Một lần đến chốn kinh thiêng

Ngày còn để chỏm, cuốn sách đầu tiên mà tôi được đọc là cuốn “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán. Một bữa đi chăn trâu về, bụng sôi cồn cào, tôi bèn lục lọi tính vốc trộm mớ lạc giống của mẹ thì vớ được cuốn sách nhét trong bồ thóc. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song, hình tượng các nhân vật trong cuốn sách vẫn luôn ám ảnh tâm trí tôi… Bao năm rồi tôi nung nấu ý định phải đi thăm Côn Đảo cho bằng được. Năm ngoái, nhân có một số công việc ở Côn Đảo, tôi quyết định đặt vé máy bay và sắp xếp kế hoạch. Buổi chiều hôm trước, tôi ra chợ Bến Thành mua 3 bó huệ trắng cùng chiếc lược sừng và tấm khăn voan mỏng, tự nghĩ đây là tấm tình của người đến từ Thành phố mang tên Bác.

Từ trên cao nhìn xuống qua ô cửa sổ của chiếc máy bay ATR-72, Côn Đảo hiện ra như một thung lũng xanh đậm hình bán nguyệt, ba bề có núi bao bọc, nằm chơ vơ giữa biển biếc mênh mông. Khi chiếc máy bay dừng hẳn trên bãi đỗ của sân bay Cỏ Ống ngập tràn nắng gió, mọi người vội vã ùa xuống. Ai nấy thi nhau bấm máy để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Cái cảm giác lần đầu tiên được đến mảnh đất linh thiêng khiến tôi cứ đứng tại chỗ mà xoay một vòng, rồi như thể mụ mẫm đi trong giây lát. Nơi từng được mệnh danh là chốn “địa ngục trần gian” đây ư?

Nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý, Côn Đảo là một quần thể gồm 16 hòn đảo, nhỏ. Khoảng cách từ sân bay về khu trung tâm huyện đảo chừng 15km. Bấy giờ đang là mùa khô, thời tiết khá mát mẻ. Chiều tà, sau khi “tẩy trần”, tôi cùng mấy người bạn đồng hành mang hương, hoa đến dâng tại Nghĩa trang Hàng Dương và Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Không khí buổi chiều xao xác lạ thường, thi thoảng mới gặp vài người qua lại trên đường, chỉ có gió là vẫn mải miết xạc xào cuốn những chiếc lá bàng khô chạy ra phía biển. Từng đợt sóng giận dữ xô bờ, tung bọt trắng lên phía chiếc cầu tàu lịch sử. Nhẩn nha lên Nghĩa trang Hàng Dương, vừa đi, tôi vừa phóng tầm mắt ngắm nhìn ngọn Núi Chúa sừng sững phía trước. Tới đây, bất ngờ tôi được gặp rất nhiều người từ nhiều miền quê Bắc, Trung, Nam đi theo tour du lịch tâm linh. Họ đến đây chủ yếu bằng đường hàng không, cũng có người đi bằng tàu biển từ bến Ô Cấp. Mỗi người hành hương về Côn Đảo với một lý do riêng, song, ai nấy đều mong được thắp nén nhang thành kính tri ân những người con đất Việt đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Khi bóng đêm buông xuống đặc quánh, khu Nghĩa trang Hàng Dương rực sáng lung linh bởi những ngọn đèn sử dụng năng lượng mặt trời. Phải chăng, đó chính là những hồn thiêng của những người yêu nước không bao giờ tắt? Người dân ở đây cho biết, ngoại trừ những lúc mưa to gió lớn, còn thì không lúc nào vắng người lui tới viếng thăm nghĩa trang và khấn cầu trước mộ cô Sáu. Khi tôi đến nơi, xung quanh ngôi mộ, dòng người đông đặc lặng lẽ xếp hàng, lễ vật và hoa huệ bày la liệt, mùi nhang trầm thơm sực nức, khói nghi ngút cuộn vòng. Phải chờ khá lâu tôi mới tới lượt. Chợt nhớ văng vẳng lời bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn: Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lui!…

Sáng sớm hôm sau, tôi may mắn được nhập vào đoàn cựu tù Côn Đảo ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi thăm các di tích nhà tù. Được tận mắt chứng kiến các khu chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, các dãy xà lim, nơi giam cầm các chí sĩ yêu nước và các chiến sĩ cách mạng ưu tú mà tôi không thể nào kể hết ra đây. Tôi đứng sững người trước khu hầm xay lúa, gọi là hầm nhưng được xây nổi ngay trên mặt đất. Đây là nơi kẻ địch đày đọa người tù và trở thành hình phạt khủng khiếp nhất đối với họ. Bọn cai ngục đẩy Bác Tôn vào làm cặp rằng (caporal) hầm xay lúa, với thâm ý dùng bàn tay của đám tù lưu manh để hãm hại người chiến sĩ cộng sản. Nhưng lạ thay, Bác Tôn không chỉ cải tạo được chế độ rùng rợn ở hầm xay lúa, mà Người còn khiến đám giang hồ ở đây phải kính nể và thay đổi lối sống.

Nếu các khu chuồng cọp Pháp đã khiến mọi người phải rùng mình thì so với chuồng cọp Mỹ còn chưa thấm tháp vào đâu. Được nghe kể về những ngón đòn tàn ác của kẻ thù tra tấn, hành hạ tù nhân, có người trong đoàn đã té xỉu ngay tại chỗ. Từ trại Phú Tường, qua trại Phú Bình rồi trại Phú Hải, chúng tôi ngược lên cầu Ma Thiên Lãnh, thắp hương ở bãi sọ người. Thực sự tôi không hình dung nổi cảnh các chiến sĩ cách mạng bị kẻ thù biệt giam trong các khu chuồng bò nằm sâu dưới đất, trong cảnh phân lỏng ngập tới nửa người, nếu không có những người cựu tù từng chứng kiến kể lại một cách tỉ mỉ…

Hơn một thế kỷ tồn tại, nhà tù Côn Đảo luôn là trường học cách mạng của những người yêu nước. Sắt thép có thể bị gỉ sét và hư hại theo thời gian, song, ý chí của những người cách mạng là bất diệt. Có thể nói, mỗi tấc đất nơi này đều hòa quyện máu xương của hàng vạn người Việt Nam yêu nước và cách mạng bị kẻ thù đày đọa. Cho dẫu ngày nay quần thể Côn Đảo được tôn vinh là một trong 10 hòn đảo đẹp nhất hành tinh, thì khi đến đây, xin mọi người hãy nhẹ bước chân và quan trọng hơn, xin đừng cao giọng! Bởi hằng đêm, trong không gian tĩnh mịch và lắng sâu, mỗi ngọn gió nơi này vẫn không thôi rì rầm ru hát, ngõ hầu xoa dịu cho ngàn vạn linh hồn thiêng liêng. Phải vậy chăng mà những người dân Côn Đảo mà tôi gặp, họ đều cư xử rất hiền hòa, độ lượng và mến khách. Có lẽ huyện đảo này là nơi duy nhất không có trộm cắp, không có chuyện lọc lừa và các tệ nạn xã hội. Vâng, từ lâu Côn Đảo đã là vùng đất thiêng. Với bất cứ ai mỗi lần được đến nơi đây là một lần được thau rửa cho tâm hồn thêm trong trẻo, để thêm yêu cuộc sống và ngẩng cao đầu xứng đáng với tư cách một CON NGƯỜI!

Bút ký của NGUYỄN MINH NGỌC
https://ct.qdnd.vn

Rate this post
Bài trước
Thêm hãng tàu cao tốc khai thác tuyến Trần Đề-Côn Đảo
Bài sau
Tuyến tàu cao tốc Trần Đề – Côn Đảo chỉ 1 giờ 45 phút bằng tàu Trưng Trắc

1 Bình luận. Leave new

Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.