Võ Thị Sáu – Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Suốt 06 kỳ với chủ đề Võ Thị Sáu – Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đưa cho độc giả thấy được con đường trở thành huyền thoại của một người con của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kỳ 1: Tuổi thơ và con đường đến với cách mạng của Võ Thị Sáu

Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Ảnh: TƯ LIỆU

Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại thôn Phước Lợi, xã Long Mỹ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thân sinh là ông Võ Văn Hợi, bà Nguyễn Thị Đậu, chị là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em.

Vào đầu thế kỷ XX ở khu vực gần chợ Đất Đỏ (vị trí kề sát Tỉnh lộ 55, thuộc khu phố Tường Thành, TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ ngày nay) dân làng thôn Phước Thọ, tổng Phước Thọ Hạ, quận Đất Đỏ (lúc ấy trực thuộc tỉnh Phước Tuy) xây một dãy phố chợ, gồm 8 gian để cho các gia đình từ nơi khác đến thuê. Khi chị Sáu lên 6 tuổi, gia đình chuyển từ thôn Phước Lợi thuê gian nhà thứ 4 để ở và thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống. Thời gian này ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa từ Đất Đỏ đi các tuyến Long Điền, Phước Hải, còn bà Nguyễn Thị Đậu làm nghề bán bún bì, chả giò.

Mỗi gian nhà nơi gia đình chị Võ Thị Sáu thuê ở có lối kiến trúc truyền thống làng quê Việt Nam, xung quanh thưng ván gỗ, mái lợp ngói âm dương. Căn nhà dài 10m, rộng 3m, nền đất, bố trí thành 2 phòng. Phòng ngoài dài 5m, kê 1 bộ ván ngựa là nơi chị Sáu cùng các em nằm ngủ, phía giữa là nơi đặt tủ thờ trang trọng. Phòng trong dài 4m rộng 3m, sử dụng làm nơi nằm nghỉ của song thân. Nối giữa 2 phòng là hành lang rộng 1m. Căn nhà đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm về thời niên thiếu và những ngày đến với cách mạng của chị.

Hiện nay UBND huyện Đất Đỏ đã phục dựng một ngôi nhà gỗ gồm 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói âm dương trên nền của dãy chợ phố trước đây, mô phỏng lại nơi sinh sống của gia đình chị Võ Thị Sáu. Trong phòng truyền thống Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu còn trưng bày một số kỷ vật gắn liền với gia đình thời niên thiếu của chị. Trong đó có nồi đồng gia đình dùng nấu cơm, chén đĩa dùng ăn cơm hàng ngày, những tờ giấy bạc Đông Dương do bà Võ Thị Bảy – em gái ruột của chị Võ Thị Sáu tặng khi còn sống, những tờ tiền này gia đình đã sử dụng và giữ lại làm kỷ niệm…

Khi lớn lên chị thường giúp đỡ cha mẹ làm công việc như cắt cỏ cho ngựa ăn, phụ giúp mẹ nhóm lửa vào mỗi sáng. Sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ ở Nam Bộ. Đặc biệt, ngày 23/11/1945, thực dân Pháp tái chiếm Bà Rịa. Tại Đất Đỏ địch tăng cường áp lực uy hiếp vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến. Chúng uy hiếp mạnh các xã Long Tân, Hội Mỹ, Long Mỹ là những vùng giải phóng của ta. Tại Đất Đỏ địch đóng thêm đồn bốt ở Chợ Bến, An Ngãi, Phước Lợi, Bờ Đập… Quân Pháp từng bước hình thành vành đai Phước Hải, Hội Mỹ, Long Tân, Long Phước nhằm ngăn giữa hậu phương với căn cứ địa Xuyên – Phước Cơ của tỉnh đóng tại huyện Xuyên Mộc và vùng tạm chiếm. Theo chân Pháp bọn hội tề, Việt gian, chỉ điểm địa phương thừa cơ thường xuyên gây tác oai tác quái làm cho đời sống của bà con ở khu vực này càng cơ cực.

Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng Võ Thị Sáu luôn bất bình và căm giận trước sự o ép, cướp giật của bọn ác ôn, tay sai. Có lần ông Võ Văn Hợi đã cho Võ Thị Sáu đi cùng trong chuyến tiếp tế ở căn cứ Long Mỹ, tiện thể thăm các con trai tức anh Hai và anh Năm (Võ Văn Me) thoát ly theo cách mạng. Được gặp lại các anh sống giữa tình đồng đội trong căn cứ, Sáu rất cảm phục các anh. Chuyến đi để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với bé Sáu, trong tâm khảm nung nấu một ngày nào cũng được công tác như các anh, các chị… Vào năm 1946, Võ Thị Sáu theo anh trai Võ Văn Me vào căn cứ tham gia cách mạng, Sáu được tham gia lớp Thiếu sinh quân khóa I do tỉnh tổ chức ở căn cứ Long Mỹ. Năm 1947, khi 14 tuổi, Võ Thị Sáu chính thức gia nhập Đội Công an xung phong của quận Đất Đỏ, do Mai Văn Láng làm đội trưởng. Trong đội Sáu là người nhỏ tuổi nhất nhưng lại nổi bật là chiến sĩ quả cảm, thông thạo địa bàn.

Từ đây Sáu như chim sổ lồng bay giữa khoảng trời bao la, như dòng sông nhỏ được ra gặp biển lớn – cách mạng, thỏa sức đam mê cống hiến cho sự nghiệp giải phóng quê hương thoát khỏi sự xâm lược của thực dân Pháp và tay sai, mang lại hạnh phúc bình an cho nhân dân.

Kỳ 2: Lập nhiều chiến công trước ngày định mệnh

Từ năm 1947, Võ Thị Sáu là đội viên của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Với lòng gan dạ, mưu trí, Võ Thị Sáu được giao nhiệm vụ trinh sát, nắm tình hình của địch, từ đó cung cấp nhiều thông tin chính xác, giúp Đội hoàn thành nhiều nhiệm vụ.

Khám Chí Hòa, Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), nơi giam giữ Võ Thị Sáu. (Ảnh tư liệu)

Lần tham gia nhiệm vụ đầu tiên của Võ Thị Sáu là cùng Đội phá vỡ buổi mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp, 14/7/1948. Vượt qua nhiều vòng kiểm soát của địch, Võ Thị Sáu ém phía góc chợ Đất Đỏ, sát khán đài từ lúc nửa đêm. Sáng hôm sau, khi xe tỉnh trưởng Lê Thành Tường vừa tới thì Sáu liệng lựu đạn vào xe. Các thành viên của Đội yểm trợ và tạo áp lực giải tán cuộc biểu tình. Trận đánh đã gây được tiếng vang lớn. Uy tín, sức mạnh của Việt Minh lan rộng.

Tiếp theo là trận đánh giết tên cai tổng Tòng do đội trưởng Mai Văn Láng giao Võ Thị Sáu trực tiếp đảm nhiệm. Cai tổng Tòng vốn là kẻ thù của nhân dân, từng gây ra rất nhiều tội ác trong vùng. Trong sách “Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại” Nguyễn Đình Thống kể: “Một buổi sáng, Võ Thị Sáu theo đoàn người vào làm căn cước, trái lựu đạn nằm gọn trong cơi đựng trầu. Giữa buổi, người thưa dần, Sáu rút lựu đạn liệng thẳng vào mặt Tổng Tòng rồi hô: Việt Minh tấn công!”.

Sau đó ít lâu, Võ Thị Sáu tham gia giết 2 tên ác ôn khét tiếng trong vùng là Cả Đay, Cả Suốt. Không ngờ, đây cũng là trận đánh cuối cùng của chị. Vào dịp cuối năm bà con tất bật chuẩn bị đón Tết Canh Dần 1950, khi chúng cùng lính đi xét, cướp giật tại phiên cuối năm tại chợ Đất Đỏ. Võ Thị Sáu mặc bộ bà ba đen, chân đất, lẫn trong đoàn người vào chợ sắm Tết, nhưng không ai hay biết trong giỏ đồ của chị phía dưới giấu 2 trái lựu đạn. Bám sát phía sau hai tên ác ôn và tốp lính, chờ chúng đi ra khỏi chợ, chị Sáu rút lựu đạn vung tay ném. Sau tiếng nổ ngang tai, Cả Đay, Cả Suốt đổ gục… Võ Thị Sáu ra sức chạy về phía ấp Hiệp Hòa. Địch ra vây bắt, Võ Thị Sáu dùng nốt trái lựu đạn thứ 2 nhưng lựu đạn không nổ. Chị Sáu bị địch bắt đưa về tra tấn tại bót Đất Đỏ, sau đó, chúng đưa chị Sáu đến khám Bà Rịa giam trong 3 tháng.

Tháng 3/1950, chúng chuyển chị Sáu đến phòng số 9, khám Chí Hoà. Tại đây, Võ Thị Sáu quen với nhiều nữ chiến sĩ cách mạng. Họ dành cho Võ Thị Sáu tình cảm đặc biệt. Cũng chính họ đã dạy văn hóa cho Võ Thị Sáu, động viên, khích lệ Võ Thị Sáu ý chí kiên định khi đối phó với kẻ thù. Nhờ vậy, dù trong hoàn cảnh nào, chị Sáu vẫn tuyệt đối trung thành. Tháng 4/1951, thực dân Pháp đưa Võ Thị Sáu ra tòa án binh. Nhờ sự giúp đỡ của các chị lớn tuổi trong trại 9, Võ Thị Sáu đã biến nơi xét xử thành nơi tố cáo kẻ thù. Trước mặt tên Chánh án, Võ Thị Sáu dõng dạc: “Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là một tội”. Kết thúc phiên tòa, chị Võ Thị Sáu bị kết án tử hình vì tội “giết người, phá rối trật tự trị an, chống lại nền bảo hộ của nước Pháp”. Trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, nhất là nhân dân Pháp tiến bộ về bản án dành cho một nữ tù tuổi thành niên, thực dân Pháp không dám thực hiện án tử hình Võ Thị Sáu tại Sài Gòn. Chúng lén lút đưa chị Võ Thị Sáu ra Côn Đảo. Chuyến tàu định mệnh đưa Võ Thị Sáu cùng 40 tù chính trị đã khởi hành ra Côn Đảo vào sáng 21/1/1952…

Kỳ 3: Hiên ngang trước họng súng quân thù

Ngày 22/1/1952 Thực dân Pháp đã lén lút đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo với số tù G.267 để hành quyết. Chiếc hải vận đưa người nữ tù Võ Thị Sáu cập vịnh Côn Đảo, neo tại Đá Trắng.

Chúa đảo Jacty ra lệnh giải Võ Thị Sáu về giam biệt lập ở xà lim, dưới sự giám sát, canh giữ nghiêm ngặt của chủ Sở Cò. Sở Cò là nơi làm việc của Cảnh sát tư pháp tại nhà tù Côn Đảo, hoạt động từ năm 1929, do quản đốc (chúa đảo) trực tiếp điều hành, với chức năng đàn áp, bắt bớ, giam cầm những tù nhân chính trị tham gia đấu tranh, biểu tình…

Sở Cò-Côn Đảo, nơi thực dân Pháp giam giữ Võ Thị Sáu trước lúc hành quyết. Ảnh: Tư liệu

Những tù nhân đi làm trên tàu thấy một người con gái còn trẻ tuổi bị áp giải từ Cầu Tàu (914) lên Sở Cò. 12 tên lính lê dương lên bờ đi dạo quanh Côn Đảo. Anh em trại tù áo trắng làm các sở, liên hệ với những người bán hàng thủ công để thăm dò tin tức và cho biết sẽ xử bắn một người con gái. Tin truyền nhanh chóng khắp các lao nhưng chưa biết cô gái này là ai. Anh Hùng tù binh người Bắc được đưa lên làm văn phòng chúa đảo, báo cáo lại cho đồng chí Triêm, sau đó mật báo cho Liên đoàn tù nhân Côn Đảo. Được tin chị Võ Thị Sáu bị giam tại xà lim Sở Cò, Đảo ủy và Liên đoàn Tù nhân kháng chiến Côn Đảo bí mật liên lạc với chị Sáu. Đồng chí Triêm đã gửi cho chị Sáu một mẩu giấy nhỏ, ghi nội dung biểu dương truyền thống bất khuất trước quân thù và gửi lời động viên, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Nhận được tin, chị Võ Thị Sáu phấn chấn hẳn lên và trả lời đầy ý chí: “Mấy anh yên tâm, em biết chọn con đường sống, chiến đấu cho độc lập dân tộc thì em cũng biết chọn cho mình cái chết xứng đáng. Em gửi lời chào hết mấy anh…”. Chị Sáu cho biết, chị đã chuẩn bị tư tưởng, đầy đủ khi chúng đưa đi bắn và chị cho biết khi đưa xuống tàu, chúng giữ hết sức bí mật, nhốt chị trong thùng đựng hàng. Lúc 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, trước khi bắn, chúng dẫn chị Sáu lên văn phòng gặp tên Cò để làm thủ tục hành chính. Anh Mẫn, tù nhân làm bồi cho tên Cò kể lại: “Chị Sáu không chấp nhận rửa tội, bảo: “Tao không có tội gì!”. Chúng cho chị uống một ly rượu nhỏ (không phải cho ăn bữa cơm theo thủ tục), chị hất đi không uống. Tên chúa đảo Arty hỏi chị muốn gì. Chị yêu cầu gởi về cho gia đình một nắm tóc và bộ quần áo của chị. Chúng chấp nhận cho gởi một nắm tóc, chiếc lược và chiếc khăn tay. Những thứ này được gói lại, ký gởi ở ngân khố theo thủ tục. Chủ ngân khố lúc đó là Trần Văn Thiều. Đồng chí Phan Sỹ Hùng trong ban liên lạc của Đảo ủy, cho biết thêm chi tiết sau: “Khi lái chiếc xe chở chị Sáu ra pháp trường, chúng bắt để xe ở xa và dẫn chị đi bộ vào nơi xử bắn cách chỗ xe đậu khoảng 100m, phía sau lao 3 (tức lao 4 hiện nay). Lúc sắp bắn chị không cho bịt mắt. Chị hát bài hát “Tuốt gươm thiêng” và hô to “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Chúng không cho chị hô tiếp và ra lệnh bắn, nhiều tên bắn bổng không nhắm vào người chị. Lúc đó khoảng 5 giờ sáng…”.

Tấm gương hy sinh trung trinh sáng chói của Võ Thị Sáu thể hiện người chiến sĩ công an xung phong sẵn sàng vì nước, vì dân chiến đấu với kẻ thù đến cùng. Võ Thị Sáu tiêu biểu cho lớp thanh thiếu niên được Cách mạng Tháng Tám (1945) giải phóng, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng, chiến đấu vì độc lập, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Sự hy sinh cao cả của chị Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ trở thành biểu tượng cao đẹp, cổ vũ tinh thần cho lớp lớp thanh niên cả nước đứng lên chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Kỳ 4: Và truyền thuyết cứ lan dần như sóng

Nghĩa trang Hàng Dương hôm nay, chị Võ Thị Sáu nằm đó, bên cạnh những chiến sĩ cách mạng đã anh dũng ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến. Ai đến Hàng Dương cũng viếng mộ chị, tưởng nhớ người thiếu nữ Anh hùng đã sống, chiến đấu và hy sinh như một huyền thoại.

Đi giữa hai hàng lính/Vẫn ung dung mỉm cười/Ngắt một đóa hoa tươi/Chị cài lên mái tóc – đó là hình tượng chị Võ Thị Sáu ra pháp trường, mà chỉ cần 4 câu thơ, Phan Thị Thanh Nhàn đã làm rung động cả triệu con tim. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng kể, khi viết bài “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn”, bà đã nghe rất nhiều giai thoại về chị Võ Thị Sáu. “Đó đều là những câu chuyện đẹp mà con người ta chỉ cần nghĩ đến thôi, cũng thấy mình đẹp lên”, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nói.

Mộ nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Về cuộc đời của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu đúng là có rất nhiều giai thoại, như Phan Thị Thanh Nhàn đã viết: Từ buổi mai chị ngã/Đã có bao câu chuyện/Về chị Sáu linh thiêng/Những truyền thuyết không tên/Cứ lan dần như sóng. Nhưng trong mỗi giai thoại, đều chứa đựng những thực tế. Có những chi tiết đã được kiểm chứng từ những người sống cùng thời.

Bác sĩ Dương Thúc Huy, người chứng kiến cảnh chị Sáu ra pháp trường và khám nghiệm tử thi chị Võ Thị Sáu kể lại: “Tôi đã thấy một nữ Anh hùng ở tuổi đôi mươi. Chị đã hát trước họng súng, bằng trái tim gang thép”.

Để tưởng nhớ Võ Thị Sáu, sau khi địch thi hành án tử hình, tối 23/1/1952, kíp làm thợ hồ ở khám 2, Banh I đã xây mộ và đúc tấm bia bằng xi măng gắn trên mộ với dòng chữ: “Võ Thị Sáu, 17 tuổi, liệt sĩ tỉnh Bà Rịa, hy sinh ngày 23/1/1952”. Sáng hôm sau, nghe tin nhóm tù nhân xây mộ cho Võ Thị Sáu, Giám ngục Jarty dẫn lính đến đập nát tấm bia, san bằng ngôi mộ. Chúng muốn mọi thứ về người nữ Anh hùng phải sớm chìm vào quên lãng. Nhưng chúng đã nhầm. Sáng hôm sau, mộ chị Sáu lại cao hơn trước và một tấm bia khác lại được đặt lên trang trọng.

Giám ngục Jarty sai lính tra tấn, khủng bố kíp thợ hồ đã xây mộ Võ Thị Sáu. Chúng lôi từng người thợ hồ ra đánh đập dã man, nhưng không một ai hé nửa lời… Những ngày tiếp theo, tù nhân vẫn bí mật chăm sóc mộ Võ Thị Sáu. Và người trên đảo Côn Sơn truyền tai nhau, những tên lính hỗn xược phá bia mộ đều phải trả giá bằng cách này, hay cách khác. Từ đó, người ta lan truyền rằng cô Sáu rất linh thiêng, không ai có thể đập phá bia mộ…

Năm 1964, vợ chồng Thiếu tá Tăng Tư, Tỉnh trưởng Côn Sơn đã lập bàn thờ chị Võ Thị Sáu ở nhà riêng. Trải qua những biến động lịch sử, gia đình ông vẫn an toàn. Vợ chồng họ sau đó còn trùng tu, tôn tạo và gắn trên mộ chị Sáu một tấm bia bằng đá cẩm thạch, mua từ Chợ Lớn, Sài Gòn…

Trước đây, bên mộ chị Sáu có một cây dương liễu đã héo nhưng còn một cành cây hướng về phía Bắc vẫn sống tươi xanh lạ thường. Người ta tin rằng, đó là chị Sáu hướng về miền Bắc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tên của Người đã được chị hô vang trước khi ngã xuống trước họng súng của kẻ thù.

Năm 1995, ngôi mộ chị Sáu được trùng tu tôn tạo khang trang và trồng thêm cây lê-ki-ma, được đem từ quê hương Đất Đỏ, nơi chị Sáu đã sinh ra, lớn lên và tham gia hoạt động cách mạng.

Hiện nay, mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu nằm tại khu D Nghĩa trang Hàng Dương. Vào ngày rằm, mồng một, ngày giỗ chị Sáu (23/1), nhân dân trên đảo vẫn thường ra đây nhang khói như một lời tri ân, tưởng nhớ về người nữ Anh hùng, người con của miền Đất Đỏ, quê hương Bà Rịa – Vũng Tàu.

Kỳ 5: Tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo

Tấm gương bất khuất của chị Võ Thị Sáu đã được nhân dân và Nhà nước tôn vinh như một biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng. Tên của chị Võ Thị Sáu đã được đặt cho nhiều con đường, ngôi trường, công viên, tên Đoàn, tên Đội, tên quỹ học bổng… trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Và chị là hình tượng đẹp để thế hệ trẻ noi theo.

Những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi về thăm Nhà lưu niệm và Công viên tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Võ Thị Sáu tại TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ. Cúi mình thắp nén tâm nhang thành kính trước tượng đài nữ Anh hùng, chúng tôi ai nấy không khỏi xúc động khi nghe giới thiệu về ý chí kiên cường, bất khuất của chị từ quá trình tham gia cách mạng đến khi hy sinh…

Để ghi nhớ công ơn nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, năm 1982, Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền và Đất Đỏ) đã xây dựng công viên, tượng đài chị Võ Thị Sáu trên khu đất có diện tích 4.100m2 tại TT.Đất Đỏ. Trong công viên có đặt bức tượng bằng đồng cao 7m, khắc họa hình ảnh chị Sáu hiên ngang ra pháp trường. Năm 2001, huyện Đất Đỏ xây dựng Đền thờ Võ Thị Sáu ngay phía sau tượng đài, trưng bày tư liệu hình ảnh về cuộc đời của chị Võ Thị Sáu từ khi bắt đầu tham gia cách mạng cho đến khi bị bắt và hy sinh. Cách khu công viên, tượng đài khoảng 100m là Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu – nơi lưu giữ những hình ảnh liên quan đến người con gái kiên trung.

Từ nhiều năm qua, Công viên, Tượng đài, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu đã trở thành nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời phục vụ du khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, dâng hương tưởng nhớ người nữ Anh hùng. Nơi đây cũng được nhiều cơ sở Đoàn, Đội chọn làm địa chỉ về nguồn để giáo dục truyền thống cho ĐVTN, HS. “Mỗi dịp lễ lớn của đất nước, chúng tôi đều tổ chức cho ĐVTN đến thắp nhang tại Công viên, Tượng đài, Nhà lưu niệm Võ Thị Sáu và báo cáo với chị những hoạt động của Đoàn. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ ôn lại truyền thống và tự hào về tuổi trẻ của thế hệ cha anh đi trước và là dịp để chúng tôi nhìn lại những việc mình đã làm vì cuộc sống cộng đồng”, anh Lê Minh Quan, Bí thư Huyện Đoàn Đất Đỏ cho hay.

Tại các trường học trên địa bàn huyện Đất Đỏ, vào sáng thứ Hai hàng tuần đều tổ chức những hoạt động tái hiện hình ảnh các nhân vật Anh hùng liệt sĩ qua hình thức sân khấu hóa. Thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cho biết, thầy và trò nhà trường rất vinh dự được giảng dạy và học tập dưới mái trường mang tên người nữ Anh hùng liệt sĩ. Trong quá trình giảng dạy, nhà trường tổ chức cho HS học tập, noi gương chị Võ Thị Sáu nói riêng và các Anh hùng liệt sĩ, các nhân vật lịch sử nói chung. Mỗi năm học, tùy theo chủ đề của từng tháng, nhà trường tổ chức các chương trình theo hình thức sân khấu hóa bằng các vở kịch, vai diễn do HS thực hiện để các em có cơ hội hiểu sâu hơn về người con gái yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, bất khuất, kiên trung. “Vào cuối năm học, chúng tôi thường tổ chức lễ ra trường cho HS khối 12 tại Tượng đài chị Võ Thị Sáu. Hiện nay, nhà trường đang xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ những tư liệu, tài liệu về chị Sáu để các thế hệ HS tiếp cận các thông tin chính xác về người nữ Anh hùng liệt sĩ của quê hương”, thầy Lợi thông tin thêm.

Kỳ cuối: “Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng”

“Mùa hoa lê-ki-ma nở

Ở quê ta miền Đất Đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở…”

(Biết ơn chị Võ Thị Sáu).

Ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” được nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác năm 1958, hưởng ứng cuộc thi sáng tác đề tài về người con gái miền Nam. Nhạc sĩ tình cờ đọc được câu chuyện về Võ Thị Sáu trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chi tiết: Thời thơ bé, chị Sáu rất thích chơi hoa lê-ki-ma. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã quyết định lấy hoa lê-ki-ma làm hình tượng Võ Thị Sáu.

Cây lê-ki-ma có nguồn gốc từ vùng núi Andes ở Nam Mỹ. Người Việt Nam quen gọi là cây trứng gà vì khi chín, trái có ruột giống lòng đỏ trứng gà. Thực tế, không có nhiều người biết về bông hoa lê-ki-ma. Vì vậy, có lẽ nhạc sĩ dùng hình ảnh loài hoa ấy để tượng trưng cho tuổi trẻ anh hùng, vẻ đẹp vĩnh cửu của người thiếu nữ đã hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Và vì vậy, hoa lê-ki-ma đã trở thành biểu tượng anh hùng bất diệt trong thi ca cách mạng Việt Nam.

“Chị Sáu đã hy sinh rồi

Giọng hát vẫn như còn vang dội

Vào trái tim những người đang sống

Giục đi lên không bao giờ lui”.

Viết một bài hát về câu chuyện lịch sử bi hùng không hề dễ dàng. Quá ủy mị, hoặc quá đao to, búa lớn đều khó tiếp nhận. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã khéo léo khi kể câu chuyện về Võ Thị Sáu thật dung dị, truyền tải cảm xúc đến người nghe, khơi gợi lòng tự hào, biết ơn về người nữ anh hùng bằng những ca từ giản dị, gần gũi. Ông so sánh người thiếu nữ như mùa xuân đang độ hương sắc, đẹp như bông hoa lê-ki-ma vừa hé nở. Người thiếu nữ ấy xứng đáng được đón nhận tình yêu, hạnh phúc như bao cô gái cùng độ tuổi nhưng chiến tranh, quân xâm lược đã cướp đi khát vọng đẹp đẽ ấy. Người con gái ấy đã tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương và ngã xuống ngay trên mảnh đất ruột thịt của mình:

“Kìa hoa lê-ki-ma nở

Đẹp thêm quê miền Đất Đỏ

Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng

Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở

Mùa xuân lan tràn xứ sở”

Hình ảnh “hoa lê-ki-ma nở” mỗi độ xuân về được nhắc lại nhiều lần trong bài hát, như gợi nhớ về cái chết khi đang độ xuân thì của người thiếu nữ hóa thân vào từng cánh hoa, khiến người nghe bâng khuâng, xúc động.

Có nhiều ca sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư chọn trình bày bài hát này nhưng thành công nhất có lẽ phải kể đến NSƯT Thanh Thúy. Bài hát từng giúp Thanh Thúy đoạt giải tại Tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 1994. Chị còn được đạo diễn Lê Dân mời đóng vai nhân vật Võ Thị Sáu trong phim Người con gái Đất Đỏ năm 1995. Thanh Thúy tâm sự rằng cuộc đời và khí phách của Võ Thị Sáu mà chị cảm nhận qua những bài học trong trường cũng như trong giai điệu bài hát về người nữ anh hùng đã khiến chị nhập tâm và được giới chuyên môn đánh giá vai diễn gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Đã hơn 60 năm trôi qua, bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” vẫn khiến người nghe thuộc bao thế hệ cảm nhận được vẻ đẹp thanh xuân, khí phách kiên cường cùng lòng tự hào và biết ơn người nữ anh hùng Võ Thị Sáu của quê hương Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Ở quê ta miền Đất Đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở

Đời sau vẫn còn nhắc nhở

Sông núi đất nước ơn người anh hùng

Đã chết cho đời sau”

Xem thêm: Nữ anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu sống mãi cùng năm tháng

BÁO BÀ RỊA – VŨNG TÀU (Tổng hợp 6 kỳ)

4.3/5 - (11 bình chọn)
Bài trước
Tàu hoạt động trở lại trên tuyến Sóc Trăng – Côn Đảo và Vũng Tàu – Côn Đảo
Bài sau
Nữ anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu sống mãi cùng năm tháng
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.