Các giải pháp để bảo vệ sinh thái môi trường phục vụ phát triển du lịch Côn Đảo

Huyện Côn Đảo là một địa danh quan trọng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do môi trường tự nhiên nổi bật và tầm quan trọng về mặt di sản văn hóa và tinh thần; là một quần đảo gồm 01 đảo lớn là Côn Sơn và 15 đảo nhỏ xung quanh, nằm ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam của Việt Nam cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185 km, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ (cửa Sông Hậu) khoảng 83km; tuy nhiên cũng thuận tiện cho việc đi lại do hiện nay đã có đường bay trực tiếp tới Côn Đảo từ thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, thành phố Vũng Tàu và các tuyến tàu cao tốc.

– Côn Đảo là một trong những điểm đến đẹp nhất tại Việt Nam; phần lớn đảo chính là các dãy núi với cánh rừng nhiệt đới đặc trưng, xanh vô tận; tạo thành bức phông lộng lẫy cho khu nhà tù lịch sử của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, Ngụy và cho thị trấn Côn Sơn; các vùng biển nguyên sơ bao quanh các hòn đảo tạo thành một trong số những dải san hô, Vườn quốc gia Côn Đảo đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới và là Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam và địa điểm du lịch Côn Đảo đẹp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng; với bề dày lịch sử, điều kiện thiên nhiên và vị trí địa lý đặc biệt, Côn Đảo dần trở thành một điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.

– Hằng năm, theo số liệu trên cổng thông tin của Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Côn Đảo tiếp đón và phục vụ khoảng 153.717 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 16.572 lượt khách quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng, bên cạnh đó dự kiến đến năm 2030, Côn Đảo dự kiến sẽ tiếp đón khoảng 300.000 lượt khách trong và ngoài nước; với việc lượng khách du lịch tăng mạnh, còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hệ sinh thái tự nhiên của đảo; đặc biệt Vườn quốc gia Côn Đảo với hệ động, thực vật phong phú, cũng bị ảnh hưởng do những tác động tiêu cực do con người gây ra. Đứng trước tình hình phát triển mạnh mẽ du lịch tại Côn Đảo ngày càng tăng gây áp lực lớn, đe dọa phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học khu vực, đặc biệt là tài nguyên đa dạng sinh học biển.

Để có biện pháp bảo vệ môi trường cho huyện Côn Đảo theo hướng phát triển bền vững, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng phát triển ngành du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường sau:

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/12/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo đảm môi trường trong hoạt động du lịch giai đoạn 2017 – 2020; Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ môi trường.

2. Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn huyện Côn Đảo nghiêm túc thực hiện Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 26/6/2019 của UBND huyện Côn Đảo về việc ban hành Quy chế bảo vệ môi trường huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Quyết định số 718/QĐ-BVHTTDL ngày 02/3/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch và Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 05/6/2018 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục về môi trường nhằm kêu gọi cộng đồng địa phương, khách du lịch có ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; từ đó, làm thay đổi thái độ, hành vi để giảm thiểu các tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường Côn Đảo; xây dựng môi trường sống lành mạnh tốt đẹp cho cuộc sống con người. Nâng cao sự phối hợp và tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật quản lý, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội; bảo vệ rừng, biển, đất, nước, không khí…; bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng địa phương, góp phần quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo.

3. Về nước thải phát sinh: Ngày 14/12/2018, HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định số 56/NQ-HĐND về phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu trung tâm Côn Đảo, công suất giai đoạn 1 là 1.000 m3/ngày, giai đoạn 2 là 3.500 m3/ngày và thời gian hoàn thành dự kiến vào tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư là 167 tỷ đồng và được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 04/5/2019 (công suất giai đoạn 1 là 1.000 m3/ngày). Huyện Côn Đảo cần xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống thu gom xử lý nước thải 02 giai đoạn bảo đảm nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường và tái sử dụng cho các mục đích khác. Đối với nước thải phát sinh từ các cơ sở kinh doanh khách sạn, khu du lịch cần yêu cầu nghiêm ngặt theo hướng đầu tư xử lý bậc cao, tái sử dụng nước thải cho hoạt động của đơn vị, tuyệt đối không được thải nước thải trực tiếp ra biển bảo đảm theo Chỉ thị 27-CT/TU ngày 23/3/2018 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và Quyết định số 43/2011/QĐ-UBND ngày 23/8/2011 của UBND tỉnh đã ban hành quy định về phân vùng phát thải khí thải, xả nước thải theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên địa bàn tỉnh.

4. Về xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Nỗ lực cho mục tiêu chuyển đổi từ việc chôn lấp rác hợp vệ sinh sang phân loại, đốt rác trong thời gian sớm nhất; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng dự án xử lý rác thải Côn Đảo theo yêu cầu tại Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 của HĐND tỉnh về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 liên quan đến các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và Quyết định số 504/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-HĐND. Về lâu dài, huyện Côn Đảo cần quan tâm triển khai việc phân loại chất thải tại nguồn và có các giải pháp xử lý thân thiện môi trường như đóng gói các loại chất thải có thể tái chế, tái sử dụng để đưa vào các khu xử lý tập trung; chất thải hữu cơ có thể xử lý bằng công nghệ sinh học.

5.Đối với rác thải trôi dạt từ biển vào đất liền: (1) Đề nghị huyện Côn Đảo phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các tàu, thuyền khi cập cảng phải thu gom các chất thải đưa vào bờ để xử lý; không xả thải trên biển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển; (2) đề nghị Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tiếp tục huy động lực lượng thu gom rác thải trôi dạt vào bờ tại các hòn đảo và đưa vào khu tập kết chung của huyện để xử lý.

6. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 29/5/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; nghiên cứu triển khai chương trình du lịch không rác thải nhựa tại Côn Đảo. Phối hợp thực hiện Dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ tại Khu Bảo tồn biển Côn Đảo, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các hành vi vứt rác bừa bãi tại các nơi kinh doanh hoạt động du lịch để nâng cao trách nhiệm đối với khách tham quan, nghỉ dưỡng.

8. Đối với các dự án đầu tư mới, mở rộng và nâng công suất,… yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ; theo đó đối với các dự án xây dựng cơ sở lưu trú du lịch có quy mô 200 phòng trở lên hoặc dự án xây dựng khu du lịch, khu thể thao, khu vui chơi giải trí có diện tích từ 10 ha trở lên và sân golf thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường với quy mô dưới 200 phòng và dưới 10 ha. Đặc biệt, cần có các giải pháp bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, tôn trọng địa hình, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học Vườn Quốc gia cả trên đất liền và dưới biển.

9. Triển khai và thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên địa bàn huyện Côn Đảo được quy định tại Quyết định số 3792/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Trên đây là tham luận của Sở Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp để bảo vệ sinh thái môi trường phục vụ phát triển du lịch Côn Đảo.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Giải pháp trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di tích Quốc gia đặc biệt – Nhà tù Côn Đảo găn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Côn Đảo
Bài sau
Các giải pháp để phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, xanh, bền vững
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.