Nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Âu sang Á, Côn Đảo có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trên con đường mậu dịch biển quôc tế và khu vực.
Côn Đảo ngày nay là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo có cùng một kinh độ với Thành phố Hồ Chí Minh (106°36′) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8°36′). Nằm án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Âu sang Á, Côn Đảo có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trên con đường mậu dịch biển quôc tế và khu vực. Đối với Việt Nam, Côn Đảo là cửa ngõ phía đông nam trên biển của khu vực các tỉnh phía Nam, lại ở ngay giữa ngư trường chính của cả nước và lại rất gần khu vực khai thác dầu khí nên càng có ý nghĩa chiến lược quan trọng về mọi mặt: vị trí địa lý kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, Côn Đảo có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú cho phát triển các loại hình du lịch như : du lịch sinh thái rừng – biển, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch thể thao kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng. Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Côn Đảo đang là một trong những điểm có sức hút lớn đối với “ngành công nghiệp không khói”.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn đã dành nhiều trang thuộc quyển 29, phần chép về tỉnh Vĩnh Long, mục Hình thể, mục Cửa quan và tấn sở và mục phụ lục để chép về Côn Đảo dưới tên gọi Bảo Côn Lôn và Quần đảo Côn Lôn.
Ở mục hình thể, khi giới thiệu tổng quan đặc điểm địa thế của tỉnh Vĩnh Long, sử gia Quốc sử quán đã nhấn mạnh vị thế cửa ngõ trên biển của Côn Đảo “một đảo Côn Lôn đứng chắn ngoài khơi”[1]
Trong mục Cửa quan và tấn sở, Đại Nam nhất thống chí nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Côn Đảo về mặt quân sự và nhận thức về tầm quan trọng đó của Nhà Nguyễn thể hiện qua việc cho xây dựng một đồn bảo kiên cố trên đảo ngay từ đầu triều Nguyễn : “Bảo Côn lôn : ở giữa biển cả về phía đông nam tỉnh. Bảo đặt trên đảo, chu vi 50 trượng 8 thước 9 tấc, cao 4 thước 3 tấc, mở 2 cửa, xây một pháo đài và một kỳ đài, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 17, gọi là bảo Thanh Hải. Trước thuộc trấn Gia Định, năm thứ 21 đổi lệ vào huyện Trà Vinh tỉnh Vĩnh Long, năm Thiệu Trị thứ 2 sửa chữa lại và đổi tên hiện nay”[2].
Đặc biệt, ở mục phụ lục, sách Đại Nam nhất thống chí đã có những ghi chép rất quý báu, cung cấp những hiểu biết nhiều mặt về Côn Đảo, cụ thể:
Về tên gọi: các Sử gia của Quốc Sử quán cho rằng tên gọi Côn Lôn có nguồn gốc từ tiếng Mã Lai Paulau Kundur có nghĩa là đảo Bí. Người phương Tây do đó mà gọi đảo bằng cái tên Poulo Condore. Người Trung Quốc phiên âm thành K’ouen Louen. Người Việt gọi là Côn Lôn.
Về vị trí địa lý và dựng đặt duyên cách: “Xét đảo Côn Lôn, từ cửa Cần Giờ tỉnh Gia Định đi thuyền một đêm một ngày thì đến. Đảo rộng trăm dặm. Bản triều trước cho lệ vào đạo Cần Giờ, sau đổi cho tỉnh Vĩnh Long quản hạt. Gần đảo ấy xưa nay chưa nghe có nước Bân Đồng Long. Đảo ở giữa biển. Phía nam gần các các đảo Đông Trúc, Tây Trúc.
Đời trước bỏ cho bọn ác di, Chà Và làm sào huyệt, mỗi năm chúng nhân gió đông nam đi thuyền vào cướp các châu Giao Ái, đánh chiếm các châu thành, cướp bóc nhân dân. Đến nước Đại Việt thì ta mới đuổi chúng đi xa, kén đinh tráng trên đảo biên làm đội ngũ để phòng vệ nghiêm ngặt. Từ đó người Chà Và không dám phạm hải phận ta nữa, dân ngoài biển của ta mới được ở yên ”[3].
Về khí hậu, phong vật, luồng lạch: Đại Nam nhất thống chí dẫn Minh sử “… Khí hậu cây cỏ, nhân vật, phong tục đại khái giống Chiêm Thành. Có núi Côn Lôn sừng sừng trong biển cùng với Chiêm Thành và các nước Đông Trúc, Tây Trúc đối với nhau như chân vạc. Núi ấy vuông rộng mà cao, biển ấy là biển Côn Lôn. Đến các nước Tây Dương thì phải chờ gió thuận, đi 7 ngày đêm mới qua được, cho nên người trong thuyền có ngạn ngữ rằng:
“Trên sợ Thất Châu dưới sợ Côn Lôn;
mờ kim sai lái, người thuyền chẳng còn””[4]
Đại Nam nhất thống chí cũng nhắc nhiều đến sơn lam chướng khí, thú dữ của vùng đảo này, như thứ gió cực độc, cực mạnh tục gọi là gió đuôi chuột: “Đến biển Côn Lôn, trời đương quang tạnh thì chợt thấy một đám mây đen hóa ra thánh khói uốn éo vẫy đuôi, tức như rồng mây ở trong hồ những ngày mùa hạ ở miền Chiết Giang. Khi ấy hạ mui thuyền còn sợ không kịp, gió dữ đến ngay.… hễ mây trắng thì gió lại càng dữ, mỗi ngày gặp đến hai ba lần hoặc bốn năm lần, ít khi không gặp”; hoặc cảnh mô tả bọn người Hồng Mao (người Anh) âm mưu chiếm đóng đảo vào những năm đầu thế kỷ XVIII (1702-1705) ban đêm nghe gió hú trong núi như tiếng giục về, lại không quen thủy thổ nên chết rất nhiều; hay cảnh cá sấu dữ thường hay bắt người “ có thuyền Trung Quốc chở gạch ngói đến đổi lấy hang hóa của Hồng Mao, vì vốn ít mà lãi nhiều. Ban đêm quay tròn với nhau ngủ ở bãi cát thì cứ lẳng lặng mà thấy người mất dần đi. Sau rình mới biết là bị cá sấu lên bờ nuốt mất, bèn chặt cây làm rào mới hơi yên ”[5].
Đại Nam nhất thống chí cũng cho biết Côn Đảo thường được bọn cướp biển trong khu vực, đặc biệt là cướp biết Java (Chà Và) dùng làm sào huyệt để tấn công thuyền bè qua lại trên biển và làm bàn đạp tấn công vào đất liền để cướp bóc.
Người phương Tây cũng thường qua lại nơi đây từ rất sớm. Đó là những người Hà Lan, người Anh… Sự có mặt của những nhóm người phương Tây này ngoài việc qua lại trên con đường mậu dịch biển còn thường gắn liền với âm mưu chiếm đóng đảo – một vị trí có tầm quan trọng đặc biệt trên hải trình quốc tế hoặc gắn liền với hoạt động cướp biển.
Về sản vật, Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Đảo ấy sản yến sào, đồi mồi, vích, quế, các hàm hương, trai tai tượng, các thức đồ ăn, tuyệt không có gì khác. Phía tây nam đảo có suối nước ngọt. Thuyền biển từ Gia Định đi Tân Gia Ba, Xiêm la đều lấy đảo ấy làm nêu để ngắm”[6]
Sách Đại Nam nhất thống chí cũng dẫn lại sách Phủ Biên tạp lục (quyển 2) của Lê Quý Đôn cho biết về hoạt động của đôi Hoàng Sa và Bắc Hải trên vùng biển Đông và đảo Côn Lôn: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc hải, không định số người, hoặc là người thôn Tứ Chính phủ Bình Thuận, hoặc là người xã Cảnh Dương (Ròn), có ai tình nguyện thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu và các thứ tiền tuần đò, sai ngồi thuyền câu tư đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn và các cù lao ở Hà Tiên để liếm lượm những vật của tàu (đắm) cùng đồi mồi, hải ba ”[7]
Điều này cũng phù hợp với những ghi chép trong các bộ sử khác được biên soạn dưới thời Nhà Nguyễn như Dư địa chí, Hoàng Việt địa dư chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí…về việc hàng năm đội Hoàng Sa bắt đầu đi từ tháng 3 âm lịch đến tháng 8 âm lịch thì về. Và khi về đội Hoàng Sa phải báo cáo với triều đình về những việc làm trong thời gian trên biển. Nhiệm vụ của hải đội Hoàng Sa ngoài việc vẽ bản đồ, thăm dò đường biển… còn có nhiệm vụ khai thác những sản vật tại vùng biển và các đảo ngoài khởi dọc từ Trung bộ đến Nam bộ nước ta đem dâng lên triều đình và báo cáo tình hình tại vùng đảo và quần đảo ngoài khơi của ta. Mộc bản triều Nguyễn sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 122, trang 23, năm Minh Mạng thứ 15 (1814) chép: “Tháng 3, sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ. Khi trở về, vua hỏi về những thứ sản vật ở đấy, Sĩ tâu: Nơi này là bãi cát giữa bể, man mác không bờ, có nhiều thuyền các nước qua lại. Nhân đem dâng vua những thứ chim, cá, ba ba, ốc, sò ngao, đã bắt được ở nơi đó, đều là những vật lạ, ít thấy”. Vua cho trọng thưởng. Những hoạt động trên cho thấy rằng vương triều Nguyễn luôn có ý thức về chủ quyền rất rõ ràng với vùng biển
đảo của tổ quốc, trong đó có Côn Đảo.
PGS.TS. TRẦN THỊ MAI
Trường ĐH. KHXH&NV-ĐHQG.HCM
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr. 148.2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.165.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.180. [4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.179. [5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.178. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.178. [6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.178. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.180. [7] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.178. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (2006), quyển 5, bản dịch Viện Sử học, NXB Thuận Hóa, tr.180.