Giữ mạch nguồn nước ngọt cho Côn Đảo

Là một huyện đảo, nguồn nước ngầm dự trữ tại Côn Đảo không nhiều, vào mùa khô nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra. Do đó, UBND huyện Côn Đảo đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt các hồ chứa nước ngọt, nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện.

CẢI TẠO CÁC HỒ NƯỚC NGỌT

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Phó Trưởng Trạm Cung cấp nước huyện Côn Đảo cho biết, hiện tại, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước của huyện đạt 99% (1% còn lại là các trường hợp không đủ điều kiện để được cấp nước như xây dựng không phép, trái phép, một số đoạn đường chưa có đường ống nước đi qua) và chưa tính khách du lịch. Từ năm 2016 đến nay, mùa mưa đến sớm kéo dài đến tháng 11 chưa kết thúc, lượng nước tại các giếng khai thác cũng tăng cao nên khá thuận lợi cho hoạt động khai thác, sản xuất nước cấp của huyện. Tuy nhiên, vào mùa du lịch, lượng du khách đến Côn Đảo tăng đột biến, kéo theo đó, nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao, dẫn đến hoạt động khai thác và cung cấp nước trên địa bàn gặp một số khó khăn. “Có thời điểm nhà máy nước hoạt động hết công suất và phải áp dụng các giải pháp cấp nước an toàn nhưng vẫn không đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện”, bà Trang nói.

Công nhân Trạm cấp nước Côn Đảo kiểm tra chất lượng nước đầu vào để sản xuất nước sạch cung cấp cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất trên đảo.
Công nhân Trạm cấp nước Côn Đảo kiểm tra chất lượng nước đầu vào để sản xuất nước sạch cung cấp cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất trên đảo.

Theo đại diện Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, Côn Đảo có 16 hòn đảo lớn, nhỏ, nhưng chỉ đảo trung tâm – Côn Sơn có nước ngọt. Địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi đá nên khả năng dự trữ nước ngầm ở Côn Đảo rất thấp. Lượng nước được tích tụ chủ yếu vào mùa mưa ở các hồ: An Hải, Quang Trung 1, Quang Trung 2, Lò Vôi và Cỏ Ống với tổng dung tích gần 2 triệu m3. Do đó, một trong những ưu tiên hàng đầu để phục vụ phát triển kinh tế huyện Côn Đảo là bảo vệ nguồn nước, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt của nhân dân, du khách cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ năm 2018 đến nay, huyện đã triển khai các giải pháp bảo vệ và duy trì lượng nước ngọt tại các hồ chứa nước. Cụ thể, đến nay huyện Côn Đảo đã hoàn thành và đưa vào tích nước công trình hồ chứa nước Quang Trung II (quy mô diện tích mặt hồ là 10,4ha, dung tích hồ ở mức nước dâng bình thường là 645.000m3); thực hiện dự án nạo vét hồ Quang Trung I (sau nạo vét, dung tích hồ khoảng 600.000m3). Đồng thời, huyện cũng đang khảo sát vị trí xây dựng hồ chứa nước Cỏ Ống, hồ chứa nước Đất Dốc nhằm dự trữ nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và phòng cháy chữa cháy.

TRÁNH NGUY CƠ SUY GIẢM NGUỒN NƯỚC

Theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, để kiểm soát chất lượng nguồn nước ngọt, ngoài việc cải tạo các hồ chứa nước, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện áp dụng các biện pháp xử lý nước thải phát sinh trước khi xả thải vào môi trường. Ngoài ra, hàng năm các cơ quan chuyên môn đều tiến hành quan trắc chất lượng các nguồn nước ngầm, nước cấp, nước hồ và nước biển ven bờ tại các điểm quan trắc khu vực Cỏ Ống, Bến Đầm và các hồ trung tâm. Đồng thời, khuyến cáo người dân không sử dụng nước ngầm cho mục đích ăn uống, sinh hoạt; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hợp lý trong canh tác hoa màu; chú trọng xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải sản xuất trước khi thải ra môi trường; tổ chức dọn vệ sinh khu vực hồ An Hải; rà soát các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gần đầu nguồn nước.

Bên cạnh các giải pháp về cải tạo hồ chứa, hạn chế xả thải, bảo vệ môi trường… UBND tỉnh còn chỉ đạo huyện Côn Đảo và Sở TN-MT thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm tại đây. Tháng 3/2017, UBND huyện Côn Đảo cũng ban hành Công văn số 431/UBND-TNMT về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước ngọt và không khai thác nước dưới đất trên địa bàn huyện Côn Đảo, trong đó “nghiêm cấm mọi hoạt động khoan khai thác nước dưới đất, hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn huyện…”. Năm 2019, UBND huyện tiếp tục triển khai hướng dẫn người dân thực hiện đăng ký khai thác nước dưới đất. Theo Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, các quy định này nhằm tránh nguy cơ gây ô nhiễm, suy giảm chất lượng, trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng tới mục tiêu khai thác, bảo vệ tài nguyên nước ngọt, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của địa phương.

Song song đó, để đáp ứng nhu cầu cấp nước cho nhân dân, UBND huyện Côn Đảo đã đầu tư mở rộng hệ thống xử lý (đã lắp đặt xong hệ thống lọc công suất 45m3/giờ), thay mới cải tạo đường ống dẫn nước khu trung tâm; cải tạo và xây dựng mới hệ thống bể chứa nước đạt 1.600m3 tại Nhà máy nước lớn, bể điều áp 400m3 tuyến Cỏ Ống và bể điều áp 800m3 tuyến Bến Đầm; đầu tư dự án Xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt huyện Côn Đảo công suất 3.000m3/ngày đêm… để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, DN và khách du lịch.

Trong những năm qua, chất lượng nước sinh hoạt tại huyện Côn Đảo đã được quan tâm cải thiện, từ năm 2016 đến nay, chất lượng nước máy sau xử lý đạt chất lượng theo Quy chuẩn 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Các chỉ tiêu về chất lượng nước cấp được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh kiểm nghiệm giám sát định kỳ 1 lần/quý.

Bài, ảnh: QUANG VŨ
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

5/5 - (2 bình chọn)
Previous Post
Trình Thủ tướng điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo
Next Post
Lịch chạy tàu cao tốc Côn Đảo dịp Tết dương lịch 2021
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.