Vị trí Huyện Côn Đảo nằm ở vùng biển phía Đông Nam Việt Nam, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý (khoảng 185 km), cách cửa sông Hậu 83 km và cách đường hàng hải quốc tế 60 km, ở vị trí ngã tư của đường biển quốc tế, điểm cắt của hai tuyến đường hàng hải từ phía Nam lên phía Bắc Á và tuyến hàng hải đi từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại. Côn Đảo còn nằm trong vành đai kinh tế ven biển phía Đông – Tây – Nam: Côn Đảo – Năm Căn – Hà Tiên – Phú Quốc – Singapore và nằm giữa ngư trường hải sản lớn của cả nước. Côn Đảo là cửa ngõ của Việt Nam kết nối với các nước khu vực ASEAN theo đường biển.
Mặt khác, Côn Đảo là đô thị du lịch-dịch vụ biển có chất lượng cao mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có kết cấu hạ tầng hiện đại, bảo vệ và phát huy giá trị của Vườn Quốc gia, các di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời đảm nhận được vai trò đảm bảo an ninh-quốc phòng ở vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc.
Việc phát triển kinh tế gắn với cuộc sống của người dân Côn Đảo là một việc làm cấp bách, đã và đang được các cấp Trung ương, cấp tỉnh, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ cụ thể:
Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1518/QĐ-TTg ngày 05/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030; Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030;
Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Về Phát triển Du lịch chất lượng cao tỉnh BR-VT đến năm 2030, Trên cơ sở đó, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2538/QĐ-UBND ngày 11/9/2018; ban hành Quy chế Quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh BR-VT tại quyết định số 06/2020/QĐ-UBND ngày 07/4/2020.
Như vậy, có thể nhận thấy quy hoạch hệ thống khu du lịch quốc gia Côn Đảo đã được quan tâm nghiên cứu một cách tổng thể; là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức triển khai lập các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 (trước đây là quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000) và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các dự án đầu tư xây dựng; triển khai đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ công cộng, du lịch ven biển.
Để nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng và đầu tư các dự án du lịch, nhất là các dự án du lịch ven biển; thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch, Sở Xây dựng xin đề xuất một số giải pháp về quy hoạch phát triển bền vững và kiến nghị như sau:
Về tổ chức không gian trong quy hoạch chung xây dựng đô thị cần phải tận dụng các lợi thế về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn, khí hậu). Cấu trúc phát triển không gian đô thị phải được xác định trên cơ sở khung thiên nhiên của đô thị, các điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển đô thị; phải đảm bảo đô thị phát triển bền vững, năng động, hiệu quả. Từ đó đưa ra Giải pháp quy hoạch xanh để phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, bền vững trên cơ sở nghiên cứu 7 tiêu chí, bao gồm: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Nguồn nước; (5) Năng lượng xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên. Trong đó có lưu ý các pháp quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị phải tính đến các yếu tố sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo.
(1) Không gian xanh: Trên các tuyến đường giao thông, tăng cường hệ thống cây xanh bóng mát hai bên đường. Tổ chức trục giao thông xanh: trục phố đi bộ ven biển (đường Tôn Đức Thắng) kết hợp giữa các công trình xây dựng, công trình văn hóa tâm linh với không gian quảng trường – không gian mở trung tâm để phát triển du lịch, sân chơi tập trung các lễ hội văn hóa biểu diễn…
(2) Công trình Xanh: trong không gian xanh đang là cách mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Để có Công trình Xanh thì ngay từ khâu lựa chọn địa điểm xây dựng đã phải khai thác và tận dụng tối đa điều kiện cụ thể, thuận lợi của địa điểm xây dựng công trình, không hủy hoại hoặc làm biến đổi đặc điểm môi trường hiện hữu. Có giải pháp bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh thái, đảm bảo tỷ lệ cây xanh trong khu vực xây dựng, tăng cường phát triển thảm thực vật, có hệ thống cây xanh từ công trình tới đường phố, không gian đô thị. Việc trồng cây trên mái và các tầng nhà, sử dụng vườn “treo” trên mặt tiền công trình, cây xanh nội thất… cũng là giải pháp hữu hiệu, vừa tăng cường cách nhiệt, chống tác động bức xạ nhiệt đến công trình, vừa tạo không gian xanh. Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và những nguyên nhân làm suy thoái môi trường. Tăng cường thông gió và chiếu sáng tự nhiên, tiện nghi vi khí hậu trong công trình, tiếng ồn…
(3) Giao thông xanh: Quy hoạch hệ thống đường giao thông đảm bảo tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại giữa các khu vực chức năng khác nhau trong đô thị. Việc đi lại trong đô thị có thể giải quyết bằng đi bộ hoặc xe đạp, phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch như xăng sinh học các loại ô tô vận tải công cộng chạy điện.
(4) Nguồn nước: Về quy hoạch hệ thống thoát nước có giải pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước, cần tận dụng tối đa điều kiện địa hình tự nhiên trong việc quy hoạch thoát nước mặt và thoát nước thải sinh hoạt, sản xuất… Cần lựa chọn giải pháp công nghệ xử lý nước thải tiết kiệm năng lượng, chi phí vận hành, vệ sinh môi trường. Tận dụng tối đa hệ thống ao hồ tự nhiên, ao hồ nhân tạo phù hợp, xây dựng hồ điều hòa vừa tạo cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái vừa tạo nguồn nước dự trữ phục vụ công tác vệ sinh môi trường, tưới cây… Tiết kiệm và giảm thất thoát nguồn nước sạch dùng cho sinh hoạt. (ví dụ: Các dự án Nạo vét Hồ Quang Trung, Hồ An Hải, Hồ chứa nước Đất Thắm, Cỏ Ống….).
(5) Năng lượng xanh: Giảm thiểu sử dụng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, gió, điện nhiệt khí (LNG). Ngày 10/2/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 314/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển nguồn năng lượng trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2030. Về vật liệu xây dựng, cần sử dụng vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, vật liệu có sẵn tại địa phương, vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu ít tiêu tốn ít năng lượng. Tránh lạm dụng quá nhiều kính trong việc thiết kế mặt ngoài công trình để giảm thiểu tác hại tăng nhiệt độ công trình do hiệu ứng “nhà kính” và tốn năng lượng điện để làm mát công trình.
(6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa;Góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân huyện Côn Đảo.
Tạo dựng một không gian đa năng để tổ chức các hoạt động văn hóa- lễ hội mang đậm dấu ấn khu vực, cần xây dựng các loại hình văn hoá bản địa thật sự khác biệt, phát huy nét văn hóa của người dân địa phương.
(7) Cộng đồng dân cư sống thận thiện với môi trường và thiên nhiên: Xây dựng một Kế hoạch, chương trình hành động xanh hóa Côn Đảo với sự tham gia của chính quyền địa phương, người dân, các doanh nghiệp và các tổ chức chung tay thực hiện kế hoạch này mục tiêu thay đổi biến Côn Đảo thành Thiên đường du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch tâm linh thay vì hình ảnh Địa ngục trần gian như trong quá khứ.
Trên đây là một vài ý kiến tham luận của Sở Xây dựng tỉnh BR-VT về “Giải pháp quy hoạch xanh để phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, bền vững”