Vườn quốc gia Côn Đảo

Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước. Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)… Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam.

Là một vùng đảo tương đối xa bờ, hoạt động của con người chưa làm biến đổi lớn tính tự nhiên của các hệ sinh thái biển. Rạn san hô ở đây còn giữ được những đặc tính đặc trưng cho vùng biển. Các nghiên cứu cho thấy san hô có độ phủ trung bình là 42,6%. Trong số rạn san hô nghiên cứu, có đến 74,2% san hô đạt độ phủ cao, chỉ có 2,8% thuộc loại phủ thấp. Mật độ cá rạn san hô ở những điểm nghiên cứu đạt trung bình 400 con/m2. Đây là giá trị rất cao so với các vùng biển ven bờ khác ở Việt Nam.

Có thể coi Côn Đảo như một cầu nối cho sự phát tán sinh vật từ trung tâm đa dạng của vùng biển Ấn Độ – Tây Thái Bình dương đến vùng biển ven bờ Việt Nam. Dạng cao về giống loài của san hô tạo rạn. Thành phần thân mềm cũng được coi là đa dạng nhất khi so sánh với

Về đa dạng sinh thái, vùng nước nông Côn Đảo có cả rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn. Trong đó, rạn san hô quần cư là khá phổ biến, có thể tìm thấy ở hầu hết vùng ven đảo. Loại rạn riềm điển hình chiếm đến 59%, chứng tỏ rạn san hô này có điều kiện phát triển trong một thời gian dài. Cỏ biển tuy không phân bố rộng nhưng tập trung trên diện tích tích lớn, khoảng trên 200ha. Đa dạng sinh thái tạo điều kiện cho sự phát triển của các loài sinh vật quý hiếm. Nghiên cứu về môi trường biển cho thấy chưa có sự ô nhiễm biển ở đây.

Hiện nay, Côn Đảo là vùng có nhiều rùa biển nhất ở Việt Nam, với hai loài thường gặp là đồi mồi và tráng đông. Có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của rùa, trong đó có đến bốn bãi được ghi nhận là có 1.000 rùa mẹ lên đẻ hàng năm. Côn Đảo cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam còn tồn tại một quần thể bò biển (Dugong dugong) có cuộc sống không tách rời các thảm cỏ biển.

Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu về mối quan hệ giữa nguồn lợi ven biển và các hệ sinh thái nước nông Côn Đảo. Dù sao, cùng với sự tồn tại của rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và mối quan hệ sinh thái giữa chúng là môi trường thuận lợi cho sự sinh sản, ươm giống của nhiều nguồn lợi. Các nghiên cứu của Viện Hải dương học về trứng cá, cá bột ở VQG Côn Đảo cho thấy số lượng trứng cao hơn rất nhiều lần so với các vùng biển khác của Việt Nam.

Lịch sử hình thành Vườn quốc gia Côn Đảo

Nội quy bảo vệ Vườn quốc gia Côn Đảo

Tất cả các tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động trong Vườn Quốc Gia Côn Đảo phải được sự đồng ý của Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo và phải thực hiện theo các quy định sau:

  • Không được làm thay đổi cảnh quan tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
  • Không được làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã.
  • Không được thả, nuôi và trồng trái phép các loài động, thực vật đưa từ nơi khác đến; không được chăn, thả gia súc.
  • Không được khai thác tài nguyên động, thực vật hoang dã; thu thập mẫu vật và khai thác các tài nguyên thiên nhiên khác.
  • Không đuợc mang các hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy nổ vào Vườn. Không được đốt lửa trong rừng và ven rừng.

Tài nguyên sinh vật rừng

Tổng diện tích Vườn quốc gia Côn Đảo (phần rừng núi) là 5.990,7 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 4.897,7 ha, đất không có rừng là 622 ha và đất khác là 471 ha.

Trong diện tích đất rừng thì rừng cây gỗ lá rộng có diện tích 4.778 ha, rừng tre có diện tích 109 ha và rừng ngập mặn 18 ha. Các đảo ở đây đều được che phủ bằng thảm thực vật rừng có độ che phủ tới 92% diện tích tự nhiên, bắt đầu từ mép nước biển lên đến đỉnh núi. Rừng và tài nguyên rừng Côn Đảo có những đặc điểm như sau:

  • Hệ sinh thái rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo thuộc Hệ sinh thái rừng Nhiệt Đới Hải Đảo, với hai kiểu rừng chính:
  • Kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới.
  • Kiểu rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới.
  • Về thành phần thực vật:
  • Qua kết quả điều tra thành phần thực vật rừng ở Vườn quốc gia Côn Đảo các năm 1993,1997 và 2000 của Phân viện điều tra Quy hoạch Rừng II TP.HCM đã thống kê được 1.077 loài thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch, trong đó: cây gỗ 420 loài, cây bụi 273 loài, dây leo 137 loài, cây cỏ 137 loài, khuyết thực vật 53 loài và thực vật phụ sinh 20 loài.
  • Các loài thực vật trên đai diện cho nhiều vùng trong cả nước như:
  • Đại diện cho hệ thực vật bản địa miền Bắc Việt Nam gồm có các loài cây trong họ Xoan (Meliaceae) tiêu biểu là loài Lát hoa (Chukrasia tabularis) đây là loài cây gỗ lớn, thuộc nhóm thực vật quý hiếm phân bố rộng trong rừng hỗn loài ở các tỉnh Miền Bắc nước ta, nhưng ở các tỉnh Nam Bộ hầu như ít gặp.
  • Đại diện cho các loài thực vật ở miền Đông Nam Bộ là những loài cây gỗ lớn như: các loài cây trong họ Dầu (Dipterocarpaceae), họ Tử vi (Lythraceae). Trong đó có loài Dầu Côn Sơn (Dipterocarpus condorensis) đây là loài cây gỗ lớn, thuộc loài thực vật đặc hữu của Vườn quốc gia Côn Đảo và phân bố tự nhiên trên đảo Côn Sơn.
  • Đại diện cho thực vật vùng đồng bằng sông Cửu Long như Đước xanh (Rhizophora mucronata), Mắm trắng (Avicennia alba), Vẹt dù (Brughiera gymnorhiza), Cóc vàng (Lumnitzera racemosa)…đại diện cho rừng ngập mặn và cây Tràm (Melaleuca cajeputi) đai diện cho rừng ngập nước úng phèn.
  • Tính đa dạng của thực vật rừng:
  • Đa dạng về nguồn gien:
  • Nguồn gien hệ thực vật di cư: Đại diện của 4 hệ thực vật di cư xâm nhập là Hệ thực vật Malaixia – Inđonexia có họ Dầu (Dipterocarpaceae) với 7 loài; hệ thực vật Ấn Độ – Miến Điện có 3 họ đặc trưng: Họ Tử vi (Lythraceae) 12 loài, họ Bàng (Combretaceae) 9 loài, họ Gòn (Bombaceae) 3 loài; Hệ thực vật Himalaya – Vân Nam – Quí Châu Trung Hoa có 5 họ đặc trưng: Họ Re (Lauraceae) 16 loài, họ Đỗ quyên (Ecicaceae) 1 loài; hệ thực vật Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa có 6 họ đặc trưng: Họ Đậu (Fabaceae) 84 loài, họ Ba Mảnh Vỏ (Euphorbiaceae) 67 loài, họ Thị (Ebenaceae) 12 loài, họ Cà Phê (Rubiaceae) 68 loài, họ Cỏ (Poaceae) 30 loài, họ Xoài (Anacardiaceae) 14 loài…
  • Nguồn gen thực vật Cổ xưa (Cổ nhiệt đới và á nhiệt đới) gồm đại diện của một số loài thực vật trong các họ đặc trưng sau: Họ Na (Annonaceae), họ Bứa (Clusiaceae), họ Trung quân (Acistroladaceae), họ Chuối (Musaceae), họ Dứa dại (Pandanaceae); thực vật cổ á nhiệt đới, với 6 họ đặc trưng: Họ Thiên tuế (Cycadaceae) 4 loài, họ Re (Lauraceae) 16 loài, họ Chè (Theaceae) 8 loài, họ Đỗ quyên (Ecicaceae) 1 loài…
  • Nguồn gien quý hiếm và đặc hữu: Những loài quý hiếm: Lát hoa (Chukrasia tabularis), Găng néo (Manilkara hexandra), Quăng lông (Alangium salvifolium)…Từ phía Nam lên là luồng thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Malaixia – Indonexia với đặc trưng cây họ Dầu (Dipterocarpaceae).

Trong số các loài thực vật bậc cao có mạch đã được phát hiện ở Côn Đảo thì có 44 loài được các nhà khoa học tìm thấy đầu tiên ở Côn Đảo gồm: Cây gỗ 14 loài, dây leo 6 loài, Tiểu mộc 10 loài, Cỏ 13 loài, Khuyết thực vật 1 loài. Trong đó có 11 loài được lấy tên “Côn Sơn” đặt tên cho loài: Bui Côn Sơn (Ilex condorensis), Gội Côn Sơn (Amoora poulocondorensis), Thạch trang Côn Sơn (Petrocosmea condorensis), Xà căn Côn Sơn (Ophiorrhiza harrisiana var condorensis), Đọt sành Côn Sơn (Pavetta condorensis), Lấu Côn Sơn (Psychotria condorensis), Xú hương Côn Sơn (Lasianthas condorensis), Thiệt thủ Côn Sơn (Glossogyne condorensis), Kháo Côn Sơn (Machilus thunbergii sieb-et-var condorensis), Dầu Côn Sơn (Dipterocarpus condorensis), Đậu Khấu Côn Sơn (Miristica guatterifolia).

  • Đa dạng về công dụng: Các loài thực vật rừng của Vườn quốc gia Côn Đảo ngoài khả năng cung cấp gỗ, củi; thì chúng còn các công dụng khác như cây có khả năng làm dược liệu có 98 loài (Trong đó có 4 loài có số lượng lớn như Ngũ gia bì (Schfflera), Thiên niên kiện (Homolomena occulta), Gõ sữa (Ba gạc) (Rauwolfia reflexa). Cây có thể sử dụng làm cây cảnh 90 loài, trong đó có 18 loài thuộc họ Phong lan (Orchidaceae), nhiều loài có khả năng cho nhựa, tanin, làm thực phẩm cho người và động vật gồm hoa quả, thân dễ…
  • Về thành phần động vật: Khu hệ động vật có xương sống trên cạn ở Vườn quốc gia Côn Đảo đã thống kê được 160 loài thuộc 65 họ, 32 bộ. Trong đó, thú có 29 loài thuộc 16 họ, 10 bộ; Chim có 85 loài thuộc 32 họ, 17 bộ; Bò sát có 38 loài thuộc 13 họ, 4 bộ; ếch nhái có 8 loài thuộc 4 họ, 1 bộ.

Nhóm Động vật đặc hữu của Côn Đảo: Có 3 loài Động vật đặc hữu của Côn Đảo. Đó là những loài cần quan tâm bảo vệ đặc biệt vì chỉ còn có ở đây như: Sóc mun (Callosciurus sp) Loài chưa định tên, song có thể nói là loài mới, ở Việt Nam mới chỉ gặp Sóc mun ở Côn Đảo; Sóc đen Côn Đảo (Rafuta bicolor condorensis): Loài phụ, chỉ có Côn Đảo; Thạch sùng Côn Đảo (Cyrtod tylus condorensis) cũng chỉ mói biết ở Côn Đảo. Loài này còn tương Đối phổ biến.

Nhóm động vật qúy hiếm: Thú có 11 loài, Chim có 8 loài, Bò sát 12 loài.

Tài nguyên sinh vật biển

Vùng biển Côn Đảo được đưa vào danh sách “các vùng được ưu tiên bảo vệ cao nhất” trong hệ thống các vùng bảo vệ biển của ngân hàng thế giới.

Theo Viện Hải Dương Học Nha Trang và Hải Phòng thì vùng biển Côn Đảo có sự giàu có về mật độ và phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam, nhiều rạn san hô còn mang tính nguyên thủy cao, các cuộc khảo sát về sinh vật biển gần đây các chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyên ngành luôn tìm ra các loài sinh vật mới cho thế giới và Việt Nam.

Khu hệ sinh vật biển đã thống kê được có 1.493 loài trong đó: Thực vật ngập mặn (Mangro forest) 23 loài, Rong biển (Algae) 127 loài, Cỏ biển (Seagrass) 11 loài, thực vật Phù du (Phytoplankton)157 loài, động vật Phù du (Zooplankton) 115 loài, San hô (Coral) 342 loài, thân mềm (Mollusa) 187 loài, cá rạn san hô (Coral reef fishes) 202 loài, Giáp xác (Crustacea) 116 loài , Da gai (Echiodermarta) 75 loài, Giun nhiều tơ (Polycheta) 130 loài, thú và bò sát biển 8 loài.

Kết quả nghiên cứu đã thống kê được ở thuỷ vực Côn Đảo có tới 44 loài là nguồn gien cực kỳ quí hiếm của biển Việt nam và đã được đưa vào Sách đỏ. Chúng bao gồm: 02 loài rong, 02 loài thực vật ngập mặn, 03 loài san hô, 12 loài thân mềm, 01 loài giáp xác, 04 loài da gai, 07 loài cá, 07 loài bò sát, 05 loài chim và 01 loài thú.

Biển Côn Đảo có 3 hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích là 18 ha, hệ sinh thái cỏ biển có diện tích khoảng 200 ha, hệ sinh thái các sạn san hô có diện tích khoảng 1.000 ha.

  • Hệ sinh thái san hô: Hệ sinh thái san hô phát triển rất mạnh ở vùng bao quanh Vườn Quốc gia Côn Đảo, với 342 loài, 61 giống, 17 họ. Có thể nói thành phần loài khu hệ san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam. Các giống san hô chiếm ưu thế là Acropora, Porites, Pachyseris, Montipora, Panova, hệ sinh thái rạn san hô chứa đựng sự đa dạng cao các loài cá và các loài thủy sinh vật khác ; là sinh cảnh đẻ trứng, ương nuôi ấu trùng, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển của khu vực biển Đông Nam Việt Nam và của cả khu vực Đông Nam Á . Rạn san hô còn có tầm quan trọng trong việc điều hòa, cân bằng lượng Oxy trong nước biển và bảo vệ bờ biển Côn Đảo
  • Hệ sinh thái cỏ biển: Qua khảo sát nghiên cứu vùng biển Côn Đảo có 11 loài cỏ biển chiếm 84,61 % tổng số loài hiện nay đã biết ở Việt Nam (13 loài), nhiều hơn của Singapo 04 loài và nhiều hơn Brunei 06 loài. Sự tồn tại và phát triển của hệ sinh thái cỏ biển có vài trò quan trọng là nguồn thức ăn chính của Dugong dugon một lòai thú quý hiếm ở biển. Ở vùng biển Côn Ðảo có 8 – 12 cá thể Dugong dugon, đây là loài thú biển ăn thực vật lớn nhất còn tồn tại và được thế giới đặc biệt quan tâm, hiện nay chỉ còn thấy ở Côn Đảo và Phú Quốc.
  • Hệ sinh thái rừng ngặp mặn: số loài thực vật ngập mặn ở Côn Đảo đã được xác định là 23 loài, các loài chiếm ưu thế là Đước Đôi (Rhizophora apiculata),Vẹt dù (Bruguiera gymnorrhiza), Đước xanh (Rhizophora mucronata).

Ngoài ra vùng biển Côn Đảo còn có bò sát và thú biển:

  • Thú biển: Vùng biển Côn Đảo thường xuất hiện 3 loài thú: Delphin mõm dài (Stenella longirostris), Cá voi xanh (Balaenoptera musculus) và Dugong dugon hay còn gọi là Bò biển (seacow). Đây là 3 lòai thú biển cần quan tâm bảo vệ, đặt biệt có loài thú Dugong dugon đã tồn tại từ lâu ở Côn Đảo nhưng đến năm 1995 mới được phát hiện. Hiện nay Dugong là đối tượng được quan tâm bảo vệ trên phạm vi toàn cầu.
  • Bò sát biển: bao gồm các loài rùa biển và rắn biển. Rùa biển: có 2 loài với số lượng lớn đang sinh sống và lên đẻ hàng năm ở Vườn Quốc gia Côn Đảo là : Chelonia mydas (vích) và Ertmochelys imbricata (đồi mồi). Vùng biển Côn Đảo cũng là sinh cảnh kiếm ăn của loài Rùa da (Dermochelys coriacea), Quản đồng (Lepidochelys olivacea) . Với 14 bãi đẻ của rùa biển, hàng năm về Côn Đảo làm tổ với số lượng khoảng 300 cá thể rùa mẹ, đây là quần thể rùa được đánh giá chiếm 70 – 80% số rùa biển làm tổ/năm ở toàn vùng biển Việt Nam.

Xem thêm: Bản đồ quy hoạch các tuyến, điểm du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Côn Đảo

Rate this post
Bài trước
Hòn Cau
Bài sau
Côn Đảo qua một số báo chí Sài Gòn trước năm 1975
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.