“Giải vây” cho đảo !

Anh bạn tôi vừa làm một chuyến du lịch tới huyện Côn Đảo. Sau 4 ngày vui chơi, thăm thú các nơi, anh đi tàu cao tốc Express 36 từ Côn Đảo về Vũng Tàu chơi thêm 2 ngày trước khi trở về nhà ở TP.Đà Nẵng.

Hỏi cảm xúc về chuyến đi, anh nói ngoài các điểm du lịch tâm linh, Côn Đảo còn sở hữu nhiều bãi, vịnh, hồ giữ được nét đẹp hoang sơ, hấp dẫn như vịnh Côn Sơn, rừng nguyên sinh Ông Đụng, bãi Đầm Trầu, Đất Dốc, mũi Lò Vôi, Chim Chim, vịnh Đông Bắc…; Người dân trên đảo nhiệt tình, thân thiện, chân chất, dễ mến. Thế nhưng, như nhiều đảo du lịch khác, Côn Đảo có nhiều rác thải – nhất là rác thải nhựa, do cư dân và du khách xả ra, từ ngoài biển dạt vào. Nếu không triệt để giải bài toán rác thải, trong tương lai gần Côn Đảo sẽ bị ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch và sinh hoạt của người dân.

Nước ta hiện có 12 huyện đảo, trong đó có các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nghề cá và du lịch như Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý, Cát Bà, Cô Tô. Sự phát triển của ngành công nghiệp không khói những năm qua đã thúc đẩy kinh tế nhiều huyện đảo phát triển nhưng cũng khiến các hòn đảo bị quá tải rác. Nhiều bãi biển, cảng biển, cầu tàu lềnh bềnh, ngập ngụa rác. Nhiều tuyến đường, chợ trên đảo rác cũng rất nhiều. Số rác thải tích tụ lâu ngày không xử lý kịp, gây khó chịu, ô nhiễm, mất mỹ quan.

Vấn đề xử lý rác tại Côn Đảo đã được đặt ra từ lâu. Nhiều giải pháp được đưa ra như tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, thu xếp gọn bãi rác, đốt bớt để lấy chỗ trống đổ rác mới, ép rác thành bánh rồi chất lên tàu chở về đất liền xử lý, truyền thông nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, thậm chí đề xuất thu phí để du khách ra Côn Đảo có trách nhiệm với hệ sinh thái, môi trường. Những thông tin trên cho thấy các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện Côn Đảo đã rất nỗ lực trong việc giải bài toán rác thải. Tuy vậy cho đến nay vẫn chưa tìm ra biện pháp tối ưu để xử lý dứt điểm trong khi lượng rác cứ tăng dần cùng với sự bùng nổ về lượng khách du lịch.

Huyện Côn Đảo không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều hòn đảo khác cũng đang vất vả với việc tìm “đầu ra” cho rác thải. Nguyên nhân là các bãi chôn lấp đã quá tải, các lò đốt công nghệ sơ sài, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Lượng rác trên các đảo ngày một nhiều thêm đòi hỏi chính quyền các địa phương tìm kiếm thêm các giải pháp khả thi nhằm ngăn chặn, không để rác phát sinh. Không hẹn mà gặp, nhiều đảo đã triển khai chương trình truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về giảm thiểu và ngăn chặn ô nhiễm môi trường trên đảo. TS. Michael Parsons, người có 13 năm làm công tác về bảo vệ môi trường cho Liên Hợp quốc tại Việt Nam bình luận đó là một “giải pháp khôn ngoan” được chứng minh qua thành công của đảo Cù Lao Chàm. Trong nhiều năm, chính quyền địa phương đã kiên trì triển khai một cách bài bản nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ giải pháp thay thế, nhằm kêu gọi cộng đồng sử dụng có trách nhiệm, giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ni lông một cách tự giác trên toàn đảo.

Huyện đảo Phú Quốc chọn ngày thứ bảy tuần đầu tiên của mỗi tháng làm “Ngày vì môi trường Phú Quốc”; Huyện đảo Lý Sơn có chương trình “Vì một Lý Sơn không rác thải nhựa”.Huyện đảo Cô Tô có chương trình “Mỗi người dân là một tình nguyện viên bảo vệ môi trường”; Huyện đảo Cát Bà có chiến dịch “Chung tay giữ màu xanh của biển” v.v… Tinh thần chung là vận động người dân và du khách không xả rác, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Năm 2018, UBND huyện Côn Đảo cũng đã triển khai “giải pháp khôn ngoan” đó bằng việc phối hợp với Công ty TNHH Truyền thông và Sự kiện Sao Mai triển khai dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo”. Cuối năm 2019 dự án mới kết thúc giai đoạn I nhưng theo ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, góp phần đưa Côn Đảo trở thành “điểm đến xanh” trong hành trình của khách du lịch, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của du khách và người dân.

Không dừng lại ở đó, huyện Côn Đảo còn mời tư vấn bắt tay vào thực hiện cùng lúc hai đề án “Côn Đảo nói không với túi nilon” và đề án “Tăng cường năng lực về cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị và kinh phí hoạt động cho các cơ quan đơn vị làm công tác bảo vệ môi trường huyện Côn Đảo”.

Tất nhiên, kêu gọi hay tuyên dương là chưa đủ, đi kèm với đó phải là chế tài nghiêm khắc theo luật định các hành vi xâm hại môi trường biển đảo.Chính quyền các huyện đảo hiện chưa chú trọng lắm vấn đề này.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

https://www.baobariavungtau.com.vn/

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Bún riêu cua Bà Hai Khiêm nơi hầu như dân Côn Đảo từng ăn sáng
Bài sau
Lịch chạy tàu Côn Đảo Express tháng 9/2019
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.