Côn Đảo là một trong những quần đảo tiền tiêu nằm ở phía Đông Nam của nước ta, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lí, cách cửa sông Hậu 45 hải lí, gồm 16 hòn đảo: Côn Sơn, Côn Lôn nhỏ (Hòn Bà), hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau (Phú Lệ), hòn Bông Lan, (Phú Phong), hòn Vung (Phú Vinh), hòn Trọc (hòn Trai, Phú Nghĩa), Hòn Trứng (Phú Thọ), hòn Tài lớn (Phú Bình), hòn Tài nhỏ (hòn Thỏ, Phú An), hòn Trác Lớn (Phú Hưng), hòn Trác nhỏ (Phú Thịnh), hòn Tre Lớn (Phú Hòa), hòn Tre nhỏ (Phú Hội) hòn Anh (hòn Trứng lớn) hòn Em (hòn Trứng nhỏ), với tổng diện tích là 76km2 , trong đó lớn nhất là đảo Côn Sơn (51,52km2 ). Côn Đảo hiện nay là một 46 điểm du lịch quốc gia, với mệnh danh “hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh” đối với du khách trong nước và quốc tế.
Địa danh Côn Đảo từng xuất hiện trong lịch sử hàng hải quốc tế từ rất lâu với nhiều tên gọi khác nhau: Poulo Con dor, Côn Lôn, Côn Lôn Sơn, Côn Nôn, Côn Sơn…với những nguồn tư liệu lịch sử tác giả trình bày nguồn gốc hình thành những tên gọi xa xưa của quần đảo nổi tiếng này.
Câu hỏi đặt ra là địa danh Paulau Kundur hay Poulo Condore được xuất hiện từ khi nào? Địa danh Côn Lôn được đề cập sớm nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư bản Ngoại kỷ quyển V trang 4b ghi: ”Năm Đinh Mùi (767) Đường Đại Tông Dự , Đại lịch thứ 2 Người Côn Lôn, Chà Bà đến cướp đánh lấy Châu Thành”. Dưới trang trích dẫn này, tại ghi chú số 4, các nhà nghiên cứu cho biết từ Côn Lôn trong thư tịch cổ Trung Hoa từ thế kỷ thứ IV và kết luận: ”Tên Côn Lôn để chi một số cư dân trong vùng Nam Hải, tức vùng Đông Nam Á ngày nay”.
Người Đức gọi Poulo Condore hay tên thổ âm là Côn Nôn đã được người Trung Hoa phiên âm thành K’ ouen L’ouen (Côn Lôn) hoặc K’ouen T’ouen (Côn Đồn), người Malai gọi là Paulau Kundur hay Poulo Condore có nghĩa là đảo Bí, cù lao Bí, hòn Bí)…
Tự vị An Nam Latinh (1772-1773) ghi hòn Côn Nôn, đảo Pulo Condor. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn chép về quần đảo này có đoạn “Phía ngoài phủ Gia Định có núi gọi là Côn Lôn.”
Giáo sư Trần Quốc Vượng cho biết thêm tiếng Malai Polo có nghĩa là đảo, hòn, cù lao… còn Condore tiếng Anh, Pháp là chim ưng, chim ó, chim bằng… Poulo Condore theo nghĩa của cụm từ này là hòn đảo của (chim ưng, chim ó, chim bằng). Về sau này những người thủy thủ Trung Hoa phiên âm Paulau Kundur hay Poulo Condore thành K’ ouen Louen và người Việt Nam đọc thành Côn Lôn hay Côn Nôn.
Như vậy địa địa danh Côn Lôn, hay Côn Nôn theo cái gọi của người Việt bắt nguồn từ cách gọi cụm từ Paulau kundur hay Poulo Condore của người Malai, qua phiên âm của người Trung Hoa đọc thành K’ ouen Louen.
Đại Nam thực lục Quốc sử quán triều Nguyễn tập I có chép hai sự kiện có liên quan đến Côn Lôn như sau. Sự kiện thứ nhất liên quan đến người Anh: ”Giặc biển người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn…Trấn thủ Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem việc báo lên. Chúa sai Phúc Phan tìm cách trừ bọn ấy”. Sự kiện thứ hai liên quan đến người Chà Và: ” Giặc biển Chà Và cướp bóc ở ngoài biển, dân Côn Lôn bị hại, Thủ thần xin bệ hạ lệnh cho các thuyền công và thuyền tư đều được sửa sang khí giới để phòng bị. Vua y cho.” Như vậy Côn Lôn trở thành tên gọi
chỉ cụm đảo và chỉ người sống trên cụm đảo này mà ngày nay chúng ta gọi là Côn Đảo.
Trong bài viết Những cứ liệu cũ về địa danh Côn Đảo của PGS, TS Đào Ngọc Chương cho chúng ta biết rõ hơn cụm từ Poulo Condore như sau: một tài liệu được phổ biến và viết khá kỹ về Poulo Condore của Winlliam Dampier đến Côn Đảo vào năm 1687 nghĩa là khá lâu về sau so với các thương nhân Bồ Đào Nha, các giáo sĩ Thiên Chúa giáo…Điều quan trọng là tên gọi Poulo Condore đã sử dụng một cách dứt khoát. Và Winlliam Dampier đã ở lại Poulo Condore khoảng hơn 1 tháng từ 14 – 4 -1687 đến 24 – 4 – 1687 để sửa tàu, vì thế ông ghi nhận khá kỹ và đầy đủ về Poulo Condore từ người dân, tập tục, tính cách, đến các sản vật. Dưới thời vua Gia Long (1802- 1820) Côn Đảo thuộc quyền quản hạt của đạo Cần Giờ, trấn Phiên An, tổng trấn thành Gia Định.
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839) Côn Đảo được chuyển sang tỉnh Vĩnh Long, thuộc Nam kỳ Lục tỉnh.
Dưới thời Pháp thuộc Côn Lôn là một quận, được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Pháp Jules Grévy. Đứng đầu quận là một viên chức hành chính hoặc sĩ quan ngoại ngạch với chức danh giám đốc quần đảo và đề lao Côn Lôn.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa Côn Sơn là một tỉnh được thành lập theo sắc lệnh số 143.NV ngày 22-1-1956. Đến tháng 4.1965 chính quyền Sài Gòn ra sắc lệnh số 75/NV bãi bỏ tỉnh Côn Sơn thành lập cơ sở hành chí trực thuộc trung ương, đứng đầu là một sĩ quan quân đội với chức danh đặc phái viên hành chính kiêm quản đốc Trung tâm cải huấn Côn Sơn.
Tháng 5 1975 Côn Đảo được gọi là tỉnh Côn Đảo. Ngày 18-9-1976 Hội đồng Chính phủ ra nghị định số 164 – CP thành lập huyện Côn Đảo thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 16-10-1976 theo quyết định 196-CP Côn Đảo thuộc huyện của tỉnh Hậu Giang. Ngày 30-5-1979 Quốc hội khóa VI, kỳ họp thứ 5, Côn Đảo là một quận của Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Ngày 12-8-1991 Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 9 Côn Đảo là một trong 8 đơn vị hành chính của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu.
Địa danh Côn Đảo là một phản ứng văn hóa chống lại sự áp đặt của Trung Hoa (về tộc người, địa danh) khi chuyển từ Côn Lôn thành Côn Đảo. Địa danh Côn Đảo phản ánh cuộc giao lưu văn hóa trong phía Nam rộng lớn của Biển Đông, vị trí của từ fulát trong Cundur- fulát đã được giữ lại trong vị trí của cụm từ Đảo trong Côn Đảo, pulo (poulo) của Mã Lai sang cù lao của Việt.
Trong một cuộc trao đổi rông lớn hơn, rất có thể từ Kundur có nghĩa là trái bầu, trái bí, trong tiếng Mã Lai trở thành Condore chỉ một loài chim ở tây bán cầu, khá giống với hình thể Côn Đảo. Lịch sử địa danh Côn Đảo từ Sender –Foular, Cundur- fulát. Sondur, Condur, Côn Lôn, Poulo Condore,
Côn Đảo.. là lịch sử cuộc giao thương, giao lưu, của những cuộc va chạm, đấu tranh vì thế gắn với địa danh Côn Đảo là một phần rất quan trọng của lịch sử đất nước, dân tộc”.
PGS, TS Đào Ngọc Chương.
https://www.baotangbrvt.org.vn
Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt sử ký toàn thư
- Đại Nam thực lục Quốc sử quán triều Nguyễn, NXB Giáo dục, Hà nội 2004.
- Đại Nam nhất thống chí tập 5, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006.
- GS. Trần Quốc Vượng, Côn Đảo một góc nhìn địa văn hóa, Việt Nam trong cái nhìn đia văn hóa, NXB Văn hóa dân tộc.
- PGS, TS Đào Ngọc Chương, Những cứ liệu cũ về địa danh Côn Đảo – Côn Đào 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012), NXB Chính trị quốc gia, 2012.