Hoạt động báo chí cách mạng ở nhà tù Côn Đảo

Khi những người tù cộng sản bị thực dân Pháp đày tập trung ra Côn Đảo nhất là sau cao trào cách mạng 1930-1931, báo chí cách mạng trong nhà tù mới bắt đầu xuất hiện. Hàng loạt đảng viên và quần chúng yêu nước bị bắt và đày ra đảo, nhất là sau đợt khủng bố trắng của thực dân thì cảnh nhà ngục Côn Đảo ghê rợn đến khủng khiếp dưới sự cai quản của tên chúa ngục tàn bạo Bouver.

Số người tù chết hàng năm chiếm khoảng 10 -15% mỗi năm. Một vấn đề đặt ra đối với những người tù cộng sản lúc này là chịu chết dần chết mòn ở nơi hòn đảo giữa biển khơi này hoặc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc, tàn bạo của tù nhân để hạn chế sự tổn thất giành lại quyền sống, quyền tồn tại. Muốn cải tạo được hiện thực đen tối và tàn ác này mọi người đều xác định phải đoàn kết thống nhất lực lượng, có tổ chức làm hạt nhân lãnh đạo. Sau nhiều cuộc tranh luận bàn cãi, đầu năm 1932 Chi bộ cộng sản đầu tiên của nhà tù Côn Lôn ra đời, để thống nhất sự lãnh đạo đề ra những biện pháp đấu tranh buộc kẻ địch phải thực hiện đúng những qui chế của nhà tù như cấp phát vật chất trong sinh hoạt cho tù nhân, quyền được học tập văn hoá, đọc báo chí, chống chế độ ngược đãi, khủng bố…Sau nhiều cuộc đấu tranh bọn quản lý, cai ngục buộc phải chấp nhận một số yêu cầu, để tù nhân không phải đi lao động khổ sai, nên có điều kiện để tổ chức học tập, được đọc sách báo, từ gia đình bè bạn gửi ra (kể cả báo ngoại ngữ).

Năm 1934 tờ báo đầu tiên của tù chính trị do Chi bộ cộng sản trong nhà tù chủ trương đã ra đời có tên là “Bàn góp” được nhân làm nhiều bản. Đến cuối năm 1935 tờ báo “Ý kiến chung” viết trên giấy vở học trò, khổ 13cm x 19cm ra mắt ở khám 3, Banh I làm diễn đàn trao đổi ý kiến về các vấn đề đặt ra, qua những buổi học tập về chủ nghĩa Mác – Lê nin. Mỗi số đều có các chuyên mục tin tức, bình luận, xã luận và nghiên cứu lý luận. Báo được bí mật chuyền tay dưới dạng những bức thư gửi cho nhau. Giáo sư Trần Văn Gàu đánh giá về tờ báo này như sau: “Khi ấy xem như cơ quan lý luận và một số vấn đề cơ bản phải bàn thêm xung quanh và bên trong mỗi bài học chủ nghĩa Mác- Lênin…Thường nhất là thảo luận những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương như vấn đề: Lào, Miên, vấn đề các dân tộc thiểu số trong dân tộc Việt Nam. Nói chung là những vấn đề lớn mà luận cương chính trị 1930 mới đề cập sơ tới mà cần phải hiểu cho rõ hơn. “Ý kiến chung” còn đặt ra những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam.”

Khám 5 Banh I ra tờ báo “Người tù đỏ” có tính chất phổ cập, khổ 9cm x 13cm. Báo ra hằng tuần đưa tin tức tình hình phát động đấu tranh và giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin dưới dạng câu hỏi và trả lời. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ vừa là chủ bút, vừa là cây bút chính của tờ báo, ngoài ra là cây bút lý luận sắc sảo, thường xuyên viết cho báo “Ý kiến chung”. Anh em tù cộng sản ở Banh I, banh II đều tích cực viết báo.

Báo “Người tù đỏ” phù hợp với trình độ của nhiều người nên nhận được khá nhiều bài. Về sau báo “Người tù đỏ” được chuyển về Khám 6, 7 Banh I đổi tên thành tờ “Tiến Lên”, và là cơ quan thông tin, tranh đấu của chi bộ tù nhân. Tham gia biên tập tờ báo này có các đồng chí Hồ Văn Long, Phạm Hùng, Nguyễn Công Khương tức Lê Văn Lương…

Ngày 25-8-1945 một chuyến tàu chở những tên Nhật cuối cùng và số tù thân Nhật rời đảo về Sài Gòn. Trên đảo lúc bấy giờ không còn bóng dáng tên Tây, Nhật nào, có khoảng 3.000 tù do tên Lê Văn Trà và bọn ma tà cai quản. Một đơn vị bảo an từ Sài Gòn phái ra đảo để giữ trật tự trị an. Đảng ủy đã quyết định tổ chức lực lượng vũ trang để củng cố lực lượng cách mạng và ra ngay một tờ báo tuyên truyền giải thích đường lối của cách mạng, phổ biến chương trình của Việt Minh để mọi người hiểu rõ. Ông Nguyễn Công Khương tức Lê Văn Lương được phân công phụ trách tờ báo, lấy tên là tờ “Độc lập”. Ban biên tập gồm có Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Đình Trọng, Nguyễn Văn Vịnh, Nguyễn Mạnh Hoan, nhà sư Thiện Chiếu. Báo in thạch trên khổ giấy học trò 16cm x 20cm, khoảng 20 bản, vì Côn Đảo không tìm ra giấy khổ lớn hơn, nên phải in ra giấy nhiều tờ rồi đóng lại lại thành tập, dạng tập san. Bài xã luận đầu tiên của tờ “Độc lập” kêu gọi mọi người các tầng lớp hãy đoàn kết, sẵn sàng hy sinh để kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Báo “Độc lập” ra đời công khai ở giữa nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” tuy hình thức còn rất thô sơ nhưng đó là mốc son đánh dấu chặng đường đấu tranh gian khổ hy sinh của bao thế hệ yêu nước và cách mạng.

Tháng 11.1950 Quản đốc nhà tù Côn Đảo buộc phải chấp nhận cho thành lập Liên đoàn tù nhân, một tổ chức đoàn kết tương trợ của những người tù trên đảo. Danh sách ban chấp hành của Liên đoàn được công khai. Đây là trường hợp hiếm có xảy ra trong suốt 88 năm, kể từ ngày nhà tù được thành lập. Liên đoàn xuất bản tờ tập san lấy tên là “Côn Đảo mới” tiếng nói chung của tù nhân. Từ khi có Liên đoàn đời sống của tù nhân có phần được cải thiện. Ngoài ra một số banh khác cũng ra báo như “Đời sống mới”, “Văn Nghệ”. Một phong trào làm báo tường cũng xuất hiện ở từng khám hoặc và các sở tù. Khám tử hình có tờ “Bạn tù”, ở Sở Rẫy An Hải có tờ “Đoàn kết”, Sở Xây dựng có tờ “Thợ Hồ”, Sở Củi có tờ “Thắng Lợi”, Sở Chỉ Tồn có tờ “Tiền Phong”, Sở Bản chế có tờ “Lao Động”, “Công nhân”. Nhìn chung những tờ báo nói trên chất lượng không đồng đều tùy thuộc ở trình độ anh em tù, từng nơi, từng sở, từng khám và phạm vi bọn giám mục cho phép bởi vì đây coi như là loại báo công khai, địch luôn luôn để mắt theo dõi chặt chẽ.

Dù sao sinh hoạt báo chí này cũng đem lại một không khí mới có phần dễ chịu hơn trong cuộc sống của tù nhân ở trên đảo. Phong trào văn nghệ, bình dân học vụ trong thời gian này cũng phát triển khá. Giai đoạn (1945-1954) còn được phản ánh trong hai tập tư liệu dạng tập san. Tập thứ nhất có nhan đề “Địa ngục trần gian” miêu tả tố cáo tội ác dã man của bọn cai ngục thực dân Pháp tại nhà tù Côn Đảo. Tập thứ hai là “Bản án xâm lược Pháp”. Hai tập san này có ghi rõ xuất xứ là Phòng Tuyên Huấn Côn Đảo ấn hành.

Tờ “Sinh hoạt” số thứ nhất ra đời sau liên hoan mừng thắng lợi cuộc tuyệt thực kéo dài 19 ngày của tù nhân trại 6B dày 40 trang gồm những bài bút ký, thơ, truyện ngắn, truyện vui, nhạc do tù nhân đã tham gia cuộc tuyệt thực viết ra với những suy nghĩ và cảm xúc của từng người. Mở đầu tập báo là “Bài ca Tháng Mười” của Tố Hữu. Chen vào giữa các bài viết người làm báo đã ghi lại và đóng khung trang trọng bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một câu châm ngôn để mọi người hành động: ”Thân thể ở trong lao, Tinh thần ở ngoài lao, Muốn nên sự nghiệp lớn. Tinh thần cần phải cao.”

Thật cảm động khi ta đọc lại bài bút ký “Tâm tư” của tác giả Ng. có đoạn như sau: “ Đêm nay là đêm thứ mười sáu tuyệt thực. Toàn trại vắng lặng như cảnh chết. Trong phòng giam la liệt những thân gầy khô đét, thoi thóp dán mình trên những mảnh chiếu rách, đã nát tự bao giờ. Mười sáu ngày đêm không quét dọn, cát bụi, rác rến như muốn ngập lút người. Mùi hôi thúi thoát ra từ những thùng nước để trên đầu, những bộ quần áo rách nát vá trăm tấm dày cui, rít rắm vì của mồ hôi và đất cát. Ruồi nhặng, muỗi, rệp như được dịp tìm cái ăn trong đống đồ dơ, rút rỉa những tia máu cặn của tù, mà lũ giặc chưa bòn rút hết. Quanh tôi, mọi người đang thiêm thiếp, gương mặt hốc hác, nhợt nhạt phơi dưới ánh đèn vàng như những thây ma. Tôi có cảm giác như mình đang nằm trong nhà xác. Cơn đói dịu dần, toàn thân nhẹ bỗng, tuy cái bụng tôi lép xẹp. Mấy cái xương gu nhô lên nhọn hoắt như những ngọn núi trẻ cực thoát ra ngoài lớp da nhăn nhúm. Tôi trở mình, kê đầu lên cho đỡ ngợp. Càng về khuya gió càng thổi mạnh, thốc và rặng dương vun vút. Tiếng sóng biển gầm gừ vọng lại từ xa như tiếng uất hờn, nguyền rủa kẻ sát nhân. Thỉnh thoảng vài bóng đen rập rình ngoài song sắt, ló cặp mắt cú vọ nhìn vào phòng giam soi mói, tò mò. Hơi đêm lành lạnh, tôi co quắp người lại để tự tìm hơi ấm và thiếp đi lúc nào không biết…Một bàn tay xương xẩu đặt lên chân tôi bóp mạnh. Tôi choàng mắt tấy anh X. Tôi hỏi: Có gì không? Mười sáu ngày rồi, sức anh em mình kiệt nhiều, nhưng tinh thần vẫn tốt. Rồi anh tiếp giọng khàn khàn qua hơi thở đứt nối đầy cả quyết tâm: “Kẻ thù cực kỳ ngoan cố! Nhưng với quyết tâm cao. Cuộc đấu tranh này sẽ nhất định sẽ thắng lợi. Lũ giặc thêm một lần nữa thua đau”. Tôi gật đầu biểu đồng tình, đưa tay ra nắm lấy tay anh, siết chặt. Một cảm giác âm ấm truyền khắp người tôi. Anh bóp mạnh chân tôi một lần nữa như truyền nỗi cảm thông rồi bò đi. Chốc chốc thấy anh dừng lại, có tiếng nói thì thầm trong đêm. Dưới ánh đèn khuya bóng đồng chí già vươn dài trên khám như ôm cả mọi người.”

Tập báo tứ hai là “Sinh hoạt” số đặc biệt mừng xuân Quí Sửu 1973 ra đời sau hiệp Paris vừa ký kết 27-1-1973. Trang báo tết trong tù phản ánh sự chuẩn bị anh em trong hoàn cảnh đấu tranh với bọn giám ngục giành được quyền tự quản. Cho dù còn đói khổ triền miên, như việc làm ra miếng cốm từ những hạt cơm vét thùng, những miếng cơm cháy dành dụm từ hơn tháng trước, từng nắm khoai lang, nắm cải làm dưa mà bộ phận làm rẫy đưa về. Người đọc còn cảm nhận một không khí vui mừng, hy vọng về một tương lai sáng sủa đang đến gần qua những dòng thơ, câu văn. Bên cạnh không khí lạc quan, phấn khởi ấy, còn có lời kêu gọi của ban biên tập là “Hãy giữ vững lòng tin ở thắng lợi cuối cùng” nhưng “không chút mơ hồ về âm mưu của kẻ địch”, phải “thường trực cảnh giác trước sự tráo trở của chúng”. Đọc kỹ các bài thơ, bài văn xuôi của anh em tù nhân ta thấy thấm đẫm tình cảm đồng chí, đồng đội, sự hy sinh quên mình vì nhau vô cùng trong sáng, đẹp đẽ. Chính đó là chất keo gắn kết họ lại thành một khối để đủ sức đương đầu với mọi bạo lực sắt máu của kẻ thù đồng thời cũng là nguồn động viên vô cùng cần thiết đối những người tù trong cuộc sống bị giam hãm trong bốn bức tường của nhà ngục. Giai đoạn từ 1972 đến cuối năm 1973 ở khu B trại 6, tức trại tù câu lưu đã có gần 50 số báo ra đời. Ngoài tờ “Sinh hoạt”, “Xây Dựng”, còn có các báo khác như “Vươn Lên” của đoàn thanh niên Nguyễn Văn Trỗi, tờ “Rèn Luyện”, “Đoàn Kết”, “Niềm Tin”, “Tiến Lên”…

Đáng chú ý nhất là tờ “Xây Dựng” không chỉ có số báo phát hành nhiều nhất 10 số mà còn là tập san của toàn trại, nơi tập hợp nhiều cây bút có uy tín, bài vở được chọn lọc kỹ, đặc biệt sự phong phú của đề tài, nội dung.

Để làm những tờ báo anh chị em trong tù phải chuẩn bị hết sức công phu. Giấy ở Côn Đảo chỉ có vở học sinh. Thông qua cơ sở để có được vở học sinh đã là một việc làm không dễ dàng chút nào. Vở chỉ để viết bản chính thức, còn bản thảo thì tận dụng tất cả thứ gì có thể dùng để viết như: bao thuốc lá, giấy gói bưu kiện, mặt trái phong bì thư, thùng các tông phải ngâm nước, tách ra làm nhiều lớp mỏng đến mức không thể tách được nữa mới thôi. Anh em nhờ gởi riêng phần ruột cây bút bic vì dễ giấu, dễ chuyển. Xài hết anh em tự chế mực, bơm vào để viết tiếp. Công thức chế mực cũng phải trải qua nhiều lần thử nghiệm mới thành công. Về màu sắc trang trí màu vàng dùng bột nghệ, màu đỏ dùng thuốc đỏ y tế, màu xanh dùng thuốc trị ghẻ…Người chép báo một mình còng lưng hì hục trong một góc phòng giam, dưới ánh sáng tờ mờ, bàn viết là cái thùng các tông đựng áo quần, đồ vặt của tù nhân. Phải luôn có người đề phòng cả bọn trật tự xuất hiện bất ngờ và gác cả anh em trong phòng giam không cho ai tò mò liếc mắt nhìn xem. Nếu bị địch đột kích bất ngờ thì đã có bộ phận ngăn chặn giằng co để anh em có thì giờ thủ tiêu, phi tang, không để một trang, một chữ lọt vào tay địch. Báo làm xong được nhân bản rồi chuyển đi các phòng để ra mắt bạn đọc. Trong giờ đóng cửa của phòng giam, từng nhóm quây quần bên nhau chăm chú lắng nghe một người đọc vì không đủ thời gian cho từng người đọc riêng. Mọi người đều tỏ thái độ trân trọng đứa con tinh thần do tập thể tạo ra. Đó là phần thưởng vô giá đối với người cầm bút ở giữa vòng tù ngục. Tờ báo trong tù là mảnh nhân chứng lịch sử của quá trình đấu tranh đầy xương máu, mồ hôi và trí tuệ của các thế hệ tù nhân ở chốn địa ngục trần gian, vì lẽ ấy mà mọi người trân trọng nâng niu và giữ gìn như một báu vật.

Nguyễn Thị Thiện
(Bảo tàng Bà Rịa -Vũng Tàu)

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Tù chính trị Côn Đảo đấu tranh bảo vệ lý tưởng cộng sản, một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
Bài sau
Bảo tồn Di tích An Sơn Miếu Thực trạng và Giải pháp
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.