Nhà tù Côn Đảo được xây dựng từ ngày 01/02/1862, ngay sau khi Pháp đánh chiếm Côn Đảo và cũng từ đó nơi đây trở thành “địa ngục trần gian”. Những người tù chính trị Việt Nam yêu nước bị giam giữ với chế độ dã man, tàn bạo. Trong hệ thống nhà tù Côn Đảo chúng ta không thể nào không nhắc đến sự tồn tại của Chuồng cọp, nơi các cai ngục tổ chức hoạt động bí mật mà mãi 30 năm sau, thế giới mới được biết đến.
Chuồng Cọp Kiểu Pháp (Trại Giam Phú Tường)
Xây dựng bí mật từ năm 1940, Chuồng cọp được Pháp ngụy trang kín đáo sâu trong trại giam Phú Tường với hai lối ra vào. Hệ thống Chuồng cọp và trại giam chỉ ngăn cách bằng cánh cửa nhỏ bị khóa, ngụy trang như cánh cửa đã không dùng lâu ngày. Ngoài những cai ngục, không ai được biết về bí mật nơi biệt giam này. Tù nhân chính trị được đưa vào đây khi bị tra tấn đến ngất, rồi được đưa vào bằng cửa khác để đánh lạc hướng… Tất cả tù nhân đều không xác định được vị trí trại giam, vì vậy khả năng trốn thoát là không thể…
Đầu năm 1970, tại Sài Gòn liên tiếp diễn ra các cuộc biểu tình của Hội sinh viên yêu cầu chính quyền trả tự do những học sinh, sinh viên đang bị giam ở Côn Đảo. Trước áp lực này, sáng 25/5/1970, nhà cầm quyền buộc phải thả 5 học sinh, sinh viên đang bị giam tại Chuồng cọp là: Cao Nguyên Lợi, Nguyễn Minh Trí, Trần Văn Long, Nguyễn Thanh Tòng và Nguyễn Tuấn Kiệt.
Bí mật sẽ không bị phát hiện nếu sáng hôm đó không có cơn mưa rào bất ngờ ập đến khi 5 sinh viên vừa bước ra khỏi cổng trại giam. Họ được đưa đến trú mưa ở mái hiên đối diện. Một giờ trú mưa là cơ hội quan sát lý tưởng, ghi nhớ toàn bộ vị trí, lối vào Chuồng cọp. Dường như sơ đồ dẫn đến cánh cửa bí mật nơi “địa ngục trần gian” đã được các sinh viên ghi nhớ và in hằn trong đầu.
Tới Sài Gòn, 5 sinh viên không về nhà mà tới ngay Hạ nghị viện của chính quyền cũ để làm tường trình tố cáo tội ác của Nhà tù Côn Đảo. Don Luce, một nhà báo Mỹ làm việc 12 năm tại Việt Nam đã đưa toàn bộ thông tin được tiết lộ về khu biệt giam bí mật này lên tạp chí Life (Mỹ), gây sửng sốt và chấn động dư luận trên toàn thế giới.
Trước sự kiện này, Tom Harkin, nhân viên Quốc hội Mỹ cùng đoàn 10 nghị sĩ Mỹ lập tức đến Việt Nam để điều tra sự việc. Trước đó, đoàn nghị sĩ Mỹ đã nghe lời đồn về Chuồng cọp và đến Côn Đảo, nhưng không tìm thấy manh mối nên việc điều tra bị dừng lại.
Ngay sau khi gặp Cao Nguyên Lợi, nghe tường trình và có trong tay sơ đồ Chuồng cọp do người sinh viên này vẽ lại bằng trí nhớ, Tom Harkin cùng đoàn nghị sĩ Mỹ và Don Luce đã đến Côn Đảo để truy tìm bí mật Chuồng cọp. Họ muốn điều tra ra nhà tù với những hình thức tra tấn kiểu trung cổ vẫn còn tồn tại và được giấu kín.
Mô tả lối vào Chuồng cọp, sinh viên Cao Nguyên Lợi đã nói với Tom Harkin: “Ngay khi bước qua cánh cổng thứ nhất của trại giam, ông đừng bước tiếp qua cánh cổng thứ hai vì sau cánh cổng thứ hai chỉ là một nhà tù bình thường. Ông hãy đi theo lối rẽ và tìm bức tường bên vườn rau xanh có một cánh cổng nhỏ.
Ở Côn Đảo, đoàn nghị sĩ Mỹ yêu cầu chúa đảo Nguyễn Văn Vệ đưa đi thăm trại giam Phú Tường. Đi qua cánh cổng thứ nhất, Tom Harkin nhớ đến chi tiết vườn rau như lời mô tả của Cao Nguyên Lợi và dừng lại hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Ở trại giam này, các ông có cho tù nhân lao động tự cải thiện đời sống không?”.
Chúa đảo Vệ nghe thấy vậy liền trả lời: “Có chứ thưa ngài, chúng tôi cho tù nhân trồng rau để cải thiện đời sống, mời các ngài đi thăm vườn rau”. Chúa đảo Vệ quá yên tâm vì trước đó đã cho người che đi lối mòn dẫn vào chuồng cọp và không thể nghĩ rằng ai đó có thể tìm được con đường dẫn tới cánh cửa bí mật được giấu kín từ vườn rau này…
Khi cả đoàn bước vào vườn rau, Tom Harkin nhìn thấy một cánh cổng nhỏ ở góc tường, nhưng lại không thấy lối mòn dẫn đến cánh cổng đó. Nếu có người đi lại, chắc chắn phải có lối mòn. Điều này làm ông băn khoăn. Để kéo dài thời gian quan sát, ông hỏi Nguyễn Văn Vệ: “Giống rau này là rau gì?”. Nghĩ rằng người Mỹ không hiểu biết về rau Việt Nam, Vệ trả lời qua loa: “Là rau muống thưa ngài”.
Trong đoàn có Don Luce – nhà báo sống 12 năm ở Việt Nam nên biết thứ rau được trồng ở đây không phải là rau muống và cúi xuống, ngắt một cọng rau để chứng tỏ điều đó. Cọng rau vừa được ngắt lên, Don Luce phát hiện ra rễ rau chưa bén đất, chứng tỏ vừa mới được trồng. Lối mòn bị phát hiện, đoàn Nghị sĩ Mỹ yêu cầu được bước vào cánh cổng thì Vệ kiên quyết ngăn lại: “Đây chỉ là cửa phụ đã bị chốt trong của trại giam bên cạnh, không thể đi, các ngài phải đi lối cửa chính mới có thể vào”. Vừa nói, Vệ vừa đập chiếc ba toong của mình vào cánh cổng.
Không may cho Nguyễn Văn Vệ, người gác phía trong nghe thấy giọng chúa đảo, lại thấy tiếng đập ba toong quen thuộc, nghĩ rằng chúa đảo đi tuần, liền mở cổng. Cánh cổng được mở ra, cả đoàn nghị sĩ ngay lập tức bước vào và chứng kiến tận mắt trại giam bí mật với 120 buồng giam biệt lập và 60 buồng giam không có mái che để đưa tù nhân ra phơi mưa, dầm nắng. Trại giam này chính là Chuồng cọp.
Sau khi trở về Mỹ, Tom Harkin và đoàn Nghị sĩ đã kịch liệt lên án sự tồn tại của Chuồng cọp, đồng thời cung cấp thêm nhiều bức ảnh và tư liệu cho tạp chí Life số ra ngày 17/7/1970. Sự kiện này gây ra làn sóng phản đối rộng lớn tại Việt Nam, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Dư luận thế giới rất bất bình về những bức ảnh và thông tin được đăng tải, gây sức ép buộc chính quyền Sài Gòn phải phá bỏ toàn bộ chuồng cọp, chuyển 480 tù nhân đang bị giam giữ ra ngoài. Một số tù nhân được đưa sang các nhà giam khác, số khác được đưa vào các bệnh viện tâm thần…
Chuồng cọp thời Pháp bị phá bỏ để xoa dịu dư luận nhưng đầu năm 1971, Chuồng cọp kiểu Mỹ lại hình thành với quy mô và mức độ khốc liệt hơn.
Chuồng Cọp Kiểu Mỹ (Trại Giam Phú Bình)
Chuồng cọp Mỹ từ ngoài cổng đi vào được ngụy trang bởi khu nhà bếp, nhà kho với dãy hàng dào dây kẽm gai hết sức đơn giản. Nhưng phía sau đó gồm 384 phòng biệt giam được chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp. Phía trên của mỗi buồng giam đều có song sắt tương tự như Chuồng cọp Pháp nhưng không có hành lang bên trên. Thay vào đó là mái tôn thấp, trời nắng hắt xuống như thiêu như đốt. Trong phòng giam không có bệ, tù nhân nằm dưới nền nhà hứng chịu khí ẩm ướt, khí đất xông lên khi chuyểnvề khuya. Tù nhân phải tiểu tiện vào thùng gỗ, mỗi khi tù nhân đấu tranh sẽ bị phạt không cho đổ thùng vệ sinh ba ngày, năm ngày hay kéo dài hàng tuần lễ hoặc lâu hơn nữa…Phân và nước tiểu bê bết trên mình của 8 đến 10 người tù trong một phòng biệt giam khoảng 5m2
Đây là trại giam khắc nghiệt nhất trong giai đoạn cuối cùng của ngục tù Côn Đảo. Mỹ Ngụy dùng cả yếu tố bất lợi của thiên nhiên vào việc đày ải con người. Chưa cần đến đòn roi, Chuồng cọp Mỹ đã hành hạ tù nhân rất tinh vi, làm cho người tù chết dần chết mòn.
Với những hình thức tra tấn dã man, tưởng chừng như các tù nhân chính trị không còn sức chống cự nhưng đây lại là nơi nổi dậy đầu tiên của tù chính trị vào lúc 12 giờ đêm 30/4, rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 (tại khu GH) chiếm được nhà tù Côn Đảo, chấm dứt hoạt động của nhà tù này sau 113 năm là “địa ngục trần gian”.
Đào Thị Quê – Tổ Tuyên truyền – Đối ngoại