Giải pháp trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị khu Di tích Quốc gia đặc biệt – Nhà tù Côn Đảo găn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Côn Đảo

Trong những năm gần đây, cùng với sự hội nhập và phát triển của đất nước, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa luôn được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, khai thác lịch sử, văn hóa góp phần phát triển Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có tổng số 48 di tích xếp hạng (Trong đó: 28 di tích cấp quốc gia, 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo và 19 di tích cấp tỉnh) trên tổng số 218 di tích đã được kiểm kê bước đầu.(2)

Khi nhắc đến Côn Đảo là ai cũng nghĩ ngay đến Khu Di tích lịch sử cách mạng, là một trong những nhà tù lớn và lâu đời ở Việt Nam. Trong suốt 113 năm 1862-1975) nổi tiếng là “Địa ngục trần gian”. Dưới hai thời kỳ thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã biến nơi đây thành nơi giam giữ, đọa đày các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam. Bất chấp chế độ lao tù, các chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước đã biến ngục tù Côn Đảo thành “Trường học đấu tranh cách mạng”. Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh tụ và cán bộ xuất sắc của Đảng ta như các đồng chí: Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng…

Với những giá trị lịch sử to lớn ấy, ngày 29/4/1979 Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã ra quyết định số 54-VHTT/QĐ đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử Côn Đảo là một trong những Di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia. Ngày 10/5/2012 Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Tổng diện tích phạm vi bảo vệ là 110,69 ha.

1. Quản lý hoạt động văn hóa lịch sử gắn với phát triển du lịch

Côn Đảo được xem là điểm nhấn du lịch của tỉnh. Sở hữu 16 hòn đảo lớn nhỏ với hệ sinh thái đặc trưng của 3 miền Bắc – Trung – Nam. Đến nay vẫn mang một vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và kỳ bí. Nhiều Tạp chí của Thế giới đã ghi tên Côn Đảo (BR-VT, Việt Nam) vào danh sách những điểm đến ấn tượng; những hòn đảo bí ẩn đối với du khách. Năm 2017, Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận xác lập kỷ lục “Địa phương có quần thể nhà tù lớn nhất Việt Nam”…Từ lâu Côn Đảo đã đi vào tình cảm và sự ngưỡng mộ của cả nước cùng bạn bè Quốc tế như là một vùng đất thép mang biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Du lịch tâm linh hiện đang phát triển mạnh, điều đặc biệt khi du khách đến Côn Đảo đa số thường đi viếng Nghĩa trang vào ban đêm, cao điểm nhất khoảng 21 giờ đến 00 giờ (vì họ cho rằng viếng ban đêm sẽ thiêng hơn ban ngày và tập trung nhất là phần mộ Chị Võ Thị Sáu). Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu đã đi vào lịch sử dân tộc như một huyền thoại. Chị đã bị thực dân Pháp hành quyết và hy sinh trên mảnh đất Côn Đảo khi tuổi đời còn rất trẻ.

Ngày nay, Côn Đảo thu hút nhiều doanh nghiệp chọn để đầu tư phát triển du lịch cao cấp như:  Sixsens Resort 5 sao; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Resort Việt – Nga; Khu du lịch Poulo Condor; Resort Côn Đảo;…một số khu đất đang được kêu gọi đầu tư như: Khu An Hải, Khu du lịch Suối Ớt, Bãi Vông, Bãi Đầm Trầu…đã tạo hiệu ứng lan tỏa, đảm bảo môi trường cảnh quan để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thu hút khách du lịch đến Côn Đảo thì vẫn còn một số  bấp cập và khó khăn nhất định.

1.1. Nguyên nhân:

 Công tác liên kết xây dựng chương trình khách du lịch đến Côn Đảo còn khó khăn do không chủ động vé máy bay cho đoàn có số lượng nhiều (đặc biệt là khách quốc tế) đặt chỗ thời gian dài hạn từ 06 tháng đến 01 năm. Vì thế chủ yếu là khách lẻ, du lịch tự do…

Công tác giới thiệu quảng bá thông tin du lịch Côn Đảo trên các phương tiện, kênh truyền hình nước ngoài trên CNN, CBN, VBS còn hạn chế, không thường xuyên nên lượng khách quốc tế biết đến Côn Đảo không cao. Mặc dù địa phương đã xây dựng chương trình quảng bá 2016 – 2020 nhưng chưa có chiến lược tiếp thị một cách bài bản.

 Du khách đến Côn Đảo chủ yếu là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lặn ngắm san hô, khám phá rừng, đối tượng nghiên cứu văn hóa di tích lịch sử còn ít, sản phẩm du lịch, hoạt động giải trí chưa đa dạng, dẫn đến thời gian lưu trú, chi tiêu và mua sắm không cao.

1.2. Phân tích, đánh giá

Lượng du khách đến Côn Đảo không đều, chỉ tập trung cao điểm từ tháng 03 đến tháng 09. Khách quốc tế chủ yếu các nước thuộc Châu Âu, Châu Á, Đông Nam á, khách du lịch thuộc Châu Mỹ rất ít. Mặc dù, các công ty lữ hành rất tích cực quảng bá giới thiệu thông tin, hình ảnh và sản phẩm dịch vụ ra nước ngoài như Đức, Anh, Pháp…Tham gia các Hội chợ du lịch quốc tế tại Hàn quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… nhằm quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm, chương trình tour du lịch trong và ngoài nước đến Côn Đảo.

2. Cơ hội và thách thức trong công tác quản lý và phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với du lịch.

2.1 Cơ hội

Côn Đảo được thiên nhiêu ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng và tài nguyên rừng và biển, môi trường sinh thái trong lành, các bãi cát trắng mịn, Vườn quốc gia với hệ thống động, thực vật rất phong phú. Việc bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử gắn với sinh thái thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm văn hóa – du lịch mang tính độc đáo, hấp dẫn.

Trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định Số 264/2005/ QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 là “…Xây dựng Côn Đảo thành Khu kinh tế – Du lịch và Dịch vụ chất lượng cao gắn với Bảo tồn, tôn tạo khu Di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam. Đồng thời phát triển Côn Đảo trở thành Khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế…”; Quyết định số 870/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 17/6/2015 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030, Quyết định Số 2163/QĐ-TTg 02/12/2015 Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thực hiện tốt công tác bảo vệ và tôn tạo cảnh quan: 20 di tích Quốc gia Đặc biệt, 02 di tích cấp tỉnh và Đền thờ Côn Đảo. Sở VH&TT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Côn Đảo phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về di tích. Chú trọng công tác QLNN về bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương theo Luật Di sản. Thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường trong theo Thông tư liên tịch số 19/2013/BVHTTDL – BTNMT ngày 30/12/2013 về Hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Quyết định số 200/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Côn Đảo và triển khai thực hiện điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể di tích theo Quyết định Số 2163/QĐ-TTg ngày 02/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Công tác trùng tu, tôn tạo: Được thực hiện đúng theo nguyên tắc bảo tồn di tích và đã đạt được một số kết quả khả quan, ý thức của nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể tham gia bảo vệ, gìn giữ di tích, nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng xuống cấp di tích. Công tác bảo vệ, chăm sóc cây xanh, thảm cỏ tạo mỹ quan và môi trường xanh – sạch – đẹp trong di tích. Công tác bảo tồn đã thực hiện trùng tu các di tích: Nhà Công Quán, Chuồng Cọp Pháp, An Sơn Miếu, Phú Phong, thực hiện chống xuống cấp di tích Chuồng Bò, di tích Nhà Chúa Đảo, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, mở rộng bãi đậu xe, mở rộng sân hành lễ, xây mới nhà hóa vàng trong di tích Nghĩa Trang Hàng Dương. Mở rộng bãi đậu xe cụm di tích trại 6 (Phú An), trại 7 (Phú Bình). Giám sát thi công công trình nhà vệ sinh, bãi đậu xe cụm di tích Trại 1 (Phú Thọ), Trại 4 (Phú Tường), Trại 5 (Phú Phong), Chuồng Cọp Pháp, nhà vệ sinh di tích Trại 2 (Phú Hải). Giám sát thi công chống xuống cấp, cấp thiết di tích Trại 1 (Phú Thọ), Trại 2 (Phú Hải), Trại 3 (Phú Sơn), Trại 4 (Phú Tường). Nguồn kinh phí được cấp từ Ngân sách của Tỉnh và nguồn xã hội hóa.

Hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Đảo luôn được phát huy giá trị một cách tốt nhất trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc. Phục vụ đón tiếp hàng vạn lượt du khách trong và ngoài nước với nhiều đối tượng như: Thanh niên, học sinh, sinh viên về nguồn, Cựu tù chính trị Côn Đảo, gia đình thân nhân các liệt sĩ, các tổ chức, cá nhân…, góp phần tích cực trong phát triển du lịch của cả nước nói chung và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng. Tính từ năm 2015 đến quí 1 năm 2020 đã đón tiếp và hướng dẫn tham quan khu di tích và nhà trưng bày Bảo tàng Côn Đảo với tổng số: 726.919 lượt khách. Trong đó: Khách Việt Nam: 709.387 lượt, khách ngoại quốc: 17.532 lượt. So với cùng kỳ, lượt khách tăng 157.3 %. Tổng số lượt khách viếng Nghĩa trang Hàng Dương: 876.223 lượt, trong đó khách Việt Nam: 869.505 lượt, khách ngoại quốc: 6.718 lượt. Cho thấy, tiềm năng du lịch Côn Đảo đã có nhiều khởi sắc.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá di sản văn hóa luôn được chú trọng. Nguồn nhân lực thường xuyên được đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ luôn được nâng cao. Nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm, bổ sung, công tác tuyên truyền được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều sự kiện lớn của đất nước được tổ chức tại Côn Đảo như: cầu truyền hình trực tiếp với chủ đề “Thiêng liêng Côn Đảo”, “Côn Đảo bản anh hùng ca”; Khí phách Việt Nam”; “Chung sức cùng Côn Đảo“…

Với bờ biển dài khoảng 200 km, nhiều bãi tắm đẹp như bãi Cạnh, bãi Đầm Trầu, Vịnh Đầm Tre, Hòn Cau…Vườn Quốc gia Côn Đảo diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với hệ sinh thái và động thực vật nguyên sinh, phong phú và đa dạng. Năm 2013, Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận Vườn quốc gia Côn Đảo là vùng ngập nước có tầm quan trọng thứ 2.203 của Thế giới và thứ 6 của Việt Nam đồng thời là khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Tiềm năng du lịch với các loại hình như: Du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái (lặn xem san hô, câu cá, leo núi…).

Lĩnh vực văn hóa, giáo dục được cải thiện rất nhiều thông qua hệ thống công nghệ thông tin, người dân đã nắm bắt kịp thời những tin tức trong nước và quốc tế. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đời sống và mức hưởng thụ văn hóa của người dân được nâng cao.

 Giao thông vận tải từng bước phát triển cả đường Hàng không và đường biển. Năm 2017 hãng tàu Supodong hoạt động tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo. Năm 2019 hãng tàu Cao tốc Con Dao Express mở tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo, Sóc Trăng – Côn Đảo và ngược lại,…Dịch vụ Hàng không được nâng cấp và đưa vào khai thác từ năm 2005, hiện nay mỗi ngày trung bình có từ 06 – 15 chuyến bay từ TP. Hồ chí Minh, Cần Thơ đến Côn Đảo và ngược lại và 03 chuyến bay /tuần của Công ty Trực thăng Miền Nam tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo và ngược lại, góp phần rút ngắn rất nhiều khoảng cách giữa Đảo với đất liền.

2.2. Thách thức

Du lịch Côn Đảo chỉ tập trung khoảng 06 tháng đầu năm, từ tháng 9 đến hết năm là mùa mưa bão, nên chủ yếu phương tiện đi bằng máy bay, giá vé khá cao so với các tuyến bay trong nước, chưa kể những ngày cuối tuần hoặc những sự kiện lớn, nhu yếu phẩm, sinh hoạt…giá cả cao hơn nhiều so với đất liền và thu nhập của người Việt Nam,  dẫn đến “cung” không đủ “cầu”….

Côn Đảo chưa có điện lưới quốc gia, vẫn còn sử dụng điện Diezel dẫn đến giá điện sinh hoạt thuộc diện cao nhất nước. Nhiều người cho rằng du lịch Côn Đảo là hạng sang, vì phải chi phí cao hơn nhiều hơn so những tour trong nước.

Tiềm năng văn hoá du lịch chưa được vận dụng và quảng bá rộng rãi, các sản phẩm du lịch kết hợp với di sản văn hóa đặc sắc chưa đa dạng để thu hút du khách trong nước và quốc tế từ các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Mỹ, EU,…

Việc đào tạo và thu hút hướng dẫn viên có trình độ ngoại ngữ như: tiếng Pháp, Trung, Nhật, Hàn… là rất khó (chủ yếu là tiếng Anh), do chi phí sinh hoạt cao, chưa có chính sách thu hút, hầu như người có chuyên môn ngoại ngữ không gắn bó lâu dài…

Về hoạt động nghiên cứu khoa học, mặc dù đã được nhiều học giả nghiên cứu dưới góc độ lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn còn những sự kiện lịch sử chưa được rõ ràng, chính xác về nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu, xác minh, tập hợp tư liệu, các nhân chứng để bổ sung thông tin một cách khoa học và chính xác…đây cũng là một trong những hạn chế trong công tác tuyên truyền về giá trị lịch sử.

Tình trạng lấn chiếm đất di tích chưa được giải quyết triệt để; kinh phí đầu cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế và chưa kịp thời; thiên tai, lũ lụt ngày một nhiều, ảnh hưởng lớn đến độ bền, tuổi thọ, tình trạng xuống cấp của di tích….

3. Giải pháp.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản cần được chú trọng một cách kịp thời, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của toàn xã hội.       

Một là: Đa dạng hóa hoạt động bảo tàng… Thực hiện có hiệu quả các cuộc triển lãm lưu động với phương châm “Đưa bảo tàng, di tích đến với công chúng”. Đội ngũ làm công tác hướng dẫn viên cần trang bị những kiến thức, phẩm chất và năng lực, trình độ ngoại ngữ cơ bản…để du khách tham quan được chào đón với một phong cách thân thiện, thông minh, bài bản…tạo nên sự tin tưởng và ấn tượng đẹp đối với du khách.

Hai là: Quan tâm và có chế độ tương xứng đối với những người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi (nhất là trình độ ngoại ngữ), để họ thật sự yên tâm và gắn bó lâu dài với Côn Đảo, đồng thời tạo cho địa phương nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Ba là: Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phải được xem là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

Bốn là: Triển khai thực hiện Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 02/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích một cách hiệu quả và bền vững.

Năm là: Gắn kết, đồng nhất trong quản lý và phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với du lịch để có một chương trình tham quan khép kín, tạo cho du khách sự đa dạng. Liên kết website bằng nhiều ngôn ngữ của các điểm đến, tour du lịch, hướng dẫn, ấn phẩm, sách, hồi ký, tờ rơi,….

 Sáu là: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư du lịch, dịch vụ theo hướng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của địa phương; phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, văn hóa – lịch sử, tâm linh, tương xứng với tiềm năng; môi trường. Các dự  án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi và thủ tục đầu tư rõ ràng, hấp dẫn; thu hút đa dạng đối tượng du khách đến Côn Đảo.

Lời kết: Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo có giá trị lịch sử văn hóa mang tính đặc trưng, có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục truyền thống gắn với phát triển du lịch tạo ra nhiều cơ hội, hướng đi mới, tăng vị thế và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Vì thế rất cần đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, trình độ nghiệp vụ chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề, đặc biệt là sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Thực tế cho thấy: Với điều kiện xa xôi, cách trở giữa Côn Đảo và đất liền, kinh phí đào tạo còn hạn chế, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng… nếu không có những giải pháp căn cơ, phù hợp thì trong tương lai sẽ không thu hút được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, ảnh hưởng không nhỏ trong công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa – Du lịch.

 Là Ngành trực tiếp quản lý công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo, chúng tôi luôn xem đây là niềm vinh dự, tự hào, song cũng là trọng trách khó khăn, nặng nề. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về chức năng, nhiệm vụ của mình, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị,. Trang bị kiến thức, sự thông minh, chuyên nghiệp, tự tin… Đồng thời, thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra đem đến sự hài lòng, niềm tin của công chúng chính là thước đo quan trọng nhất trong mục tiêu phấn đấu của Ngành chúng tôi.

Hơn 40 năm qua, để đạt được những thành tựu trong công tác Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt gắn với phát triển Du lịch Côn Đảo Ngành Văn hóa luôn nhận được tình cảm, sự quan tâm của các Ngành, các cấp và nhân dân cả nước, đặc biệt là sự chỉ đạo, lãnh đạo của tỉnh nhà, chúng tôi luôn nổ lực không ngừng trong công tác quản lý, thực hiện tốt công tác phát huy giá trị di tích, để Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển du lịch một cách bền vững không chỉ là trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý di sản văn hóa, mà còn là trách nhiệm của các ngành các cấp và nhân dân cả nước như lời của Cố Tổng Bí Thư ban Chấp Hành TW Đảng – Lê Duẩn, người đã từng bị đày ải ở nhà tù Côn Đảo 10 năm, sau ngày giải phóng đất nước, đã ra thăm Côn Đảo ngày 27/8/1976 đã nói: “…Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng, Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn với các thế hệ mai sau. Các đồng chí hãy ra sức phấn đấu xây dựng Côn Đảo chẳng những trở thành một hòn đảo giàu đẹp về kinh tế, mạnh về quốc phòng mà còn phải gìn giữ những di tích lịch sử ấy trở thành tài sản của nhân dân, một thứ tài sản vô giá lưu truyền cho đến nghìn đời con cháu mai sau…”

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh BRVT

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Phát triển Côn Đảo thành cụm du lịch sinh động, đa dạng, nhiều thứ cấp, không ngừng đổi mới
Bài sau
Các giải pháp để bảo vệ sinh thái môi trường phục vụ phát triển du lịch Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.