Về chuyến tàu đày đi Côn Đảo của 1.012 người yêu nước năm 1972

Ngày 30 tháng 3 năm 1972, chiến dịch Xuân hè 1972 mở màn. Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu hệ thống phòng ngự của quân đội Sài Gòn vào những hướng chiến lược quan trọng: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu 5 và Khu 8 (Nam Bộ). Trong đó mặt trận Trị – Thiên được chọn là hướng tấn công chủ yếu. Khu 5, trong đó có Đà Nẵng là chiến trường phối hợp quan trọng. Mục tiêu nhằm làm tiêu vong chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cầm chân tối đa các lực lượng chủ lực của đối phương, phá vỡ chương trình bình định nông thôn, dành vị thế áp đảo trước khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng. Trung ương Đảng nhận định năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Nhiệm vụ cần kíp là đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị, binh vận và ngoại giao… tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện trên chiến trường miền Nam Việt Nam và cả trên bán đảo Đông Dương, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh… bằng một giải pháp chính trị.

Những cuộc tiến công như bão táp ấy đã làm chính quyền Sài Gòn hoảng loạn. Đầu tháng 4 năm 1972, đồng bào Quảng Trị bị o ép di tản, ồ ạt chạy vào Huế. Hầu hết các trường học lớn ở trung tâm TP Huế đều trở thành trại tạm cư. Ngày 12-4-1972, Cảnh sát ngụy quyền với đầy đủ công cụ trấn áp đã tập trung càn quét bà con lánh bom đạn (đang được Tổng hội sinh viên (THSV) Huế chăm sóc) ra khỏi Trung tâm tạm cư tại trường Nữ Trung học Đồng Khánh Huế. Tổng Hội SV Huế ra Bố cáo phản đối, chống đàn áp và o ép người dân, khẳng định sinh viên và bà con Huế luôn ở bên cạnh đồng bào Quảng Trị, dù bị tập trung đến bất cứ đâu. Bố cáo được Tổng Hội SV Huế trực tiếp công bố tại trường Đồng Khánh trong vòng vây và súng ống của cảnh sát Sài Gòn. Ngay trong buổi chiều hôm ấy, cuộc khủng bố trắng diễn ra. Năm thủ lĩnh của Tổng hội sinh vên Huế đã bị tấn công và bị bắt giữ. Ngày 27-4-1972, quân Giải phóng tấn công và chiếm Thị xã Đông Hà, ngày 2-5, Thị xã Quảng Trị được giải phóng, tàn quân Sài Gòn từ Quảng Trị chạy về Huế.

Ngày 1-5, một chiến dịch gọi là “Bình Minh” mở màn, cuộc khủng bố trắng lớn nhất diễn ra từ nông thôn lên đến thành phố, vào cả thành phố Đà nẵng. Tại Huế, sau khi tấn công và lùng sục các trụ sở đấu tranh đầu não của sinh viên học sinh như Tổng Hội SV Huế, Đại học xá Nam Giao, ngụy quyền Sài Gòn đã cho lùng sục nhà riêng của nhiều thủ lĩnh phong trào đô thị, các cán bộ chủ chốt của các đoàn thể nhân dân và SVHS Huế. Một số lãnh đạo khác của phong trào thoát khỏi cuộc ruồng bố đã vào tạm lánh ở Liên Chiểu, Đà Nẵng cùng một số tỉnh, thành phố khác và thoát ly ra vùng Giải phóng…Chiến dịch Binh Minh đã bắt và đưa đi đày lớn nhất trong lịch sử. Chuyến tàu HQ SL 500 ngày 4-5 đã đưa hàng ngàn đồng bào Huế yêu nước hoặc có liên quan với các cơ sở cách mạng ở Thừa Thiên Huế đày ra Côn Đảo. Thủ đoạn hết sức xảo trá, người bị bắt “được” ủy ban xã, ủy ban phường chính quyền Sài Gòn” mời đi họp”, thực chất là chùng bắt giữ, thu hết giấy tờ tùy thân và đưa bà con về lao tạm Huế ở đường Lê Quý Đôn. Trước tình huống bất ngờ này, thân nhân của các gia đình không biết người thân của mình bị đưa đi đâu, đã nháo nhác tìm kiếm khắp nơi.

Cuộc hành trình lịch sử trên biển.

Ngày 4 tháng 5, trên một ngàn người bị lùa lên những chiếc xe GMC đậu dọc đường sân vận động Huế (đường Lê Quý Đôn ngày nay) bắt đầu một cuộc hành trình chưa từng có trong lịch sử. Hai bên đường, tràn cả xuống bờ ruộng, hàng ngàn thân nhân của họ đứng chật ních kêu la, gào thét dậy cả một góc phố. Sau những ngày bị biệt giam trong lao tạm, những tù nhân với đủ lứa tuổi kỷ lục, già sáu, bảy, tám mươi cho đến trẻ và những em bé sơ sinh, tất cả không ai biết rằng đảo Côn Sơn là nơi họ sẽ bị đi đày! Một cảnh tượng kỳ lạ diễn ra trên đoạn đường dài từ sân vận động ra đường Lê Lợi. Những gói bánh chưng, những ổ bánh mì, những túi ni lông đựng áo quần, thức ăn… như có cánh mà bay lên các thùng xe. Cùng bị giải xuống tàu đi Côn Đảo với đồng bào Huế là trên một trăm anh chị em tù chính trị ở nhà lao Thừa Phủ. Trong số 1.012 người bị đi đày trên chuyến tàu ngày 4-5-1972 này, chỉ có 143 người đã bị chính quyền Sài Gòn kêu án. Tất cả họ bị lùa xuống hầm tàu chật hẹp. tối tăm với những chất thải của chừng ấy con người: phân, nước tiểu thải ra hàng ngày ngay trên sàn tàu và mồ hôi, hơi người trộn lại, rồi những cơn say sóng triền miên, họ đã lênh đênh sống dở, chết dở trên biển bảy ngày trời.

Trước cảnh sống khổ đau của đồng bào, nhất là những trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, những người già, những người tù sinh viên, học sinh Huế đã nhanh chóng làm công tác “binh vận” với những sĩ quan và binh lính Hải quân áp tải. Thế rồi, nước uống, lương khô, cơm sấy… đã đến được với mọi người. Nhiều bé sơ sinh đã phải theo mẹ ra Côn Đảo, có em chỉ mới mấy ngày tuổi còn đỏ hỏn nằm trên tay mẹ. “Bé đi đày ngày chưa được nằm nôi, như chú chuột con đỏ lòm trong tay mẹ..”. Các em sớm nếm mùi tù ngục. Những câu thơ xé lòng của người tù sinh viên Võ Quê viết trên chuyến tàu của tội ác này, sau đó được đăng trên tạp chí Đối Diện lúc bấy giờ như một lời tố cáo đanh thép tội ác của chính quyền Sài Gòn… Trên chuyến tàu lịch sử ấy, có một chuyện vô cùng độc đáo, một số sinh viên chủ chốt của Tổng Hội sinh viên Huế, trong đó có một người là em trai của hạm trưởng chiến hạm này, đã đi cùng chuyến tàu với tư cách là khách. Ông hạm trưởng đã thầm lặng đưa các anh em này lên tàu khi ghé cảng Đà Nẵng để lấy thêm nước ngọt. Cuộc đào thoát khỏi trận càn quét trong chiến dịch Bình Minh của ngụy quyền Sài Gòn thật là đặc biệt!

Cũng nhờ vậy, sự khổ ải của bà con cũng giảm bớt. Và những người tù khi đặt chân lên Côn Đảo ấm lòng vì có những đồng đội chí cốt “tiển đưa”, dù chỉ qua ánh mắt lặng lẽ nhìn nhau !

Cuộc hành trình thật vô cùng gian khổ, đói và khát hoành hành mọi người. Suốt hai ngày đầu tiên mỗi người chỉ được một vắt cơm. Nước ngọt quá hiếm hoi, các em bé khát sữa, khát nước khóc đến khản cổ. Vệ sinh ngày càng kinh khủng. Số phận những người đi đày thật sự bi đát. Người lớn, trẻ em sốt la liệt. Cả ngàn đồng bào và trẻ em ăn uống, bài tiết ngay trên cái sàn tàu tối tăm. Những người lính Sài Gòn đã ngất khi ngửi phải những chất thải này. Trong tình cảnh đó, những người tù không gì khác hơn là mong tàu sớm đến Côn Đảo, dẫu biết rằng nơi ấy là một địa ngục trần gian! “Bé thơ ơi!, Đừng khóc để lòng vui, Vắt cơm tù không mặn bờ môi, Bé ngậm đỡ, Ngày mai ta trả lại, Giặc cùng đường, Giặc giam ta đói, Nhưng sợ gì lòng ái quốc ta no”.

Sau 7 ngày lênh đênh trên biển, ngày 11 tháng 5, tàu cập bến. Côn Đảo đang mùa hạ, hoa phượng đỏ rực một góc trời. Trên 1.000 tù nhân bị phân tán qua các tàu nhỏ lên Côn Đảo. Cuộc sống lưu đày ở hòn đảo này đã bắt đầu với những người con của thành phố Huế anh hùng.

Nhà tù Côn Đảocó khoảng 8.000 tù nhân bị giam giữ, lúc cao nhất lên đến 10.000, 11.000 người. Vậy mà, cái mùa hè khủng khiếp ấy, riêng số tù nhân có án và không có án từ Thừa Thiên Huế bị đưa ra đã hơn 1.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 10% số tù nhân trên đảo! Chưa nói, có lẽ đây là lần lưu đày duy nhất, vì bên cạnh những tù nhân lớn tuổi là những “tù nhân” trẻ em, trẻ sơ sinh !

Bộ máy cai ngục Côn Đảo đưa tất cả về trại II. Suốt trong 3 tháng địch đã tiến hành cái việc nhục hình, tra tấn hết sức dã man, tàn bạo tù nhân để lấy cung. Có người bị tra tấn cả tháng trời! Tra tấn xong, chúng nhốt vào xà lim, sự sống chỉ còn là gang tấc. Sau đó chúng phân loại, để phần đông trong số 1.000 người giam tại trại II và chuyển những tù nhân “cứng đầu” cùng các dì, các chị ở lao Thừa Phủ đến giam tại trại IV. Chúng tôi là một trong số những người bị chuyển trại đó. Đây là trại “Nữ chống đối” giam cầm những nữ tù nhân mà chúng đã chuyển từ các nhà lao Chí Hòa, Tân Hiệp, Kontum… ra. Trại II và trại IV là 2 trong 4 trại xây từ thời Pháp thuộc. Mỗi trại có từ 10 đến 12 phòng, các phòng chỉ rộng chưa đến 100m2, chỗ ngủ là bậc xi măng cao chừng 0,5m. Mỗi phòng chúng nhốt chừng 100 người, nhưng những khi đông tù nhân như mùa hè 1972, chúng nhốt trên 100 người nên không khí ngột ngạt, ẩm thấp. Phòng chỉ có một cửa duy nhất, phía trên nóc có một lỗ thông hơi. Mỗi ngày, chúng chỉ mở cửa một lần để tù nhân ra làm vệ sinh cá nhân, hít thở… Ăn thì mỗi bữa một chén cơm hẩm với mắm sặc/ người, uống thì một thứ nước đặc quánh phèn. Dù chế độ lao tù khắt nghiệt, ở trại nữ chống đối này, tất cả nữ tù nhân đã đoàn kết thành một khối, thương yêu, chia ngọt xẻ bùi cùng nhau, sống bất khuất, chống chào cờ của ngụy, thường xuyên tổ chức những cuộc đấu tranh đòi trả về đất liền, đòi quyền dân sinh, dân chủ… Một trong những hình thức đấu tranh là tổ chức các buổi phát thanh. Chị em chọn hai người khỏe đứng làm bệ cho một người nữa đúng trên hai vai. Người này trước đó đã biên soạn nội dung phát thanh rồi dùng loa giấy chĩa lên lỗ thông hơi trên nóc phòng đọc các tuyên cáo, thông báo kêu gọi đấu tranh. Những lần như vậy, địch đã trả đũa bằng những trận đàn áp dã man, vẫn không làm các nữ tù nhân nao núng. Trại II có 5 phòng nam, 5 phòng nữ đối diện, ngăn cách nhau bằng một cái sân có trồng nhiều cây bàng. Cuối sân có nhà thờ Thiên Chúa giáo. Sau lưng nhà thờ là hai dãy xà lim giam cầm những người bất khuất. Các tù nhân nam làm công việc nấu và chia cơm đem đến các phòng. Cơm được nấu trong những chảo lớn từ những loại gạo xấu, đã ẩm mốc. nhiều sạn, đổ vào những thùng cây, nơi ruồi nhặng từ cống rãnh, nhà tiêu bay lên bu đen đặc. Thức ăn chủ yếu là loại khô đã mục và măm sặc, loại mắm được làm từ cóc, nhái, rắn… lâu năm, đã có giòi…, thỉnh thoảng thay vào tí mắm ruốt mà nghe mùi đã buồn nôn… Với những người tù mới, đa phần là người già, trẻ nhỏ thì thời gian này thật vô cùng khổ ải. Tất cả tù nhân ở Côn Đảo, từ tù tử hình, chung thân khổ sai, tù có án nhiều năm, tù chính trị, đều mang bảng số thay cho tên họ để gọi, được phân hạng theo mẫu tự A,B,C… Phần lớn hững người tù từ Huế ra được đặt tên từ chữ F… Mẫu tự F là tù chưa thành án.

Cũng trong mùa hè ấy, một chuyến tàu thứ hai từ Đà nẵng đã chở hàng trăm người yêu nước khác nữa đày ra Côn Đảo… Cái chiến dịch Bình Minh ấy, đã làm một tội ác lịch sử, đày một lần hàng ngàn người yêu nước và con cái họ ra nhà tù Côn Đảo, nơi thời chống Pháp rồi chống Mỹ, người tử tế vẫn xem là quê hương thứ hai của những người Việt yêu nước lúc bấy giờ. Một sự thật bi tráng mà vô cùng vĩ đại./.

HOÀNG THỊ THỌ
Cựu tù chính trị Côn Đảo
https://www.baotangbrvt.org.vn/index.php?Module=Content&Action=view&id=351&Itemid=315

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Hòn Trác Lớn (Hòn Phú Hưng)
Bài sau
Di tích Nhà tù Côn Đảo qua hồi ức của một cựu tù chính trị
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.