Ngày 1/5/1975, Côn Đảo được giải phóng. Lịch sử quần đảo sang trang mới. Theo sổ tay ghi chép của ông Trịnh Văn Lâu, bí thư Đảo uỷ lâm thời, lúc này tỉnh Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị (494 phụ nữ). Ngày 04/05/1975, đa số tù chính trị theo tàu trở lại đất liền, chỉ còn 153 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại.
Ngoài ra, trên đảo còn một bộ phận cựu giám thị nhà tù và gia đình của họ. Một số ít tù hình sự và quân phạm, bị kết án dưới chế độ cũ, cũng xin được ở lại Côn Đảo.
Cư dân Côn Đảo là ai ?
Trước khi thực dân Pháp đến, Đảo Côn Lôn có ba nơi quần tụ cư dân, gồm làng Cỏ Ống, An Hải và An Hội. Ba làng được hình thành từ một phần đoàn tùy tùng của Chúa Nguyễn Ánh – những người đã được ông cho ở lại đảo sau quá trình bôn tẩu, trốn tránh Tây Sơn – và lượng dân cư bản địa ít ỏi. Từ lúc này, người dân trên đảo bắt đầu kể cho nhau nghe truyền thuyết về Bà Cậu Côn Lôn, về Đất Thắm, Bãi Bàn…
Thế nhưng cuộc sống bình dị của người dân Côn Lôn đã bị xáo trộn hoàn toàn vào năm 1891, khi vào người Pháp chiếm lấy quần đảo. Chỉ trong năm đầu tiên thôn tính, người Pháp đã buộc tất cả dân trên đảo di cư về đất liền và gấp rút xây dựng hệ thống nhà tù từ năm 1892. Đảo Côn Lôn từ một nơi yên bình đã trở thành chốn “địa ngục trần gian” suốt 113 năm, trên đảo chỉ còn hai loại người sinh sống: tù nhân và những người cai trị tù.
Ngày 1/5/1975, Côn Đảo được giải phóng. Lịch sử quần đảo sang trang mới. Theo sổ tay ghi chép của ông Trịnh Văn Lâu, bí thư Đảo uỷ lâm thời, lúc này tỉnh Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị (494 phụ nữ). Ngày 04/05/1975, đa số tù chính trị theo tàu trở lại đất liền, chỉ còn 153 cựu tù chính trị tình nguyện ở lại.
Ngoài ra, trên đảo còn một bộ phận cựu giám thị nhà tù và gia đình của họ. Một số ít tù hình sự và quân phạm, bị kết án dưới chế độ cũ, cũng xin được ở lại Côn Đảo.
Từ tháng 9/1976, tỉnh Côn Đảo bị giải thể, Côn Đảo trở thành huyện trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 1/1977, Côn Đảo được giao về Hậu Giang. Tháng 5/1979, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo được thành lập, Côn Đảo trở thành quận Côn Đảo. Suốt thời gian đó, một số đợt cán bộ được đưa ra tăng cường, nhiều người dẫn theo gia đình. Côn Đảo bắt đầu có chợ, trường học, hình thành những lớp cư dân đầu tiên dưới chế độ cách mạng.
Sau gần 10 năm được giải phóng, dân số Côn Đảo, ngoài lực lượng bộ đội trú đóng, cao nhất chỉ khoảng 1000 người. Vào năm 1984, để bổ sung nhân lực cho Côn Đảo, chính quyền thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, đã vận động, hỗ trợ và đưa ba đợt cư dân tình nguyện ra Côn Đảo. Tổng cộng có gần 300 người, đủ các độ tuổi và thành phần nghề nghiệp. Chính quyền và người dân Côn Đảo đã đón tiếp cư dân mới rất chu đáo, tổ chức đi tham quan, sắp xếp nơi ăn ở, sau đó tuỳ theo nguyện vọng, khả năng và trình độ học vấn đã bố trí việc làm cho tất cả mọi người. Trẻ nhỏ độ tuổi nào thì được cho đi học ở bậc học đó. Đến nay, trên Côn Đảo còn lại gần 1/10 số cư dân của ba đợt này bám trụ lại. Họ và con cái của họ đều là trở thành những cư dân cố cựu, tương đối thành đạt của Côn Đảo.
Tháng 10/1991, Tỉnh BR-VT được thành lập, Côn Đảo trở thành huyện trực thuộc tỉnh. Khoảng thời gian này, Sở giáo dục Tỉnh BR-VT đã phân công một số đợt giáo viên cấp II – III về Côn Đảo. Các thầy cô đã tạo nên làn sinh khí mới trong hoạt động giáo dục tại Côn Đảo. Một số thầy cô sau đó đã kết hôn, ở lại và cũng trở thành công dân Côn Đảo.
Năm 1994, 14 trí thức trẻ tình nguyện đã đến Côn Đảo theo chương trình của TW Đoàn phát động. Họ đã cáng đáng nhiều công việc cần đến chất xám mà nhân lực tại chỗ lúc đó chưa đáp ứng được. Nhiều người trong số đó đã ở lại Côn Đảo và trở thành cán bộ nồng cốt trong các ban ngành, có cống hiến thiết thực cho Côn Đảo…
Xen kẽ những đợt người đến Côn Đảo thông qua tổ chức chặt chẽ như trên, cư dân trên đảo còn liên tục được bổ sung bằng hình thức di dân tự do (tỉ lệ 3 – 8%/năm).
Nhiều người ở khắp các tỉnh thành trong nước coi Côn Đảo là nơi đất lành. Họ đến, sinh cơ lập nghiệp, sau đó đưa thêm nhiều người thân, họ hàng ra đảo.
Theo tài liệu của UBND Huyện Côn Đảo, trong những năm 1980 – 1990, dân số Côn Đảo biến động ở mức 2.000 – 3.000 người; sang những năm 2000 – 2010, tăng lên 4.000 – 6.000 người; và hiện nay là 6.600 người. Tỉ lệ nam/nữ là 51% và 49%.
Ngoài việc tăng dân số cơ học như trên, dân số tại Côn Đảo cũng có tăng theo cách tự nhiên. Do có đến hơn 70% cư dân là cán bộ, công chức, luôn nghiêm túc thực hiện Chính sách về Dân số và Kế hoạch hoá gia đình, nên tỉ lệ dân số tăng tự nhiên tại Côn Đảo rất thấp, chỉ khoảng từ 1 – 3% một năm.
Báo cáo của Phòng Nội vụ về tình hình 6 tháng đầu năm 2012 cho biết: số người trong độ tuổi lao động ở Côn Đảo là 3.780 người, trong đó có hơn 2.900 người có việc làm ổn định.
Cơ cấu nghề nghiệp bao gồm: Viên chức – dịch vụ: 1970 người; Công nghiệp – xây dựng: 583 người; Nông nghiệp: 370 người; Nội trợ: 348 người… Ngoài ra còn có 29 người già từ 80 tuổi trở lên và hơn 1500 học sinh từ mầm non tới THPT. Tổng số hộ dân là 1577 hộ.
Đời sống của cư dân Côn Đảo
Ước mơ nối đảo với bờ
Trong hai thập niên 1980, 1990, giao thông vận tải giữa Côn Đảo và đất liền phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các chuyến tàu biển. Các chuyến tàu lại phụ thuộc vào thời tiết. Biển chỉ êm tương đối từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, do vậy, người dân Côn Đảo rất quen với việc tàu có lịch chạy rồi lại dời; phải ăn ở tạm tại Vũng Tàu hàng tuần liền trong khi chờ tàu. Nhiều khi được đặt chân xuống tàu rồi vẫn chưa yên tâm, vì có lúc tàu chạy ra cửa biển rồi lại quay vào bờ. Có khi tàu đang chạy êm xuôi thì lại bị chết máy, phải neo lại giữa biển để sửa máy. Có lúc neo bị sóng giật đứt, tàu lênh đên gần cả ngày ngoài biển, đợi tàu khác ra lai dắt vào bờ hoặc đưa thợ ra sữa chữa để rồi chạy tiếp. Bởi vậy, sau 12 – 14 tiếng trên biển, khi tàu cập bến, cả đảo lại vui như hội, nhất là những chuyến tàu Tết!
Không vui sao được khi nhà máy điện lại có dầu để chạy máy sau cả tháng trời đảo chìm trong bóng tối; Chợ búa, quán xá lại có đủ thứ hàng để bán; Khạp gạo, hủ đường của từng nhà lại được vun đầy; Vợ, chồng, trẻ con gặp lại người thân; Từng tờ báo, từng cây bút, từng giỏ hoa cũng trông chờ vào mỗi chuyến tàu… Những chuyến tàu – với hàng hoá, với những khuôn mặt mới vừa ra đảo – đã tiếp thêm sinh lực cho cuộc sống vốn quá đỗi u trầm.
Bước sang thập niên 1990, tuyến Côn Đảo – Vũng Tàu và Côn Đảo – Cần Thơ ngoài các chuyến tàu hàng thì có thêm các chuyến tàu khách. Đặc biệt là từ năm 2001, sự góp mặt của các tàu Côn Đảo 9, Côn Đảo 10 với sức chứa từ 150 – 250 khách, 130 tấn hàng hoá/chuyến, trang bị gường nằm, phòng máy lạnh, giá vé vừa phải đã tạo ra một bước ngoặc mới cho giao thương giữa đất liền và đảo xa. Người dân Côn Đảo cảm thấy đất liền gần lại, mọi hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hoá, học tập, công tác, chữa bệnh… đã thuận tiện hơn trước rất nhiều. Có tàu khách với sức chứa lớn, khách du lịch đến với Côn Đảo ngày càng thường xuyên hơn. Côn Đảo thoát dần vẻ đìu hiu, biệt lập, thâm u cũ.
Ngoài tàu biển, 10 năm trước đi lại giữa đất liền và Côn Đảo chỉ có thêm một phương tiện là máy bay trực thăng. Trực thăng một tuần 3 chuyến, chở được ít người, vé hiếm hoi và giá rất mắc so với mức sống bình quân của người dân Côn Đảo. Hầu như phương tiện này chỉ dành cho cán bộ lãnh đạo có việc cần kíp, thân nhân gia đình liệt sĩ ra tìm mộ, hoặc bệnh nhân cần chuyển viện.
Vào năm 2003, một sự kiện nổi bật, hết sức có ý nghĩa đối với đời sống của cư dân Côn Đảo diễn ra. Cảng Hàng không Côn Sơn sau nhiều năm vắng lặng đã được cải tạo, nâng cấp. Năm 2004, Công ty VASCO đã khai thác đường bay từ TP.HCM đến Côn Đảo và ngược lại bằng máy bay AN-38 (25 chỗ). Do nhu cầu của dân đảo và khách du lịch liên tục tăng nhanh, tháng 6/2005, loại máy bay ATR-72 (64 chỗ) được đưa vào khai thác.
Hiện nay, ngoài Công ty VASCO khai thác các đường bay Côn Đảo – TP.HCM và Côn Đảo – Cần Thơ, Hãng hàng không Air Mekong cũng tham gia vận tải hành khách trên tuyến TP.HCM – Côn Đảo và Hà Nội – Côn Đảo với loại máy bay có động cơ phản lực, sức chứa 90 hành khách/chuyến. Sự có mặt của các hãng hàng không với các chuyến bay liên tục đã thực sự kết nối đất liền với Côn Đảo.
Giờ đây, về mặt tâm lý, người dân Côn Đảo không còn cảm giác bị tách biệt với đời sống đất liền. Mọi nhu cầu đi lại giữa đất liền và Côn Đảo hầu như có thể giải quyết tức thời, người dân không còn phải chịu cảnh xa xôi cách trở, phụ thuộc vào thời tiết như trước nữa. Phương tiện giao thông vận tải thuận lợi cũng là chiếc cầu nối, thu hút đông đảo du khách đến Côn Đảo tham quan, nghỉ dưỡng, mở ra cơ hội cho Côn Đảo ngày càng phát triển.
Ước mơ cải thiện cuộc sống từ du lịch
Trong 113 năm bị biến thành đảo tù, ngoài hệ thống nhà tù và bộ máy cai trị, Côn Đảo không có một cơ sở kinh tế-xã hội nào khác. Từ sau năm 1975 đến những năm 1990, sự ngăn cách với đất liền, khó khăn về giao thông vận tải, và chưa có chiến lược phát triển khiến kinh tế-xã hội khiến cho đời sống của cư dân ở Côn Đảo gặp nhiều khó khăn.
Từ sau khi giao thông vận tải giữa Côn Đảo với đất liền được cải thiện, lượng khách đến với Côn Đảo ngày càng gia tăng. Ở giai đoạn 2001 – 2005, tổng lượng khách du lịch đến Côn Đảo là gần 57.000 lượt, và tăng 164,7% so với giai đoạn 1996 – 2000. Doanh thu du lịch của Côn Đảo đạt hơn 20,3 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 32%.
Các năm gần đây, số du khách tới Côn Đảo đã gia tăng nhanh chóng: Năm 2006, 15.775 lượt; Năm 2007: 17.775 lượt; Năm 2008, 20.183; Năm 2009: 28.225; Năm 2010: 40.323 lượt; năm 2011: 59.707 lượt, doanh thu từ du lịch gần 130 tỉ đồng, mức chi tiêu bình quân là 2,1 triệu đồng.
Sáu tháng đầu năm 2012, có 42.844 lượt khách đến Côn Đảo, doanh thu đạt gần 130 triệu, mức chi tiêu bình quân tăng lên 3 triệu đồng/người. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú tại Côn Đảo đạt 69%. Tỉ trọng chi tiêu thuê phòng của là 53,32%; ăn uống” 28,24%; mua sắm hàng hoá: 0,2%; vận chuyển 2,03%; doanh thu khác: 14,41%[1].
Từ thực tế trên, Côn Đảo đã tập trung để phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ, tỷ trọng ngành nông – ngư nghiệp đang giảm dần. Năm 2010, dịch vụ 79,63%, công nghiệp – xây dựng 11,56%, nông – ngư nghiệp 8,82%. Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 16,25%, năm 2010 gấp 2,1 lần so năm 2005. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người 1.064 USD[2] (mức bình quân cả nước: 1.160 USD). Năm 2011, GDP bình quân tăng lên được 1.175 USD/người (cả nước 1.300 USD) – cho thấy kinh tế Côn Đảo đã có được mức tăng đáng kể.
Trên thực tế, hầu như mọi người dân Côn Đảo đều nhận thấy những tác động tích cực của du lịch đến với cuộc sống của mình. Ở nhóm dịch vụ trực tiếp, gồm chủ các nhà nghỉ/khách sạn/hàng quán; nhân viên các điểm dịch vụ du lịch; tiểu thương tại Chợ Côn Đảo, lực lượng xe ôm, người cho thuê xe máy, cho thuê tàu/canô, đánh bắt/mua bán thuỷ hải sản, đặc sản… họ luôn có nguồn khách dồi dào, doanh thu liên tục gia tăng. Ở các nhóm cư dân khác, sự đầu tư cho môi trường, cảnh quan, điện, nước, đường giao thông, phương tiện đi lại… trên đảo nhằm phục vụ du lịch cũng tạo thêm nhiều tiện ích cho cuộc sống. Ngoài ra, người dân đảo nói chung cũng nhận lợi ích từ nguồn thu du lịch qua việc địa phương tái cơ cấu vào các khoản hỗ trợ: cho vay vốn tín dụng giảm nghèo, cải thiện nhà ở, đầu tư thêm cho y tế và giáo dục, khuyến nông – lâm – ngư nghiệp, hỗ trợ học phí, vé tàu, học bổng cho học sinh – sinh viên, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, chăm lo người cao tuổi, đối tượng chính sách[3]…
Việc phân bố, san sẻ đều các nguồn thu từ du lịch đã khiến cho đời sống kinh tế của dân cư Côn Đảo ngày càng khá lên. Khoảng cách giàu nghèo trong cư dân Côn Đảo không giống như trong đất liền. Năm 2012, theo báo cáo của Phòng Nội vụ – LĐTB&XH, Côn Đảo chỉ còn 02 hộ cận nghèo (10 nhân khẩu) và 06 hộ trên cận nghèo (26 nhân khẩu).
Mặt khác, sự tương tác của du khách với người dân Côn Đảo cũng tạo ra những tác động tích cực về tinh thần. Tâm thức của du khách trong nước khi đến Côn Đảo không đơn thuần là đi du lịch, thưởng ngoạn như đến các nơi khác, nhiều người coi đó là hành trình trở về nguồn, đến với “đất thiêng Côn Đảo”… Hành trang đem theo thường có nhiều chia sẻ và ý thức thiện nguyện. Nhiều đoàn bác sĩ, nhất là từ TP.HCM, khi đến Côn Đảo luôn có đem theo thuốc men, dụng cụ y tế. Các buổi thăm khám của bác sĩ đất liền cho bệnh nhân Côn Đảo thường được chờ đợi. Các đoàn khách là doanh nhân thường có những suất quà/suất học bổng tặng cựu tù hoặc con em các hộ nghèo ở Côn Đảo. Các văn nghệ sĩ tới nơi này cũng có những buổi biểu diễn hướng đến người dân và chiến sĩ ở địa phương. Một số khó khăn, vướng mắc về chính sách cho vùng sâu vùng xa, hải đảo đã được tháo gỡ qua những cuộc tiếp xúc giữa người dân Côn Đảo với một số quan chức khi họ đến làm việc và tham quan… Tình cảm và các hoạt động nghĩa tình mà du khách dành cho người dân Côn Đảo từ xưa tới nay càng củng cố tình cảm thân thiện, hiếu khách nơi người dân Côn Đảo.
Ước mơ về nguồn nhân lực
Điểm yếu nhất của Côn Đảo hiện nay là chuẩn bị nguồn nhân lực nội tại nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển. Cả Côn Đảo với 1577 hộ dân, hiện có hai trường mầm non, một trường Tiểu học, một trường THCS –THPT và một Trung tâm giáo dục thường xuyên. Tổng số học sinh tất cả các cấp học, trừ bậc mầm non là hơn 700 em.
Theo thống kê từ Trường THCS& THPT Võ Thị Sáu, mỗi năm có từ 30 – 50 học sinh dự thi Tốt nghiệp THPT và tham gia kỳ thi vào các trường Đại học – Cao đẳng ở đất liền. Tỉ lệ đậu Đại học và Cao đẳng vào khoảng 50%[4]. Xét trong khoảng 10 năm trở lại đây, mỗi năm Côn Đảo có khoảng 15 – 25 sinh viên tốt nghiệp Đại học và Cao đẳng, tổng cộng là 150 – 250 lao động đã qua đào tạo. Sau khi ra trường, 50% số này đã quay trở lại Côn Đảo làm việc, nhiều người hiện nay đang đảm nhận nhiều vai trò quan trọng tại ở các cơ quan của địa phương.
Dù vậy, nếu tất cả sinh viên Côn Đảo đều trở về bản quán, con số trên vẫn là rất nhỏ so với chính nhu cầu nhân lực của Côn Đảo hiện nay, chưa nói tới quy mô phát triển tới năm 2020 hay 2030 theo Quy hoạch của Chính phủ.
Ngoài ra, trên thực tế có khoảng 50% số sinh viên Côn Đảo đã tốt nghiệp Đại học – Cao đẳng thuộc nhiều lĩnh vực: tài chính, kỹ thuật, ngoại ngữ, sư phạm, khoa học xã hội… vì nhiều lý do khác nhau[5], không về Côn Đảo mà ở lại đất liền làm việc. Thực tế này khiến cho nhiều dự án khách sạn, khu du lịch, công nghiệp đang được triển khai ở Côn Đảo đều gặp phải tình trạng thiếu nhân lực. Các chủ đầu tư chỉ tuyển được lao động phổ thông là người địa phương, còn lại ở các vị trí quản lý và những công việc có yêu cầu chuyên môn cao, họ thường phải chủ động đưa người từ đất liền ra.
Để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, lãnh đạo huyện Côn Đảo thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ ngân sách nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục, đào tạo các bậc học tại địa phương. Huyện và Tỉnh cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên Côn Đảo đang học tập ở đất liền. Năm học 2011 – 2012, 16 sinh viên Đại học, 22 sinh viên Cao đẳng và 18 sinh viên Trung cấp được hỗ trợ toàn bộ tiền học phí với tổng số tiền 125.500.000 đồng/năm.
Tháng 9/2008, huyện Côn Đảo cũng đã tổ chức hội thảo nhằm có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ Côn Đảo trong tình hình mới.
Thực trạng nguồn nhân lực đã qua đào tạo vốn là con em địa phương đã vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao từ nơi khác lại càng khó thu hút. Đã gần 20 năm trôi qua kể từ đợt trí thức trẻ tình nguyện về làm việc tại Côn Đảo do TW Đoàn tổ chức, chưa hề có đợt trí thức trẻ nào lại đến với Côn Đảo. Nhiều năm qua, khi làm việc với lãnh đạo các cấp, lãnh đạo huyện luôn đề nghị cần có chính sách nhằm thu hút cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao ra đảo làm việc. Riêng với số nhân lực là con em địa phương đã qua đào tạo đang còn ở đất liền, đến nay cũng chưa có chính sách nào khả dĩ hấp dẫn để lôi kéo họ quay trở lại Côn Đảo… Côn Đảo vẫn trong tình trạng khát nhân lực.
Ước mơ giữ mãi nét đẹp của đời sống văn hoá, tâm linh
Không gian xã hội của Côn Đảo nho nhỏ, nhịp sống chầm chậm, phần lớn người dân sở tại quen biết nhau, bởi vậy nhiều thứ trong đời sống địa phương có vẻ trật tự, nhịp nhàng. Người ta không soi mói, nhưng biết quan tâm đến nhau. Điều gì không phải, trái với đạo lý khó sống được ở đây… Bởi vậy, du khách vừa đặt chân tới Côn Đảo đã cảm nhận được sự thư thái, yên bình, ở thì thương, đi thì nhớ.
Từ lâu, nếp sống thân thiện, cởi mở với du khách nơi người dân Côn Đảo cũng đã được nói đến. Sự biệt lập với đất liền trong một thời gian khá dài vì lý do địa lý, yếu tố lịch sử tác động, cộng với sự ít ỏi về mặt dân số, tâm trạng ai cũng là người xa nhà, khiến người dân Côn Đảo có tâm thế dễ đón nhận cái mới, dễ chấp nhận những con người mới tới đất đảo, dễ nhận bạn, dễ kết thân quen…
Từ năm 1975 đến nay, nhiều đợt cư dân mới đã tới với Côn Đảo. Hầu như mỗi đợt người mới tới Côn Đảo đều được chính quyền và những người đã ra đảo trước đó tiếp đón, hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để tạo dựng cuộc sống. Dù vậy, không phải ai cũng thích nghi được với cuộc sống ở nơi này, nhiều người – sau một thời gian ở Côn Đảo, đã quay trở lại đất liền vì các lý do khác nhau. Với những người còn bám trụ lại Côn Đảo, họ thành ra có sự quen biết, thân tình, luôn sẵn sàng chia sẻ cho nhau… Khảo sát dân số Côn Đảo năm 2010 đã cho ra kết quả là cư dân nơi đây đến từ 60/63 tỉnh thành của cả nước.
Cuộc sống ở Côn Đảo vì thế cũng có những hoà trộn đa văn hoá đáng yêu. Tết đến, trong cùng một nồi bánh, có những gia đình nấu chung cả bánh tét lẫn bánh chưng. Trong các mâm cỗ mời bạn bè thân hữu, người dân đảo thấy dọn lên các món ăn đặc trưng của từng vùng miền: canh chua, cá kho tộ đặt xen với thịt đông, gà lá chanh, bò thưng và tré…
Các liên hoan văn nghệ quần chúng, ngay sau câu ví dặm của xứ Thanh Nghệ Tĩnh là một làn điệu hò Huế, hoặc tiếng đờn ca tài tử Nam bộ…
Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân Côn Đảo cũng rất mạnh mẽ. Khi một người dân đảo nằm xuống, cả đảo đến viếng thăm, đưa tiễn. Khi một người chẳng may bị tai nạn, lập tức sẽ nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người khác. Nhiều trường hợp bị bệnh tật, tai nạn giao thông đã kịp thời được đưa về đất liền cứu chữa bằng tiền quyên góp của cả đảo.
Hoạt động y tế, thương mại ở Côn Đảo vì thế cũng có những nét riêng. Bệnh nhân đến khám bệnh không bao giờ gặp phải cảnh vòi vĩnh, hạch sách. Dù bệnh nhân là ai, bác sĩ, y tá vẫn làm việc với tinh thần khám chữa bệnh như cho người thân của mình. Chuyện làm ăn, mua bán cũng vậy. Người bán lượng định giá trị món hàng, công sức vận chuyển hàng hoá từ đất liền ra, hoặc công sức trồng tỉa, chế biến… rồi định giá bán, không nói thách. Người mua lượng định túi tiền, nhu cầu mà mua hàng, không thêm bớt, cò kè…
Những ai buôn gian bán lận, bên cạnh việc bị chính quyền chế tài, cũng dễ bị người dân nhanh chóng “điểm mặt chỉ tên”, bị khách hàng tẩy chay, không sống, không làm ăn được với ai, mau chóng bị đào thải phải đi xứ khác…
Về đời sống tâm linh, theo tác giả Quốc Thái[6], người dân Côn Đảo mang trong mình truyền thống văn hoá dân tộc với những phong tục, tín ngưỡng dân gian phong phú.
Nhưng ở Côn Đảo không có nhiều cơ sở thờ tự, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, người dân ở đây thường gửi gắm tâm nguyện của mình đến đức bà Phi Yến, đến nữ anh hùng Võ Thị Sáu và các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Hàng Dương. Người dân Côn Đảo tin tưởng rằng dù đã mất đi về thể xác nhưng linh hồn của các liệt nữ, liệt sĩ vẫn tiếp tục phò trợ cho nhân dân Côn Đảo được sống trong bình yên, hạnh phúc. Từ lâu bà Phi Yến và chị Sáu đã trở thành hai vị nữ thần phò trợ cho cuộc sống của họ. Vào các ngày rằm, lễ, tết, nhân dân Côn Đảo đều đến thắp hương tưởng niệm, hàng năm đều long trọng tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến, lễ giỗ chị Sáu và các anh hùng liệt sĩ khác…Văn hoá tâm linh ở Côn Đảo vì thế không hề mang nặng tính siêu nhiên, mê tín mà là lòng biết ơn và ngưỡng mộ chân thành. Nó vừa gắn kết trong dòng chảy văn hoá dân tộc nhưng lại có nét riêng độc đáo, chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc…
Để du lịch đưa Côn Đảo đi lên
Đi tìm hình mẫu
Với tiềm năng, lợi thế là nơi có di tích lịch sử cách mạng đặc biệt, có Vườn Quốc gia với hệ sinh thái động thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp và môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong lành, người dân thân thiện, hiếu khách, Côn Đảo đã xác định du lịch là thế mạnh để phát triển kinh tế. Điều Côn Đảo cần là đi tìm một hình mẫu giúp phát triển hài hoà các giá trị nêu trên. Có một thực tế là ở những nơi làm du lịch thành công, cuốn hút và giữ chân được du khách, đều sự kết nối chặt chẽ giữa việc giữ gìn môi trường, làm du lịch và đời sống của người dân. Côn Đảo có tìm đâu một hình mẫu như vậy?
Hình mẫu sinh động nhất cho Côn Đảo, có lẽ là Hội An. Dù phát triển, Hội An vẫn giữ được tinh thần của nó. Hội An giữ được thành phố cổ, nhà cổ, người dân vẫn sinh sống, làm ăn trong đó. Những nếp nhà trầm mặc, những góc phố u hoài đặt kề bên không gian sống phong phú, cần mẫn, bình thản của người dân Hội An khiến mọi thứ trở nên thu hút… Hội An kiên trì đào tạo lớp trẻ biết sống chết với nghề truyền thống. 9 năm kiên trì thuyết phục người dân cùng với các quyết sách như giao thêm đất, hỗ trợ chi phí, Hội An đã phục hồi được làng rau, làng gốm. Người dân không chỉ sống được nhờ trồng rau, mà còn khá lên nhờ những dịch vụ du lịch từ nghề rau. Hội An có Cù lao Chàm. Môi trường tự nhiên, hệ sinh thái ở Cù lao Chàm đang được giữ gìn tối đa. Người dân cù lao Chàm “nói không” với bao nilon và thói xả rác bừa bãi… Du khách tới Hội An đều muốn chiêm ngưỡng, khám phá, thâm nhập, sống như cư dân nơi đó…
Côn Đảo có thể làm được như Hội An và làm tốt theo mô hình kết nối chặt chẽ giữa việc giữ gìn môi trường, làm du lịch và đời sống của người dân!
Giữ gìn và phát huy các giá trị cơ bản
Quyết định số 1518/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ký ngày 5/9/2011, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030 cũng đã chỉ rõ: Cấu trúc chính của đảo sẽ bao gồm: Vùng ưu tiên dành cho bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên có diện tích khoảng 6.545 ha bao gồm Vườn quốc gia Côn Đảo; Vùng ưu tiên phát triển đô thị, du lịch bao gồm : Khu vực Trung tâm đảo và thị trấn Côn Sơn; Khu cảng hàng không và tổ hợp du lịch Cỏ Ống, Đầm Tre; khu hậu cần, cảng biển và đô thị Vịnh Bến Đầm. Trong đó, khu Trung tâm Côn Sơn là khu vực đô thị di sản – đô thị du lịch, với các chức năng hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, dịch vụ… Quy hoạch trên hoàn toàn phù hợp với những điều Côn Đảo đang có, bao gồm: Một chính quyền tương đối mạnh, thực thi đúng vai trò, chức năng quản lý xã hội; Không gian sống giữa người với người thân thiện, an toàn; Các giá trị lịch sử được chăm chút, bảo vệ, tôn tạo. Môi trường rừng, biển, không khí… trong lành, nguyên sơ, đang được bảo vệ khá tốt.
Những điều trên cũng là các giá trị mà hình mẫu kết nối chặt chẽ giữa việc giữ gìn môi trường, làm du lịch và đời sống của người dân đang cần có. Tất cả sẽ càng được phát huy khi Côn Đảo thúc đẩy các hoạt động du lịch. Khi tham gia vào hoạt động phục vụ du lịch, mỗi người dân Côn Đảo cũng sẽ trở thành một sứ giả của văn hoá và môi trường.
Thông qua con đường kinh tế du lịch, họ có ý thức giữ cho môi trường tự nhiên sạch hơn, môi trường xã hội quanh họ cũng văn minh hơn. Họ sẽ biết cách tự gìn giữ và phát huy các giá trị sống tốt đẹp mà Côn Đảo đang có.
Đặt trong sự kết nối ấy, vai trò của quan chức chính quyền hết sức quan trọng. Nếu mỗi quan chức có tầm nhìn và luôn làm việc theo đúng chức trách, phận sự, họ sẽ giữ được các giá trị mà Côn Đảo đang có trong sự thăng bằng. Các giá trị ấy sẽ chỉ biến mất, kéo theo sự suy giảm của du lịch, sự mất lòng tin nơi người dân, khi các quan chức chi phối tài nguyên đất, bỏ bê di tích, quản trị không vì lợi ích người dân, tác động vào môi trường tự nhiên vì lợi ích cá nhân, nhóm, hoặc những tổ chức nào đó… Do vậy, nếu Côn Đảo với sự đầu tư từ tỉnh và Trung ương như hiện nay, với một chính quyền trong sạch, dám trao lợi ích cho người dân, sẽ tạo nên sự phát triển bền vững cho Côn Đảo.
Duy trì, phát huy các sự kiện văn hoá – xã hội
Bên cạnh các giá trị cơ bản nêu trên, Côn Đảo còn có những hoạt động/sự kiện khác, vừa mang yếu tố truyền thống, vừa có giá trị tinh thần và yếu tố vật chất hữu hình, có thể duy trì, phát huy, tạo nên điểm nhấn và sự kết nối giữa người dân với du khách. Các hoạt động/sự kiện này có thể diễn ra xuyên suốt trong năm:
- Các lễ hội truyền thống địa phương do người dân đứng ra tổ chức thực hiện, đang thực hiện thường xuyên, cần được phát huy hơn nữa về quảng bá, truyền thông: Lễ giỗ Bà Phi Yến (trung tuần tháng Mười ÂL), Lễ giỗ Chị Võ Thị Sáu (23/1 DL), đã nổi tiếng lâu nay, được quan tâm, phù hợp với xu hướng du lịch tâm linh đang phát triển…
- Hội rước đèn Tết Trung Thu: Rằm tháng Tám có Hội thi và rước lồng đèn ở Côn Đảo vốn được người dân đảo yêu mến, tự hào, đón đợi từ hàng chục năm nay. Hiện nay, nhiều bạn trẻ ở đất liền cũng thèm được sống lại trong không khí tươi vui, rộn ràng, lung linh huyền ảo của đêm Trung thu. Nếu Côn Đảo đầu tư hơn cho người dân và trẻ em vào đêm Trung thu, chăm chút hơn cho Lễ hội thi và rước đèn, tăng cường quảng bá, truyền thông, Trung thu sẽ là một dịp mà khách du lịch không thể không đến với Côn Đảo.
- Tết Nguyên Đán: là dịp lễ hội lớn nhất, vui vẻ, xum vầy nhất của người dân Côn Đảo. Khí trời thanh sạch, vạn vật đâm chồi nảy lộc, lòng người rộn ràng, chút gió chướng còn sót lại mang đến vẻ hoang dại, âm vang của xứ biển… Lúc này du khách cũng thích về đảo để trốn lánh cái ồn ào, bức bí của Tết đất liền. Vì vậy, bên cạnh các tour thăm đảo như ngày thường, các cơ sở lưu trú, du lịch có thể tạo điều kiện để du khách tham gia gói bánh, nấu bánh ở nhà dân, tổ chức đi rừng hái lộc, tắm biển tẩy trần, chuẩn bị tết một cách nhẹ nhàng… Có thể kết hợp với người dân để du khách cùng ăn tết kiểu homestay. Các cơ sở du lịch cũng tạo ra các lễ hội ẩm thực, hoá trang… vào các đêm Giao thừa, mùng 1 – 3, tạo điều kiện để dân Côn Đảo tham gia…
- Lễ hội 30/4 và 1/5 Giải phóng Côn Đảo: Tổ chức các lễ hội ẩm thực, không gian vui chơi, các sân khấu ngoài trời, trang hoàng đường Tôn Đức Thắng… Không quên Hội đua bè tre nứa truyền thống; Hội thi bơi biển, nhớ lại sự kiện tù nhân Côn Đảo vượt ngục, vốn rất hấp dẫn, độc đáo với cả du khách lẫn người dân địa phương.
- Lễ tri ân liệt sĩ cách mạng 27/7: Dành cho các đối tượng là người có công cách mạng, thân nhân gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh, thế hệ trẻ… Đầu tư, xây dựng thêm các điểm vui chơi, giải trí, nghệ thuật Ngoài những điều nói trên, để sự kết nối giữa du khách và người dân Côn Đảo mang tính thường xuyên, chặt chẽ, địa phương cần hỗ trợ ý tưởng, khuyến khích người dân đầu tư, tạo dựng thêm các điểm vui chơi, giải trí khác trên địa bàn, huyện đảo có thể giải quyết cơ bản được bài toán “khách đến Côn Đảo và người dân Côn Đảo không có gì chơi” với vấn đề giải quyết lao động nhàn rỗi.
Đề xuất một số ý tưởng cụ thể:
- Thiết lập hệ thống Wifi miễn phí ở khu trung tâm thị trấn Côn Đảo
- Đầu tư khu vui chơi cho trẻ em, bao gồm khu chơi vận động tự do (mô hình các khu vui chơi mà nhãn hàng Omo tài trợ tại các công viên ở TP.HCM – hoàn toàn có thể vận động Omo tài trợ cho Côn Đảo) và khu vui chơi có phục vụ (địa điểm phù hợp là khu công viên Võ Thị Sáu, hoặc khu công viên kẹp giữa đường Nguyễn Huệ và Nguyễn An Ninh
- Cho đầu tư khu đạp vịt, câu cá thư giãn ở hồ An Hải.
- Đầu tư cho người dân làm khu chợ đêm tập trung, có các sản vật, đồ lưu niệm, thức uống, thức ăn nhanh… Tổ chức khu trò chơi dân gian: đua heo, đuổi bọ, đánh cờ… Lập khu thi chặt hạt bàng, thi rang mứt bàng… Làm tốt công tác quảng bá, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… (có thể chọn tuyến đường Lê Hồng Phong)
- Ưu tiên về thuế, cho thuê mặt bằng, khuyến khích người dân mở cửa hàng sách báo, văn phòng phẩm
- Đầu tư, ưu đãi về vốn, đào tạo tay nghề, cho thuê mặt bằng, khuyến khích người dân mở cơ sở làm đồ thủ công mỹ nghệ; phòng ảnh; phòng tranh mang đặc thù Côn Đảo
- Đầu tư một số cà phê – bar, nhạc sống, chất lượng cao, có phong cách riêng, lành mạnh, ấm cúng, hướng đến phục vụ đối tượng thanh niên, trung niên
- Kêu gọi đầu tư Cụm siêu thị, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí có xe điện đụng, trò chơi điện tử lành mạnh, bowling… dành cho thanh thiếu niên (vị trí trường Võ Thị Sáu cũ)
Có thể nói, con người có thân phận thì một địa danh, một thành phố cũng có số phận riêng của nó! Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành Ủy Hội An, khi nói về lý do vì sao ông với bộ máy chính quyền và người dân Hội An ráng gìn giữ cho bằng được những gì Hội An đang có, đã chia sẻ: “Người ta có thể biến ruộng lúa thành đô thị chỉ với một chủ trương, nhưng trong lịch sử, chưa ai biến đô thị thành ruộng lúa. Cái gì người ta không thể thì mình hãy giữ lấy!”[7]. Với Côn Đảo cũng vậy, do số phận lịch sử đặc biệt, bị thực dân Pháp và Mỹ – nguỵ biến thành “Địa ngục trần gian”, thì dưới chế độ này và chưa bao giờ như lúc này, người dân Côn Đảo ý thức về những giá trị độc tôn của địa phương mình, càng khao khát khẳng định một danh phận rạng ngời khác cho Côn Đảo: “Đảo thiên đường”!
ĐOÀN KHUYÊN – Viết năm 2012
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP HCM
[1] Nguồn: Ban Quản lý các khu du lịch Côn Đảo[2] Bí thư Huyện uỷ Côn Đảo Trương Hoàng Phục, Tham luận trình bày tại Đại hội tỉnh Đảng bộ V (NK: 2010- 2015), tháng 10/2010[3] Phòng Nội vụ – LĐTB&XH, UBND Huyện Côn Đảo, Báo cáo Tình hình thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm 2012[4] Bảng thống kê tỉ lệ Tốt nghiệp THPT, học sinh đậu Đại học, Cao đẳng hàng năm của Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu, Côn Đảo[5] Các lý do như là: theo ngành học mà Côn Đảo chưa có nhu cầu nên về Côn Đảo không kiếm được việc làm đúng chuyên môn; thích ở lại đất liền để làm việc vì lương cao, có nhiều lựa chọn; phải ở lại đất liền để vừa làm việc, vừa nuôi em ăn học; kết hôn…[6] Quốc Thái, Đôi nét về văn hoá tâm linh ở Côn Đảo, (https://condao.com.vn/news.aspx?mnid=91&id=308)[7] Ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành uỷ Hội An, “Đã làm quan là phải đàng hoàng” (https://sgtt.vn/Loi-song/158770/Dalam-quan-la-phai-dang-hoang.html).