Hiện thực hóa ý tưởng “Ngày Côn Đảo”

Côn Đảo – Hòn đảo ngoài khơi Nam Bộ là nơi trú ngụ của 2 vạn anh linh chiến sĩ cách mạng yêu nước. Về mặt tâm linh, Côn Đảo không hẳn chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà đã vượt lên là nơi tri ân dành để kính lễ, tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ của đất nước – dân tộc ta. Tháng 7 hằng năm luôn có một lễ giỗ chung được tổ chức ở Côn Đảo. Và ý tưởng về “Ngày Côn Đảo” – ngày để ra đảo, để cả nước hướng về Côn Đảo càng trở nên rõ ràng hơn.

Vào tháng 7 hằng năm, các hãng hàng không và tàu biển đều tăng chuyến ra Côn Đảo do nhu cầu ra đảo của nhân dân tăng lên. Các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các chuyến đi tri ân và giáo dục truyền thống cho cán bộ, công nhân viên, sinh viên, viên chức và lực lượng vũ trang cả nước. Nghĩa trang Hàng Dương trên đảo là đích đến. Ngoài ra, hệ thống di tích các nhà tù còn lại, đền thờ Côn Đảo, nhà tưởng niệm liệt nữ Võ Thị Sáu, mộ liệt nữ Võ Thị Sáu, phần mộ các chiến sĩ yêu nước như Nguyễn An Ninh, Lê Hồng Phong, Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt…

Phần mộ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh trong nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo luôn được du khách thăm viếng. Ảnh: TTH

Trong hơn 100 năm tồn tại của Nhà tù Côn Đảo, đã có khoảng 2 vạn người bị cầm tù và hy sinh, trong đó, phần lớn là chiến sĩ cách mạng. Đặc biệt, liệt sĩ Võ Thị Sáu, nữ du kích, người con trung hiếu của quê hương Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu bị địch đưa ra Côn Đảo và xử bắn sau 2 ngày ở đảo khi tuổi chưa tới 18. Cô Sáu – tên người dân đảo thân mật dành để gọi liệt nữ Võ Thị Sáu – trở thành anh linh bất tử của người dân Côn Đảo, hình ảnh đại diện cho chí khí anh dũng của người dân Nam Bộ. Người dân đảo nói, linh hồn trẻ măng của Cô Sáu đã ở lại, độ trì vĩnh viễn cho mảnh đất này.

Những tù nhân Côn Đảo từng có ý tưởng tổ chức một ngày giỗ chung cho tất cả các liệt sĩ. Bởi trên thực tế có quá nhiều người hy sinh và nhiều người hy sinh trong một ngày. Chưa kể, ngoài nghĩa trang Hàng Dương với các hàng mộ ngay ngắn, trang nghiêm đã được quy hoạch, còn nghĩa trang Hàng Keo hiện đã di dời các khu mộ, nhưng nơi đây hòa máu xương của hàng vạn liệt sĩ chưa xác định được tên. Họ hy sinh vì bị tra tấn, bị buộc phải lao động khổ sai, cực hình, bị bỏ đói và kiệt sức vì bệnh tật. Hiện nay, cầu tàu 914, di tích lịch sử ở bờ biển Côn Đảo cũng chính là nấm mồ chôn chung của hàng ngàn người tù xây dựng nên. Thi thể xương máu hòa vào biển, vào đất. Và vì thế, Côn Đảo là nơi nổi tiếng trên thế giới.

Điều ấm áp hơn cả là bản thân những cư dân của Côn Đảo bây giờ sinh cư lập nghiệp bình yên ở mảnh đất địa ngục trần gian đó. Hơn thế nữa, họ còn tự hào là những người sống cùng anh linh các liệt sĩ. Hằng năm, họ đều tổ chức ngày giỗ Võ Thị Sáu, Nguyễn An Ninh, Lê Văn Việt… Mỗi gia đình đều có ảnh thờ và bàn thờ liệt nữ Võ Thị Sáu trong nhà với tất cả niềm thành kính của mình. Từ năm 2012 đến nay, các cựu tù Côn Đảo đã chọn ra và tổ chức một ngày giỗ chung các liệt sĩ là ngày 20 tháng 6 âm lịch hằng năm.

Ngày này cũng gần như trùng lên tuần lễ tri ân các liệt sĩ hướng đến ngày tưởng niệm 27 tháng 7. Đã có 8 năm liền, ngày lễ giỗ chung được tổ chức quy mô. Như vậy, để nâng lên một tầm cao hơn, 20 tháng 6 âm lịch hàng năm có thể được gọi là “Ngày Côn Đảo” để thu hút sức mạnh của truyền thông, cũng như tạo nên làn sóng uống nước nhớ nguồn, khắc sâu sự tri ân tưởng nhớ ở một hòn đảo lịch sử, tăng khách du lịch đến đảo và kéo gần lại cuộc sống người dân trên đảo với đất liền.

Hơn thế nữa, du lịch tâm linh cũng được xem là một nhu cầu không nhỏ của người dân. Nhiều người muốn có nhu cầu thắp nhang tri ân liệt sĩ, đồng thời thăm lại các di tích nhà tù Côn Đảo, thưởng thức cảnh quan trong lành của một địa danh du lịch ngoài khơi như Côn Đảo. Các chuyến bay thường kỳ của các hãng hàng không đáp tới sân bay Cỏ Ống trên đảo thường chở theo những hành khách mang đi cùng những bó hoa huệ tươi mà thoạt nhìn, ai cũng biết đó là những khách du lịch đi viếng mộ.

Điều đặc biệt của du lịch Côn Đảo là dù ai ra tới hòn đảo này, thì nửa đêm của ngày đầu tiên đặt chân tới đảo, họ cũng ra thăm nghĩa trang Hàng Dương. Về đêm, ở trong nghĩa trang này sáng rực đèn nến và khói nhang nghi ngút. Lệ cúng vào ngày rằm, ngày mùng một âm lịch bên những ngôi mộ và vào lúc nửa đêm vốn là thói quen của dân sống trên đảo. Khách du lịch đến cũng theo lệ đó, lâu dần trở thành một nếp sinh hoạt riêng của hòn đảo. Và xét về góc độ du lịch thì đây là nét rất hấp dẫn đặc biệt của một hành trình buộc nhiều người phải chọn đặt chân đến ít nhất một lần.

Như vậy, từ thực tiễn sinh động ấy, ý tưởng về “Ngày Côn Đảo” được hình thành. Bản thân những thanh niên, sinh viên, công nhân viên chức Nhà nước chính là những đối tượng có nhu cầu được đến Côn Đảo vào tháng 7, sau đó là nhiều tầng lớp nhân dân mong muốn được tri ân các liệt sĩ.

Bà Nguyễn Thị Mai, hội viên Hội Phụ nữ quận 4, thành phố Hồ Chí Minh thổ lộ, bà thường ra Côn Đảo vào tháng 7 hàng năm. Chỉ mong được góp một nén nhang vào trong lễ giỗ chung, vỗ về anh linh những chiến sĩ cách mạng, những nhà yêu nước mà khi còn sống, họ chính là những tượng đài anh dũng, sống chết vì lý tưởng, vì hòa bình cho thế hệ mai sau. Bà Mai và nhiều đồng nghiệp, người dân trong khu dân cư của bà mong muốn, những chuyến tàu biển, tàu bay ngày càng trở nên thuận tiện để có thể được ra Côn Đảo nhiều dịp hơn nữa.

Đó cũng là nhu cầu chính đáng của người dân trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này.

Trương Thúy Hằng
https://www.bienphong.com.vn

4/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam tại cảng Trần Đề – Sóc Trăng
Bài sau
Hướng dẫn đi Côn Đảo bằng tàu cao tốc Trưng Trắc từ cảng Trần Đề
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.