Diện mạo mới nơi “địa ngục trần gian”

Đến Côn đảo để hiểu đầy đủ hơn sự hy sinh cao cả của các thế hệ ông cha ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng thời, để cảm nhận sự đổi thay của huyện đảo xinh đẹp này qua 45 năm giải phóng.

Huyện Côn Đảo được tạo nên bởi 16 hòn đảo lớn nhỏ, mỗi hòn đảo gắn liền với những câu chuyện cổ tích, lịch sử. Trong đó, Côn Lôn là đảo lớn nhất, đây cũng là nơi tập trung sinh sống của hơn 8 nghìn người.

Đến Côn Đảo, địa chỉ đầu tiên chúng tôi đến thăm là nhà tù, trại giam nơi trước đây giam cầm hàng chục ngàn chí sĩ yêu nước, các chiến sĩ cộng sản kiên trung và Nghĩa trang Hàng Dương. 45 năm sau ngày giải phóng, những dấu tích “địa ngục trần gian” vẫn còn nguyên ở huyện đảo Côn Đảo.

Theo tài liệu của huyện Côn Đảo: Sau 4 năm nổ tiếng súng xâm lược Việt Nam, năm 1862, thực dân Pháp rồi sau đó là đế quốc Mỹ đã xây dựng ở Côn Đảo hệ thống các các nhà tù, trại giam. Lần lượt các chí sỹ yêu nước, như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh; nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung nổi tiếng của cách mạng Việt Nam, như: Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Thị Sáu,… đã bị chúng lưu đày, giam cầm ở đây.

Toàn cảnh thị trấn Côn Đảo

Tồn tại hơn 100 năm, với đội ngũ các cai ngục khét tiếng, áp dụng đủ hình thức giam cầm, tra tấn dã man nhất; các nhà tù, trại giam ở Côn Đảo đã chứng kiến sự hy sinh của hơn 20 ngàn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Rời Nhà tù Côn đảo, chúng tôi đến Nghĩa trang Liệt sĩ Hàng Dương. Là một trong những ngĩa trang lâu đời nhất ở Côn đảo, Nghĩa trang Hàng Dương là nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng cùng những người yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và đấu tranh chống Mỹ – Ngụy bị lưu đày và sát hại tại Nhà tù Côn Đảo từ năm 1862 đến 30.4.1975. Đó là nhà yêu nước nổi tiếng Nguyễn An Ninh, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong; Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc…

Năm 1992, nghĩa trang được tôn tạo và xây dựng lại trên diện tích 20 ha, gồm 4 khu A, B, C, D. Không giống các nghĩa trang khác, Nghĩa trang Hàng Dương bất kể ngày hay đêm, lúc nào cũng có người đến viếng. Theo những người dân ở đây, hầu như họ đến viếng khi đêm về để cảm nhận hết không khí linh thiêng, bi tráng của vùng đất này. Trong đó, phần mộ có nhiều người đến dâng hương nhất là mộ nữ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu.

Tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Hàng Dương và Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu, cùng với dòng người đến nghĩa trang, trong không khí trang nghiêm và thành kính, Đoàn công tác của Vùng 2 Hải quân và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương chúng tôi đã tới đặt vòng hoa, dâng hương tri ân, tưởng nhớ công lao và sự cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước vì hòa bình, độc lập dân tộc hôm nay.

Trong Đoàn công tác của chúng tôi, hầu hết là những người lần đầu đến Côn Đảo. Rời nghĩa trang, ai cũng háo hức được khám phá thị trấn đảo này. Bởi ở đó là những ngôi nhà khang trang dưới tán cây cổ thụ, những con đường thơ mộng khi ẩn, khi hiện bên bờ biển xanh biếc này; ở đó còn có những con người ngày đêm cống hiến vì biển đảo Tổ quốc. Đêm, thị trấn thật lung linh huyền ảo.

Mạng lưới thông tin liên lạc, phương tiện đi lại giữa đảo và đất liền đã thuận lợi hơn; mỗi ngày, có nhiều chuyến tàu từ đất liền ra đảo và ngược lại. Cùng với tàu thủy, sân bay Côn Đảo được xây dựng đã đưa đảo về gần đất liền hơn. Để phát triển Côn Đảo thành một điểm du lịch, huyện Côn Đảo xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn tham quan rừng mưa nhiệt đới, lặn biển ngắm san hô và xem rùa đẻ trứng, tham quan các hòn đảo nhỏ, đặc biệt là tour tham quan các khu di tích lịch sử… Từ thế mạnh đó, trong nhiều năm qua, Côn đảo đã trở thành nơi thu hút khách du lịch.

Bí thư huyện ủy Côn Đảo, Nguyễn Hoàng Tùng, cho biết: “Năm 2019, tổng doanh thu thương mại, dịch vụ của huyện đạt gần 2.735 tỷ đồng (đạt 108,84 kế hoạch), tăng 12% so với năm 2018. Huyện đã và đang tiếp tục đầu tư tôn tạo để phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng, kết hợp với du lịch sinh thái biển, đảo để phát triển Côn Đảo thành một điểm du lịch hấp dẫn; chủ động thực hiện hàng loạt quy hoạch cho phát triển, như: Khu dân cư; trung tâm thương mại; phố đi bộ Tôn Đức Thắng; hoàn thiện xây dựng chương trình phát triển đô thị Côn Đảo. Tất cả đã tạo cho Côn Đảo diện mạo mới”.

Để có một Côn Đảo “Xanh, sạch, thân thiện”, ngoài chiến lược về thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, các dự án không tác động nhiều đến vẻ đẹp hoang sơ vốn có của Côn Đảo, việc tuyên truyền, vận động người dân, du khách và doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường luôn được quan tâm. Cấp ủy, chính quyền huyện Côn đảo cũng có các biện pháp, chế tài mạnh mẽ nhằm hạn chế tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học biển, đảo.

Phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá – xã hội được quan tâm thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Xa đất liền, nhưng việc dạy và học ở đây đã chuyển biến rõ rệt: Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây dựng khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên đảo.

Côn Đảo đang từng ngày khởi sắc. Được trải nghiệm cái nắng, cái gió, được tận mắt chứng kiến cuộc sống giữa mênh mông biển cả, Côn Đảo như gần gũi thân thuộc với mỗi người đến với hòn đảo huyền thoại này.

Bài, ảnh: PHƯƠNG HOA – Báo Hà Giang

Kỳ cuối: Chuyện của những người giữ bình yên Côn Đảo

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Mẫu tờ khai y tế khi đi tàu cao tốc ra Côn Đảo
Bài sau
Bảng giá dịch vụ hướng dẫn xem rùa đẻ trứng ban đêm tại VQG Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.