Rùa biển là loài động vật quý hiếm có tên trong Sách Đỏ. Hiện nay ở Vườn Quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển rùa lên đẻ trứng, với tổng diện tích lên đến hàng chục ngàn mét vuông.
Rùa là loài động vật đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái bãi biển và đại dương bởi chúng có khả năng làm sạch vùng biển đang sinh sống nên được mệnh danh là sứ giả của đại dương. Đây là loài giúp duy trì được chuỗi thức ăn của biển cả, tác động mạnh mẽ đến sự sống còn của nhiều loài khác sống dưới nước.
Rùa biển tên khoa học là chelonioidea, thuộc liên họ bò sát biển trong bộ rùa. Rùa biển có 4 chân hoạt động như mái chèo với thức ăn chính là cỏ biển, sứa biển, cua, các loài thân mềm và bọt biển. Khác với rùa sống ở vùng nước ngọt, rùa biển không thể thu đầu và chân vào trong mai. Theo các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới có 7 loài rùa biển, với những tên gọi như sau: quản đồng, đồi mồi, rùa da, đồi mồi dứa, vích, rùa mai phẳng, rùa Kemp’s ridley.
Rùa biển thường di chuyển hàng trăm hải lý từ nơi kiếm ăn đến bãi đẻ. Vào kỳ sinh nở, rùa cái lên các bãi cát ven bờ biển, dùng chân bới cát làm tổ để đẻ trứng. Giới tính của rùa con được quyết định bởi nhiệt độ của cát biển nơi chúng sinh ra. Ở nhiệt độ dưới 30°C trứng sẽ nở ra rùa đực; nếu nhiệt độ trên 30°C sẽ nở ra rùa cái. Rùa con mới ra đời đã có khả năng xác định phương hướng để bơi ra biển lớn.
Rùa biển non thường sinh sống tại vùng biển sâu từ 5 tuổi đến 10 tuổi. Khi kích thước được khoảng 20cm rùa non mới rời khỏi vùng biển sâu để trở lại vùng biển gần bờ, chúng quen sinh sống ở các rạn san hô hoặc những thảm cỏ biển.
Ở độ tuổi trưởng thành (35 tuổi) rùa biển sẽ bước vào thời kỳ sinh sản. Cả rùa đực và rùa cái cùng tìm về bãi biển gần nơi chúng được sinh ra để sinh đẻ. Khả năng định hướng của rùa biển khi di cư, khả năng ghi nhớ vị trí nơi sinh ra để quay về tìm nơi sinh đẻ vẫn là một điều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa thể khám phá.
Trong môi trường tự nhiên ổn định, tuổi thọ của rùa biển có thể lên tới 80 năm. Nhưng hiện nay cả 7 loài rùa biển đều được liệt kê trong Sách Đỏ IUCN về nguy cơ bị diệt chủng, bởi tỷ lệ rùa con sống sót đến tuổi trưởng thành là rất thấp (khoảng 1/1.000 đến 1/10.000). Trong tự nhiên, rùa biển thường bị đe dọa bởi các loài động vật ăn thịt, đặc biệt là sự săn bắt để chế biến các món ăn khoái khẩu của con người.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiện nay các quần thể rùa biển trên thế giới và Việt Nam đều đang suy giảm rất nghiêm trọng. Riêng tại Vườn Quốc gia Côn Đảo, số lượng các loài rùa biển vẫn đang được bảo toàn và không ngừng phát triển. Hàng năm Vườn Quốc gia Côn Đảo nhận được số lượng rùa biển đến làm tổ và sinh sản nhiều nhất so với các vùng biển trên cả nước.
Vườn Quốc gia Côn Đảo có 14 bãi biển rùa lên đẻ trứng. Một số bãi diện tích rộng như bãi cát lớn ở Hòn Cau, hòn Tre Lớn, Hòn Tài, bãi Dương, hòn Bảy Cạnh. 5 bãi lớn này đã được bố trí 5 trạm kiểm lâm làm nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn rùa biển. Hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 10, có trên 400 rùa mẹ lên bãi đẻ. Vào mùa cao điểm, ở một số bãi biển lớn như hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn, mỗi đêm có từ 10 đến 20 rùa mẹ lên làm tổ.
Năm 1994, Côn Đảo là nơi đầu tiên triển khai một cách hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển. Tính đến nay, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã đeo thẻ cho 2.027 rùa biển mẹ và gắn 5 máy theo dõi đường di cư của rùa biển bằng tín hiệu vệ tinh. Thực hiện Dự án cứu hộ rùa biển do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hỗ trợ, từ năm 1995 đến nay, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ được hơn 21.000 tổ trứng rùa, tạo điều kiện để 1.500.000 rùa con được thả về biển lớn. Năm 2009, Vườn Quốc gia Côn Đảo được Trung tâm sách kỷ lục quốc gia Việt Nam xác lập kỷ lục là nơi ấp thả về thiên nhiên số rùa biển lớn nhất ở Việt Nam.
Xem thêm: Mùa rùa biển đẻ trứng ở Côn Đảo
TRẦN QUANG VINH
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu