Bà Phi Yến tên thật Lê Thị Răm, là thứ phi của Chúa Nguyễn Ánh. Lễ hội giỗ bà Phi Yến được tổ chức hàng năm vào ngày 18 tháng 10 âm lịch tại An Sơn Miếu, huyện Côn Đảo.
Theo sử sách, năm Quý Mão 1783, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải đưa gia quyến trốn chạy ra quần đảo Côn Lôn (nay là huyện Côn Đảo). Vì không đủ sức chống cự quân Tây Sơn, nên Nguyễn Ánh có ý định giao Hoàng tử Hội An (tên tục là Hoàng tử Cải) cho nhà truyền giáo Bá Đa Lộc để đưa sang Pháp làm con tin, cầu viện quân Pháp đánh Tây Sơn. Mẹ của hoàng tử Cải, Thứ phi Phi Yến khuyên Nguyễn Ánh không nên nhờ ngoại bang vì e sợ những điều bất lợi về sau. Nguyễn Ánh nghi ngờ Phi Yến ngầm thông đồng với quân Tây Sơn, bèn nổi giận hạ lệnh chém đầu bà. Nhờ các quan cận thần can ngăn, Phi Yến thoát án chém, nhưng bị giam vào hang đá trên một hòn đảo hoang vắng nằm ở phía Tây Nam của quần đảo Côn Lôn, về sau nơi đây được gọi là đảo Hòn Bà.
Được tin quân Tây Sơn đang chuẩn bị vượt biển ra quần đảo Côn Lôn, Nguyễn Ánh bỏ lại Thứ phi Phi Yến cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy tiếp. Lúc bấy giờ đứa con duy nhất của bà Phi Yến cùng với Chúa Nguyễn Ánh là Hoàng tử Cải mới 5 tuổi, khóc lóc đòi theo mẹ, dỗ dành không được nên Nguyễn Ánh ném Hoàng tử Cải xuống biển, xác trôi tấp vào làng Cỏ Ống thuộc quần đảo Côn Lôn. Xác của Hoàng tử Cải được dân làng Cỏ Ống vớt đem chôn và lập miếu thờ.
Tương tuyền, khi bị giam trong hang tối, bà Phi Yến đã được một con vượn trắng hái trái cây rừng và lấy nước suối mang đến nuôi bà. Rồi bà được một con cọp đen cõng ra khỏi hang đưa về làng Cỏ Ống, nơi có mộ Hoàng tử Hội An. Bà Phi Yến đã ở lại đây chăm sóc phần mộ đứa con yêu quý của mình. Vì vậy, tương truyền câu ca dao: “Gió đưa cây cải (ý nói Hoàng tử Cải) về trời/ Rau răm (chỉ tên thật của bà Phi Yến) ở lại chịu lời đắng cay”.
Bấy giờ, dân làng An Hải tổ chức lễ đàn chay đã sang làng Cỏ Ống xin được rước bà Phi Yến về dự lễ cho thêm phần long trọng. Đêm đó, tên đồ tể Biện Thi vì mê đắm sắc đẹp của bà đã lẻn vào phòng định giở trò đồi bại. Hắn vừa chạm vào cánh tay thì bà giật mình tri hô dân làng đến cứu. Sau đó, bà đã tự chặt đứt cánh tay của mình rồi sau đó tự vẫn để giữ gìn danh tiết.
Cảm phục người phụ nữ trung trinh tiết hạnh, dân làng An Hải đã lập An Sơn miếu để thờ bà. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, An Sơn Miếu đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên vị trí và dáng vẻ ban đầu. Ngôi miếu được lợp ngói âm dương, nằm giữa những tán cây tỏa bóng mát rượi, hoa lá xanh tươi rực rỡ bốn mùa. Vào các dịp rằm hàng tháng, người dân địa phương và người đi biển thường tới An Sơn Miếu thắp nén nhang khẩn nguyện sự may mắn bình yên.
Để tưởng nhớ người phụ nữ trung trinh tiết hạnh, hàng năm, dân làng An Hải xưa và người dân Côn Đảo ngày nay đã long trọng tổ chức Lễ hội giỗ bà Phi Yến. Dịp này, bài vị của Hoàng tử Cải từ Miếu Cậu ở khu dân cư Cỏ Ống cũng được tổ chức lễ rước về An Sơn Miếu hội ngộ cùng với mẫu thân.
Năm nào cũng vậy, trong 2 ngày 17 và 18 tháng 10 âm lịch, hàng ngàn người dân cùng du khách đang tham quan tại Côn Đảo nô nức tụ họp ở An Sơn Miếu để tham dự Lễ hội giỗ bà Phi Yến. Về phần lễ, trong tiếng nhạc lễ rộn ràng, trang nghiêm, đại diện các khu dân cư Côn Đảo trong trang phục áo mũ cổ truyền, thành kính tế lễ, dâng lên những sản vật của địa phương như hương hoa, ngũ quả, xôi, chè… Sau đó chủ tế đọc văn khấn, thành tâm cầu nguyện những điều tốt lành, mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc. Phần hội với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và các trò chơi dân gian, đờn ca tài tử; đặc biệt là tiết mục sân khấu hóa tái hiện lại cuộc đời gian truân, tiết hạnh của bà Phi Yến.
Trong nhiều năm qua, Lễ hội giỗ bà Phi Yến đã trở thành một lễ hội văn hóa truyền thống, được Đảng bộ, chính quyền và người dân Côn Đảo tổ chức trang trọng tại An Sơn Miếu. Qua đó, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa tâm linh tốt đẹp của người dân Côn Đảo và Bà Rịa -Vũng Tàu.
Xem thêm: Lễ giỗ Thứ phi Hoàng Phi Yến: Xứng đáng được nâng tầm
TRẦN BÌNH
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu