Trong suốt 15 năm bị giam cầm tại Côn Đảo, đồng chí Tôn Đức Thắng thực sự trở thành linh hồn của tù chính trị Côn Đảo. Là người sáng lập và lãnh đạo chi bộ đặc biệt của Côn Đảo, của Hội tù nhân, Tôn Đức Thắng được anh em khâm phục và tín nhiệm bởi tính kiên cường trong đấu tranh với kẻ thù, mẫu mực về nhân cách cộng sản, là trung tâm đoàn kết của chi bộ và của Hội tù nhân với tấm lòng nhân hậu, yêu thương hết mực đồng chí, đồng bào. Người thực sự là tấm gương về chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ kế tục, học tập noi theo.
Tháng 12-1928, xảy ra vụ án ở đường Bac-bi-ê (Barbier); trong quá trình điều tra, mật thám Pháp tình cờ phát hiện được nhiều tài liệu của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Lập tức, chúng tổ chức các cuộc lùng sục, bắt bớ hàng loạt hội viên của Kỳ bộ Thanh niên Nam kỳ. Chỉ một số ít đồng chí lãnh đạo của Kỳ bộ được tin báo kịp thời, nên đã bí mật tạm lánh sang Trung Quốc, tránh sự khủng bố của địch, như Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ, Nguyễn Khoa Hiền; còn lại, hầu hết lãnh đạo của Kỳ bộ đều bị bắt. Đến cuối tháng 7-1929, các đồng chí Phaạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng cũng bị mật thám bắt giữ.
Sau hơn 1 năm bị giam cầm, tra tấn tại Khám Lớn Sài Gòn, ngày 25-6-1930, Tòa Đại hình Pháp đã đưa đồng chí Tôn Đức Thắng va nhiều chiến sĩ cộng sản khác ra sử ở Sài Gòn. Mặc dù không có chứng cứ, bọn thực dân vẫn kết án các đồng chí: Phạm Văn Đồng 10 năm tù giam, Tôn Đức Thắng 20 năm tù khổ sai và đưa đi đày ra Côn Đảo.
Ngày 3-7-1930, con tàu Ác-măng Rút-xô (Hardmand Rousseaus) chở Tôn Đức Thắng và nhiều chính trị phạm ra Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”.
Đến Côn Đảo, Tôn Đức Thắng bị địch đưa về nhốt chung với tù khổ sai thường phạm ở Banh I. Chúa ngục bấy giờ là tên Bu-vi-e (Bouvier) có biệt danh “Mặt lợn”, khét tiếng gian ác. Dưới sự chỉ huy của chúa ngục Bu-vi-e, quản ngục, mã tà hằng ngày tra tấn, hành hạ tù nhân không kể ngày đêm. Nhà tù Côn Đảo trở thành cái lò sát sinh theo đúng nghĩa. Chỉ tính riêng trong năm 1930 (từ khi đồng chí Tôn Đức Thắng ra đảo), nhất là sau cơn bão lớn cuối năm, nghĩa địa Hàng Dương đã vùi xác 311 tù nhân, chiếm tỷ lệ cao nhất trong số tù nhân chết của các nhà tù Đông Dương. Nhiều nhà giam trên đảo bị cơn bão phá không kịp sửa, tù nhân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Bệnh tật cùng với sự ngược đãi của nhà tù mỗi ngày, đã cướp đi biết bao sinh mệnh tù nhân. Một số tù chính trị ở Banh II như Nguyễn Hới, Nguyễn Văn Hoan, Tống Văn Trân … vì địch không đủ chỗ giam nên bị đưa sang nhốt chung với thường phạm ở Banh I; các đồng chí đã bắt liên lạc với Tôn Đức Thắng.
Không thể để tình hình cứ tiếp diễn, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng các đảng viên cộng sản khác như Nguyễn Hới, Nguyễn Văn Hoan, Tống Văn Trân… bàn bạc và thống nhất vận động thành lập tổ chức hội cứu tế để giúp đỡ tù nhân trong các khám. Nhiệm vụ chủ yếu của hội cứu tế là lo thuốc men, cử người chăm sóc mỗi khi có tù nhân ốm đau. Việc làm này chẳng những động viên, khích lệ rất lớn về mặt tư tưởng, tình cảm đối với những người tù, mà còn cảm hóa được nhiều tù thường phạm, kể cả những người được coi là những tay “anh chỉ”, quen giành giật miếng cơm, manh áo của anh em tù. Thậm chí, nhiều người còn xin vào hội, hăng hái đấu tranh đòi cải thiện điều kiện sống tù nhân, chống chế độ hà khắc của chế độ nhà tù.
Đến cuối năm 1930, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức hội cứu tế của tù nhân, đồng chí Tôn Đức Thắng và một số tù nhân cộng sản quyết định thành lập ra Hội những người tù đỏ, làm hạt nhân, đại diện cho anh em tù, đứng ra thương thuyết, tranh đấu với cai ngục, quản tù.
Hội những người tù đỏ tín nhiệm bàu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Hội trưởng, các thành viên nòng cốt gồm: Nguyễn Hới, Nguyễn Văn Hoan, Tràn Học Hải (tức Trần Văn Sửu), Phan Văn Bảy, Tạ Uyên, Tống Văn Trân … và một số đồng chí khác.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội những người tù đỏ là vận động, giáo dục, giác ngộ các tù nhân về lý tưởng cách mạng (chủ yếu là tù thường phạm). Mặt khác, Hội những người tù đỏ còn có nhiệm vụ tổ chức, lãnh đạo các tù nhân đấu tranh đòi cải thiện đời sống, đòi chấm dứt việc hành hạ, tra tấn tù nhân.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tôn Đức Thắng, Hội những người tù đỏ hoạt động khá tích cực, đã buộc bọn quản ngục phải chấp nhận một số yếu cầu chính đáng của tù nhân như: tù nhân ốm đau được đi khám bệnh, phát thuốc; bữa ăn hàng ngày cũng phần nào được cải thiện. Do đó, tỷ lệ tù nhân bị chế do bị hành hạ, tra tấn dã man cũng giảm đi; anh em phấn khởi, lạc quan hơn, ngày càng tin tưởng lẫn nhau và tin vào tổ chức Hội những người tù đỏ. Thấy tình hình khá thuận lợi, đồng chí Tôn Đức Thắng đề nghị với các đảng viên cộng sản, xúc tiến thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản ở Banh I.
Đầu năm 1932, Chi bộ Đảng Cộng sản Banh I đã được thành lập ở Khám Chỉ Tồn. Đồng chí Nguyễn Hới (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định) được cử làm Bí thư Chi bộ; đồng chí Tôn Đức Thắng tham gia Chi ủy và được phân công phụ trách Hội những người tù đỏ, đồng thời có nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc với Chi bộ Banh II (tù chính trị) và liên lạc với cả đất liền. Mọi vấn đề đang được vận hành trơn tru, các mối liên lạc đã được thiết lập và hoạt động đều đặn, thì đến cuối tháng 12-1932, một mối liên lạc trong tù do đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách bị địch phát hiện. Ngay lập tức, tên chúa ngụ Bu-vi-e “Mặt lợn” ra lệnh phạt giam đồng chí Tôn Đức Thắng vào Hầm xay lúa – nơi hành hạ dã man đối với các tù nhân.
Bọn địch gọi Hầm xay lúa là khu “Trừng giới”, bởi vì trong Hầm xay lúa, ngoài việc bị bắt lao động khổ sai, phải xay lúa bằng chiếc cối xay to được làm bằng chiếc thùng tô-nô đựng rượu vang, người tù còn phải chịu nhiều cực hình thân xác. Thời gian trong Hầm xay lúa khó phân địch, người tù phải chịu cảnh tối tăm, ngày cũng như đêm, vì chỉ có một thứ ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn dầu leo lét. Không khí trong Hầm xay lúa rất ngột ngạt, bụi mù mịt bốc lên từ cối xay, từ các bào tải cũ. Những người tù lúc nào cũng phải ở trần, mồ hôi nhơm nhớp vì nóng bức, bụi trấu cũng vì thế mà bám vào da thịt, khiến người ngứa ngáy; lâu ngày không được tắm, da thịt của người nào cũng bóc ra từng mảng, lở loét rất đau đớn. Ngoài ra, trong Hầm xay lúa còn có nạn áp bức của “cặp rằng”. Đó là những tay dao búa, lưu manh được cai ngục giao cho điều hành công việc trong tù, nhưng chủ yếu là hành hạ tù nhân, một kiểu “dùng tù trị tù” khá phổ biến trong các nhà tù thời Pháp.
Khi Tôn Đức Thắng vào Hầm xay lúa, tên Giám thị Phéc-ran-đi (Ferandini) chỉ định làm “cặp rằng”. Tại đây đã có 1 “cặp rằng” chính và 4 “cặp rằng” phụ; chúng vừa thanh toán lẫn nhau, với ý đồ dùng bọn lưu manh để trị những người tù cộng sản nhưng mưu đồ đen tối của chúng đã không thực hiện được. Với uy tín của Tôn Đức Thắng, cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của một số tù nhân cộng sản, số tù thường phạm đã bị cảm hóa; một số “cặp rằng” cũ cũng trở thành phụ tá đắc lực trong công việc hằng ngày. Hội cứu tế tù nhân được thành lập ngay trong Hầm xay lúa. Nhờ vậy, những người ốm đau được chăm sóc, cung cấp thuốc men chu đáo; buổi tối còn có lợp học văn hóa cho những người không biết chữ; không khí đoàn kết dần dần thay thế cho sự hằn thù, chia rẽ trước đây.
Sau khi mãn hạn thời gian bị phạt ở Hầm xay lúa, địch đưa đồng chí Tôn Đức Thắng trở lại Banh I ở Khám 8-9. Thời gian này, nhiều tù nhân cộng sản từ các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La tiếp tục bị đưa ra Côn Đảo, bổ sung vào cả Banh I và Banh II. Chi bộ nhà tù vì thế cũng có thêm nhiều đảng viên. Nhằm mở rộng sự đoàn kết giữa các tù nhân, Chi bộ Banh I chỉ đạo tổ chức Hội nghị đại biểu tù nhân(1), quyết định cải tổ Hội những người tù đỏ thành: Hội tù nhân thống nhất với nhiệm vụ chủ yếu là: giúp đỡ lẫn nhau trong lúc ốm đau và trong việc làm, đấu tranh đòi cải thiện sinh hoạt, giảm nhẹ khổ sai và tổ chức học văn hóa cho anh em tù. Đồng chí Tôn Đức Thắng được cử vào Ban lãnh đạo Hội tù nhân; các đồng chí Ngô Gia Tự, Trần Quang Tặng, Nguyễn Hới được cử vào Ban lãnh đạo chung toàn đảo.
Dưới sự lãnh đọa của Chi bộ trong tù và Hội tù nhân, trong các năm 1934-1936, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra ở tất cả các Banh, buộc địch phải cải thiện đời sống và chế độ lao động khổ sai đối với tù nhân. Chi bộ Chỉ Tồn, dưới sự chỉ đạo của Tôn Đức Thắng, trở thành mối liên lạc chính giữa các chi bộ trên đảo và với đất liền. Nhiều tài liệu, sách báo cộng sản được chuyển qua cơ sở của ta trên tàu viễn dương, kịp thời phục vụ cho yêu cầu thông tin và học tập trên đảo.
Cuối năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp và với sự đấu tranh của nhân dân ta, nhiều chính tị phạm ở nhà tù Côn Đảo đã được trả tự do, trở về đất liền. Chi bộ nhà tù được củng cố lại, Hội tù nhân vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động, nề nếp sinh hoạt của tù nhân vẫn cơ bản được giữ vững.
Tuy nhiên, đến cuối năm 1938, phái hữu thắng thế trong chính phủ Pháp, chế độ cai trị ở thuộc địa cũng có nhiều thay đổi. Chính quyền Pháp trở mặt, quay lại với chính sách đàn áp, bắt bớ, khủng bố những người hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Bọn cai ngục ở Côn Đảo cũng tỏ thái độ “cứng rắn” đối với các yêu cầu đòi cải thiện sinh hoạt của anh em tù, nhất là vấn đề cấp thuốc cho tù nhân khi ốm đau. Tù nhân ốm đau với bất cứ bệnh gì, chúng cũng chỉ cho nước vôi và bột than, cùng lắm khi đưa vào cấp cứu mới được tiêm một vài ống thuốc hồi sức. Vì vậy, trong thời gian này, tù nhân đau yếu hàng loạt, làm suy kiệt sức lực vốn đã yếu ớt vì bị lao dịch quá mức của người tù, cho nên ngày nào cũng có người chết. Đặc biệt, từ cuối năm 1941 đến năm 1943, tù nhân chết quá nhiều; riêng Banh II (tù chính trị), có ngày chết tới 20 người.
Đứng trước tình hình địch khủng bố ác liệt, Chi bộ nhà tù và Hội tù nhân đặt ra nhiệm vụ trên hết lúc này là phải bằng mọi cách bảo vệ tính mạng tù nhân, bảo vệ cán bộ của Đảng. Hội tù nhân tổ chức cho anh em tìm khiếm thuốc men, tự chế thuốc nam bằng các thứ cây cỏ trên đảo để chữa bệnh. Mỗi lần lái ca nô đi lưới về, Bác Tôn lại bí mật giắt những con cá nhỏ vào áo tơi, đem về cho anh em nấu chín rồi chuyển vào tiếp tế cho các Banh cầm cố. Nhờ cố gắng của tất cả anh em tù, với tinh thần thương người như thể thương thân, nhiều người tù đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong gang tấc.
Cuối năm 1941, tình hình trên đảo có một số biến động lớn: tên chúa đảo Bu-vi-e “Mặt lợn” đã bị điều về Sài Gòn, tình hình tưởng chừng dễ chịu hơn, nhưng do có sự phản bội, nhiều cơ sở Đảng trong nhà tù bị địch phát hiện và các đảng viên bị khủng bố.
Sau đợt này, Đảng ủy nhà tù Côn Đảo được củng cố lại: đồng chí Nguyễn Duy Trinh tiếp tục được tín nhiệm làm Bí thư, đồng chí Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Lê Văn Lương làm Đảng ủy viên.
Tiếp tục được giao phụ trách Hội tù nhân, Tôn Đức Thắng đưa ra đề nghị cải tiến Hội về mặt tổ chức, theo hình thức hoạt động công khai, cụ thể là mỗi khám cử ra các ban phụ trách các mặt công tác: Ban trật tự, Ban học tập, Ban vệ sinh, Ban cứu tế. Tất cả các ban đều chịu sự chỉ đạo của Chi bộ. Nhờ có sự cải tiến hoạt động, đấu tranh, từ cuối năm 1941, tình hình sức khỏe của tù nhân được cải thiện đáng kể, các nạn bệnh dịch kiết lỵ, ghẻ lở đã bị chặn đứng.
Từ năm 1943, diễn biến của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng ác liệt, tình hình Đông Dương cũng đã có sự thay đổi bởi sự có mặt của phát xít Nhật. Nắm sát thông tin diễn biến hàng ngày, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí trong Đảng ủy tích cực chỉ đạo công tác vận động binh lính ủng hộ ta, chuẩn bị và tổ chức vượt ngục cho nhiều đảng viên cộng sản trở về tham gia cách mạng.
Tháng 9-1945, nghe tin Nhật đã đầu hàng Đồng minh, Đảng ủy nhà tù đã cử đoàn đại biểu gồm các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Trần Ngọc Danh, Lã Vĩnh Lợi đến gặp chúa Đảo Lê Văn Trà yêu cầu trao chính quyền trên đảo cho những người tù cộng sản. Mặc dù yêu cầu không được chấp nhận, nhưng chúa đảo phải đồng ý tổ chức chính quyền liên hiệp ở Côn Đảo, cho sửa ra-đi-ô để nghe tin tức và sửa ca-nô để đưa đại biểu về đất liền xin ý kiến của Chính phủ.
Ngay sau đó, Hội đồng liên hiệp quốc dân Côn Đảo ra đời, gồm chủ yếu là tù nhân cộng sản trong đó có Tôn Đức Thắng. Hội đồng lãnh trách nhiệm thu vũ khí của binh lính trên đảo và thành lập lực lượng bảo vệ Côn Đảo (Đoàn phòng thủ Côn Đảo).
Ngày 16-9-1945, chiếc tàu Phú Quốc do Xứ ủy Nam kỳ cử ra đảo để đón tù chính trị đã cập bên Cỏ Ống. Đồng chí Tôn Đức Thắng và Lã Vĩnh Lợi được cử đến liên hệ rồi đưa tàu cập cầu tàu Côn Đảo trước sự đón mừng của đông đảo anh em tù nhân.
Ngày 17-91-1945, Tôn Đức Thắng cùng các đồng chí của mình tham gia cuộc mít tinh tại sân vận động, nghe đại diện của Chính phủ, đồng chí Tưởng Dân Bảo, tuyên bố: Côn Đảo chính thức thuộc chủ quyền Việt Nam và là mảnh đất tự do, độc lập.
Ngày 23-9-1945, tàu Phú Quốc và 25 chiếc tàu, thuyền khác đưa 1.800 tù chính trị trở về đất liền. Cầm lái chiếc ca-nô mang tên Giải phóng, Tôn Đức Thắng cùng đoàn tù chính trị trở về với đất mẹ yêu thương sau 15 năm xa cách, chấm dứt những ngày bị đày ải gian khổ trong ngục tù đế quốc./.
(1) Hội nghị này được tổ chức vào mùa hè năm 1934 tại một động cát phía sau Sở Chuồng bò
1 Bình luận. Leave new
[…] Xem thêm: Tôn Đức Thắng và cuộc đấu tranh trong ngục tù Côn Đảo (1930-1945) […]