Đền thờ Côn Đảo, nơi dành để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì độc lập tự do cho dân tộc tại hệ thống nhà tù Côn Đảo – nơi từng mệnh danh “Địa ngục trần gian” suốt 113 năm.
Đền thờ được khởi công xây dựng vào ngày 06/12/2009 và khánh thành vào ngày 20/11/2011. Được xây dựng trên khu đất 30.040m2, Công trình có tổng diện tích xây dựng là 3.760 m2, bao gồm 10 hạng mục: Tứ trụ, Cổng đền, nhà treo chuông, Tả mạc, Hữu mạc, Tiền đường, hậu cung, nhà hóa vàng, hồ Ngũ nhạc, hồ Đền.
- Đền chính được thiết kế kiểu đền thờ Nam bộ nối đọi có sân trong, kiến trúc nhà 2 tầng 8 mái đao cho phần Tiền và phần Hậu, diện tích xây dựng: 1.253m2, (các hạng mục còn lại như nhà Tả hữu mạc, nhà quản lý đền, nhà hóa vàng, hồ ngũ nhạc, hồ đền và các hạng mục phụ trợ… tổng diện tích 2.057m2)
- Vườn đền với diện tích hơn 21.000m2 được trồng đủ các loại cây mang sắc thái của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Nội thất thờ tự được bố trí theo truyền thống văn hóa Việt, tuân thủ phong tục thờ cúng đối với văn hóa phương Nam, với đền thờ chữ Nhị.
- Riêng nhà treo chuông: Được thiết kế mang tính truyền thống, các văn hóa họa tiết mang đậm sắc thái của đền chùa Nam Bộ. Nhà treo chuông và quả chuông lớn còn được gọi là “Đại hồng chung” là hạng mục do ngân hàng Công Thương Việt Nam làm nhà tại trợ chính, đầu tư bằng nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp.
Đại hồng chung có trọng lượng 9,400kg, chiều cao 3,97m, đường kính đáy 1,93m được đúc bằng đồng nguyên chất tại cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính (thành phố Huế). Trên thân chuông được chạm khắc hoa văn hình sóng nước và lá đề, trang trí hình tứ linh: Long – Ly – Quy – Phượng.
Đặc biệt là Giáo sư, AHLĐ Vũ Khiêu ở tuổi đại lão vẫn dành nhiều đêm trăn trở, tâm huyết để hoàn thành bài minh bất hủ đã được đúc chữ quốc ngữ nổi trên thân chuông.
BÀI MINH
Ngày hôm nay:
Chuông vang xa: Từ hòn đảo anh linh
Chuông vang vọng: Giữa bầu trời đại nghĩa
Hơn trăm năm chí lớn anh hùng
Hơn hai vạn hồn thiêng liệt sỹ
Trên không trung rực sáng những vì sao
Dưới địa ngục dìm sâu bầy ác quỷ
Dũng cảm thay:
Trong nhà tù vững dạ bền gan
Trước kẻ địch hùng tâm tráng chí
Tiếp ngàn thu kim cổ tinh thần
Tụ muôn dặm sơn hà tú khí
Vì nhân dân, sống chết không sờn
Trước sự nghiệp, thương vong xá kể
Thế mới biết:
Khi tâm hồn phẩm chất đã vươn cao
Thì độc lập tự do càng đáng quý
Càng quyết tâm cứu nước diệt thù
Cùng góp sức dời non lấp bể (biển)
Đường thành công, san phẳng gian nan
Đỉnh thắng lợi, lẫy lừng thế kỷ.
Rồi mai đây:
Tưởng người xưa, càng nặng ân tình
Nhìn đất cũ, chưa khô huyết lệ
Trên quê hương thắng lợi phồn vinh
Giữa thế giới hòa bình hữu nghị
Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân
Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế.
Tác giả: Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.
Đền thờ Côn Đảo – Một công trình uy nghi nơi đảo thiêng
Đền thờ Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có chủ trương xây dựng từ năm 2008 để tưởng niệm, ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, tại Côn Đảo; đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Cách mạng Côn Đảo.
Đền thờ tọa lạc trên diện tích gần 30.000m2 phía trước nghĩa trang Hàng Dương. Công trình có mức đầu tư gần 100 tỷ đồng được tài trợ bởi nhiều doanh nhiệp trong cả nước.
Mặt tiền Đền thờ Côn Đảo là một bình phong bằng 4 cột đá uy nghi, được gọi là tứ trụ. Tứ trụ được làm bằng đá nguyên khối, trên đỉnh chạm khắc hình tượng hổ phù với 4 con rùa đội đá và 4 con phượng hoàng quay về 4 hướng, tượng trưng cho sức mạnh. Cổng đền có 3 cửa, hai tầng mái, cổ diềm có chia các ô hộc trang trí. Bước qua cổng đền là tháp chuông, bên trong là một đại hồng chuông có đường kính khoảng 2m, chiều cao gần 3m được đúc từ 8 tấn đồng bởi một nghệ nhân nổi tiếng ở Thừa thiên – Huế. Xung quanh chuông là một bài minh do nhà văn hoá, Giáo sư Vũ Khiêu viết. Bài minh khắc hoạ tổng quan về một Côn Đảo hôm qua anh dũng đấu tranh vì khát vọng tự do; về một Côn Đảo hôm nay đang ra sức xây dựng và một Côn Đảo trong tương lai không xa sẽ sáng bừng lên giữa biển khơi xa.
Khu Đền chính gồm Tiền đường và Hậu cung được nối với nhau bằng hai dãy hành lang có khoảng trống ở giữa. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong tổng quan kiến trúc của đền thờ Côn Đảo. Hai dãy nhà hình chữ Nhị vừa cao, vừa rộng này là nơi bố trí khám thờ, bàn đặt lễ, đỉnh đồng, bài vị, hương án, lư hương lớn và đôi hạc chầu bằng đồng. Bia đá trang trí hình cuốn thư đặt hai bên để ghi tên 2.147 chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo trong những năm từ 1930 -1975. Khu đền chính là nơi diễn ra các nghi thức hành lễ trang nghiêm mỗi khi có sự kiện quan trọng.
Phía trước Tiền đường là một khoảng sân rộng, hai dãy nhà tả vu, hữu vu ở hai bên. Tất cả những hạng mục của đền thờ được đặt đối xứng nhau qua đường thần đạo, tạo thành một bố cục hoàn chỉnh theo các đền thờ truyền thống. Tất cả những mái ở không gian phía trên đều đựơc thiết kế theo kiểu mái cong đầu đao trang trí hoa văn hình rồng trông rất mềm mại. Ngoài ra, trong khuôn viên đền còn có một vườn hoa cây cảnh, trong đó trồng nhiều loại cây ăn trái đại diện cho 3 miền của đất nước.
TẤM LÒNG TRI ÂN CỦA NHÂN DÂN CẢ NƯỚC
Quá trình xây dựng đền thờ ở nơi quần đảo xa xôi này là cả một khối lượng công việc hết sức phức tạp và gian nan. 3 loại nguyên, vật liệu chính phục vụ cho công trình là đá, gỗ và ngói gốm được chế tác, gia công và sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật rất phức tạp và được thực hiện ở rất nhiều địa phương trong nước.
Khối lượng đá phục vụ cho công trình này hơn 600m3, được lấy từ 2 miền Nam, Bắc. Ở miền Bắc, đá lấy từ núi Đông Sơn (Thanh Hoá) được chế tác tại Hoa Lư (Ninh Bình), ở miền Nam, đá được lấy từ núi Bửu Long và chế tác tại Biên Hoà (Đồng Nai). Đá nguyên khối được chế tác làm tứ trụ, chân tảng, đá lát, lan can… Sản phẩm tạo hình dáng các linh vật như long, li, qui, phượng. Đây là những linh vật phổ biến trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, biểu tựợng cho sự tôn kính, oai phong, uy nghi và dũng mãnh.
Gỗ xây dựng công trình là lim xanh, còn gọi là thiết lim, được mua từ Lào với khối lượng lên đến gần 2000m3, được vận chuyển về cơ sở của nghệ nhân Trần Văn Thơ (xã Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định) để gia công, chạm trỗ. Sản phẩm gồm cột, vì kèo, xuyên, trến, xà ngang, bộ đấu, trụ tiêu…, trong đó có những cột đường kính đến nửa mét, chiều dài hơn 8m. Khâu khó nhất và mất nhiều thì giờ nhất là việc chạm khắc để tạo hình các linh vật và tạo các hoa văn trang trí như rồng, hoa lá, long vân, lá lửa, chân mây…
Ngói để lợp mái đền thờ là ngói gốm dạng cổ, mang đặc trưng truyền thống Việt Nam. Xưởng gốm của ông Vương Mẫn Vinh ở Lái Thiêu, Thuận An (tỉnh Bình Dương) là cơ sở phục vụ ngói cho đền thờ liệt sĩ Côn Đảo. Khoảng 3000m2 các loại ngói lợp, ngói liệt, ngói úp nóc, ngói ống, ngói diềm cho công trình này. Điều đáng nói là, hầu hết các công đoạn sản xuất loại ngói này đều làm thủ công hoặc nửa thủ công.
Tất cả những khối nguyên vật liệu nói trên từ Ninh Bình, Nam Định, Đồng Nai, Bình Dương phải vận chuyển qua rất nhiều chặng, cả bằng đường bộ và đường biển mới đến được với Côn Đảo. Những khối đá nặng nề, những khúc gỗ to, dài cồng kềnh đến những viên ngói nhỏ dễ vỡ… tất cả đều được thận trọng, chắc chắn trong suốt quá trình vận chuyển. Chưa kể đến hàng trăm tấn nguyên vật liệu khác như sắt, thép, xi măng, gạch, đá…
Đền thờ Côn Đảo là công trình của những tấm lòng, là nghĩa cử tri ân của những người con Việt Nam hôm nay dâng lên các bậc tiền nhân. Công trình nghệ thuật kiến trúc đẹp đẽ này xứng đáng được đứng bên tượng đài vĩnh cửu của lòng yêu nước, tượng đài của khát vọng tự do, tượng đài của sự hy sinh cao cả của hàng vạn đồng bào, chiến sỹ đã vì Tổ quốc Việt Nam mà mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất Côn Đảo thiêng liêng.
Đền thờ Côn Đảo, nơi dành để tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh cho độc lập tự do cho dân tộc tại hệ thống nhà tù Côn Đảo – nơi từng mệnh danh “Địa ngục trần gian” suốt 113 năm.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Cục An ninh A93, Ban Liên lạc Cựu tù Chính trị Côn Đảo ở các tỉnh thành và thân nhân gia đình liệt sĩ,… Ban Quản lý Di tích Côn Đảo đã sưu tầm được danh sách các anh hùng, liệt sỹ và đồng bào yêu nước đã hy sinh tại Côn Đảo gồm 2.281 người (giai đoạn 1862 – 1975). Với số liệu này còn rất ít so với số người tù đã hy sinh tại Côn Đảo, Ban Quản lý Di tích Côn Đảo sẽ tiếp tục nghiên cứu sưu tầm bổ sung.
Để đảm bảo tính lịch sử, khoa học và chính xác thông tin tư liệu, Ban Quản lý Di tích Côn Đảo rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đóng góp, bổ sung về thông tin những người tù hy sinh tại Côn Đảo. Đặc biệt, với những thân nhân gia đình liệt sĩ nếu có Bằng Tổ quốc Ghi công, giấy chứng nhận hoặc những tài liệu có liên quan đến liệt sĩ hy sinh tại Côn Đảo… xin gửi bản sao (có công chứng của địa phương) về đơn vị chúng tôi để lưu trữ hồ sơ và bổ sung ghi danh lên bia đá Đền Thờ Côn Đảo.
Địa chỉ gửi về: Ban Quản lý Di tích Côn Đảo
Số 01, Lê Duẩn, Huyện Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Điện thoại: 02543830134, 02543630119, Fax: 02543830598
Mail: banqldt_condao@yahoo.com.vn
Xin trân trọng cảm ơn!