Mùa rùa biển đẻ trứng ở Côn Đảo

Rùa biển Côn Đảo thường lên bờ làm tổ đẻ trứng vào ban đêm trong mùa sinh sản kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.

Vườn quốc gia Côn Đảo đã thiết kế một chương trình đưa khách đi xem rùa đẻ trứng, với đôi ngũ hướng dẫn chính là các nhân viên kiểm lâm đang canh giữ các đảo nhỏ và làm công tác bảo tồn rùa.

Điểm khác biệt của chương trình này là sau khi xem rùa đẻ trứng, du khách sẽ ở lại đêm ngay tại các đảo nhỏ này mà không giống với các các khu bảo tồn khác là phải quay về sau khi xem xong.

Một chuyến đi xem rùa đẻ thường bắt đầu từ 4 giờ chiều đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Xuất phát tại bến tàu du lịch, với số lượng hạn chế (từ 5 đến 7 người), du khách được đưa sang hòn Bảy Cạnh – một trong những điểm rùa lên đẻ nhiều nhất ở Côn Đảo.

Sau bữa cơm chiều, du khách ngắm cảnh hoàng hôn đang dần buông xuống và thức cùng các nhân viên kiểm lâm chờ rùa lên. Trước khi xuống bãi, khách sẽ được hướng dẫn cặn kẽ, đầy đủ một điều nên làm và không nên làm để tránh tác động đến hoạt động sinh sản của rùa mẹ.

Giữa cảnh trời biển tịch mịch, những vì sao lấp lánh cùng một chút ánh sáng leo lét từ ngọn đèn mang theo, bạn có thể nhìn những con rùa mẹ làm tổ, đẻ trứng, lấp trứng với cảm giác hiếu kỳ xen lẫn hồi hộp. Rùa mẹ bò lên bãi một cách nặng nề và chậm chạp, sau đó chọn vị trí đất cao và khô ráo để tránh bị nước biển làm ảnh hưởng đến tổ trứng rồi dùng các chi của mình tiến hành đào tổ, và những quả trứng vừa tròn vừa nhỏ lần lượt ra đời…

Sau khi đẻ trứng xong, chúng lấp tổ bằng hai chi sau của mình, vừa di chuyển vừa lấp tổ để xóa dấu vết. Nhìn dấu vết trên bãi cát, bạn có thể khoanh vùng rùa làm tổ nhưng vị trí chính xác của tổ trứng thì rất khó nhận biết.

Tuy nhiên, không phải khách du lịch nào cũng thấy đuợc cảnh rùa đẻ này, có du khách ở lại hòn Bảy Cạnh suốt hai, ba đêm liền mà không thấy được và họ đành quay về.

Côn Đảo được các nhà khoa học đánh giá là bãi đẻ có lượng rùa lên làm tổ lớn nhất nước, trung bình mỗi năm khoảng 350 rùa mẹ lên đẻ trứng và số lượng trứng nở là 50.000 rùa con. Những chú rùa nhỏ bé trong quá trình di chuyển về đại dương cho đến lúc trưởng thành có tỷ lệ sống sót rất thấp, khoảng từ 1/1.000 đến 1/10.000. Với những mối hiểm nguy đến từ khắp nơi, chúng có thể trở thành mồi của những động vật lớn hơn hoặc bị con người săn bắt.

Một nét đặc biệt ở rùa biển là con người có thể dễ dàng can thiệp vào giới tính của chúng để tạo sự cân bằng về sinh thái (khi cần thiết). Cụ thể, ở nhiệt độ nóng sẽ sản sinh ra con đực và nhiệt độ thấp sẽ cho ra đời con cái. Rùa biển có một tập tính rất hay là thường quay về nơi được sinh ra để làm tổ đẻ trứng. Lý do khiến chúng lên bãi đẻ về đêm vì chúng sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, và rùa thường chọn thời điểm nước lớn, khi mà mực nước biển cách bãi cát khoảng 3m.

Các nhà khoa học giải thích cho việc này là do từ lúc sinh ra đến lúc rùa thành thục sinh sản khoảng 35 năm, thời gian này chúng tuyệt đối ở dưới nước và bơi bằng 4 chi của mình. Do đó, 4 chi của rùa biển rất khỏe nhưng đó chỉ là thế mạnh của chúng khi ở dưới biển còn khi ở trên bờ lại rất yếu nên phải chờ khi nước lên để không bị mất sức.

Côn Đảo còn là nơi đầu tiên ở Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển. Thời điểm hiện tại đã vào mùa rùa lên bờ làm tổ đẻ trứng, và để tham gia chương trình xem rùa làm tổ đẻ trứng bạn có thể liên hệ phòng Du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Rate this post
Bài trước
Chương trình bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo
Bài sau
Các hệ sinh thái rừng Vườn Quốc Gia Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.