khi người bạn, người cộng sự vô tội của mình bị đày đi Côn Đảo (4-4-1908) với bản án “chung thân, gặp đợt ân xá vẫn không được giảm”, Babut đã cùng với trưởng chi nhánh Liên minh Pháp bảo vệ nhân quyền và dân quyền (gọi tắt là Liên minh nhân quyền – LMNQ) tại Hà Nội là Lafeuille viết thư gửi toàn quyền Đông Dương nói về sự vô tội của Phan Châu Trinh, về sai lầm khi giao vụ án này cho tòa án Nam triều xử thay vì phải giao cho một tòa án Pháp xử.

Và cuối cùng, họ khẳng định với vị toàn quyền là sẽ đưa vụ án này lên Ủy ban trung ương LMNQ (tại Pháp). Phải “dằn mặt” cơ quan tư pháp tối cao tại Đông Dương, Babut lại cùng Lafeuille đến chất vấn tổng chưởng lý – chánh chủ sự tư pháp Đông Dương Michel tại Hà Nội về những ý đồ, những khuất tất của họ trong vụ án này.

Chiến thắng và tình bạn

Qua bước mở đầu, cuộc giải cứu tù nhân Phan Châu Trinh đã trở nên cao trào và kịch tính. Cuối năm 1908 Babut quay về Pháp bắt tay với LMNQ đánh động trực tiếp đến đầu não quyền lực của nước Pháp.

“Ở thư khố Pháp, tôi đã giật mình khi tiếp cận hàng chục công điện, tờ trình, biên bản, những bản giải trình, kiến nghị của các quan chức cao cấp Pháp ở Đông Dương, tại nước Pháp của Babut và của LMNQ về vụ án cụ Phan từ khi có sự can thiệp của Babut. Con người này đã kéo tất cả vào cuộc. Thật đáng nể…” – bà Kinh nhận xét.

Đúng là Babut đã khởi động. Và báo chí tại Pháp cũng là phương sách được Babut dùng đến sau khi ông đến Paris.

Một loạt bài về Phan Châu Trinh – “một con người vĩ đại bị hãm hại”, về việc bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã bị báo cáo sai, về chính sách cai trị áp bức tại thuộc địa đã được Babut viết đăng trên báo Pháp Những Trang Tự Do (Les Pages Libres) đã gây tiếng vang lớn.

Từ tường trình của chi hội LMNQ tại Hà Nội và trực tiếp từ Babut – cũng là thành viên của liên minh này, chủ tịch LMNQ Prancis de Pressensé đã chất vấn Quốc hội Pháp (29-3-1909) về “vụ án Phan Châu Trinh”.

Có được tiếng nói của cơ quan quyền lực cao nhất này, từ đây, cuộc tranh đấu của nhóm Babut đã có được thế mạnh.

Hàng loạt những điện văn khẩn cấp được trao đổi qua lại giữa bộ trưởng Bộ Thuộc địa với toàn quyền Đông Dương cùng các khâm sứ ở Bắc, Trung, Nam kỳ về vụ án Phan Châu Trinh.

Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của LMNQ, của các chính khách tiến bộ Pháp, tân toàn quyền Klobukowski hứa sẽ cho thống đốc Nam kỳ ra Côn Đảo gặp Phan Châu Trinh để xem xét.

Để hạ nhiệt dư luận, chỉ mấy ngày sau (2-4-1909), bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã tuyên bố trước Quốc hội rằng: “Toàn quyền sẽ ân xá cho Phan Châu Trinh”.

Nhưng một số quan chức bảo thủ ở Đông Dương vẫn cố trì hoãn việc phóng thích Phan Châu Trinh. Babut lại phải quay lại Hà Nội.

Và thêm một lần nữa, nhà báo nhân quyền Babut lại khiến chánh mật thám Bắc kỳ tốn thêm những báo cáo về hoạt động đấu tranh quyết liệt của ông để đòi mở cổng tù sớm cho Phan Châu Trinh.

Từ đây, đại diện chi nhánh LMNQ tại Hà Nội Etiolles đã gửi thư đến toàn quyền với lời lẽ mạnh mẽ, gút lại yêu cầu thả Phan Châu Trinh như bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã thông báo: “Xin đừng chờ đợi nữa, hãy ân xá Phan Châu Trinh”.

Thật lý thú, trước sự căm tức lồng lộn của giới mật thám Pháp tại Bắc kỳ, từ những hoạt động tích cực của mình cho việc giải cứu Phan Châu Trinh (cũng như đấu tranh cho người dân thuộc địa), cuối tháng 10-1909 Babut được bầu làm trưởng chi nhánh LMNQ tại Hà Nội!

Để tranh thủ tình cảm, Babut lại viết thư thẳng cho toàn quyền Klobukowski (1-3-1910).

Kèm theo thư ông đã gửi bài báo “Hiện trạng vấn đề” của Phan Châu Trinh đã đăng trên Đại Việt Tân Báo (22-12-1907) và Người Tiên Phong Đông Dương (29-12-1907) để minh chứng cho lập trường không bạo động của Phan Châu Trinh.

Trong thư ông cũng xin phép toàn quyền để mình viết thư gửi ra Côn Đảo khuyên Phan Châu Trinh không gây rối nếu được thả.

Theo bà Kinh, bản dịch tiếng Pháp của bức thư này bà đã tìm thấy từ thư khố Pháp, nó cho thấy Babut đã gửi thư cho Phan Châu Trinh ngày 18-11-1909 – ba tháng trước khi Babut xin phép toàn quyền!

Ông viết cho bạn những lời thật nồng ấm: “Ở đây cũng như tại Pháp, có nhiều người rất lo tìm cách đưa anh ra khỏi nơi anh đang ở. Hãy giữ can đảm. Anh là con người có nhân nghĩa, có nhiều đức độ, sống có đạo nghĩa… Chúng tôi rất vui với sự trở về của anh…”.

Bức thư ngắn của Babut đã thêm sức cho con người vốn dĩ rất có đảm lực. Từ đó Phan Châu Trinh đã sống ngang nhiên, tự tại cho đến ngày ông được phóng thích khỏi nhà tù Côn Đảo 22-6-1910, đến ở tại Mỹ Tho rồi được lên tàu sang Pháp tạm cư vào đầu tháng 4-1911.

Xem thêm: Côn Đảo, Hoàng Sa và cụ Huỳnh Thúc Kháng

HUỲNH VĂN MỸ
https://tuoitre.vn/giai-cuu-phan-chau-trinh-967710.htm

Tóm tắt tiểu sử Chí sĩ PHAN CHÂU TRINH (9/9/1872 – 24/3/1926)

Phan Châu Trinh tự là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9/9/1872 tại làng Tây Lộc, xã Tam Phước nay là xã Tam Lộc, Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam. Cha là Phan Văn Bình – một nhân sĩ của phong trào Cần Vương.

Năm 28 tuổi Phan Châu Trinh đỗ Cử nhân (1900), 29 tuổi đỗ Phó bảng (1901), cùng khoa với Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Nguyễn Ái Quốc). Năm 1902, Phan Châu Trinh được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa Biện (một chức quan nhỏ) Bộ Lễ và đến năm 1904 cụ xin từ quan.

Phan Châu Trinh dành nhiều thời gian cho việc sáng tác văn thơ và kết giao với các sĩ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế… đọc “tân thư”, tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây, tìm hiểu cuộc duy tân ở Nhật Bản. Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp bắt đầu cuộc vận động duy tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.

Năm 1908, phong trào đòi giảm sưu thuế nổ ra khắp Trung Kỳ, Phan Châu Trinh bị thực dân Pháp bẳt giam và đày ra Côn Đảo. Được sự can thiệp của Hội Nhân Quyền Pháp, năm 1911, ông được trả tự do và sang Pháp hoạt động.

Tại Pháp, Phan Châu Trinh viết “Trung Kỳ dân biến thỉ mạt kí”, nói về cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908; “Đông Dương chính trị luận”, phê phán chính sách cai trị của Pháp ở Đông Dương. Năm 1912, cùng với Phan Văn Trường thành lập “Hội đồng bào thân ái”. Năm 1920, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh và Nguyễn Thế Truyền hình thành nhóm “Ngũ Long” (nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp).

Năm 1925, Phan Châu Trinh về nước, nhân dân Sài Gòn nhất là học sinh nồng nhiệt chào đón cụ. Khi Phan Bội Châu bị Hội đồng đề hình Pháp xử mức án “khổ sai chung thân”, Phan Châu Trinh gửi điện cho Toàn quyền Đông Dương đề nghị ân xá cho Phan Bội Châu. Tháng 11-1925, Phan Châu Trinh diễn thuyết tại nhà Hội thanh niên Sài Gòn về “Đạo đức luân lý Đông – Tây”; “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.

Sau hai lần tù tội, 14 năm lao động vất vả nơi xứ người, Phan Châu Trinh gầy yếu và bệnh nặng. Ngày 24/3/1926, lúc 21 giờ 30, cụ từ trần, hưởng thọ 54 tuổi. Đám tang và Lễ truy điệu Phan Châu Trinh trở thành cuộc vận động ái quốc rộng lớn.

Mặc dù có những hạn chế nhất định, nhưng điều đáng quý ở Phan Châu Trinh là tinh thần yêu nước nồng nhiệt, ý chí đấu tranh bất khuất trước cường quyền và gian khổ, quyết tâm đổi mới đất nước…

Xem thêm: Tôn Đức Thắng và cuộc đấu tranh trong ngục tù Côn Đảo (1930-1945)

(Tư liệu truyền thống)

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Khách sạn 4 sao PEARL ISLAND – CÔN ĐẢO tuyển dụng các vị trí chủ chốt
Bài sau
An Sơn Miếu – Truyền thuyết về thứ phi Phi Yến
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.