Một đêm du ngoạn trên biển Côn Đảo, thả chân trần trong làn nước ấm, trải nghiệm hoạt động lưới tép cùng người dân địa phương sẽ là kỷ niệm đáng nhớ cho du khách trong chuyến du lịch Côn Đảo.
Ánh mặt trời chiều tắt dần. Đèn đường, đèn trong các khách sạn, nhà dân bật sáng, thị trấn Côn Sơn bừng lên rực rỡ vào đêm. Khi người qua lại trên đường thưa hơn, chúng tôi bắt đầu đi về hướng đường Tôn Đức Thắng ra vịnh Côn Sơn trải nghiệm chuyến lưới tép đêm.
Như đã hẹn với chú Nguyễn Văn Tuấn (nhà ở KDC số 2), đúng 18 giờ, chúng tôi có mặt trên bờ biển ngay ngã ba đường Nguyễn Văn Trỗi – Tôn Đức Thắng. Người dân địa phương gọi khu vực này là mũi Dugong.
Chú Tuấn và người bạn đồng hành đã chờ sẵn. Sau màn chào hỏi, chú Tuấn hướng dẫn chúng tôi đeo đèn pin lên đầu rồi tiến ra biển. Theo lời chú Tuấn, đầu tháng và ngày rằm, nước biển rút sâu từ chập tối đến đêm cũng là thời điểm chú và nhiều người dân thường tranh thủ ra biển lưới tép, bắt sò ốc. “Vịnh Côn Sơn bãi phẳng chủ yếu lưới tép. Nếu muốn bắt ghẹ, cua, sò ốc thì tìm đến các bãi đá khu vực Cỏ Ống, Đầm Trầu vì các loại hải sản này ẩn nấp dưới đá, sỏi, san hô”, chú Tuấn cho hay.
Trăng ngày rằm bàng bạc loang loáng mặt biển. Bãi biển vịnh Côn Sơn ồn ã cuối ngày giờ đã vắng lặng. Nước biển rút sâu, bước chân trần trong làn nước ấm cảm giác rất dễ chịu. Mặt biển dài rộng, phóng mắt ra xa, chúng tôi càng cảm nhận rõ sự tĩnh lặng, bình yên vốn được du khách truyền tụng là “đặc sản” Côn Đảo.
Sau vài phút quan sát mặt biển, chú Tuấn tiến về phía cái ao trước mặt có mực nước ngang đầu gối. Chú Tuấn bảo, nước đang rút, tép sẽ tụ vào những vũng trũng, nên cào trong ao này trước. Nói rồi, chú Tuấn và người bạn đồng hành giăng sải lưới diện tích cỡ 10m2, hai đầu được cố định bằng 2 thanh tre lớn rồi chia nhau mỗi người một đầu, đi song song để giữ cho tấm lưới căng ra và bắt đầu kéo từ đầu này sang đầu kia. Sau 2 lượt đi, thu được tầm nửa kg tép, chú Tuấn lại chuyển hướng kéo từ bờ ra biển. Mỗi lượt đi chừng 30m thấy lướt nặng, chú Tuấn dừng lại dùng cái rổ nhựa vốc tép bỏ vào chiếc giỏ nhựa đeo trên lưng. Qua ánh sáng từ chiếc đèn pin, những con tép còn sống nhảy tanh tách, mắt long lanh rất đẹp. Kéo thêm 5 lần nữa thì chiếc giỏ nhựa đeo trên lưng vòng xuống vì nặng và cũng là lúc nước biển rút sâu hơn, chú Tuấn thu lưới lại, kết thúc chuyến lưới tép. “Về nhà nhặt nhạnh, làm sạch chắc được tầm 2 kg. Số tép này, tôi để ăn và chia cho bạn bè chứ không bán”, chú Tuấn cho hay.
Theo lời chú Tuấn, trước đây, người dân Côn Đảo chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt hải sản gần bờ, mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn. Giờ du lịch dịch vụ phát triển, ít ai sinh sống bằng nghề này nữa mà chủ yếu làm cho vui, như một cách giải trí và khơi gợi lại ký ức một thời gian khó.
Đúng như lời chú Tuấn, càng về đêm, số người đổ ra biển cũng nhiều hơn. Người trẻ đi theo nhóm dạo biển tán chuyện rồi thi thoảng reo lên thích thú khi một người trong nhóm bắt được một con sò hay vồ trúng một chú tép đang lẩn trốn dưới cát. Người lớn tuổi một mình, đầu đội đèn pin lặng lẽ xúc tép. Lớp tuổi trung niên và thanh niên trẻ có thú vui câu cá thì chọn khu vực cầu tàu 914 buông cần, chờ cá cắn câu, lai rai đĩa mồi lan man đủ chuyện đời.
Cứ thế đêm Côn Đảo trôi đi thật chậm, thật khẽ. Nếu có dịp đến Côn Đảo, muốn tìm cảm giác rời xa phố thị ồn ào, quên hẳn lo toan tính toán đời thường, bạn hãy dạo biển đêm, hòa mình cùng hoạt động lưới tép, bắt ốc của người dân. Đó là những trải nghiệm mới lạ và không nên bỏ qua khi bạn đến Côn Đảo.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu