Tù chính trị Côn Đảo đấu tranh bảo vệ lý tưởng cộng sản, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam

Đề tựa tập “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao”. Bốn câu thơ trên là điều tâm đắc của những người tù chính trị Côn Đảo, chữ “tinh thần” trong bài thơ hiểu theo nghĩa rộng bao gồm khí tiết, lý tưởng, lẽ sống, trí tuệ và nhân cách con người, đó cũng chính là thứ vũ khí duy nhất mà người tù tự trang bị cho mình để chiến đấu và chiến thắng. Lý tưởng cộng sản và đạo lý dân tộc là hai yếu tố chính được kết hợp sinh động trong mỗi người tù chính trị, mỗi thế hệ tù nhân, tạo nên những phẩm chất cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu, người Bí thư đầu tiên của Đặc khu mỏ Hòn Gai (1930) vào phút hấp hối trong khám cấm cố vẫn trăn trở còn cách gì để đóng góp cho cách mạng. Đồng chí đã cởi tấm áo duy nhất đang mặc trên người khoác cho người bạn tù đang nằm bên cạnh với lời trăn trối: “ráng sống mà phục vụ cho cách mạng”. Hình ảnh của người cộng sản “chết còn cởi áo cho nhau” đã trở thành một biểu tượng cao đẹp “ sống vì Đảng chết không rời Đảng”. Người thanh niên Lê Ngọc Hương tiêu biểu cho một thế hệ tù nhân kháng chiến trong cuộc đấu tranh chống cúi đầu lúc điểm danh với lời tuyên bố bất hủ trước bọn cai ngục “ cái đầu chúng tôi có thể rời khỏi cổ, nhưng từ nay không bao giờ cúi nữa”. Người thiếu nữ Võ Thị Sáu ung dung bước ra pháp trường và từ chối rửa tội với lới tuyên bố hùng hồn “Tôi không có tội, chính bọn thực dân Pháp xâm lược mới là kẻ có tội”. Từ chối bịt mắt, chị nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hô vang khẩu hiệu : “Việt Nam độc lập muôn năm!” khiến kẻ thù phải bàng hoàng kinh sợ ngay cả khi chị đã ngã xuống.

Từ năm 1954, Mỹ – Ngụy sử dụng nhà tù Côn Đảo như một công cụ đắc lực trong quốc sách “tố cộng, diệt cộng”. Chúng dùng mọi thủ đoạn đày ải, xiết bóp đòi sống, truy bức lý tưởng, khung bố, đàn áp, dụ dỗ, mua chuộc nhằm cưỡng bức những người tù chính trị phải từ bỏ lý tưởng cộng sản, ly khai Đảng cộng sản, đả đảo lãnh tụ của mình, qui thuận chế độ quốc gia, trở thành tay sai tiếp tay cho chúng đánh phá phong trào cách mạng. Sự thâm độc của Mỹ – Ngụy là ở chỗ toàn bộ các thủ đoạn trị tù của chúng đều nhằm đánh vào sinh mạng chính trị của người tù làm cho họ suy sụp về lý tưởng, mòn mỏi về ý chí, tha hóa về nhân cách, vô hiệu hóa về hoạt động đấu tranh. Chính vì thế mà cuộc đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo mang một sắc thái chính trị điển hình và trở thành tiêu điểm của cuộc đối đầu giữa những người cộng sản trung kiên và thế lực thống trị cực đoan, tàn bạo nhất.

Tiêu biểu trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Cộn Đảo thời Mỹ – Ngụy là tập thể chống ly khai của tù chính trị câu lưu (không án tiết) và tập thể chống chào cờ của tù chính trị. Trên một nghìn tù chính trị câu lưu trại 1 đã kiên cường đấu tranh chống ly khai Đảng cộng sản, chống hô khẩu hiệu xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bảy năm liên tục, từ năm 1957 đến năm 1963. Hơn năm trăm người đã hy sinh anh dũng. Đến tháng 4/1960, còn lại 59 người chống ly khai địch đưa về Chuồng cọp và thiết lập chế độ khủng bố vô cùng man rợ. Tháng 3/1961 lực lượng chống ly khai chỉ còn lại 17 người tại Chuồng cọp Pháp. Từng người đã viết bản xác định lập trường, cam kết thà chết không ly khai cộng sản, không đả đảo lãnh tụ Hồ Chí Minh, không từ bỏ con đường cách mạng đấu tranh vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Những bản xác định lập trường dài, ngắn khác nhau, song tất cả đều rực sang phẩm chất kiên cường của người cộng sản. Bản xác định lập trường và chủ trương quyết tử chống ly khai đến người cuối cùng của những người tù chính trị ở Chuồng cọp là kết tinh truyền thống đấu tranh bất khuất của tập thể tù chính trị chống ly khai trại 1. Các chiến sĩ chống ly khai đã trả giá bằng máu và mạng sống của mình. Kẻ địch đã điên cuồng khủng bố, đàn áp, tập trung những tên ác ôn nhất đánh một trận chết tại chỗ bảy người, tàn phế ba người và tiếp tục đảy ải, hành hạ cao hơn đối với bảy người còn lại. Hai đồng chí Trần Trung Tín và Lưu Chí Hiếu đã lần lượt tuyệt thực đến chết để phản đối hành động khủng bố man rợ và ngăn chặn bàn tay khát máu của kẻ thù. Toàn thể tù chính trị Côn Đảo khi đó đã theo dõi từng giờ từng phút cuộc chiến đấu của các chiến sĩ chống ly khai ở Chuồng cọp. Họ đã tìm đủ mọi cách để nuôi dưỡng, bảo vệ các anh với một sự ngưỡng mộ đặc biệt và noi gương các anh, vươn lên trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết. Năm chiến sĩ còn lại tiếp tục dương cao ngọn cờ chống ly khai cho đến ngày toàn thắng, kẻ thù phải chào thua và trả tự do cho các anh sau ngày Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Tên đại úy Trần Văn Tám, phó tỉnh trưởng kiêm phụ tá quản đốc nhà tù đã phải thú nhận trước năm chiến sĩ kiên cường rằng : “ vũ lực không thể thắng nổi trái tim người cộng sản”. Năm chiến sĩ toàn thắng trở về đã được tập thể tù chính trị Côn Đảo tặng danh hiệu “năm ngôi sao sáng” và nêu gương học tập trong tù. Cuộc đấu tranh chống ly khai của tù chính trị câu lưu, mà tiêu biểu là “năm ngôi sao sáng” đã thôi thúc lực lượng tù án chính trị vươn lến đấu tranh mạnh mẽ từ năm 1964. Nếu như đấu tranh chống ly khai là đỉnh cao của phong trào đấu tranh của tù chính trị câu lưu thì đấu tranh chống chào cờ Ngụy là đỉnh cao của phong trào đấu tranh của tù án chính trị. Công khai không thừa nhận chế độ chính quyền Sài Gòn, không chào cờ ngụy, không hô khẩu hiệu phản động là nội dung cơ bản trong cuộc đấu tranh của tù án chính trị Côn Đảo. Giống như tù chính trị câu lưu chống ly khai, lực lượng tù án chính trị chống chào cờ đã phải chịu nhiều cực hình nghiệt ngã. Họ bị còng tréo chân tay trong Chuồng cọp, bị cúp cơm, cúp nước, bị đánh đập bằng củi gộc, bị rải vôi bột rồi xối nước lên đầu…khi con số chống chào cờ lên đến 180 người vào đầu năm 1967, ngụy quyền Côn Đảo đã tập trung lực lượng đàn áp, đánh đập, cúp phạt trong nhiều tháng liền.

Lực lượng tù án chính trị đã quyết định tuyệt thực đòi được tự do tư tưởng, chống đàn áp, giải tỏa chuồng cọp. Cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài 19 ngày địch mới giải quyết yêu sách, công nhận quyền tự do tư tưởng của tù chính trị, không bắt buộc họ phải chào cờ. khi đó 6 người trụ được đến phút cuối trong tình trạng hấp hối, sáu người chiến thắng trong cuộc đấu tranh ấy đã được phong thành “sáu ngôi sao” chống chào cờ của tù án chính trị. Là ngọn cờ đầu đưa phong trào đấu tranh của tù án chính trị lên đỉnh cao, là cuộc đồng khởi chống chào cờ, chống lao động khổ sai của tù án chính trị trên phạm vi toàn đảo tháng tám năm 1970.

Ở trong tù có nhiều hình thức và mức độ đấu tranh khác nhau. Có người chịu ly khai, chịu chào cờ chỉ vì sự khủng bố, đày ải quác sức chịu đựng. Có người chịu ly khai chịu chào cờ trên danh nghĩa mà lòng không theo quốc gia, không chống lại cộng sản. Chỉ có những con người đầy dũng khí mới dám công khai tuyên bố lập trường không ly khai cộng sản, không thừa nhận lá cờ ba que của Ngụy quyền trong khi họ đang bị xiềng xích, đối đầu với một chế độ khủng bố tàn bạo, chống cộng cực đoan. Phải là những người thực sự kiên cường mới dám đem thân xác mình ra hứng chịu đòn roi, đày đọa, chịu đựng đau đớn về thể xác, dày vò về tâm lý, dằng xé về tư tưởng để đổi lấy phẩm giá con người. Phải kết tinh được phẩm chất anh hùng mới có thể chịu đựng được hàng ngàn ngày đày ải khốc liệt, đến mức chết đi sống lại hàng trăm lần mà vẫn không sờn lòng, nhụt chí. Tên tuổi của “ năm ngôi sao sáng” toàn thắng trong cuộc đấu tranh chống ly khai của tù chính trị câu lưu, của “ sáu ngôi sao” chống chào cờ của tù án chính trị và các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo đã đi vào những trang sử hào hùng nhất của lịch sử nhà tù Côn Đảo.

Phùng Thị Hương
https://www.baotangbrvt.org.vn

Rate this post
Bài trước
Di tích Nhà tù Côn Đảo qua hồi ức của một cựu tù chính trị
Bài sau
Hoạt động báo chí cách mạng ở nhà tù Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.