Côn Đảo một hòn đảo được mệnh danh là Thiên đường du lịch – nơi vốn có nhiều cảnh đẹp, địa danh gắn liền với lịch sử, khí hậu thời tiết mát mẻ và những bãi biển trong sạch miên man chính là điểm du lịch tuyệt vời mà mọi du khách đều muốn đến để tham quan và trải nghiệm.
Đến Côn Đảo bạn sẽ được chiêm ngưỡng những điểm tham quan lịch sử đầy hoài niệm, thú vị cùng với cảnh sắc sơn thủy hữu tình đến nỗi đã đến rồi thì đều bị vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây níu chân không muốn rời xa.
Sau đây, vetaucondao.vn chia sẻ đến bạn TOP 10 điểm du lịch phổ biến và hấp dẫn nhất Côn Đảo giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích, và lựa chọn được những điểm dừng chân phù hợp nhất.
Vườn Quốc gia Côn Đảo
Vườn Quốc gia (VQG) Côn Đảo có diện tích gần 6.000ha trên cạn và 14.000ha vùng nước. Mối liên hệ của rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sinh sản, ươm giống và bảo tồn các loài sinh vật biển. Vùng nước nông ven đảo cũng là nơi phân bố nhiều loài động vật quý như rùa biển, cá heo, bò biển (dugong)… Sự đa dạng sinh học của vùng biển Côn Đảo có ý nghĩa quốc gia về bảo tồn thiên nhiên biển ở Việt Nam.
Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu về mối quan hệ giữa nguồn lợi ven biển và các hệ sinh thái nước nông Côn Đảo. Dù sao, cùng với sự tồn tại của rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và mối quan hệ sinh thái giữa chúng là môi trường thuận lợi cho sự sinh sản, ươm giống của nhiều nguồn lợi. Các nghiên cứu của Viện Hải dương học về trứng cá, cá bột ở VQG Côn Đảo cho thấy số lượng trứng cao hơn rất nhiều lần so với các vùng biển khác của Việt Nam.
Di tích Nhà tù Côn Đảo
Di tích Lịch sử Nhà tù Côn Đảo gồm hệ thống nhà tù ở Côn Đảo và các nghĩa trang thuộc hệ thống nhà tù này. Trong lịch sử, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập – “chuồng cọp” tại khu vực Côn Đảo. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất (1975), chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể.
Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần gồm: Nhà Chúa Đảo; Cầu Tàu; Trại 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; Phòng điều tra; Cầu Ma Thiên Lãnh; Khu biệt lập Chuồng Bò; Lò Vôi; Nhà Công Quán; Nghĩa trang Hàng Dương.
Hòn Bảy Cạnh
Về với Côn Đảo, nhiều người chọn đến thăm hòn Bảy Cạnh, hòn đảo thú vị với đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm đầy thú vị.
Nằm ở phía Đông của đảo Côn Sơn với diện tích 683ha, lớn thứ hai trong tổng số 16 hòn đảo của Côn Đảo, hòn Bảy Cạnh như một nét xanh chấm phá giữa biển trời mênh mông Côn Đảo, là khu vực có hệ thống rừng nguyên sinh rộng lớn bao phủ gần như là toàn bộ hòn đảo.
Không những vậy, nơi đây còn có cả một hệ sinh thái rừng ngập mặn rộng 5,1ha, tồn tại và sinh trưởng trên nền cát lẫn san hô chết, đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết các hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên toàn bộ hòn đảo..
Hòn Bảy Cạnh từ lâu đã được quy hoạch làm nơi chuyên phục hồi sinh thái, được bảo vệ nghiêm ngặt để đảm bảo sự đa dạng sinh học của hòn đảo. Thiên nhiên trù phú đã cho nơi đây cả một hệ sinh thái với nhiều loài khác nhau, từ các rạn san hô, rong biển, cỏ biển, cho đến các loài trai, ốc, hải sâm, cá sinh sống trong các rặng san hô.
Đặc biệt hơn, hòn Bảy Cạnh còn là bãi biển có số lượng rùa đến đẻ trứng nhiều nhất trong tổng số 14 bãi đẻ trứng của Côn Đảo, đỉnh điểm của mùa sinh sản có thể đạt số lượng lên tới 20 – 30 rùa mẹ lên bờ đẻ trứng. Đây cũng là một trong những điểm thú vị thu hút khách du lịch, đặc biệt là cho những ai tò mò, muốn tìm hiểu về quá trình sinh nở của loài động vật này.
Ở phía Đông Bắc của hòn đảo có một ngọn hải đăng được Pháp xây dựng từ năm 1884 vẫn còn tồn tại cho đến tận bây giờ, là điểm đến yêu thích của du khách gần xa. Khách tham quan khi đến với hòn Bảy Cạnh có thể lên hải đăng để có thể thu vào tầm mắt toàn bộ biển trời bao quanh hòn Bảy Cạnh cũng như là vùng biển Côn Đảo.
Bãi Đầm Trầu
Trong hành trình khám phá quần đảo Côn Đảo, du khách sẽ được khám phá nhiều hòn đảo nhỏ giữa biển trời mênh mông và đắm mình trong những bãi tắm trong veo, mát lạnh. Trong đó, bãi Đầm Trầu – một trong những điểm dừng chân tuyệt vời trong chuyến khám phá Côn Đảo – sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm mới. Bãi Đầm Trầu sẽ là nơi “trú ẩn” tuyệt nhất dành cho bạn trong chuyến du lịch Côn Đảo mùa hè này đấy!
Bãi Đầm Trầu là bãi biển đẹp nhất trên quần đảo Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bãi Đầm Trầu nằm gần sân bay Cỏ Ống, ở rìa ngoài Vườn quốc gia Côn Đảo và cách thị trấn Côn Đảo khoảng 14 km.
Ở nơi Côn Đảo xa xôi, người ta vẫn thường ví von bãi Đầm Trầu như nàng tiên nữ say sưa giấc nồng chưa tỉnh giấc. Quả thật vậy, bãi Đầm Trầu sở hữu phong cảnh đẹp ngất ngây, vừa hoang sơ, kỳ bí lại vừa thơ mộng, hữu tình. Càng tiến dần đến bãi Đầm Trầu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cận cảnh vẻ đẹp của bãi tắm đẹp nhất Côn Đảo.
Đến bãi biển Đầm Trầu, du khách du lịch Côn Đảo sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đích thực, tận hưởng món quà quý báu của tạo hóa. Làn nước xanh biếc, trong veo và mát lạnh cùng bờ cát thoai thoải mịn màng, sóng biển dập dềnh nhẹ nhàng hẳn sẽ là thiên đường biển thu nhỏ của riêng bạn.
Hồ An Hải
Nếu có dịp du lịch Côn Đảo, bạn đừng quên ghé thăm Hồ An Hải với cảnh thiên nhiên nên thơ trữ tình đẹp như cô gái vùng sơn cước. Hồ An Hải gần miếu An Sơn, và nằm trên con đường lên núi Thánh Giá. Hồ rộng tới 30,969 ha với hoa súng và hoa trang nở rực rỡ trên mặt hồ làm say lòng bao du khách với khung cảnh nên thơ như trong tranh.
Từ Chùa Núi Một, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh vịnh Côn Sơn, thị trấn Côn Đảo và hồ An Hải. Hồ An Hải chia làm hai khu: An Hải A và An Hải B. Bờ hồ An Hải được kè đá gần hết, ngoại trừ phía miếu An Sơn, nơi những đồi cát trắng trải dài mềm mại phủ đầy hoa bằng lăng, hoa mua và hoa ngũ sắc.
Vân Sơn Tự – Chùa Núi Một
Không chỉ sở hữu kiến trúc đậm nét Phật giáo, chùa Núi Một (hay Vân Sơn Tự) còn có vị trí đắc địa: Tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển vịnh Côn Sơn, thị trấn Côn Đảo và hồ sen An Hải. Chẳng thế mà bất cứ ai đến đây cũng phải khen ngợi ban tặng cho công trình danh hiệu “ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam”.
Chùa có kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, chủ yếu thờ Phật và các chư vị bồ tát. Tuy không gian chùa không lớn, nhưng vị trí tọa lạc được xem vào hàng đẹp nhất ở Việt Nam. Với lưng dựa vững chắc vào núi Một, các mặt còn lại đều có “view” ngắm cảnh, thưởng ngoạn rất tuyệt vời.
Từ đỉnh chùa phóng tầm mắt ra bốn phương, đâu đâu cũng tạo cho du khách một cảm nhận khác lạ. Nếu hướng nam ngắm núi rừng xanh bạt ngàn, hướng đông vịnh Côn Sơn trong xanh, thị trấn bình yên vương mình phát triển thì hướng bắc một cánh đồng sen An Hải bát ngát đang tỏa hương ngào ngạt.
Chùa nổi bật nhất vẫn là tượng Quan Âm Bồ Tát cao 2m đứng trên đài sen, tay cầm bình nước cam lộ trước khuôn viên và kiến trúc điêu khắc được trạm trổ tinh tế, những cột gỗ to lớn, bề thế một người ôm không tài nảo xuể.
Những người dân địa phương, vị khách đất liền xa xôi với một lòng hướng thiện, cầu Phật không ngại đường xá xa xôi, vượt qua hơn 200 bậc thang dốc núi để thành tâm đứng trước cửa Phật thắp hương cầu nguyện.
Đến Vân Sơn Tự, du khách có thể dừng chân uống “nước mát” được các sư chùa ban tặng hay xin vòng đeo tay ở chùa để mong gặp điều may mắn, an lành.
Trải qua những năm tháng khói lửa với nhiều lần trùng tu, hiện nay Chùa Núi Một là một công trình đặc biệt về văn hóa, danh thắng, là di tích lịch sử của Côn Đảo. Chùa là nơi để người dân trên đảo và du khách cầu nguyện, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì tổ quốc.
Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, gồm 3 khu : khu A, khu B và khu C. Theo số liệu ước định có khoảng: 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa tù được lập ở khu vực Chuồng Bò, sau dời lên Hàng Keo.
Khu A nghĩa trang, nơi có phần mộ cụ Nguyễn An Ninh và đồng chí Lê Hồng Phong là nơi chôn những ngôi mộ đầu tiên. Mỗi người tù xấu số được liệm bằng 2 chiếc bao bàng (đan bằng loại cỏ ống), cột 7 nút lại, rồi đưa ra vùi qua loa xuống cát. Có thời gian, mỗi ngày từ 15 đến 20 người tù chết, tất cả được chất lên xe bò chở ra hàng Dương vùi chung một hố.
Năm 1944, khu A đã chôn chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945-1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía đông nam, nơi có phần mộ người thiếu nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn tiếp vào phần còn lại của khu B và chôn tiếp qua khu C. Gần 500 tù chính trị câu lưu chống ly khai Đảng cộng sản trong những năm 1957-1963 được chôn trong khu B.
Mỗi ngôi mộ ở nghĩa trang này không chỉ là một số phận bi hùng, một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu trang trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang với một tượng đài mang một hình tượng Trao áo. Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được khởi dựng ngày 16/7/1980. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện “ Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930). Người nhận áo nguyên là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn.
Nghĩa trang Hàng Dương được bảo tồn như một di tích lịch sử đặc biệt. Nghĩa trang hàng Dương với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta. Đó là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc ta, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích, trong cuộc đấu trang vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Di tích lịch sử Dinh Chúa Đảo
Hay còn gọi là Dinh ông lớn, Dinh tỉnh trưởng, được hình thành trong khoảng thời gian 1862 -1876 với các cơ sở hạ tầng trên đảo. Dinh có tổng diện tích 18.600m2 trong đó bao gồm nhà chính, nhà phụ và sân vườn và các công trình phụ khác, cổng nhìn ra thẳng Cầu Tàu. Nơi đây trước kia là nơi ngự trị của 53 đời chúa đảo gồm 39 chúa đảo thời thực dân Pháp và 14 chúa đảo thời đế quốc Mỹ qua 113 năm.
Dinh chúa đảo là cơ quan đầu não của hệ thống nhà tù, tất cả bộ máy cai trị tù từ chúa đảo đến các quan chức trên toàn đảo đều dưới quyền điều khiển của chúa đảo. Dinh cũng là nơi xuất phát những mệnh lệnh, âm mưu, thủ đoạn của địch nhằm đày ải, tiêu diệt tù nhân Dinh, là hiện thân cho hai đời sống đối lập nhau: cuộc sống xa hoa của chúa đảo và sự khổ cực của những người tù.
Trong số 53 đời chúa đảo, có những tên mà sự tàn ác của chúng đã khiến một thiên đường cực đẹp lại mang cái tên “địa ngục trần gian”, tên chúa đảo Andouard thời Pháp là một trong số đó. Tuy nhiên, năm 1919, tên chúa đảo tàn bạo Andouara đã bị tù nhân trừng trị tại sào huyệt của hắn.
Tại dinh chúa đảo, các nhà chúa được sống trong cuộc sống xa hoa, tráng lệ của sự thống trị. Trái ngược với cuộc sống sung túc của những tên chúa đảo tàn bạo là cuộc sống khổ ải, nghèo nàn của các tù nhân. Trong khu vườn dinh thường xuyên có hàng chục tù nhân phải lao động khổ sai và phục dịch tất cả sinh hoạt, ăn, mặc, ở… của chúa đảo.
Nhà chúa đảo cũng là nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên ở Côn Đảo năm 1945 và ngày côn đảo hoàn toàn giải phóng năm 1975. Từ sau ngày giải phóng 01/05/1975, dinh chúa đảo được sử dụng làm phòng trưng bày khu di tích lịch sử Côn Đảo tới nay.
Đến với dinh chúa đảo, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến và thêm xót thương những người đã ngã xuống bởi đây là nơi hàng chục tù nhân đã phải lao động khổ sai, bán xương bán máu để phục vụ cho cuộc sống đế vương của các tên chúa đảo.
Có thể nói dinh chúa đảo hôm nay là một chứng tích có giá trị tố cáo tội ác, là thư viện lớn về Côn Đảo với hình ảnh tư liệu của Pháp, lưu giữ đầy đủ phiên hiệu tù, ngày, giờ hành hình tại pháp trường.
Bãi Ông Đụng
Đây là điểm du lịch hấp dẫn nằm trên đảo Côn Sơn, cách trung tâm Vườn khoảng 3 km về phía Tây, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, môi trường trong lành. Từ trung tâm Vườn du khách đi bộ khoảng một giờ trên đường mòn xuyên qua khu rừng sẽ đến Bãi Ông Đụng.
Ai qua Đất Thắm, Bãi Bàng
Hỏi thăm Ông Đụng, vú nàng lớn chưa?
Xin nói luôn, vú nàng là tên loài ốc đặc sản ở Côn Đảo. Loài nhuyễn thể này chỉ một mặt vỏ, mặt còn lại bám vào các vách đá. Mấy lần ra Côn Đảo, tôi đã đi khắp các địa danh như bãi Đầm Trầu, hòn Bảy Cạnh, miếu Bà Phi Yến… nhưng bãi Ông Đụng thì chưa. Cứ như người đang mắc nợ Côn Đảo. Một Côn Đảo bình yên, thơ mộng và đẹp sững sờ.
Đường đi không sợ nắng vì luôn rợp bóng cây, lúc nào cũng ríu rít chim hót và thì thầm hoa lá. Đoạn thì đất nện, có đoạn trải xi măng, có đoạn tam cấp dốc đứng. Thi thoảng gặp các bảng hiệu nho nhỏ xinh xinh của vườn quốc gia, nhẹ nhàng thông tin và nhắc nhở về những nội quy của vườn. Khi áo đẫm mồ hôi là nghe tiếng sóng rì rào mời gọi. Bãi Ông Đụng trong ráng chiều mê hoặc và tĩnh lặng đến nao lòng.
Ở bãi Ông Đụng, rừng và núi như vòng tay ôm trọn biển hoang sơ. Bãi gần như không có cát và rất nhiều đá cuội. Nước lên, biển trong veo, tắm thoải mái. Có thể chèo thuyền kayak dạo chơi, câu cá, đeo ống thở và kính để ngắm san hô hoặc thám sát các vách đá, tìm cua, ốc… Khi nước xuống, bãi cạn mênh mông, nhìn hơi chán. Đừng vô tâm nản chí quay về, bởi đây là thời cơ khám phá. Chịu khó lội xuống bãi, sẽ có lắm bất ngờ kỳ thú.
Bãi Ông Đụng như một thủy cung trên cạn với vô số san hô, loài sinh vật biển độc đáo, đủ màu, đủ dáng. Không hoành tráng vì đa phần san hô non, từng “cây” (thật ra là con) riêng lẻ, nhiều loài mới nhú, nom xinh xắn và đẹp mắt như mấy con thú nhỏ. Thích nhất là được “nhìn tận tay, day tận mắt” chứ không phải qua kính lặn dưới nước. Nhiều loại trai tai tượng ngũ sắc, đang toe miệng cười. Nhìn kỹ, thấy mấp máy môi như đang muốn nói. Chúng đang hả miệng đón các vi sinh vật làm thức ăn hằng ngày, chứ nào biết nói năng gì. Nhìn rất đẹp và hấp dẫn nhưng chớ dại dột bỏ ngón tay vào miệng trai chọc ghẹo. Trai sẽ ngậm miệng, kẹp chặt ngón tay kẻ phá bĩnh, đau đến chừa.
Bãi Ông Đụng có nhiều cầu gai (còn gọi là nhum hay nhím biển) tua tủa gai nhọn, sẵn sàng trả giá cho ai vô tình giẫm đạp. Nhìn thật kỹ, thấy chúng đang dịch chuyển từng milimet. Có người còn quả quyết cầu gai cũng có mắt? Lâu nay chỉ được ăn cầu gai nướng mỡ hành hoặc ăn sống với mù tạt và chanh.
Cầu gai được thợ chuyên nghiệp lặn bắt, gai bị cắt sạch nên khó hình dung. Những con cầu gai đen tuyền, hàng trăm gai nhọn chỉa ra tứ phía như cảnh báo “chớ đụng vào” vì gai sẽ làm đối thủ đau đớn. Loài khỉ khoái ăn nhum, bị gai đâm là thét lên và té đái. Nước tiểu sẽ làm dịu cơn đau. Bí quyết này con người vô tình học được từ kỹ năng sinh tồn của loài khỉ. Cư dân đông đảo, hiền lành, dù bề ngoài có vẻ đáng sợ ở đây là sâm biển (hải sâm), có con nặng vài ký và dài chừng 3-4 tấc. Chúng đang thư giãn nằm nghỉ hoặc lừ đừ di chuyển như loài sâu khổng lồ nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng hiền khô, không làm hại ai bao giờ. Đây là họ nhà biển duy nhất có thể nâng niu, sờ mó, cầm lên để săm soi và chụp ảnh.
Trong các hốc đá nhỏ, có vô số loài cá bé xíu, mà nhanh cực kỳ, cứ thoát ẩn, thoát hiện trêu người. Có nhiều cua đá, nhưng toàn cua nhà trẻ, bé tẹo, tự nô đùa. Cua lớn đi “xuất khẩu lao động” trong các quán nhậu hết rồi. Tự dưng thấy tội nghiệp, hết thèm ăn cua đá. Bãi Ông Đụng một thời nổi danh đặc sản ốc vú nàng. Khách nào ra Côn Đảo cũng tìm ăn bằng được. Bị khai thác cạn kiệt, vú nàng không kịp lớn. Trên bàn ăn các nhà hàng chỉ còn loài vú nàng “mẫu giáo”, bằng cỡ đầu ngón tay cái, ăn nhạt thếch. Nguy cơ vú nàng tuyệt chủng hoàn toàn có thật. Ước tính trong vòng 20 năm qua, hàng chục loài ốc đặc hữu ở Việt Nam đã biến mất vì các bợm nhậu.
Bãi Ông Đụng chưa có dịch vụ lưu trú và ăn uống. Nếu muốn qua đêm phải liên hệ với bộ phận Du lịch của Vườn quốc gia Côn Đảo để được hướng dẫn. Tôi mê nhất là ngủ võng (kiểu võng của bộ đội thời kháng chiến) ven rừng và mé biển. Vừa nghe biển hát, vừa nghe rừng ca và đất đá độc thoại. Tôi mê lang thang giữa rừng trăng xào xạc, giữa biển vàng tĩnh lặng mênh mông khi triều xuống. Cùng biển và rừng đợi bình minh hay tiễn hoàng hôn đều là những thời khắc cực đẹp. Đã đến Côn Đảo, mà chưa ghé bãi Ông Đụng, sẽ là thiệt thòi không đáng có.
Hòn Cau Côn Đảo
Nằm cách đảo chính Côn Sơn (Phú Hải) khoảng 8km về hướng Đông Bắc, là một trong 16 hòn đảo của Côn Đảo. Hòn Cau nổi tiếng không chỉ là một trong những nơi đầu tiên được người Việt đến khai phá lập nghiệp vào những năm thế kỉ 14, mà còn nức tiếng gần xa bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như con người nơi đây, đặc biệt là những nét hoang sơ của tạo hóa còn lưu lại chưa được khám phá hết.
Một trong những điểm nổi bật tạo nên nét đẹp độc đáo cho hòn Cau có lẽ là ở dừa, những hàng dừa trải dài theo bát cát trắng trải dài, nghiêng mình theo cơn gió thổi qua từ biển cả trong xanh, bãi tắm rộng hình cánh cung. Không những vậy, Hòn Cau còn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách với những hàng phong ba sừng sững đứng chắn gió xanh mát ngút ngàn cùng hệ thống động thực vật ở khu rừng liền kề.
Thiên nhiên ưu ái trao tặng cho hòn Cau cả một rặng san hô lấp lánh sắc màu cùng cả một hệ thống động thực vật dưới nước vô cùng phong phú.
Với nguồn nước ngầm phong phú của mình, dù nằm giữa biển cả mênh mông, Hòn Cau vẫn có nguồn nước ngọt, có cây ăn quả như đu đủ, mãng cầu, chuối, và tất nhiên là rất nhiều dừa, thứ thức uống được nhiều người yêu thích mỗi lần đi du lịch biển.
Đêm đến, những người đến Hòn Cau thăm thú thường thích tản bộ bên bãi biển đêm, để nghe tiếng sóng vỗ, để cảm nhận từng đợt gió mang cái lành lạnh man mác có chút mùi của biển, hay chỉ đơn giản là nằm lên bãi cát mà ngắm sao trời. Thú vị hơn, bạn có thể khám phá cuộc sống về đêm của động vật nơi đây, đi xem những chú rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển (thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm, cũng là mùa cao điểm của du lịch biển).
Hòn Cau hiện đang là một trong những điểm quan trọng của quốc gia trong việc bảo tồn các loài động vật biển qúy hiếm như vích biển, yến sào và rùa biển. Đây cũng là điểm du lịch nghỉ dưỡng được rất nhiều người yêu thích mỗi khi đi Côn Đảo.
ĐL Côn Đảo Express (tổng hợp)