Những dấu tích mộ vò tại Cồn Miếu Bà Côn Đảo

Theo một số nhà khảo cổ, di tích mộ vò Cồn Miếu Bà có nhiều nét tương đồng với khu mộ vò Cồn Hải Đăng, thuộc nhóm di tích văn hóa Sa Huỳnh hải đảo. Nền văn hóa này xuất hiện cách đây từ 2.200 đến 2.500 năm trên các quần đảo phía Nam nước ta.

Người phát hiện đầu tiên di chỉ mộ vò Cồn Miếu Bà tại Côn Đảo là giáo sư Trần Quốc Vượng, vào năm 1997 khi tới tham quan Miếu Bà Phi Yến. Sau khi xem dải cồn cát và quan sát bờ mương phía chân cồn cát, giáo sư cho biết ở đây nhiều khả năng có di chỉ khảo cổ mộ vò. Di tích Cồn Miếu Bà nằm trên dải cồn cát với độ cao khoảng 4m, thuộc làng An Hải, phía Tây Nam thị trấn Côn Đảo, huyện Côn Đảo, được khai quật vào năm 2002, với diện tích 50m2.

Khai quật mộ vò Cồn Miếu Bà tại huyện Côn Đảo vào năm 2002.

Kết quả khai quật phát hiện 8 mộ vò và nhiều hiện vật đồ tùy táng. Số mộ táng này cùng với hơn 21.000 mảnh hiện vật, có niên đại 2.500 năm được xem là là tập hợp di tích, di vật phong phú bậc nhất từ trước tới nay ở Côn Đảo. Các hiện vật bao gồm công cụ ghè, chày nghiền, hòn kê, hòn ghè, bàn mài, vòng tay, mảnh khuôn đúc; bát bồng, chân đế, con tiện, nồi nấu kim loại với các hoa văn trang trí văn thừng, văn chải, chữ S; vòng đeo tay, mảnh dao, mũi nhọn, xỉ sắt… Đây là loại hình di chỉ mộ táng gồm các loại: Mộ vò có chân đế miệng và gờ vai có trang trí hoa văn khía, vai gấp, hoa văn hình dấu chữ S chạy xung quanh. Chân đế choãi và thấp gắn liền với đáy, có đồ tùy táng bên trong.

Mộ vò không có chân đế thường có kích thước lớn hơn với phong cách chế tác kiểu dáng miệng loe, cổ thắt, vai xuôi, nở ở vai hay ở bụng, đáy tròn, đường kính miệng khoảng trên dưới 20cm, chiều rộng của vai, bụng vò thường xấp xỉ độ cao còn lại của vò. Loại vò này có nắp đậy hình lồng bàn, bên trong mộ vò thường có từ 1-2 đồ tùy táng chôn theo, là niêu nhỏ hay bát bồng loại nhỏ. Mộ niêu vò có nắp đậy mô phỏng mộ vò lớn, đặt dưới đáy chiếc bình lớn. Các mộ vò đều nằm trong lớp đất của tầng văn hóa màu xám tro, phía trên miệng của vò mộ thường có nhiều đồ đá gồm công cụ ghè đẽo, đá tự nhiên, mảnh gốm và đồ gốm còn nguyên vẹn chôn theo. Đặc biệt đồ tùy táng được chôn ngay dưới đáy vò, trong lớp cát sinh thổ, tổng số đồ tùy táng chôn theo mộ là 80 hiện vật, với nhiều loại hình: các loại niêu, bình, bát bồng, nồi nấu kim loại… ngoài ra còn có thêm vòng đeo tay dùng để trang sức chất liệu bằng đồng, sắt. Có một vài mộ chôn theo cả những mảnh ốc tai tượng, ốc nón. Trong các mộ vò, 2/3 số mộ có dấu vết than tro, điều này gợi ý cho các nhà chuyên gia tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu liệu phải chăng đây phản ánh về tục hỏa táng của người cổ xưa.

Quá trình khai quật đồ đá xuất hiện khá nhiều trong tầng văn hóa, gồm các loại hình công cụ: Đá ghè đẽo, đá nguyên liệu, mảnh tước, mảnh tách, chày nghiền, hòn kê, bàn mài, mảnh vỡ công cụ mài, mảnh khuôn đúc rìu kim loại bằng đá sa thạch…

Bộ sưu tập gốm gồm gốm mộ táng và gốm gia dụng trong tầng văn hóa Cồn Miếu Bà cho thấy rất phong phú về số lượng, loại hình và cách tạo dáng, màu sắc, hoa văn trang trí… đạt ở trình độ điêu luyện, mỹ thuật. Trên nền màu thổ hoàng được tô trên lớp áo gốm của vò, bình, bát bồng, thường có gờ đai nổi có ấn, khía ở mép ngoài miệng, ở gờ vai, chân đế kết hợp với các dải băng hoa văn khắc vạch hình chữ S, hoặc biến thể thành hình sóng nước cách điệu, hình hoa, hình hoa bốn cánh, văn khắc vạch hình tam giác, tam giác trong hình tứ giác, văn chấm hất lên hình ấn móng tay. Phong cách gốm của di chỉ Cồn Miếu Bà đã kết hợp hài hòa giữa tính thống nhất của bố cục chặt chẽ trên những đồ án hoa văn trang trí và tính thoải mái, phóng khoáng, tự nhiên, sáng tạo bằng những cảm hứng ngẫu nhiên nhưng đạt ở trình độ điêu luyện, tài hoa.

Với sưu tập hiện vật của di chỉ Cồn Miếu Bà trở thành địa điểm điển hình tiêu biểu của nhóm văn hóa Sa Huỳnh hải đảo thể hiện trình độ phát triển của nghề luyện sắt và mối giao lưu trao đổi kinh tế văn hóa rộng rãi giữa đất liền và các vùng miền khác nhau của cư dân cổ Côn Ðảo. Niên đại cách ngày nay từ 2.200-2.500 năm.

An Sơn Miếu –  Miếu Bà Phi Yến

Bài, ảnh: NGUYỄN DUYÊN

https://www.baobariavungtau.com.vn/

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
Bộ ảnh cưới bên con tàu cao tốc Côn Đảo Express đầy cảm xúc
Next Post
Di chỉ khảo cổ học Hòn Cau – Dấu vết của làng cổ
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.