Vấn đề về bảo tồn và phát huy giá giá trị di tích nhà tù Côn Đảo trong phát triển và hội nhập

Đôi nét về di tích, hoạt động của di tích

Trên thế giới hiện nay, những quan niệm hay cách hiểu về di tích đều có ít nhiều sự khác nhau, căn cứ vào những vấn đề lịch sử quốc gia, phong tục truyền thống, sự hiện hữu về số lượng và loại hình di tích, sự nhận thưc chung về di tích… và họ có những quy định cụ thể trong luật pháp về quản lí, trùng tu, bảo quản và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay, đa phần các nước có chung quan niệm hay cái nhìn về giá trị của di tích phục vụ cho cuộc sống đương đại và những giá trị trong tương lai, các di tích là niềm tự hào về lịch sử, truyền thống, mang ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc.

Nếu như ở Nga quy định các di tích, di vật lịch sử là những tòa nhà, các công trình xây dựng, những nơi kỷ niệm và những đồ vật có liên quan đến sự kiện lịch sử trọng đại trong cuộc sống nhân dân, có liên quan đến sự phát triển của xã hội, nhà nước,…tình đoàn kết quốc tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các văn hóa, nếp sống của dân tộc, các anh hùng của nhân dân, những nhà hoạt động khoa học và văn hóa nghệ thuật.

Thì tại Philippine, di tích là các lâu đài, thánh đường, tài liệu và vật thể cổ được xếp hạng là cổ̉ vật, tàn tích, các phong cảnh nhân chủng học, phong cảnh lịch sử và các tiêu bản lịch sử tự nhiên,…trang sức, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc, vật thể thẩm mỹ công nghiệp, các loại tiền, huy chương…

Nhật Bản là những công trình kỷ niệm : nhà cửa, tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, công trình có khăc chữ, sách cổ, tài liệu cổ; nghệ thuật và kỹ thuật trong sân khấu, âm nhạc; những phong tục tập quán về ăn mặc, ở, sinh hoạt, tín ngưỡng, tôn giáo, lòng tin, hội hè, trình diễn dân gian…

Ở Việt Nam quy định: Di tích lịch sử – văn hoá là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học (2)
.
Như vậy, theo những quy định trên, chúng ta thấy nét chung rằng, di tích lịch sử văn hóa là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị
điển hình lịch sử; do tập thể, hoặc cá nhân con người hoạt động sáng tạo ra trong lịch sử để lại. Nó ngoài ý muốn của chúng ta, không do chúng ta quy định mà do quá trình hoạt động hình thành nên di tích. Đặc trưng, đặc điểm, nội dung, giá trị di tích khác nhau; mỗi di tích tồn tại gắn liền với nội thất, ngoại thất và khung cảnh riêng biệt chứa đựng nó, tạo nên nó. Di tích gồm nhiều bộ phận cấu thành như: môi trường, cảnh quan thiên nhiên xen kẽ bao quanh di tích, công trình kiến trúc.

Trong mỗi loại hình di tích thường có hai chức năng cơ bản như gìn giữ và khai thác sử dụng. Việc gìn giữ di tích ở mỗi quốc gia thường là : Nội dung giá trị chứa đựng ở di tích ; Niên đại ghi dấu của di tích ; Quy mô của di tích. Di tích lịch sử văn hóa là tài sản quốc gia, hoạt động bảo tồn di tích cũng mang tính chất Nhà nước. Nhà nước mới có đủ thẩm quyền và tạo điều kiện, cơ sở pháp lý, tổ chức cán bộ, kinh phí và mọi biện pháp khoa học kỹ thuật cho việc hoạt động bảo tồn di tích. Di tích lịch sử văn hóa thường chứa đựng những nội dung khoa học lịch sử, những nhân tố chân thiện mỹ, những khả năng giải tỏa tâm linh, chúng có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân trong công cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng. Khai thác và phát huy tác dụng của di tích lịch sử văn hóa phục vụ tư tưởng văn hóa là một tiến bộ xã hội. Muốn khai thác, sử dụng các di tích trước hết cần phải hiểu rõ nội dung, giá trị của di tích. Địa danh lịch sử của di tích, những điều kiện hình thành, tồn tại, biến chuyển; các giá trị về mỹ thuật ; những mối quan hệ của di tích trong thời kỳ đó với những vấn đề văn hóa xã hội… Muốn khai thác có hiệu quả di tích cần hiểu rõ đối tượng mà mình phục vụ : tâm, sinh lý, độ tuổi, trình độ hiểu biết; học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, bộ đội… tùy theo yêu cầu mà có thể có những hình thức, phương pháp giới thiệu cho phù hợp. Gây ấn tượng cho khách tham quan có thể đi từ nguyên gốc di tích đến các tư liệu, tài liệu bổ sung.

Không chấp nhận gây ấn tượng sai, giả tạo về di tích. Có thể đưa hoạt động sân khấu hóa di tích, diễn lại những cảnh trước kia đã từng xảy ra tại di tích. Hình thức hoạt động chủ yếu thường khai thác tại chỗ, đón khách đến tham quan, nghiên cứu. Thủ tục thường phải dễ dàng, đơn giản, đón tiếp chu đáo, điều kiện ăn nghỉ thoải mái, phương tiện giao thông thuận lợi… sẽ góp phần tạo hiệu quả trong việc khai thác di tích. Tiếp tục nghiên cứu, giải mã những ẩn số, biên soạn giới thiệu về di tích là nhiệm vụ quan trọng giới thiệu về di tích. Mỗi di tích phải thường xuyên công bố những tư liệu mới, hình ảnh, bản vẽ có giá trị trên các báo, tạp chí và tiến đến hoàn chỉnh cuốn sách về di tích…(1)
.
Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích là một khoa học. Để làm tốt công tác này, đòi hỏi mỗi người làm di tích phải có kiến thức sâu, rộng và đặc biệt biệt lưu tấm đến các kiến thức có liên quan như : với sử học, khảo cổ học, dân tộc học, bảo tàng học, kỹ thuật học, mỹ thuật học, với giáo dục học, tâm lý học, văn hóa học, kiến trúc và xây dựng…

Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo

Côn Đảo là một quần đảo có 16 hòn đảo, diện tích hơn 76,6km2 , trong phạm vi tọa độ từ 8037’- 8047’ vĩ độ bắc, từ 106032’-106045’kinh độ đông. Núi rừng chiếm hơn 80% diện tích. Hệ sinh thái đa dạng với nhiều chủng loại động thực vật quí hiếm tiêu biểu.

Côn Đảo có lịch sử khá lâu đời được minh chứng qua khảo cổ học.

Từ năm 1862, thực dân Pháp đã quyết định thành lập ở đây một nhà tù, và khởi đầu một giai đoạn lịch sử đầy man rợ thời thực dân đế quốc. Bốn trại gồm các banh: Banh I; II; III; và Banh III (phụ) để giam cầm. Ngoài ra, còn có hệ thống các Sở vừa là nơi giam giữ vừa là nơi lao dịch khổ sai: Sở Tiêu, Sở Chi Tồn, Sở Lưới, Sở Muối,… Một số công trình khác như nhà ở, dinh thự, công sở cho bộ máy đàn áp tù nhân cũng được xây dựng.

Từ năm 1955, đế quốc Mỹ, chính quyền “Việt Nam cộng hòa” lại tiếp tục mở rộng, xây thêm 04 khu trại. Điển hình là khu Biệt lập chuồng cọp Pháp và chuồng cọp Mỹ. Chúng tra tấn, đày ải, giết hại các chiến sĩ cách mạng, biến nơi đây thành địa ngục trần gian, hàng vạn chiến sĩ cách mạng đã bị chôn vùi trong các nghĩa trang.

Đây cũng là nơi ghi dấu tinh thần quật cường của các chiến sĩ cộng sản đấu tranh cho độc lập tự do và thống nhất đất nước. Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng như : Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… Ngày 1/5/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảo Ủy, tù nhân Côn Đảo nổi dậy phá tan ngục tù, bẻ gãy gông xiềng giải phóng đảo.

Những giá trị lịch sử to lớn của nhà tù Côn Đảo – nơi ghi dấu những tội ác dã man, đê hèn của chủ nghĩa thực dân đế quốc, nơi đấu tranh quyết liệt giữa cái thiện cái ác, tinh thần “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu đầu hàng”, biến ngục tù Côn Đảo thành “Trường học đấu tranh cách mạng”… Ngày 29/4/1979, Bộ Văn hóa Thông tin đã quyết định Đặc cách công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo là di tích lịch sử Quốc gia; Ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐTTg xếp hạng di tích Côn Đảo là di tích Quốc gia đặc biệt lần thứ 2.

Liên tiếp những thời gian sau, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã công nhân một số di tích khác tại Côn Đảo là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như : di tích An Sơn miếu, di tích Sở Cò, di tích chùa Núi Một. Như vậy, nơi đã có một hệ thống hay quần thể di tích khá độc đáo, đa dạng.

Trong mấy chục năm qua, mặc dù khó khắn bộn bề như nhân lực, kinh phí, kỹ thuật, kinh nghiệm… nhưng với sự cố gắng và nỗ lực vượt bậc lãnh đạo tỉnh, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là những cán bộ nhân viên nơi đây đã làm cho di tích được bảo tồn và bước đầu phát huy tốt giá trị trong sự nghiệp giáo dục truyền thống lịch sử, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới nhất là các thế hệ trẻ. Những hoạt động đa dạng phong phú với nhiều hình thức đã có trong các báo cáo của di tích, của các phương tiện thông tin đại chúng, có tác động tích cực trong giáo dục. Được sự chỉ đạo giúp đỡ của các cấp, ngành trong tỉnh, Di tích Côn Đảo đã có kế hoạch hoàn thiện trùng tu 11 di tích trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo được Thủ tướng phê duyệt năm 2001. Có ba công trình đã được hoàn thành và đi vào hoạt động phục vụ tốt nhu cầu cho du khách đến tham quan. Cán bộ di tích đã và đang thực hiện khá tốt việc sưu tầm danh sách Cựu tù chính trị, danh sách liệt sĩ trong cả nước;

Nhiều hoạt động khác gắn với di tích được quan tâm trong thời gian gần đây như: Trưng bày chuyên đề ở các di tích trọng điểm; Kết hợp với bảo tàng trưng bày chuyên đề: “150 năm – Côn Đảo đấu tranh xây dưng và phát triển”; Bổ sung tư liệu, hình ảnh nhằm thu hút khách tham quan; Xây dựng nội quy tham quan tại một số điểm di tích; Quy trình viếng đền thờ Côn Đảo. Phối hợp các cơ quan, tổ chức hoạt động kỷ niệm các ngày lễ : giỗ bà Thứ phi – Phi Yến, Chị Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, các anh hùng hy sinh tại Côn Đảo…

Ban quản lí di tích khá thành công với công tác xã hội hóa trong hoạt động trùng tu, bảo tồn. Đây là việc làm mới (kể cả lí luận và thực tiễn) của các bảo tàng, di tích trong cả nước, nhưng một số nơi thực hiện chưa mấy thành công, hoặc làm không thường xuyên, chưa có phương pháp thích ứng nên hiệu quả chưa cao. Tại Côn Đảo, có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đóng góp bằng nhiều hình thức; Một số hạng mục trùng tu đã được sự quan tâm đóng góp của nhiều tổ chức, công ty, cá nhân.

Với những hoạt động tích cực của chính mình và sự hỗ trợ của nhiều ngành, địa phương trong cả nước, lượng khác du lịch đến với Côn Đảo, đến với Di tích ngày càng tăng.

Trước đây, trung bình mỗi năm di tích đón khoảng 25-30 ngàn lượt khách. Tháng 11/2011, huyện Côn Đảo đón 4.240 lượt khách đến nghỉ dưỡng, tham quan, nâng tổng số khách đến Côn Đảo từ đầu năm đến nay lên 54.955 lượt, tăng 82% so với cùng kỳ năm 2010; trong đó có 11.567 lượt khách quốc tế, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2010. Tổng doanh thu du lịch tính đến hết tháng 11/2011 là 111,58 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch, tăng 272% so với cùng kỳ năm 2010 (3)

Rõ ràng, đó là thành công lớn của di tích trên nhiều mặt, nhiều phương điện, đặc biệt ý nghĩa quan trọng ở chỗ giáo dục tinh thần yêu nước, tôn trọng lịch sử, uống nước nhớ nguồn.

Thành tựu của di tích là như vậy, song bên cạnh vẫn còn nhiều nỗi lo và những công việc quan trọng không thể không làm, thậm chí là báo động. Chúng ta biết rằng, với điều kiện khí hậu, thời tiết, mưa gió, nắng, côn trùng… ở Côn Đảo rất phức tạp, trong điều kiện ấy, bất cứ vật liệu xây dựng nào cũng đều có thể bị hao mòn, biến dạng, sụp đổ… 11 điểm di tích quan trọng như nói trên đây chúng ta chỉ mới hoàn tất trùng tu 3 công trình: nhà Công quán, Trại biệt lập chuồng cọp của Pháp, trại Phú Hải, 08 điểm di tích còn lại chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân, điểm quan trọng trước hết là kinh phí cho công trình. Bài toán kinh phí luôn là bài ca muôn thuở cho việc trùng tu các di tích trong cả nước, địa phương nào cũng gặp khó khăn này. Được biết, kinh phí chống xuống cấp ở đây còn hạn chế, chưa kịp thời khó đáp ứng được nhu cầu trùng tu, tôn tạo nâng cấp di tích. Cũng có di tích đã trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn còn lúng túng về thủ tục nên phát huy giá trị vẫn còn hạn chế hay việc người dân lấn chiếm sử dụng đất di tích chưa được giải quyết, cần sự hỗ trợ của chính quyền với nhiều biện pháp để trả lại cảnh quan và vành đai bảo vệ di tích theo quy định của pháp luật…

Trong tình hình thực tại của di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, để bảo tồn, chúng tôi mong đợi các ngành, cơ quan, các cấp địa phương cần giành cho di tích sự hỡ trỗ trợ và sự ưu tiên về kinh phí nhiều hơn, kịp thời hơn nữa để xúc tiến việc trùng tu theo Quyết định 200/2001/TTg-CP. 8 di tích trọng điểm hiện đang xuống cấp trầm trọng.

Cũng cần chú ý rằng, việc bổ sung hạng mục, phương pháp trùng tu, kinh phí, loại hình vật liệu, công nghệ áp dụng… cho di tích cần được xem xét lại toàn diện bởi việc lập dự án đã cách nay hơn một thập niên, nhiều vấn đề như giá trị, công nghệ, phương pháp đã thay đổi, chúng ta cần công nghệ tốt, đảm bảo ổn định lâu dài sau trùng tu.

Trong quá trình trùng tu, trong điều có thể, cần chú ý tạo lối đi cho người hướng dẫn tham di tích thuận lợi, không nên dể người thuyết minh (của di tích hay hướng dẫn du lịch) dứng vào trong các hầm giam giữ, dễ gây phản cảm cho tích. Cần tuân thủ chặt chẽ quy định trùng tu di tích, trùng tu toàn bộ hay một phần? Phân biệt những nơi, vị trí đã thay đổi so với nguyên trạng để khách tham quan phân biệt được cũ và mới. Nên tổ chức cho cán bộ tham gia trùng tu đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số nước trên thế giới để tiến hành trùng tu có hiệu quả, tránh đi vào vết cũ của một số di tích đã trùng tu trong nước thời gian qua, biến đi tích mấy trăm tuổi thành di tích mới…Cần tổ chức hội thảo các phương án trước khi quyết định trùng tu.

Tiến hành nhiều hơn, khẩn trương hơn nữa việc nghiên cứu khoa học tại di tích, sưu tầm, phỏng vấn, thu thập tư liệu về mọi mặt của di tích từ các nhân chứng sống về từng giai đoạn, thời kỳ, về thủ đoạn tra tấn, hành hạ, đời sống, tính thần đấu tranh giữ gìn khí tiết, thông tin liên lạc giữa các tù nhân, trốn trại, hội họp… của các nhà tù tại Côn Đảo nhằm bổ sung thêm tư liệu cho các công trình nghiên cứu trước đây về hệ thống nhà tù.

Tổ chức tham quan (bao gồm hướng dẫn tham quan, thuyết minh) là một hoạt động quan trọng của di tích. Cần có nhiều phương pháp khác nhau cho mỗi di tích và đầu tư cho đội ngũ này. Xác định tham quan là một công việc khoa học để hướng cho công chúng không chỉ hiểu và còn định hướng cho họ nhiều mặt liên quan đến lịch sử, văn hóa, tình yêu quê hương đất nước, cái đẹp, cái thiện, và ác để giúp họ nhận thức sâu sắc và hành động một cách nhân văn.

Cần tiến hành nghiên cứu toàn diện, mọi mặt về một di tích riêng lẻ. Tổ chức các hình thức nói chuyện tại di tích, đặc biệt hướng đến đối tượng là thanh thiếu niên. Có thể nói chuyện về di tích tại các trường học, lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân mà không thể có điều kiện đến di tích.

Tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc triển lãm các hình ảnh, hiện vật của di tích với công chúng. Thực hiện các biện pháp triển lãm lưu động “ Đưa bảo tàng, di tích đến với công chúng”, đặc biệt chú ý những nơi, vùng miền có nhiều khó khăn. Cần lựa chọn những hình ảnh, đặc biệt là các hiện vật của di tích với điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hiện vật.

Kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch để đưa khách trong và ngoài nước tham quan, nghỉ dưỡng. Khai thác du lịch sinh thái rừng và biển, tổ chức các sự kiện đặc biệt,
hoạt động văn hóa về nguồn,… Việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích Côn Đảo cần được rút kinh nghiệm, tổng kết, tìm ra nguyên nhân thành công và những điều tồn tại nhằm tìm ra hướng đi thích hợp hơn để huy động các nguồn lực xã hội cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Có thể mạnh dạn đề nghị địa phương hay tổ chức, doanh nghiệp, thậm chí cá nhân giúp đỡ để trùng tu, tôn tạo một danh mục hay một di tích đơn lẻ? trong lúc kinh phí Nhà nước còn gặp khó khăn như thời gian qua.

Công tác maketing, quảng bá về Côn Đảo cũng cần tăng cường hơn nữa. Cần bắt tay với ngành du lịch chặt hơn, thường xuyên hơn trong quảng bá. Việc quảng bá cũng cần khoa học, không được quá tô hồng hay làm chưa đạt, chưa xứng tầm của di tích.

Việc đào tạo nguồn nhân lực của di tích thời gian qua có sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo di tích. Tuy nhiên, để hoàn thành tốt hơn nữa trong quá trình hội nhập hiện nay, nhân lực của di tích cần được trang bị tốt hơn về kiến thức chuyên ngành và những kiến thức chuyên môn khác có liên quan để bổ trợ cho hoạt động. ngoài ra, thiết nghĩ lực lượng chuyên môn của di tích cũng cần được trang bị thêm về ngoại ngữ, tin học.

TS. PHÍ NGỌC TUYẾN

Trường ĐHKHXH-NV ĐHQG TP.HCM

Chú thích:

  1. Theo Lâm Bình Tường: Sổ tay công tác bảo tồn di tích, Nxb Văn hóa, H 1986
  2. Luật Di sản văn hóa năm 2001; bổ sung và sửa đổi năm 2009
  3. www://http.dulichvn.org
4/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Danh phận cư dân Côn Đảo
Bài sau
Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.