Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Côn Đảo với khu vực và nước ngoài; xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, bình đẳng, an ninh, an toàn trong hoạt động phát triển trong hoạt động phát triển du lịch bền vững tại Côn Đảo

Côn Đảo là một huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nằm ở Đông Nam nước ta, cách thành phố Vũng Tàu 185 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 230 km và cách cửa sông Hậu Giang 83 km. Với tiềm năng du lịch đặc sắc về tự nhiên và nhân văn, trong đó nổi bật là các giá trị cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái biển đảo của vườn quốc gia và di tích lịch sử văn hóa. Côn Đảo được xác định là một điểm đến hấp của du lịch Việt Nam và là một trong số các khu du lịch quốc gia đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn 2030.

Một trong những mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Côn Đảo là phát triển mạnh các ngành dịch vụ cả về quy mô, loại hình và chất lượng để trước hết khắc phục tình trạng kết cấu hạ tầng, sau đó dần dần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các dịch vụ vui chơi giải trí ngày càng cao của nhân dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng du lịch – dịch vụ. Cùng với sự phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao ở Côn Đảo có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Côn Đảo nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.

Trước yêu cầu phát triển đó và để tạo bước phát triển đột phá đối với những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, xây dựng Côn Đảo trở thành Khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao; thu hút nguồn lực phát triển Côn Đảo theo chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Hiệp hội du lịch tỉnh xin trình bày và đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, bền vững, cụ thể như sau:

1. Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Côn Đảo với khu vực và nước ngoài

Trước hết Côn Đảo muốn thu hút khách du lịch chất lượng cao thì đề xuất nâng cấp và mở rộng sân bay nhà ga Côn Đảo đáp ứng khai thác những máy bay lớn trên 150 chỗ ngồi. Đề nghị với Bộ Giao thông vận tải xúc tiến nhanh nâng cấp sân bay Cỏ Ống, nhằm liên kết với các thành phố lớn, khu du lịch khác trong cả nước; kiến nghị, kêu gọi các hãng hàng không khác đầu tư tuyến bay từ Côn Đảo đến các thành phố, đô thị du lịch lớn trong nước, nhằm hình thành các tuyến du lịch liên vùng, thu hút khách du lịch. Việt Nam Airlines khởi động các chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến Côn Đảo. 

Tăng cường thực hiện công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch Côn Đảo trên các kênh thông tin hàng đầu thế giới. Năm 2019, UBND huyện Côn Đảo đã phối hợp với Sở Du lịch tỉnh, Tổng Cục du lịch tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Côn Đảo tại hai thị trường du lịch lớn là Nhật Bản và Anh Quốc. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tài nguyên thiên nhiên, điểm đến Côn Đảo, sản phẩm du lịch Côn Đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo đến các thị trường khách du lịch tiềm năng. Tập trung thu hút khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu cao tại các khu vực trọng điểm như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Âu. Tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Côn Đảo ra nước ngoài trên các kênh thông tin hàng đầu thế giới…

Tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch tỉnh, Tổng cục Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết đăng ký tham gia Chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu du lịch Côn Đảo tại các Hội chợ du lịch quốc tế, các thị trường khách tiềm năng, luôn nằm trong top 10 thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam để thu hút khách du lịch đến Côn Đảo. Tập trung quảng bá các tuyến du lịch liên kết vùng rộng rãi trên các kênh thông tin, truyền thông, xây dựng các video clip, phóng sự, bài viết giới thiệu trên tạp chí Heritage trên các hãng hàng không, các tàu vận chuyển khách du lịch, tờ rơi, tờ gấp… giới thiệu, quảng bá các trang mạng xã hội, đài truyền hình tỉnh, khu vực, Trung ương và quốc tế.

Ngoài ra, Côn Đảo cần phải xây dựng thương hiệu du lịch riêng, có chiến lược tiếp thị, đánh giá phân khúc thị trường đối tượng khách du lịch chất lượng cao, tuyệt đối không chạy theo số lượng mà phải đặt mục tiêu là chất lượng khách, mức chi tiêu cao. Vì Côn Đảo có diện tích nhỏ sẽ làm quá tải sức chứa, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn điện nước hiện tại chưa đáp ứng. 

2. Xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, bình đẳng, an ninh, an toàn trong hoạt động phát triển trong hoạt động phát triển du lịch bền vững tại Côn Đảo

Côn Đảo không những có vị trí quan trọng về du lịch mà còn có vị trí chiến lược đối với an ninh quốc phòng vùng biển và hải đảo Việt Nam. Phát triển du lịch Côn Đảo khẳng định chủ quyền lãnh thổ vùng biển quốc gia Việt Nam góp phần giữ vững an ninh quốc phòng. Nằm ở vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, Côn Đảo là một trong những vọng gác về an ninh, an toàn vùng biển Việt Nam. Chính vì vậy phát triển du lịch cần phải bảo đảm giữ vững an ninh quốc phòng vùng biển Việt Nam. Thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển du lịch đi đôi với đảm bảo an ninh quốc phòng Côn Đảo là rất cần thiết.

Côn Đảo có diện tích tự nhiên là 7.600 hecta, trong đó diện tích phần rừng, đất rừng do Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý gần 6.000 hecta, ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý 14.000 hecta hợp phần bảo tồn biển bao quanh các đảo, tài nguyên, sinh thái Côn Đảo rất đa dạng. Vì vậy, phát triển du lịch Côn Đảo phải theo nguyên tắc khai thác hợp lý, bền vững tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Đồng thời, chú trọng đến vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tài nguyên rừng, biển Vườn quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt và các danh lam, thắng cảnh đẹp, hoang sơ của Côn Đảo. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – lịch sử, tâm linh gắn kết với thị trường du lịch quốc tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh với các điểm du lịch biển, đảo khác trong nước và quốc tế.

Tập trung khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch sinh thái đặc trưng, hấp dẫn trong Vườn quốc gia Côn Đảo, như: nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng; ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã, cắm trại dã ngoại; du lịch thể thao đi bộ, leo núi, bơi lặn biển xem san hô và sinh vật biển, quan sát động vật hoang dã; các môn thể thao biển; du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học, thực tập về rừng biển, di tích lịch sử văn hóa, môi trường. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái biển với mục đích không hoặc ít tác động đến môi trường, kể cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa…. Trong thời gian tới, Côn Đảo tập trung phát triển các dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút khách du lịch cao cấp có thời gian lưu trú dài ngày, mức chi tiêu du lịch cao. Đẩy mạnh phát triển các loại hình sinh thái biển trong hợp phần bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo với các loại hình du lịch ít tác động đến môi trường, sinh vật biển trong khu bảo tồn. Có giải pháp để tối đa hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo tại Côn Đảo thông qua việc phát triển các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm cả năng lượng mặt trời, gió. 

Thực hiện và khuyến khích việc sử dụng phương tiện như xe đạp điện, xe máy điện, xe taxi điện và xe buýt điện….để dần dần thay thế các loại xe sử dụng nhiên liệu. Xây dựng điểm du lịch “mật độ tham quan cao” cho cả du khách ngày và du khách ở lại qua đêm tại các địa điểm thích hợp trong vườn quốc gia, với đầu tư cơ sở hạ tầng sinh thái ổn định đem lại trải nghiệm trong vườn quốc gia không gây tác động xấu đến môi trường. Tiến hành phân tích chi tiết hơn để xác nhận công suất cấp nước sạch hiện có tại Côn Đảo và cơ hội khả thi để tăng công suất trong tương lai. Khảo sát hệ thống nước sạch và nước thải ở Côn Sơn, Bến Đầm để đề xuất cải tạo sao cho đảm bảo không có chất thải ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng nước. Đảm bảo hoạt động xử lý rác thải hiệu quả, đặc biệt là ở những nơi công cộng quan trọng thường có khách du lịch như các bãi biển, ven đường, đường phố, công viên…

UBND huyện đã tiến hành rà soát hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông đến các khu, điểm du lịch để có kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng cấp các hạng mục còn thiếu, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch, kết nối các điểm tham quan du lịch. Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hỗ trợ phát triển du lịch như: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải; nhà máy xử lý rác thải; nâng cấp hệ thống cấp nước. Sớm hoàn thiện hạn mục nâng cảng Bến Đầm, cảng tàu khách nhằm nâng cao năng lực tiếp đón hành khách tàu biển. Đồng thời kiến nghị tỉnh hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nguồn gió, mặt trời trên địa bàn huyện. Tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn, uống, giải khát, dịch vụ vui chơi giải trí,… đáp ứng nhu cầu khách du lịch. 

Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý Nhà nước về du lịch, từng bước chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ đảm bảo nâng cao chất lượng quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Tập trung đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch có chất lượng tại các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt văn minh ứng xử giao tiếp du lịch; đào tạo trình độ ngoại ngữ giao tiếp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập. 

Quyết tâm thực hiện các giải pháp nêu trên dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ của các sở, ngành, tin rằng trong thời gian tới, du lịch Côn Đảo sẽ đạt được mục tiêu phát triển theo hướng chất lượng cao, bền vững.

Ông Phạm Ngọc Hải         

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh BR-VT

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Các giải pháp để phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, xanh, bền vững
Bài sau
Các giải pháp phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, xanh, bền vững
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.