Côn Sơn – “Giao điểm” của các dải “lụa” giao thương biển Á Châu và thế giới thời cổ

Bài viết giới thiệu toàn bộ di tích văn hóa cổ ở quần đảo Côn Sơn dưới tầm nhìn Địa – sinh thái và Khảo cổ học.

Trong không gián phẳng, quần đảo Côn Sơn nằm về tận cùng Đông Nam Việt Nam, bao gồm đảo chính Côn Lôn (tổng diện tích 51.32km²) và 15 đảo nhỏ (20.56km²) trải theo hướng đông bắc-tây nam (tọa độ: 8º34’-49’ vĩ độ bắc – 106º31’-45’ kinh độ đông). Đảo chính Côn Lôn chủ yếu là các vùng đồi núi (6328 ha = 88,4%) và vài thung lũng nhỏ thành tạo từ đợt biển tiến Flandrian thời Holocene (khoảng 6000–3000 BP), với hệ động thực vật trên đất liền và dưới bể rất phong phú đa dạng, thích hợp với đời sống con người. Lịch sử nghiên cứu Khảo cổ học Côn Sơn bắt đầu từ những năm 1944-1963 với các phát hiện của học giả Pháp L.Malleret và E.Saurin về các công cụ đá phtanite ở Bến Đầm và Hàng Dương. Đến nay, 10 địa điểm khảo cổ học được xác nhận bởi các nhà khoa học Viện Khảo cổ học ở Hà Nội, phân bố chủ yếu trên đảo lớn Côn Lôn (7 di chỉ cư trú ở Hàng Dương, Hồ Sen, Sở Tiêu, Cồn An Hải, Nhà Máy Nước, Bến Đầm và 2 nghĩa địa chum vò gốm ở Cồn Miếu Bà, Cồn Hải Đăng) cùng 1 di chỉ ở Hòn Cau.

Trong thời gian, những di tích thuộc loại hình “Cồn-Bàu”, gồm 2 di chỉ cư trú và 2 nghĩa địa lớn được khai quật với nhiều hiện vật đặc trưng có thể định niên biểu khoảng thế kỷ 10-9 đến 2-1 BC. Các di chỉ “loại hình hải đảo” trên giồng cát cạnh bàu nước ngọt hướng biển kèm theo cổ vật bằng đá, xương, kim loại minh định đời sống khai thác hải sản, săn thú, lượm hái lâm thổ sản và khai triển giao lưu buôn bán với đất liền và các hòn đảo xa. Và, đó cũng là diện mạo và thế mạnh sáng tạo văn hóa của chủ nhân đầu tiên trên quần đảo này thời Tiền sử – Cổ sử. Một nội dung chính khác là minh giải vị thế Côn Sơn giống như “giao lộ” của các con đường “tơ lụa” Thế Giới và Châu Á với các dấu tích còn trên bãi đáp Côn Lôn và đặc biệt từ tàu đắm dưới đáy biển cách Hòn Cau 15km khoảng cuối thế kỷ 17. Các tác giả hệ thống các nguồn liệu thư tịch, đồ gốm sứ khám phá và khai quật trong các cảng thị và bến bãi, các tàu đắm (Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Cà Mau 1-2, Kiên Giang, Bình Châu, Vũng Tàu etc.), các trung tâm sản xuất gốm sứ xuất khẩu trong và ngoài nước và phác họa bức tranh của các “con đường tơ lụa” – “con đường gốm sứ” một thời sôi nổi (thế kỷ 9-16) và nhấn mạnh sự hội nhập của quần đảo Côn Sơn vào “mạng mậu dịch quốc tế” này với vai trò quan trọng giống như là “giao lộ” của các tiểu vùng “trung điểm – tích lũy – tiêu thụ” ở Viêt Nam và cả Á Châu thời Trung và Cận Đại.

A. CÔN ĐẢO TRONG TẦM NHÌN “ĐỊA-SINH THÁI”

Côn Đảo – quần đảo chiếm tổng diện tích 72,81km² nằm trải dài hướng đông bắc – tây nam (tọa độ 8°34’– 8°49’N – 106°31’– 106°45’E) thuộc lãnh hải Việt Nam gần ngang vĩ tuyến với mũi Cà Mau, cách Sông Hậu 45 hải lý và cách Vũng Tàu khoảng 97 hải lý (179km) về phía đông nam; với đảo chính Côn Sơn (rộng hơn 15 x 3km vào khoảng 8.000ha = 51,32km²) cùng 15 hòn đảo lớn nhỏ (rộng 20,56km²) bao quanh phía tây (Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Trọc – hay hòn Trai-Ngọc), phía đông – đông bắc (Hòn Đá Bạc “sân chim”, Hòn Cau, Hòn Bông Lan, Hòn Bảy Cạnh có Hải Đăng mới) và về phía nam (Hòn Bà, Hòn Vung, Hòn Trắc Lớn, Hòn Trắc Nhỏ, Hòn Tài Lớn, Hòn Tài Nhỏ và 2 đảo cách Côn Sơn 50km là Hòn Anh-Hòn Trứng Lớn và Hòn Em – Hòn Trứng Nhỏ). Nhìn trên bản đồ, Côn Đảo trông gần giống hình con thú có miệng há ra ở vịnh Đầm Tre, với phần đầu mũi đông bắc và các núi Đường Chơi, Ông Cường, Con Ngựa, với chỏm sừng tạo hình nhở các bãi Đồm Trâu và Ông Cường phía tây bắc, cùng các phần chân trên (núi Nhà Bàn, núi Tàu Bể) chạy ra các mũi Chim Chim, Tà Bé và chân dưới (núi Thánh Giá) chạy ra Bãi Nhất và mũi Cá Mập hướng đông nam. Thị trấn nằm giữa thung lũng (tọa độ: 8°40’57”N – 106°36’10”E) mở ra vịnh Côn Sơn. Các vịnh trên đảo lớn đều mở hướng đông nam như vịnh Đầm Tre (ở phần miệng hình thú) giữa núi Đường Chơi và bãi Đá Hinh phía đông bắc; vịnh Cỏ Ống với đường viền bãi Cạnh từ núi Con Ngựa về núi Tàu Bể ở mũi Tà Bé; vịnh trung tâm Côn Sơn trải dài từ mũi Lò Vôi về mũi Cá Mập phía đông nam; cùng cảng Bến Đầm và nhiều bãi biển đẹp khác (bãi Đất Dốc, bãi Nhất, bãi Mới, bãi Ông Câu, bãi Ông Đựng, bãi San Hô, bãi Đầm Trâu, bãi Ông Cường) viền quanh đảo lớn và viền cả các đảo như Hòn Bà (đầm The, đầm Quốc), Hòn Bảy Cạnh (bãi Dương, bãi Bà Độp, bãi Giông, bãi Sạn, bãi Xi Măng, bãi Cát Lớn), Hòn Tre Lớn và Hòn Cau (bãi Cát Lớn, bãi Cát Nhỏ).

Theo các nhà địa chất, hệ sinh thái đồi núi đất đỏ bazan Côn Đảo có chung nguồn gốc núi lửa với miền Đông Nam Bộ và chỉ tách ra bởi những vận động tân kiến tạo từ hàng chục triệu năm trước. Diện tích đồi núi khoảng 6328 hec-ta chiếm 88,4% cả quần đảo, với Núi Chùa (cao 515m), nền của trũng Côn Sơn là đá granit 2 mica có nhiều khe nứt niên đại khoảng 270 triệu năm BP, cùng thành phần chính của kiến tạo là đá dăm tuổi khoảng 175 triệu năm BP và ít đá bazan thành tạo giai đoạn N²-QI (trước 1 triệu năm BP) đã phong hóa một phần thành đất đỏ [96-1998]. Địa hình đất bằng tập trung chủ yếu ở thung lũng hình bán nguyệt (8 – 10 x 2 – 3km) trên đảo Côn Lôn (tọa độ 8°40’57”N –106°36’10”E).

Về khí hậu, Côn Đảo chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và gió chướng đông bắc vào mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4), nhiệt độ trung bình năm 26,9°C, lượng mưa trung bình năm đạt 2.200mm, độ ẩm trung bình năm 80% và dù ở giữa biển với nền khí hậu xích đạo đại dương, Côn Đảo rất ít bị bão tràn vào.

Về thủy văn, Côn Đảo có các dòng suối và khe lạch chảy từ các dãy núi lớn (núi Chúa, núi Thánh Giá) theo hướng bờ biển đổ nước vào nhiều đầm bàu, với các hồ lớn ngay ở thung lũng viền vịnh Côn Sơn (Hồ Sen – Hồ Quang Trung, Hồ An Hải). Riêng hồ An Hải trước đây còn thông với biển và nguyên là hệ sinh thái rừng ngập mặn phát triển tràm, đước và thủy sản ngập mặn [16;106;19-2008].

Về thổ nhưỡng, đất Côn Đảo chủ yếu là loại đất đỏ vàng (6916 ha = 90,1% tổng quỹ đất Côn Đảo) với địa tầng mỏng (<50cm) phủ trên granit chưa phân dị (4397ha = 63,6%) và trên đá cát kết (2519ha = 36,4%). Dạng đất này tập trung ở phần núi rừng đông bắc (các dãy núi Ông Cường, Con Ngựa) và trung tâm (từ núi Chúa đến núi Thánh Giá), là loại đất tự hình vùng đồi núi trên các tàn tích đá magma acid chủ yếu granit và đá grès, có hàm lượng Al²O³, Fe²O³ cao, phản ứng dung dịch đất pH = 5-6, thành phần cơ giới nhẹ (từ cát pha tới thịt trung bình), kết cấu kém, độ xốp thấp, chất hữu cơ 2-8% tùy thuộc môi trường còn rừng, thích hợp phát triển lâm nghiệp.

Đất cát biển (756ha = 9,9%) có độ dày lớn hơn (>100cm) được hình thành và phát triển từ 10.000-5.000 BP. trên các thành tạo đặc trưng là cát trắng tuổi Holocen sớm (Q1/IV) và cát vàng tuổi Holocen giữa-muộn cho tới hiện đại (Q2-3/IV). Đây là dạng thổ nhưỡng chịu mặn phổ cập các hòn nhỏ (Hòn Bà, Hòn Trọc, Hòn Tre Lớn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau) và trên đảo lớn tập trung ở các triền thung lũng từ bãi Đầm Trâu đến bãi Cạnh – vịnh Đông Bắc và thung lũng trung tâm Ma Thiên Lãnh trải dài hướng đông bắc – tây nam từ núi Lò Vôi về An Hội, mẫu chất có thành phần cơ giới nhẹ, lượng cát thô 33-44%, hàm lượng sét vật lý (phần tử <0,01mm) chỉ 4-5%, hàm lượng SiO² cao tới 80-95%, độ chua đất pH = 5-6 và nơi có nhiều vỏ sò hến, san hô có thể tới 6-7, rất nghèo các chất dinh dưỡng, nghèo mùn, đạm và lân, hàm lượng chất hữu cơ thấp (0,5-0,9%), chỉ thích hợp cho các nương vườn cây trồng cạn ở sườn thấp sát chân núi [83].

Trên nền địa hình núi thấp dốc với các thung lũng và bãi cát biển viền chân núi, Côn  Đảo nổi danh là Vườn Quốc gia (1) thuộc hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo gồm các kiểu rừng kín thường xanh và nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới, với 4.778ha rừng cây gỗ lá rông, 109ha rừng tre, 18ha rừng ngập mặn. Tài nguyên rừng Côn Đảo có thảm thực vật che phủ tới 92%, với thành phần phong phú đa dạng gồm 1.044 loài thuộc 640 chi của 160 họ thực vật bậc cao có mạch (420 loài cây gỗ, 273 loài cây bụi, 137 loài dây leo, 137 loài thảo mộc, 53 loài khuyết thực vật, 20 loài phụ sinh) (2); trong đó có 44 loài đặc hữu (11 loài định danh Côn Sơn), một số loài xếp trong danh mục quý hiếm như găng néo (keo), lát hoa; nhiều loài cây thuốc như thiên niên kiện, ngũ gia bì, sâm nam, hà thủ ô, cam thảo, đỗ trong, hương nhu, ngải cứu .v.v…).

Hệ động vật rừng Côn Đảo có 144 loài gồm 28 loài thú, 39 loài bò sát, 69 loài chim, 8 loài lưỡng cư; với nhiều loài đặc hữu như sóc mun, sóc đen, chuột hưu, thạch sùng, bồ câu nicoba, chim điển mặt xanh, chim gầm ghì trắng .v.v… Hệ sinh thái biển Côn Đảo với 18ha rừng ngập mặn, 200ha cỏ biển và 1000ha rạn san hô “giàu có về mật độ và phong phú về sinh vật bậc nhất Việt Nam” (3), có 1.493 loài (37 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 44 loài là nguồn gen cực quý của biển Việt Nam), bao gồm 23 loài thực vật ngập mặn (đước đôi Rhizophora apiculata, đước xanh Rhizophora mucronata, vẹt dù Bruguiera gymnorrhiza), 127 loài rong biển, 11 loài cỏ biển, 157 loài phù du thực vật, 115 loài phù du động vật, 342 loài san hô (41 giống, 17 họ, chiếm ưu thế các giống Acropora, Porites, Pachyseris, Montipora, Panova), 187 loài thân mềm, 202 loài cá rạn san hô, 116 loài giáp xác, 75 loài da gai, 130 loài giun nhiều tơ, 8 loài thú (Delphin mõm dài, cá voi xanh, bò biển – Dugong dugon) và bò sát biển (rắn biển, rùa da, quản đồng, đồi mồi – Ertmochelys imbricata, đặc biệt loài rùa biển – Vích thường niên có 350 cá thể đẻ 1200 tổ trứng và thả về biển 5 vạn vích con) [22-23; 47;67;19-2008]. Với đường viền nông nhiều đá ngầm ở đáy tích tụ rong rêu là môi trường sinh tụ các loài hải sản đới ven bờ, đặc biệt nhiều động vật thủy sinh (đồi mồi, vích – rùa biển, dugon – bò biển, cá heo, ốc, cua, tôm, cá, yến sào, hải sâm .v.v…) – những “lâm trường” và “ngư trường” phong phú sản vật cung ứng cho kinh tế khai thác hái lượm và săn bắt của con người trên quần đảo này xưa cũng như nay. Và, trong tầm nhìn “Địa-sinh thái”, Côn Sơn ngang tầm vĩ độ với ấp Mũi Cà Mau và cả với cụm đảo cực nam Trường Sa (Đá Lát, Đá Tây, Đá Đông, Đá Thuyền Chài, Trường Sa Đông…) và mặc nhiên mang vị thế “cầu nối” (floating bridge) giữa cực nam Đất Mẹ với cả quần đảo viễn đông của Tổ Quốc [94- 1999,2003].

B. CÔN ĐẢO TRONG TẦM NHÌN KHẢO CỔ & SỬ HỌC

B1. NHỮNG DẤU TÍCH ĐẦU TIÊN CỦA CON NGƯỜI TRÊN QUẦN ĐẢO CÔN SƠN

Những di tích liên quan đến sự hiện diện đầu tiên của con người trên quần đảo Côn Lôn được biết đến ngay từ hơn 7 thập kỷ trước, khi học giả người Pháp Louis Malleret khảo sát Bến Đầm vào năm 1944 và đã sưu tầm được 6 công cụ đá mài. Sưu tập này được chỉ huy tiểu đoàn Tisseyre chuyển về Bảo tàng Sài Gòn và công bố dưới tên gọi: “Poulo Condore” bao gồm: 1 rìu đá phiến quartzit hạt mịn (ký hiệu: MBB 3660, quy mô 15,1 x 5,1 x 2,7cm); 1 bôn đá giống phtanite hình thang thân mỏng mài nhẵn, với lưỡi cong tròn hơi lệch đã bị mẻ ít (MBB 3661, quy mô 15,1 x 5,1 x 2,7cm); 3 công cụ dạng cuốc – mai thân hẹp và rất dài mà L,Malleret gọi là “cày” (soc) hoặc “chàng” (ciseau) làm bằng đá phtanite đen có lớp phủ patine vàng (ký hiệu MBB 3657-3659, quy mô: 30 x 7 x 5cm, 31 x 4,1 x 2cm, 42,2 x 7,5 x 5,6cm) và 1 mảnh vỡ công cụ. Tác giả liên hệ nhóm công cụ Côn Đảo với rìu, bôn đá vùng Luang Prabang thượng Mekong qua tư liệu của Phái bộ Pavie (1904), H.Mansuy (1920) và cả với công cụ đá Mã Lai [49-1959-1960]. Vào những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ XX, nhà địa chất Pháp E.Saurin điều tra Hàng Dương và phát hiện được một số đồ đá, đồng, sắt và các loại nồi, vò gốm cổ gần khu mộ cụ Nguyễn An Ninh.

Sau ngày đất nước thống nhất (30/04/1975), học giả Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Côn Sơn là PGS.TS Diệp Đình Hoa vào năm 1979. Ông đã phúc tra khu vực quy hoạch xây dựng Nghĩa trang Hàng Dương và đã ghi nhận các ngôi mộ cổ bị phá và nhiều cụm gốm thô trong đồi cát ven nhánh sông cổ. Dưới lớp mặt đất cát trắng xám có độ dày nhất 50cm trải dài đến tận khu mộ lãnh tụ Lê Hồng Phong về phía bắc là tầng văn hóa đất cát màu xám đen dày trung bình 30cm nằm trên sinh thổ cát trắng vàng mịn. Hiện vật chủ yếu là gốm thô làm bằng tay pha cát to, nung thấp, bở, áo nâu đỏ, với các kiếu văn thừng và vài mảnh có văn đắp nổi thành dải, với các loại nồi đáy tròn miệng loe, vành miệng hẹp, cổ ngắn, đường kính phổ biến 20-30cm, có cả một vài hạt chuỗi bằng đất nung, đá kết, dọi se sợi nặn bằng tay đáy tròn dẹt, cân đối (đường kính 3cm, dày 2cm), thiết diện hình thuẫn và nhiều mảnh tước kích thước nhỏ là “phế liệu kỹ thuật ghè gián tiếp, ép thô tạo phác vật” của công xưởng chế tác đá ở đây. Ở khu vực lân cận, ông phát hiện thêm điểm cư trú ở Sở Tiêu ven chân núi sát biển đã bị phá để làm đường, với một số mảnh gốm thô dày, bở có áo, không trang trí hoa văn, còn vết tích một bếp lửa có những đoạn xương cháy dở, than tro và đá cuội; cùng di chỉ chứa gốm tương tự gốm cổ Hàng Dương gắn vách hầm trú ẩn ở đồi cát ven suối Cạn (gần suối Nhật Bổn) ở Bến Đầm. Ngoài đảo lớn, PGS.TS Diệp Đình Hoa còn điều tra Hòn Cau và đã nhặt được mảnh tước bazan trên đảo này [14]. Vào cuối năm 1997, cố GS Trần Quốc Vượng đến Côn Đảo và, cùng với bà Phùng Thị Hương (Ban Quản lý di tích Côn Đảo) và ông Dương Trung Quốc (Hội Khoa học Lịch sử), ông đã lượm được một số mảnh gốm cổ trên và dưới dải cồn cát tuổi Holocene trung kéo dài khoảng 2km ở khu vực Cồn Miếu Bà từ sau đền Bà Phi Yến đến Cồn Ông Hòa sát cạnh ngọn hải đăng cổ [96-1998]. Từ những năm 1995-1996 đến 1999-2000, đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học cùng Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu và Ban Quản lý di tích Côn Đảo thực hiện chỉ thị của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nghiên cứu các vùng biên cương trên các hòn đảo và trên đất liền phía Nam Tổ quốc đã tiến hành phúc tra các địa điểm đã biết ở đảo lớn Côn Lôn (Hàng Dương, Sở Tiêu, Bến Đầm, Cồn Miếu Bà), thu nhặt thêm một số đồ đá; tiến hành đào thám sát Hàng Dương, Nhà Máy Nước và khai quật lớn ở Cồn An Hải, Cồn Miếu Bà, Cồn Hải Đăng, Hòn Cau và có thêm nhiều phát hiện mới (4).

B1.1. DI TÍCH & DI VẬT KHẢO CỔ HỌC

1. Di tích cư trú Hàng Dương: Ở Hàng Dương, trên doi cát cổ cao 5-6m/mặt ruộng quy mô 300 x 100m nằm ở phần rìa trong khu vực Nghĩa trang Hàng Dương, cách bờ vịnh biển khoảng 2,5km về phía tây, tại 2 hố thám sát (6m²), phát hiện bên dưới lớp đất cát màu trắng có tầng văn hóa màu xám đen dày 30-35cm nằm phủ trên sinh thổ đất cát nâu và ngả vàng, thu được 1 phác vật đục đá trắng (5 x 3 x 1,8cm), mặt cắt ngang hình thang, đốc phẳng, rìa lưỡi tạo dang dở, một số công cụ ghè đẽo, mảnh tước, hòn kê, hòn ghè cuội, 2 mảnh miệng bát đồng, 1 mảnh khuôn đúc bằng sa thạch màu gan gà lưng có vết sém đen  (4,1 x 5,4 x 2,3cm), 1 chuỗi đá vàng mài nhẵn (đường kính thân 0,4cm, cao 0,3cm, lỗ rộng 0,1cm), 1 mảnh khuyên tai đất nung hình con đỉa và 175 mảnh gốm thô pha cát màu nâu đỏ làm bằng tay thuộc các loại hình nồi miệng loe, bản miệng hẹp, ít trang trí. Trong hố thám sát 3m² (nằm cách mộ lãnh tụ Lê Hồng Phong khoảng 30m về phía đông bắc), ghi nhận tầng văn hóa cát vàng sẫm dày 55-60cm nằm dưới lớp cát biển dày 10-25cm chứa 1 mảnh góc khuôn đúc rìu bằng sa thạch hạt thô (5,3 x 4,1 x 2,3cm, lòng lõm 0,3cm); 1 công cụ ghè đẽo bằng đá gốc hình rìu tứ giác, đốc dày thu nhỏ, lưỡi xòe, góc lưỡi nhọn có dấu sử dụng; 1 viên cuội hình oval dẹt màu trắng đục có lớp patine nâu đỏ, có nhiều vết ghè chỉnh ở 2 đầu giống hòn kê hoặc chì lưới (7,4 x 4,8 x 3cm); 1 viên bi gốm, 200 mảnh gốm (13 miệng, 2 chân đế, 185 thân) có xương dày 5-6cm chứa nhiều cát khá cứng, lớp áo thổ hoàng bị tróc nhiều, miệng loe xiên, loe gẫy với bản rộng 1,5-4cm và ít miệng hơi cúp dạng âu, chân đế choãi 2-5cm. Qua phân tích loại hình di chỉ và di vật, các nhà điều tra cho rằng di chỉ Hàng Dương “ở vào khoảng giữa sơ kỳ thời đại Kim khí và có quan hệ mật thiết với di vật gốm thời tiền Sa Huỳnh sớm ở Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ” [62;63;68].

2. Di tích cư trú Hồ Sen: Di chỉ cũng nằm trên doi cát cao sát chân núi Thánh Giá phía bắc bờ hồ Quang Trung cách Hàng Dương khoảng 500m về phía tây, với diện phân bố gốm khoảng 200m² (1 viên đạn gốm, 47 mảnh gốm thô phủ áo màu nâu đỏ với 8 miệng, 4 chân đế, 35 mảnh thân dày trung bình 6-7mm) và tầng văn hóa cùng cấu tạo với di chỉ Hàng Dương [63;67;68;70]. Di chỉ đã bị phá hủy do xây dựng nhà máy nước Côn Đảo năm 2000 nhưng dấu tích cư trú cổ hướng về vịnh biển kín rải rộng (300 x 20m) được coi là làng cổ “rộng nhất ở Côn Đảo” [19-2008].

3. Di tích cư trú Sở Tiêu: Năm 1996, đoàn điều tra Viện Khảo cổ học ghi nhận di chỉ cư trú ở Sở Tiêu (8°41’553 N – 106°35’883 E) nằm cách Hồ Sen 500m về phía tây-tây nam nằm trên triền cát biển nâu vàng sáng dưới chân đông-đông bắc núi Thánh Giá sát rìa tây nam thung lũng Ma Thiên Lãnh, đối diện thung lũng rộng cạnh bàu nước ngọt. Trong khoảng diện tích 18m² đã thu được 16 bàn mài, 68 mảnh bàn mài và đá nguyên liệu, 2 cuốc đá mài toàn thân, 1 phác vật cuốc, 2 đục đá mài, 1 công cụ hình rìu lưỡi mài tà gọi là “nêm” đá – dụng cụ sử dụng chế tạo sửa chữa tàu thuyền và 16 công cụ đá ghè đẽo “kiểu Hòn Cau” [20- 21;19-2007-2008].

4. Di tích cư trú Cồn An Hải: Di chỉ phát hiện 2005 nằm trên cồn cát nhỏ thấp kẹp giữa dải cồn cát cao sát biển và dải cồn phía ngoài hổ Quang Trung, cách bờ vịnh Côn Sơn khoảng 250m về phía tây-tây bắc. Di tích này có diện phân bố khá rộng với tầng văn hóa khá dày song bị bóc mất lớp mặt do khai thác cát xây dựng. Các nhà điều tra thu được một số công cụ ghè đẽo, 1 đục đá mài và 1 mảnh vỡ công cụ mài, 1 mảnh khuôn đúc, ít gốm vỡ. Cuộc khai quật năm 2007 với diện tích 98m² thu được sưu tập công cụ đá ghè đẽo và công cụ mài từ nguyên liệu đá lăn và đá gốc, chày, hòn kê, hòn ghè, bàn mài, có cả 1 hòn đá giống “phù điêu hình mặt người”, một số mảnh thổ hoàng và đá son đã mài dùng chế tạo lớp áo gốm. Gốm Cồn An Hải thuộc loại hình nồi niêu, vò, bình, bát bồng, bát nhỏ đều phủ lớp thổ hoàng và có cả văn tô ánh chì, văn thừng, một số mảnh có văn đắp nổi thành đai, in nổi và khắc vạch có họa tiết hình sóng nước, tam giác, xương cá trên mép miệng, trên vai và cả ở thân gốm, với niên đại khoảng 700-2600 năm cách nay [19-2008;63;66-68;70;77-2008].

5. Di chỉ cư trú Nhà máy nước 1-4: Các địa điểm tìm thấy dấu tích cư trú nằm trên dải cồn cát ven chân núi Thánh Giá tại khu vực Nhà máy nước chạy dài từ hướng thung lũng Ma Thiên Lãnh phía đông bắc về Cồn Miếu Bà phía tây nam. Ở điểm 1, đoàn điều tra thu được 24 công cụ chặt đập, cắt và nhiều nguyên liệu, mảnh tước và hàng trăm mảnh gốm. Ở điểm 2, trong 2 hố thám sát (5m²), lớp cát văn hóa dày 30-35cm chứa 7 công cụ ghè đẽo, 4 mảnh dao-giáo sắt, 1 hạt chuỗi đá đen vân trắng hình bàu dục (dài 0,9cm, thân rộng 0,35- 0,5cm, lỗ rộng 0,1-0,18cm) và 1 hạt chuỗi thủy tinh tròn dẹt (đường kính 0,9-1cm, cao 0,8- 0,85cm, lỗ rộng 0,15-0,18cm), 1600 mảnh gốm của nồi, bát bồng chân cao, bát, bình, ấm, đĩa. Ở điểm 3, trong hố thám sát 2,5m² có 1 công cụ ghè đẽo, 1 mảnh vòng tay đồng (đường kính 4,5-7cm) và 190 mảnh gốm. Ở điểm 4, hố thám sát 1m² cũng có một số công cụ đá hình tam giác và hàng chục mảnh gốm [63].

6. Di chỉ cư trú Cồn Cây Da 1-2: Di chỉ ghi nhận ở sườn đông nam cồn cát phía đông nam thung lũng chân Núi Chúa và Hồ Quang Trung, với lớp cát dày 40cm chứa 1 công cụ chặt đập, 3 công cụ ghè đẽo, 1 mảnh miệng bát đồng và khoảng 1300 mảnh gốm áo đỏ [63].

7. Di tích cư trú Bến Đầm: Năm 1995, Nguyễn Văn Hảo khám phá tầng văn hóa phân bố dưới chân núi đối diện núi Tình Yêu (Hòn Bà) qua eo biển, nằm cách mũi Cá Mập chừng 3km về phía tây nam ven sườn đồi trồng cây ăn trái (dừa, ổi) còn nhiều bụi cây dại ẩn rắn độc nằm cao hơn vịnh Bền Đầm khoảng 20-25m. Qua mặt cắt vách đường, địa tầng có cấu tạo gồm: lớp canh tác dày 10-15cm; tầng văn hóa xuất lộ trong khoàng chiều dài 20m với độ dày 30-35cm, chứa đá vỡ, cuội lăn, đá dăm, đất đồi và ít gốm; sinh thổ là lớp đất đồi cát chứa sạn sỏi màu xám nhạt, thu được 27 mảnh gốm (4 miệng, 1 chân đế, 3 đáy, 19 mảnh thân), với 15 mảnh thân dày (0,8-0,9cm – 1,1-1,5cm) và 12 mảnh xương mỏng (0,4-0,6cm). Gốm Bến Đầm đều có áo phủ lớp thổ hoàng cả 2 mặt, phôi gốm thường màu đỏ (một số xương màu xám ngả vàng lộ nhiều cát trắng), lẫn nhiều sỏi sạn và cứng chắc. Miệng cùng kiểu miệng chậu liền thành cao 4cm, đường kính 20cm, mép vuốt nhọn, tạo gờ phía ngoài – kiểu miệng chậu khá phổ biến ở Hàng Dương cũng như các di tích tiền Sa Huỳnh – Sa Huỳnh và di chỉ Bến Đầm “về cơ bản là cùng thời đại với Hàng Dương – Hồ Sen” [67]. Theo Đào Quý Cảnh [19-2008], rất có thể di chỉ Bến Đầm nằm ở An Hội gần nơi Thực dân Pháp biệt giam lãnh tụ Lê Hồng Phong nơi đoàn điền dã thu được một số mảnh gốm cổ và ở Núi Cột Cờ gần đó còn phát hiện 1 cuốc đá giống sưu tập cuốc của L.Malleret trước đây.

8. Di tích cư trú Cồn Miếu Bà: Di chỉ (8°6760 N – 106°56’6041 E) ở sườn trong dải cồn cát cổ cao 3-5m bên hồ An Hải trải dài hàng cây số từ miếu Bà Phi Yến đến liền kề chân núi Thánh Giá, với vài bàu nước ngọt xung quanh nằm cách bờ vịnh 800m về phía tây bắc và cách di chỉ Hàng Dương 2km về phía tây, sườn đông nam bị xẻ làm đường liên đảo viền chân núi. Diện trải di vật cổ ở đây hàng hec-ta, có cả 1 mảnh đồng hình chữ nhật giống đục (2,8 x 0,6 x 0,3cm) găm trong vách đường. Trong 2 hố thám sát (tổng diện tích 5m² ở độ cao 1,8- 3m/cách mặt đường), xác thực địa tầng gồm lớp cát mặt cồn cát còn mọc cây rừng dày 20- 25cm; tầng cát vàng sẫm sâu 50-70cm nằm trên sinh thổ cát biển trắng chứa 7 mảnh tước, 32 cục đá gốc và 980 mảnh gốm thuộc các loại hình nồi miệng loe, bình có chân đế cao 2- 4cm, vò, bát bồng, cốc nhỏ còn lớp áo mịn dày khá gần gũi gốm Bàu Sen và Hàng Dương song tỷ lệ gốm có áo xám nhiều hơn [62-2003;65]. Năm 2002, di tích được khai quật 1 hố 10 x 5m = 50m² nằm theo hướng bắc nam ở sườn tây nam cồn gần Nhà máy nước, ghi nhận địa tầng cấu tạo thuần cát biển sâu 130-200m có lớp cát canh tác trên cùng màu đen nhạt, tầng văn hóa cát xám tro dày 70-90cm nằm trên cát vô sinh vàng sẫm. Trong tầng văn hóa và cả lớp sinh thổ, đoàn khai quật phát hiện thêm 5 mộ vò dạng “miệng loe, cổ thắt, bụng phình, đáy tròn” giống vò Cồn Hải Đăng và 3 mộ lạ gọi là “vò – bình táng có chân đế” phủ áo thổ hoàng cao 26-30cm, miệng loe rộng 20-23cm, vai xuôi gãy rộng 34cm, đáy hình trứng, chân đế choãi thấp 3,5cm (gờ vai và vành miệng có khi được ấn khía hoặc 1-2 băng khắc vạch chữ S) – loại hình mộ vò-bình có chân đế từng thấy ở M2Hc5 Lung Leng (Kontum) và cả ở Bãi Cọi (Hà Tĩnh). Ngoài ít vết tích di cốt và than củi ở vài vò gốm và 9 vỏ ốc biển, đồ tùy táng bằng đá gồm: 55 công cụ ghè đẽo từ đá gốc, 7 mảnh phác vật công cụ ghè và mài, 4 hòn kê-ghè, 8 chày nghiền, 4 bàn mài, 5 mảnh khuôn đúc rìu bằng sa thạch, 6 hạch đá hình khối ngũ giác, 138 mảnh tước-tách, 50 đá nguyên liệu, 43 cục thổ hoàng. Đồ kim loại có 1 dao và 1 mũi nhọn sắt, 1 vòng tay sắt và 1 vòng khuyên đồng. Đồ gốm có 8 mảnh ghè tròn, 70 đồ đựng gồm 6 bình con tiện vai gãy, 9 bát nhỏ và bát bồng, 3 nồi nấu kim loại, 1 chum minh khí hình trứng, 2 nắp đậy. Gốm gồm 2 loại xương đỏ mịn và xám đen thô, chủ yếu nặn bằng tay kết hợp bàn đập-con kê làm từ sét pha cát và sỏi, với lớp áo thổ hoàng cả 2 mặt. Có 234 mảnh trang trí thừng chải, văn khía, ấn móng tay và khắc vạch với các họa tiết chữ S, tam giác, sóng nước, đường song song, nửa hình tròn úp so le tạo cánh sen và văn đắp nổ thành gờ đai nổi ấn khía ngoài miệng, gờ vai, chân đế của các loại hình vò, bình, bát bồng .v.v… Di vật đá – gốm ở đây giống với Hàng Dương, Hòn Cau và “di tích Cồn Miếu Bà trở thành địa điểm điển hình tiêu biểu của nhóm văn hóa Sa Huỳnh hải đảo thể hiện trình độ phát triển nghề luyện kim đồng sắt có niên đại cách ngày nay từ 2500-2200 năm” [62-2003;65;77-2008;19-2008].

9. Di tích mộ vò Cồn Hải Đăng: Cồn cát nguồn gốc biển thuần nhất chứa di sản nằm gần đường Nguyễn Huệ gần cây Hải Đăng do người Anh xây dựng từ năm 1702 có độ dài gần 300m chạy theo hướng đông bắc – tây nam nằm dọc sát bờ vịnh, với đầu cồn nằm gần ngã ba An Hải, hai bên sườn là rừng cây tự nhiên và cây trồng phi lao, bạch đàn, chân cồn là bãi bằng thấp mọc nhiều tràm cao 2-3m xung quanh còn vết tích nhiều mảnh sành sứ, gạch, ngói thế kỷ 17-18, có cả sưu tập 14 lọ sứ men rạn đựng thuốc súng, 1 lọ sành thân phình đáy thu nhỏ và vết tích giếng đất đường kính 10m, sâu 4,5m chứa nước ngọt kiểu “giếng Chăm”. Cồn Hải Đăng nằm cách mép hồ và di chỉ Cồn An Hải khoảng 70-100m về phía đông, đỉnh cồn cao nhất 9-10,58m ở phía đông bắc và thấp dần về phía tây nam cao cỡ 4-5,75m, độ dốc 15-17°. Khu mộ vò Tiền sử phân bố ở sườn tây nam cồn có lớp phủ thực vật tràm và thân bụi, với phạm vi 250-300m². Hố thám sát 1999 diện tích 4 x 3m = 12m² ở sườn cồn tây nam (cao độ 4-6m) nằm cách cây Hải Đăng 166,8m, cách bờ vịnh biển 150-160m (tọa độ: 8°40’719”N – 106°35’990-992”E) đã phát hiện 13 mộ vò chôn thành từng cụm 2-3 vò, với các đồ đựng gốm (niêu, bát, bát bồng) bị cố ý đập vỡ giống như hiện tượng “giết gốm” chôn theo người chết (có 3 mảnh bát bồng trang trí khắc vạch hình tam giác so le – mô típ phổ biến ở Hàng Dương, Hòn Cau – Côn Đảo, ở đảo Thổ Chu – Phú Quốc và cả ở mộ chum Lung Leng – Kontum) [64]. Hố thám sát 2000 xác thực diện rộng khu mộ vò ở tọa độ: 8°40’717”N – 106°35’996”E, mở vuông góc sườn cồn hướng đông nam – tây bắc, quy mô 4 x 3m = 12m². Trong hố thám sát, địa tầng sâu 10-85cm có cấu tạo cát biển thuần màu trắng hoặc vàng chứa 13 mộ vò với chiều sâu đáy mộ 45-68cm phân bố thành 2 cụm: 3 vò liền sát nhau và 9 vò tập trung trong phạm vi 6m², các mộ không cắt phá nhau, không thấy biên mộ, xương cốt hoặc than tro. Phần lớn vò bị sập phần miệng, cổ và vai, 8 vò mất phần đáy, 2 vò chỉ còn phần đáy. Vò có miệng loe xiên với mép vuốt nhọn và bản rộng 3,2-3,8cm, cổ thắt, vai xuôi, bụng phình (đường kính 40-46cm), đáy tròn (3 vò đáy lồi hơi nhọn), cao khoảng 30-40cm. Vò có xương dày nhất 0,5-0,6cm làm bằng tay từ sét trộn nhiều cát trắng hồng ngả xám, nung cao nhưng không đều, lớp áo phủ 2 mặt màu nâu đỏ còn mang vết đập – chải và bàn kê ở bên trong. 2 nắp đậy lòng sâu 5cm, đường kính 23cm còn núm cầm rỗng giữa cao 4,3-5cm, đường kính 4,8-6cm. Ngoài 5 vò không có di vật, đồ tùy táng chôn theo 8 vò chủ yếu đặt bên ngoài mộ và phần trên miệng, bao gồm 2 viên đá nhỏ hình tứ giác, 1 niêu nhỏ, khoảng 190 mảnh vỡ của nồi, miệng, thân, chân đế bát hay bát bồng.

Năm 2001-2002, các nhà điền dã khai quật 303m², với 4 hố lớn (H1 = 12 x 10m = 120m² phát hiện 87 mộ vò; H2 = 7 x 4m = 28m² phát hiện 3 mộ vò, H3 = 11 x 10m = 110m² phát hiện 10 mộ vò, H4 = 9 x 5m = 45m²) và một số hố thám sát. Địa tầng cấu tạo thuần cát biển trắng ngả xám, vàng, với lớp trên dày 0-90cm là cát mịn trắng-xám tro dày 30-40cm chứa gạch, ngói vỡ, sành sứ niên đại thế kỷ 13-19; bên dưới là lớp cát trắng ngả vàng dày 30-40cm chứa 92 mộ vò nằm theo từng cụm 20-30 vò theo sườn cồn hướng đông bắc – tây nam. Vò mộ hình cầu, đáy tròn hơi lồi nhọn, cổ thấp, đa số cổ thắt, miệng loe xiên, đường kính rộng 18-29cm (tập trung 20-22cm), thân rộng 36-58cm (tập trung 38-42cm), cao 30-35cm, xương xám và đỏ dày 0,4-0,7cm. Vò làm từ sét pha cát thô, phủ thổ hoàng và bị bong nhiều, một số có nắp đậy dùng bát bồng hay chậu nhỏ. Theo các nhà điền dã, mộ vò Cồn Hải Đăng có đặc trưng riêng về kiểu dáng (miệng loe xiên, cổ thắt, vai xuôi, đáy hình cầu hay hơi nhọn có lớp áo thổ hoàng cả 2 mặt) và về kích thước (cao 30-40cm, đường kính miệngkhoảng 20cm và thân 40-46cm), song có vài điểm liên hệ với vò Thổ Chu (Phú Quốc-Kiên
Giang), Giồng Phệt và Giồng Cá Vổ (Cần Giờ-Tp. Hồ Chí Minh) và cả kiểu vò lùn đáy hình  cầu phủ thổ hoàng có nắp hình lồng bản của văn hóa Sa Huỳnh. Trong mộ vò, ngoài bát tô lớn và bát nhỏ không chân đế còn có 20 hạt cườm bằng vỏ ốc đường kính 2-3mm, với niên đại ước đoán khoảng 2500-2000 BP [64;77-2008;19-2008].

10. Di tích cư trú-xưởng Hòn Cau: Di tích nằm trên đảo Hòn Cau (diện tích 1,8km²), cách đảo lớn Côn Lôn khoảng 15km về phía đông bắc. Đây là hòn đảo cũng có thung lũng hình cánh cung quay ra hướng biển tây nam, với rìa trong thấp có vết tích giếng vuông kiểu giếng Champa chứa nước ngọt với rừng cây rậm nhiều chim chóc, kỳ đà và triền thung lũng trồng nhiều cau, dừa, cây ăn trái, chuối, những vạt rừng tre. Phía ngoài là di chỉ rộng chừng 1000m² nằm trên bãi vụn san hô cao hơn mực nước biển khoảng 2-2,5m. Những năm 1995-1998, đoàn công tác Viện Khảo cổ học khảo sát diện phân bố di chỉ rộng diện tích 7000- 8000m² và tiến hành đào 1 hố thám sát 1,5m² ở đầu phía nam di chỉ, ghi nhận tầng văn hóa (sâu 30-35cm) nằm ngay trong lớp đất canh tác ruộng khoai lẫn mùn, phân chim, vụn san hô màu xám nâu. Sinh thổ là lớp vụn san hô ngả vàng. Ngoài hơn 200 mảnh gốm thu lượm trên bề mặt, trong hố thám sát thu được 1 bàn mài rãnh bằng sa thạch hình gần mai rùa, đường kính 8cm, cạnh dày 3,5cm, với các rãnh mài dọc ngang cả 2 mặt lớn và mặt đáy; 23 mảnh tước thường có diện ghè tù hoặc không, bề ngang 2-7cm, bề dọc 1,5-3cm xác thực hiện tượng gia công chế tác đồ đá tại chỗ; 242 mảnh gốm với 69 mảnh dày 0,8-1,1cm và 173 mảnh dày 0,4-0,7cm (11 miệng, 6 chân đế, 225 mảnh
thân, với 23 mảnh có hoa văn và 202 thân trơn); 46 vỏ ốc núi, ốc biển, ốc gai, xương đầu cá nhỏ và mảnh xương ống động vật có vú, ghi nhận phương thức khai thác phổ rộng các nguồn lợi động-thực vật núi rừng trên đảo của người xưa. Gốm Hòn Cau làm bằng bàn xoay hay nặn bằng tay thường có lớp áo đỏ mịn ở cả 2 mặt song bị phong hóa mài mòn nhiều; kiểu miệng chủ đạo là loe gấp, bản miệng rộng 2-3cm; sau đến kiểu miệng cúp vào, miệng kiểu hũ có gờ ở phần vai. Có một mảnh vai gốm khoét lỗ và 3 mảnh có dấu ấn lõm hay gờ nổi. Đế choãi độ dài 2-3cm và đế thẳng kiểu đế bát. Hoa văn có văn chải (loại chải bằng lưng sò gai), văn thừng săn mịn (giống kiểu thừng ở gốm Thạch Lạc-Bàu Tró). Về cơ bản gốm Hòn Cau gần gũi với gốm Bến Đầm và Hàng Dương, niên đại di chỉ có thể thuộc sơ kỳ thời đại Kim khí [25;67].

Năm 1999, di tích được khai quật 3 hố nằm cách mép vịnh 64-80m với tổng diện tích 175m² (H1 = 70m², H2 = 70m², H3 = 35m²), phát hiện di chỉ cư trú – xưởng chế tác công cụ có địa tầng gồm lớp canh tác cát đen dày 10-20cm, lớp văn hóa cát biển lẫn san hô vụn nâu xám dày 40-70cm và lớp cát sinh thổ trắng ngả vàng. Trong tầng văn hóa, ngoài dấu bếp lửa với nhiều xương động vật và xương vích (Chealonidae genet sp.indet) bị chặt hay đập vỡ (125kg xương động vật, chủ yếu là xương vích khô), đoàn khai quật đã thu được 2295 tiêu bản, với 651 công cụ đá gồm hàng chục công cụ ghè đẽo hình rìu, hình mu rùa, rìu ngắn và vài trăm công cụ ghè đẽo không định hình dạng hạch hình khối và dạng mảnh (hình tam giác, vuông, thang, chữ nhật, lăng trụ, chóp cụt), khoảng 60 cuốc, rìu bôn chủ yếu có vai xuôi dạng hẹp ngang thân dài mặt cắt thân hình chữ D, tam giác hoặc gần hình thang, bôn răng trâu và một số phế vật lưỡi và đốc rìu bôn, cưa, dao, mũi lao, mũi nhọn, bàn mài rãnh và bàn mài lõm lòng máng, bàn kê, chày nghiền, 1 mảnh vòng tay đá xanh bản to và mỏng dẹt, 1 mảnh khuôn đúc rìu có 2 đường chỉ viền ngang song song ở thân trên; 1 đục đồng (5,5 x 1 x 0,5cm); các mũi lao ngạnh làm bằng xương thú và vỏ nhuyễn thể; hơn 7000 mảnh gốm thuộc các loại hình nồi, hũ, vò, bình, bát bồng có áo đỏ hồng và ít áo xám, hoa văn chủ yếu là lăn thừng, một số văn đắp nổi có khía ấn lõm viền vai, cổ, chân đế hoặc phối trí dọc thân 2-3 đường, giữa là văn khắc vạch hình tam giác có vạch trong hay văn sóng nước.

Theo các nhà điều tra, “sự giống nhau đến kỳ lạ của công cụ đá ghè đẽo, phác vật đục đá, cuốc đá hình tứ giác Hòn Cau với di vật Hồ Sen, Sở Tiêu, Cồn An Hải” đã ghi nhận quan hệ cội rễ với chủ nhân di tích trên đảo lớn Côn Sơn cách nay khoảng 2500 năm [19-2008;22-23;25;62-2001b;68;77-2008].

B1.2. NHẬN THỨC CHUNG VỀ THỜI NGUYÊN THỦY CÔN ĐẢO

Nhìn chung, những nhân tích “Sống trên cát và chết vùi trên cát” trên quần đảo Côn Sơn nguyên thủy nhất hiện biết ở 8 địa điểm trên đảo lớn Côn Lôn và 1 di chỉ ở Hòn Cau, với hơn 12.261 tiêu bản khảo cổ học gồm: 569 hiện vật đá (4,39%, gồm các loại hình: công cụ chặt đập, cuốc, rìu, đục tứ giác và có vai, cưa, hòn kê, hòn ghè, chày và nêm, bàn mài, chì lưới, vòng đeo tay, khuôn đúc, mảnh phế liệu), 1 hạt chuỗi thủy tinh (0,01%), 92 đồ xương và nhuyễn thể (0,7% gồm: lao, dùi, hạt cườm, vỏ ốc) cùng hơn 120kg cốt rùa biển, 14 hiện vật kim loại đồng – sắt (0,1% gồm: dao-giáo, mũi nhọn, đục, mảnh bát, vòng) và đa phần là đất nung (dọi se sợi, đạn, hạt chuỗi, hoa tai hình con đỉa) và gốm vỡ (12.299 tiêu bản = 94,8% gồm mảnh của nồi niêu, bình, bát, bát bồng, chum vò, nồi nấu đồng, mảnh vụn) [49;14;63;19-21;63-68;70;77-2008]. Đó là các di chỉ cư trú ngoài trời trên các cồn cát gần bàu nước ngọt ở thung lũng bóc mòn kẹp giữa hai dòng suối chính chảy hai bên đảo lớn Côn Lôn và vành lõm cát biển ở Hòn Cau, với địa tầng tích tụ không thật dày (dao động trong khoảng 30-90cm); cùng loại hình nghĩa trang có táng thức dùng nồi vò gốm làm quan tài mai táng người chết.

Các sưu tập hiện vật thu thập được còn đơn điệu về hình loại và ít về số lượng, nhưng so với các hải đảo ven biển phía nam Việt Nam, Côn Lôn và Hòn Cau vẫn chứa dấu tích cư trú dày đặc nhất [63] và có tầm quan trọng đặc biệt với công cuộc “phục sử nguyên thủy” Côn Sơn. Đó là các chứng tích vật chất ghi nhận nhiều hoạt động kiếm sống của người cổ hải đảo, với các hình thức chủ đạo là đánh bắt hải sản và động vật biển, đào bới các loại củ rừng, thu hái rau quả và săn bắn muông thú (công cụ chặt đập và chì lưới bằng đá, lao-dùi bằng xương thú, đạn gốm và hàng tạ di cốt rùa biển .v.v…). Người xưa đã chế tác và sử dụng công cụ sản xuất đá tại chỗ (bàn mài, hòn kê, hòn ghè, mảnh tước-mảnh tách, phác vật và cả thành phẩm cuốc, rìu bôn giống “răng trâu”, cưa, đục đá), có thể họ còn biết cả chế luyện kim loại (khuôn đúc rìu bằng sa thạch, nồi nấu đồng bằng đất nung, thành phẩm dao-giáo, đục, bát và vòng) và dệt vải (dọi se sợi) .v.v… Và, với các sưu tập đồ trang sức (chuỗi đá, thủy tinh và khuyên tai đất nung hình con đỉa, hạt cườm bằng vỏ nhuyễn thể, vòng tay bằng đồng và sắt…) và hàng vạn mảnh gốm gia dụng phủ thổ hoàng nâu đỏ có văn khắc vạch và đắp nổi, cùng với các yếu tố gọi là “Chăm sớm” ở Hàng Dương, Nhà máy nước, Cồn Hải Đăng (vòng gốm, mảnh sành đỏ…), các nhà nghiên cứu tin rằng các di tích cư trú và mộ vò ở Hòn Cau-Côn Đảo và cả quần đảo Thổ Chu-Phú Quốc (với 2 mộ chum Bãi Dong được coi là “hỏa táng giống “Long Thạnh, Truông Xe, Mỹ Tường, Bàu Hòe”có chứa gốm nhỏ (2 nồi và 1 bát chân cao có đục 4 lỗ chữ nhật ở đế) và di chỉ cư trú có khá nhiều đá ghè đẽo và mài nhẵn (có cả bôn răng trâu “kiểu Sa Huỳnh” và mảnh khuôn đúc rìu lưỡi trũng Parabol “kiểu Dốc Chùa”), đồ nhuyễn thể đa dạng với công cụ rìu, mũi nhọn, cả khuôn rìu và vòng tay, lõi vòng bằng vỏ ốc tai tượng Tridacna “giống Xóm Cồn”, riêng gốm vỡ lại “giống Giồng Cá Vồ”) là cùng “thuộc phạm trù nghiên cứu của văn hóa Sa Huỳnh, là một loại hình hải đảo phía cực Nam của văn hóa này” [62-2001a-b;2003; 63-68;19-21;25].

Riêng sưu tập 16 lao bằng xương động vật với mặt bụng phẳng, lưng cong có 2-4 ngạnh ở 1 bên, gồm: 12 chiếc còn phần thân mặt cắt hình chữ D hay gần tròn (quy mô 3,9 – 9,7 x 1,05 – 1,8 x 0,65 – 1cm, chuôi dài 1,2-2,3cm) và 4 mũi lao mặt cắt chữ D (quy mô còn 3,1 – 4,4 x 1 – 1,7 x 0,5 – 0,7cm) được coi là “dụng cụ để đánh bắt vích và cá lớn ở Hòn Cau từng thấy trong các di tích ven biển Trung Bộ như Quỳnh Văn, Long Thạnh và Xóm Cồn” [62- 2001b]. Qua miêu tả của các nhà điều tra, tôi liên tưởng đến các sưu tập đánh bắt hải sản của cư dân nguyên thủy Eskimo vùng “Asiatischen Kontinent” từ Tiền sử [48]. Theo cố GS Trần Quốc Vượng, đó là dấu tích văn hóa của “hệ sinh thái nhân văn Cồn-Bàu”, một “văn hóa cồn – địa hình dương & bàu – địa hình âm” có cả “thiên thời” (mưa nắng nhiều) lẫn “địa lợi” (đất & nước ngọt) cho đời sống chủ nhân “những di chỉ và mộ táng Sa Huỳnh muộn – Chăm sớm” mà ông tin rằng có liên hệ huyết tộc với đất liền Nam Bộ từ nguyên thủy trước sau Công nguyên: “Lưu vực Đồng Nai từ Cát Tiên qua Bến Gỗ (Biên Hòa), Bà Rịa – Vũng Tàu – Cần Giờ – Côn Đảo xưa là lãnh thổ của người Mạ” [96-1998].

Khảo sát ở cả đảo Phú Quốc và Côn Đảo, đặc biệt khi quan sát kỹ các mộ nồi-vò của nghĩa trang Cồn Miếu Bà – Cồn Hải Đăng còn bó thạch cao trong kho bảo tàng, đã cho thấy: các quan tài nồi vò ở đây về chất liệu rất thô, về trang trí thì dung dị, về hình loại không có liên lạc với Sa Huỳnh đất liền và, cùng với những sưu tập di vật đá – gốm đã biết (tính cả các cổ vật do E.Saurin, L.Malleret và các GS Trần Quốc Vượng, Diệp Đình Hoa thu thập trước đây), chúng làm ta liên tưởng đến mộ vò – nồi đơn giản của Tây Nguyên nhiều hơn. Theo tôi, dấu tích “văn hóa Sa Huỳnh cổ điển” hiện chỉ rõ ràng ở hệ đảo gần bờ từ Quảng Nam về Khánh Hòa (Bãi Ông, Hòn Lao – Cù Lao Chàm, Miếu Bà Lồi, Xóm Ốc, Suối Chình, Long Sơn, Bích Đầm, Bình Hưng, Bình Ba…) nhưng chưa được rõ ở bất cứ đảo xa nào (Côn Lôn, Hòn Cau, Bãi Ngự, Bãi Dong – Thổ Chu, Trường Sa…). Các vết tích luyện kim và sản phẩm đồng – sắt đồng đại với Sa Huỳnh cổ điển đã thấy ở Hàng Dương (1 khuôn đá), Hòn Cau (1 khuôn đá, 1 đục đồng), Cồn Miếu Bà (1 mảnh đồng) và cả ở Bãi Dong-Bãi Ngự (4 khuôn đá và nhuyễn thể) không thấy mối liên hệ rõ ràng với mộ vò ở đó; mặt khác, chúng cũng gợi nhớ phát hiện của GS Trần Kim Thạch ở Hòn Rái – Lại Sơn (Kiên Giang) năm 1984 về dạng giống “mộ trống” Heger I chứa xương người, 2 mảnh khuôn đúc và 2 rìu đồng, và đồ sắt vỡ vụn có nhiều gắn bó nhất với luyện kim mầu và luyện kim đen Đồng Nai, ngoại trừ 1 lao đồng có ngạnh “kiểu Mã Lai” [58;79-2005,2008-2009,2011].

Nhưng sự liên hệ “mật thiết” với Nam Bộ & Nam Trung Bộ của cư dân nguyên thủy Côn Sơn là điều có thể khẳng định, khi các nguồn nguyên liệu chính để chế tác đá, duy trì đúc đồng và kể cả nguồn lương thực chủ đạo và đồ gia dụng gốm nhiều khả năng cung cấp từ chính nội địa. Trong bối cảnh rộng hơn của việc lan truyền kỹ nghệ luyện kim từ “Tam Giác đồng” hoặc “Tứ giác đồng” ra toàn Khu vực Đông Nam Á đất liền và hải đảo [96-2000; 77- 2008], chỉ cần quan sát các “Bình diện phân bố” “đặc sản Việt cổ” – trống đồng Đông Sơn (Heger I) và “đặc sản Hoa cổ” – gương đồng Hán (“Tứ li-tứ nhũ” thời Tây Hán và “chủ chí Tam Công” thời Đông Hán) hoặc “đặc sản Ấn cổ” (hạt chuỗi trang sức thủy tinh là “chế tạo hàng loạt bằng kỹ thuật cuộn-xoắn” tạo hạt chuỗi “Indo-Pacific” (“đỏ Ấn” – “Multisalah”) đơn sắc d ≤ 5mm (thủy tinh hỗn hợp Alkali-kiềm có nhiều Natri-Sodium giầu chất Al và một ít Ca) làm “vật liệu trao đổi hàng hóa” để thương gia Ấn Độ khai triển “quan hệ thương mại” (trade winds) ở khắp Châu lục và Đông Nam Á đất liền và hải đảo trong khoảng thế kỷ 2-1 BC – 1-2 AD, [69;109]; cả miền duyên hải rất rõ vị thế “Ngã ba đường của các nghệ thuật” (Carrefour des Arts) [29] – “Ngã ba đường của các tộc người và các nền văn minh” (Carrefour de Peuple et de Civilisations) [36], và chúng ta có quyền đặt giả định rằng quần đảo Côn Sơn nằm giữa các dòng hải lưu chính của biển Đông hiển nhiên là “Giao lộ” (Node) nam bắc – đông tây của các con đường “lụa” (Silk roads) trên biển Đông và chính Côn Đảo hẳn từng là “điểm dừng chân” thuận hợp của các đoàn thuyền “ra khơi vào lộng” nối đất liền cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ với trùng khơi ngay từ thời Sơ sử và Cổ sử [5;28;33;38;79-2005,2008,2010-2011;87-88].

B2. CÔN ĐẢO–“ĐIỂM DỪNG CHÂN” CỦA NHỮNG CON ĐƯỜNG LỤA TRÊN BIỂN TRONG TRƯỜNG KỲ LỊCH SỬ CỔ – TRUNG & CẬN ĐẠI

B2.1. CÔN ĐẢO–VỊ THẾ ‘CẦU NỐI” MẶC NHIÊN GIỮA TRÙNG KHƠI BIỂN THÁI BÌNH

Sau thời Tiền sử, trên quần đảo Côn Lôn còn in đậm nhiều dấu tích định cư và lao động sáng tạo văn hóa dài ngày, hoặc các đợt trú ngụ tạm thời của nhiều tập thể người từ nội địa Việt Nam và tứ phương của Thế giới. Cũng không có lý do để tin rằng quần đảo này vắng thiếu sự hiện diện của các “cường quốc biển” Phù Nam (thế kỷ II-VII AD) và Chămpa trong mạng lưới thương mại Quốc tế nhộn nhịp suốt thời đại Sắt, khi các trung tâm thương mại lớn của cả Đông Nam Á tập trung ở cảng thị sầm uốt Óc Eo (quy hoạch đô thành “kiểu Tây phương Thiên Trúc”với các kiến trúc đài điện, bia ký Sankrit và Brahmi cổ, thần tượng Hindu giáo, kỹ nghệ chế luyện trang sức đá quý-bán quý và thủy tinh và nghệ thuật kim hoàn; tượng đồng Phật giáo và gương đồng Đông Hán, hạt chuỗi La Mã và giả La Mã, vòng thiếc mặt người Kushan hay Hephtalite, mề đay và tiền mang hình ông hoàng Antonin Le Pieux và Marc-Aurèle .v.v…) vùng lưu vực sông Mékong [49;79-2010-2011] và cả thương cảng Đại Chiêm ở Cửa Đại của Thu Bồn – yết hầu của Thánh đô Mỹ Sơn và Kinh thành Shimhapura Trà Kiệu – tiền thân của thương cảng Hội An lừng danh trên con đường thương mại Đông Tây thời Trung đại về sau (gốm Itxlam thế kỷ IX-X, gốm men ngọc các lò Việt Châu, Long Tuyền, gốm hoa lam Cảnh Đức Trấn, Phúc Hiền – Quảng Đông và sứ men trắng Nam Trung Hoa suốt các thế kỷ IX-XVIII) [97-1995a] .v.v…

Từ Trung đại đến Hiện đại, toàn bộ QUẦN ĐẢO CÔN SƠN chính là hệ “Bảo tàng Lịch sử Cách mạng” “Bảo tàng chứng tích các cuộc chiến tranh” & cả “Bảo tàng nhân văn” sống động & hiếm quý không chỉ ở Việt Nam mà còn cả ngoài Việt Nam, hiển thị trong tầm mắt lũ hành ở mọi lúc – mọi nơi… & cả CÔN SƠN chính là sự hòa quyện mọi nguồn sử liệu vật thể – phi vật thể. Ngoài các hệ thống nhà tù – chuồng cọp – nghĩa trang – trại lính & các địa danh như hầm phân bò, Lò Vôi, Cầu Tàu, Sân Banh, Chuồng Bò .v.v… được liệt kế trong danh mục quần thể “Di tích Lịch sử – Văn hóa” đặc biệt cấp Quốc gia chúng tôi chỉ muốn điểm danh thêm các hình ảnh về “Côn Đảo xưa” trong tài liệu ảnh và bưu ảnh Pháp hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Côn Đảo về cảnh trí và hình ảnh lao động & sinh hoạt thường nhật của nhân dân làng An Hải và các xóm lân cận, của cả tù nhân trên đảo lớn Côn Lôn (làm đồi mồi, xay lúa, tuốt tiêu và bóc vỏ cà phê, trổng tỉa hoa màu, dọn tàu, chở nước ngọt, làm rẫy, làm ghế mây và đan lưới Cầu Tàu .v.v…); các di sản đầy chất thơ và huyền thoại Côn Sơn đẹp liên quan đến các cuộc hành tẩu gian lao của tàn quân Nguyễn Phúc Ánh khi bị Trương Văn Đa vây bọc trùng điệp ở vùng biển Côn Lôn năm 1783 (Hiện vật thời Gia Long thu thập ở núi cao 500m cạnh xưởng cơ khí như lọ gốm cổ hẹp đáy tròn sơn đỏ, kiếm sắt, nhiều tiền đồng – có cả tiền Lia Italy niên đại 1866; Miếu An Sơn và huyền sử bà Phi Yến Lê Thị Răm, mẫu thân hoàng tử Cải từng bị đầy ở Hòn Bà vì can gián Gia Long chớ cầu cứu ngoại bang và tử tiết để giữ gìn danh tiết; Miếu Cậu thờ hoàng tử Cải ở làng Cỏ Ống .v.v…); các khẩu thần công bằng gang chưa rõ lai lịch và cả truyền thuyết dân gian về các tùy tướng của Quang Trung (Trúc Văn Cau ở Hòn Cau) và của phong trào Cần Vương thời Hàm Nghi (Đặng Phong Tài, Đặng Trác Vân ở Hòn Tài, Hòn Trác); Đặc biệt, trong trầm tích văn hóa Cồn Hải Đăng và các bến – bãi đảo lớn còn rắc đầy dấu tích sinh hoạt và phế phẩm hàng hóa (chủ yếu là gốm sứ) nhiều thời Trung và Cận đại .v.v…[19-2008;107].

Vì nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải Âu – Á nối hai biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Côn Đảo được các nhà du thám Phương Tây biết đến từ rất sớm. Theo biên sử Phương Tây, ngay từ các thế kỷ 13-16, nhiều đoàn du hành Châu Âu cũng đã dừng chân ở đây. Từ cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18, các công ty Đông Ấn nhiều lần điều nghiên và vào năm 1702 (năm thứ 12 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu) của Anh đã đổ quân lên xây pháo đài, hải đăng và cột cờ hòng chiếm Côn Đảo, nhưng sau cuộc nổi dậy của Macassar chúng phải rút. Ngày 12/11/1783, Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh và vương ấn của Nguyễn Ánh về Pháp tự ký với bá tước De Mantmarin đại diện vua Louis XVI hiệp ước Versailles nhượng chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp để lấy 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháp thủ, 250 lính Phi cầm cự với quân Tây Sơn. Vào lúc 10h sáng ngày 28/11/1861, thủy sư đô đốc Pháp Bonard hạ lệnh chiếm Côn Lôn, trung úy lính thủy Lespès Sebastien Nicolas Joachim lập biên bản “Tuyên cáo chủ quyền” tại Côn Đảo và ngày 14/1/1862, tàu chở hàng (Nievre) cập bến tìm vị trí dựng hải đăng. Ngày 1/2/1862, Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo và từ 16/5/1882, tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh công nhận Côn Đảo là quận của Nam Kỳ. Từ sau năm 1954, Côn Lôn nhiều lần đổi danh thành tỉnh Côn Sơn (24/4/1956) và Phú Hải (sau 1973) nhưng vẫn là “Địa ngục trần gian” giam cầm hàng vạn chiến sĩ cách mạng và biến Hàng Dương thành nấm mồ chung của 2 vạn người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ tù đầy từ Khu A (688 mộ), Khu B (695 mộ), Khu C (372 mộ) và Khu D (148 mộ) [19-2008;22-23;47]. Theo “Cái nhìn địa văn hóa” của cố GS Trần Quốc Vượng [96-1998], địa danh “Côn Đảo” trên nhiều bản đồ xưa (Poulo Condore) có thể liên quan đến gốc tự Malayo-polynesian (Austronesian) Pulau Kundur là “Cù lao Bí”. Sách Giả Đạm ký (chép lại Tân Đường thư) nói núi Kiun.D(T)’ou mà P.Pelliot [76] cho là tên phiên âm Kundu (hay Condore). Minh sử chép: Bân-đồng long (Panduranga = Phan Rang, Ninh Thuận – TQV) tiếp cảnh với Chiêm Thành… khí hậu, cây cỏ, nhân vật, phong tục đại khái giống Chiêm Thành. Có núi Côn Lôn sừng sững trong biển cùng với Chiêm Thành… Núi ấy vuông rộng mà cao, biển ấy là biển Côn Lôn. Ở đảo này có người thổ phiên hay Chà Và, tức cư dân nói ngôn ngữ Malayo-polynesian Nam Đảo (người Chăm – TQV). Ở đảo có nhiều cỏ tốt “năm Canh Tuất đầu thời Trung Hưng (1730-1790) thường đem ngựa công chăn nuôi trong đảo”.

Dân cư có cư dân thôn An Hải… trồng lúa, đậu và làm ngư nghiệp, được biên chế thành đội Thanh Hải, hàng năm đi lấy yến sào, ốc tai tượng, đồi mồi, vích, dây mây về nộp. Từ thời Gia Long (1802-1820) đến đời Minh Mạng 19 (1820-1838), về mặt hành chính, Côn Lôn thuộc đạo Cần Giờ, trấn Gia Định và từ 1839-1840 về sau thuộc tỉnh Vĩnh Long. Về thành quách, từ năm Minh Mạng 17 (1836) đã xây Bảo Thanh Hải chu vi 50 trượng 8 thước 9 tấc (khoảng 200m) cao 4 thước 3 tấc (khoảng 1,7m), mở 2 cửa, xây 1 pháo đài và 1 kỳ đài. Năm Thiệu Trị 2 (1841) sửa chữa và đồi tên là Bảo Côn Lôn.

Dưới góc nhìn “Đồ bản học”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu từng giới thiệu về “Đại Nam nhất thống toàn đồ” với 92 địa danh cập nhật đời Minh Mạng (1834) (5) gồm 29 tên tỉnh, 47 tên hải môn hải đảo, 25 địa danh vương quốc & vùng phụ thuộc) có cả tên “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa”, “Phú Quốc” nhưng chưa thấy tên Côn Đảo. Ở nguồn Sử liệu rất quý khác như loạt bản đồ có niên đại xưa hơn từ thời các Chúa Nguyễn cát cứ Đàng Trong thì địa danh Côn Đảo hiển thị rất rõ ràng. Ví như, tấm bản đồ niên hiệu xưa nhất (Canh Dần 1590) là bản đồ Fernão vaz Dourado vẽ Côn Đảo với tên tắt P.Condoz; sau đó, một số đồ bản được ông giới thiệu như “An Nam Đại Quốc họa đồ” của giám mục Jean Baptistc Taberd (tên Việt là Từ)(1794-1840) xuất bản ở nhà in J.C.Marshrman ở Serampore năm 1838 với 505 địa danh bằng quốc ngữ Latinh hoặc Latinh có tên “Pulo Condor” (Cù lao Côn Lôn); Bản đồ khuyết danh trong Bartolomeu Lasso (Petrus Plancius khắc 1592-1594) (có hình Côn Đảo và cả quần đảo “Pracel” = Hoàng Sa và Trường Sa; “Costa de Pracel” = bờ biển Hoàng Sa); Bản đồ Paris 1902 (Côn Đảo = Poulo Condore), Bản đồ “East Indies and Further India” (Philips Pocket Atlas of the World”, London,1969:48-49) (Côn Đảo = Condore Is.) .v.v…[105].

Có lẽ cuốn sách đầu tiên chép Côn Lôn và cả các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong chính là “Phủ biên tạp lục” (1776) của Lê Quý Đôn (1726-1784) (1776) khi chép sự kiện lập đội Thanh Châu khai thác tổ yến các cù lao cửa bể Tân Quan, Thời Phù, Nước Ngọt, Nước Mặn; đội Hải Môn chuyên thu nhặt đồ tàu đắm, lấy tổ yến vùng biển Bình Thuận, đảo Côn Lôn, đảo Khoai gần Côn Lôn, đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải thu hải sản và vật tàu đắm ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 thì nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi hàng năm bằng thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo. Ở đấy thì tha hồ bắt chim, cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, ốc vân rất nhiều.

Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về” “… Họ Nguyễn còn thiết lập thêm một đội Bắc Hải… quan trên khiến những người trong đội chèo thuyền …ra quần đảo Côn Lôn ở giữa Bắc Hải, hoặc đi đến các xứ Cồn Tự vùng Hà Tiên để tìm kiếm, lượm nhặt những hạng đồi mồi… Cai đội Hoàng Sa kiêm lãnh quản đốc đội Bắc Hải” [45:123].

Các học giả Pháp từng công bố về đồng tiền Nguyễn tìm thấy ở Hoàng Sa, điều tra và khai quật Trường Sa của Viện Khảo cổ học phát hiện thêm những mảnh gốm từ cuối thời Trần, tiền Nguyễn ở đảo Song Tử Tây và vết tích bếp lửa trong các đống vỏ sò trên đảo nam Yết [32]. Theo biên niên hàng hải, ngay từ năm 1294, đoàn 14 thuyền của nhà thám hiểm Italy Marco Polo từ Trung Hoa về nước bị bão nhấn chìm 8 chiếc, 6 chiếc dạt vào trú tại Côn Đảo. Nhiều tài liệu khác cũng ghi nhận ứng xử của nhà Nguyễn trên biển Đông đối với tàu bè ngoại quốc gặp nạn hoặc muôn xâm phạm hải phận này. Ví như, năm 1595 tàu Tây Ban Nha từ Philippines sang Campuchia ghé cửa Hàn tiếp lương, thuyền trưởng J.S.Gallinato hống hách bị quan trấn thù đuổi ra khơi [57]. Ngày 10-2-1643, Chúa Nguyễn Phúc Tần đem hơn 50 thuyền đánh 3 tàu Hà Lan ngoài khơi cửa Eo; vào tháng 5-1643 và tháng 8-1644, tuần duyên Nguyễn đánh đuổi 10 tàu Hà Lan [45] và đuổi tàu của thuyền trưởng Flavoer nhận lệnh Batavia đánh Đàng Trong; theo nhật ký thủy thủ Hà Lan Jean Gobyn, 2 tàu bị bắn và va đá ngầm chìm, 1 tàu thoát về đảo Perles [96-1998] (Lam Giang,1975 – [71]). Năm 1702 đã tổ chức đuổi người Hồng Mao (Anh) ra khỏi đảo Côn Lôn. Đại Nam thực lục chính biên chép, “Bấy giờ giặc Ô Lan đấu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn, quân tuần biển báo tin, Chúa bàn kế đánh dẹp, Thế tử đốc thúc chiến thuyền tiến thẳng ra … Trung bèn dục binh thuyền tiến theo. Chiến thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhìn thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại 1 chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng hỏa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về” [18]. Đô đốc D’Estaing chỉ huy hạm đội Pháp đầu thế kỷ 18 viết rằng: “Khó khăn càng tăng khi chúng tôi muốn vượt qua quần đảo Hoàng Sa…Khu vực ấy luôn có các tàu của nước đó (Đàng Trong) đi lại; chúng có thể thông báo sự có mặt của chúng tôi” (BSEI, 1942,t.17- [71]).

Thế nhưng sự bao dung Việt đối với tàu ngoại bang gặp nạn vào thế kỷ 17 còn truyền tụng giữa các thủy thủ nước ngoài rằng lỡ gặp bão tố chỉ cần thuộc 1 chữ Việt: “dioy” (đói) là sẽ được dân sở tại cưu mang giúp đỡ. Vào các năm 1707 và 1714, các tàu Hà Lan gặp bão đắm Hoàng Sa, thủy thủ đóng bè bơi vào, Chúa Nguyễn cho ăn đưa về Battavia. Theo cha cố Heusse phiên dịch, “Chúa Nguyễn đã ban cho những người Hà Lan 50 quan tiền, 12 bao gạo, 20 chĩnh nước mắm” đưa về Hội An tìm tàu đi Batavia (Nguyễn Nhã – [71]). “Thuyền đi buôn bán ở nước khác gặp gió tạt vào, làm đơn trình xin tạm đậu để sửa chữa thì cho đậu ở cửa Hàn và Cù Lao Chiêm, thuyền sửa đã xong thì dân thủ lệ và dân tiếp cận áp đuổi ra khỏi cửa bể… Thuyền gặp gió bão bị phá hỏng thì xem xét số khách, cai bạ giao cho hội quán canh giữ, cấp phát tiền nhà nước, lương tháng mỗi người 5 tiền, đợi khi thuận gió thì cho phụ theo các thuyền mà về” [45:156].

Đến thời các vua Nguyễn Gia Long và Minh Mạng, sự khẳng định ranh giới và chủ quyền đất nước “Đại Nam nhất thống” được thể hiện rõ ràng qua nhiều sự kiện. Ví như, các định lệ đo đạc cửa biển (1831) [18, tập 10:255] và thưởng cho người có công coi giữ biển (1837) [18, tập 9:155]; các chỉ dụ Nội các, Bộ Binh năm 1831: “Nước ta mở mang bờ cõi mãi tới biển Nam, hàng năm thuyền bè vận tải qua lại, đường biển chỗ nào khó dễ nông sâu phải nên thuộc hết”. “…địa thế nước ta ven biển lấy thủy quân làm món sở trường, nay tuy gặp buổi thanh bình, thủy quân càng không thể coi thường được… nên bắt thao diễn luôn…để ngày đêm tinh thục rồi cho tuần xét ngoài mặt biển để dẹp yên giặc biển… sao cho đường thủy chỗ đi chỗ đứng đều quen thuộc hết và tình hình mặt biển đều hiểu rõ hết” [18, tập 10:211-212]. Các chỉ lệnh đóng thuyền tuần Hải Đạo, Lê thuyền, thuyền đa sách và đặt tên (Linh Phượng, Kim Ứng, Phấn Bằng…), sai thuyền An Hải và Tuần Hải “kiểm soát mặt biển” từ Kinh thành và Nam [18, tập 8:284 ; tập 9:178-179 ; tập 18:57 ; tập 19:153 ; tập 20:183], đúc đại pháo nặng vài ngàn cân, phong hiệu “Thần Uy vô địch Tướng quân”, “Phá địch thượng tướng quân” và sau dẹp loạn Lê Văn Khôi ở Phiên An, súng còn được chở về kinh, viết sắc văn, khắc phong hiệu, dựng đền thờ, tế thường niên [35:54 ; 103:265 ; 40, tập 15:276-282].

Để gìn giữ an ninh chủ quyền trên mặt biển Đông và bảo vệ mạch máu giao thông thương mại biển, hải quân Nguyễn trang bị cả ngàn chiến thuyền đủ loại đặc chủng (mông đồng, đấu hạm, hải cốt, mông xung, du đĩnh, liên hoàn, mẫu tử…) mà theo người Anh John Barrow năm 1792-1793, “Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng Trong hiện có thể tự hào, đó là nghề đóng thuyền biển. Thuyền biển của họ đi không nhanh nhưng rất an toàn, trong được chia thành nhiều khoang. Loại này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được 1 khoang mà thôi. Hiện ở Anh cũng bắt chước cách đó để đóng tàu” (Arch.M.B.Coch, vol.746:870 – Sử Địa, số 21:159) và theo trưởng phái bộ Anh John Crawfurd vào năm 1824, Vua Minh Mạng có 200 pháo hạm loại 16-22 đại bác (guns), 1000 đại chiến thuyền loại 50-70 mái chèo có pháo, súng trụ; 50 chiến thuyền loại 40-44 mái chèo, 1 súng trụ [12:493;71].

Tất cả các chủng loại thuyền này (Đa tác thuyền, Hải đạo thuyền, Lâu thuyền, Mông đồng thuyền, Lê thuyền, Đĩnh thuyền, Ô thuyền) hiển hiện trong Cử đỉnh đúc thời Minh mạng (1820-1840) – nguồn Việt sử quý giá & độc đáo – một “Bản kiến thức bách khoa toàn thư”, một “Bảo tàng bằng tranh” hoặc một “Phòng triển lãm dị thường” của “Đại Nam nhất thống” về lãnh thổ và lãnh hải “uy thế nhất so với láng giềng” đầu thế kỷ 19 [4;8;80] cùng với các hình chạm Đông Hải trên Cao đỉnh, Nam Hải trên Nhân đỉnh, Tây Hải trên Chương đỉnh, cùng các “Yết hầu” Thuận An-Đà Nẵng-Cần Giờ hải khẩu trên các đỉnh Nghị-Dụ-Thuần và nhiều hình ảnh chứa đựng trong thế giới văn chương, lịch sử, thiên nhiên của Việt Nam truyền thống, bao gồm cả các thực thể địa lý quan trọng trong cả nước, các loài động vật chính, nhất là các thực vật hữu ích cho con người hoặc một số vật thể sống động như thuyền bè, xe cộ, binh khí [4;8;61;80].

Trong mặt biển sôi động đổi trao hương liệu, tơ lụa, gốm sứ hình thành và khai triển mạng lưới kinh tế hàng hóa Quốc tế nối cả ba đại dương (Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương) từng xôn xao sóng nước Biển Đông hàng thiên niên kỷ, theo nhiều học giả, Việt Nam từng là điểm dừng chân quan trọng của các con đường “lụa” – con đường “gốm sứ” đóng vai trò quan trọng cho sự giao lưu kinh tế-văn hóa Đông Tây Nam Bắc,biệt ở thời kỳ gọi là “Đại thương mãi” (Grand Commerce) thế kỷ 16-18 [28;30;69;79:2005;96-2002], với sự hiện hữu các đô thị thương cảng cổ danh tiếng (Vân Đồn-Quảng Ninh, Thanh Hà-Huế, Cù Lao Chàm-Hội An, Nước Mặn-Bình Định…), các trung tâm sản xuất & lò nung gốm dọc biển Đông đã từng cung ứng gốm xuất khẩu đến 48 địa điểm ở Đông Nam Á. Ví như, gốm Việt Chu Đậu và Bình Định có mặt trên đất Thailand (6 địa điểm: Ayudthaya vùng sông Chao Phraya, các trung tâm sản xuất gốm Sukhothai, Sawankhalok, Sisatchanalai, tàu đắm ở Ko Kram trong vịnh Thailand, Tarakyanel); bán đảo và địa đảo Mã Lai (13 địa điểm: Jia La – đảo Teomawi, Mc Na Ga, Bo Todecezxong ở miền Tây; các di chỉ Kukistoxilamư, Agotsbuataxưđông Madai, Bukit Silam ở bang Sabah và Tebindeghin, Naugưkalaka, Mulo, Tanduixcưng Ghidanu, Bukit Sandon ở bang Sarawak, ở Pukisutosanio, Jura ở đảo Tioman bang Pahang) và ở Brunei (2 địa điểm: Tacobats, Xưguinnưmutto); ở quần đảo Philippines (18 địa điểm: ở di tích mộ táng Calatagan ở Bantangas đảo Luzon, Ba Ton, Xaudexite ở nam Luzon, Kadaragan, Xautakhama, ở Bưnưtogadena, Puerto Galera – đảo Mindoro, ở O Ton – đảo Panai, ở Potoxanbebano – đảo Cebu, Mauxaxa – đảo Bohodu, Libu Namama – đảo Mindanao, ở Puerto Galera-đảo Mindoro, ở Sta Ana (Tp.Manila), Lal-lo shell-middens ở Cagayan, ở nhóm đảo bắc Palawan như Cuyo, Cagayancillo; ở Bikit Siram (BT Sabah) và thuyền đắm đảo Pandanan-Palawan) và ở Indonesia (15 địa điểm: Euku Achi, Xaunudolabasai, Degitaca trên đảo Sumatra, Bautemala, Temaducu, Toromau, Banten Girang và Banten Lama tây Java – thương cảng sầm uất của vương quốc Hồi Giáo Banten thế kỷ 16-18 và cả ở di chỉ Hoàng cung Trowulan Đông Java – trung tâm vương quốc Majapahit (1292-1500) kiểm soát buôn bán hàng hải các đảo Đông Nam Á, ở các di chỉ Tanakyanel, Tacuoalu, Banka Nuide, Xe Cacuji miền nam Sulawesi, Oa Judoca miền tây Flores, cùng nhiều gốm Việt quý ở Bảo tàng Adam Malik-Pustat Jakarta [1-2;6-7;13;15;30;43-44;75;90-93;101;107:1991a-b].

B2.2. NHỮNG “CỘT MỐC LỊCH SỬ” BI TRÁNG DỌC TRÙNG DƯƠNG BIỂN VIỆT

Từ các thế kỷ 9-10 đến các thế kỷ hưng thịnh nhất 15-16, sản xuất gốm thương mại Việt Nam và Á Châu có vai trò quan trọng giao lưu kinh tế-văn hóa Đông Tây xuất khẩu quy mô rộng nhiều chủng loại, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng “liên lục địa” và “đáp ứng trình độ kỹ thuật và khiếu thẩm mỹ của thành viên giàu có nhất và thanh thế nhất trong cộng đồng quốc tế” [39:76]. Các dải “lụa” trên biển đã hình thành với các thuyền buôn chất đầy gốm sứ Việt Nam, Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản “nối mạng” liên Châu lục từ vịnh Ba Tư, Ai Cập, Trung Cận Đông, Địa Trung Hải, Tây Á qua đảo Tiumen (Malaysia) đến Côn Đảo, Cù Lao Chàm (Việt Nam), qua đảo Midoro (Philippines) vào vùng biển Nam Trung Quốc và các cảng Nhật Bản (cổ vật Việt Nam các thời hiện có ở các thương điếm Hormuz trong vịnh Ba Tư, các Bảo tàng Tehran và Topkapi Saraya (Istanbul), ở Catar, Fustat-Cairo (Ai Cập); ở Al Tur nam bán đảo Sinai, bờ tây vịnh Suez, ở thương cảng Julfar nổi tiếng của người Hồi ở Ras al-Khaimah (CH Ả Rập thống nhất), ở các “cửa ngõ ngoại thương” của Nhật Bản cổ đại: thương cảng Nagasaky phía nam và Dazaifu – bắc Kyushu, ở di chỉ Dazaifu gần thương cảng Hakata; ở 8 di chỉ có quan hệ mậu dịch với triều Minh Trung Quốc và Đông Nam Á bán mua hồ tiêu, tô mộc, trầm hương, gốm sứ trên đảo Ryukyu (nay là Okinawa-Lưu Cầu); ở “thành phố thương mại” Trung Đại Sakai; ở dinh Nakijin; kho Hoàng gia lâu đài Shuri; ở các di chỉ Sakai; Osaka (Dosho, Semba); Hakata, Nagasaki, Osaka, Nakata, Edo; Osaka, Nagasaki, di tích kiến trúc Yakisin tỉnh Okinawa; đảo Suwanasejima tỉnh Kaghoshima và các điẻm trên đảo Honsu; Hirihsima .v.v. [1-2;6-7;9;11;13;15;30-31;34;41-44;50-54;73-75;86;90-93 ;95;99-102;104;107-108].

Trong gần 60 tàu đắm ở vùng biển Châu Á được trục vớt trong 3 thập niên cuối thế kỷ XX (ACRO Update ¾-2001) (niên đại sớm nhất là tàu Belitung năm 820 và muộn nhất là tàu Riau-Lingga 1822 ở Indonesia); gốm Việt cũng có trong các lô hàng ở 3 tàu đắm Thailand như Rang Kwian niên đại thế kỷ 13 (1270 ± 60 AD), Ko Khram, Ko Si Chang III thế kỷ 15-16; tàu đắm Turiang Malaysia niên đại 1370; các tàu đắm Pandanan ở cực nam Palawan và Lena Shoal phía bắc Palawan (Philippines) và tàu đắm ngoài đảo Blanakan ở Ujung Karawang miền tây Java (Indonesia) niên đại thế kỷ 15-16 và cả tàu buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan Geldermarlsen Nanking chở 112 thủy thủ, với 31 súng thần công, 125 thanh vàng, 180.000 đồ sứ trắng xanh thời Càn Long (1735-1795) bị chìm ngoài khơi Nam Dương năm 1752 do Michael Hatcher khai quật 1985 (đồ sứ và vàng do Christie’s Amsterdam bán đấu giá 1986 thu 20 triệu USD) .v.v… [2- ACRO Update, 5/2000(1):4; ACRO Update, ¾-2001;9;15;50;55;79-1998-1999;92;100]. Những xác tàu này giống như các “cột mốc lịch sử” về mạng thị trường hội nhập kinh tế thương mại quốc tế và trong địa phận lãnh hải Việt Nam thời Trung – Cận Đại, chúng ta đã tiến hành khai quật và trục vớt “5 cột mốc lịch sử” rải dọc vùng biển phía Nam từ Cù Lao Chàm qua Bình Thuận đến tận tận cùng Nam Hải và Tây Hải của “Đại Nam nhất thống” xưa ở Cà Mau và Phú Quốc. Tàu đắm Hòn Cau – Côn Đảo nằm chính giữa dòng mậu dịch thương mại gốm sứ ngang dọc khắp mặt biển Khu vực trong các thế kỷ sôi động ấy.

1.Tàu đắm Hòn Cau – Côn Đảo:

Từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, trên hải phận Việt Nam gần Hòn Cau khoảng 15km về phía quần đảo Trường Sa (tọa độ 8°38’15” N – 108°45’50” E), ngư dân chài lưới vớt lên nhiều đồ gốm sứ cổ chìm sâu dưới đáy biển. Quận Côn Đảo thu giữ và vớt thêm 1341 tiêu bản các loại và sau đó, UBND Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo quyết định thành lập Ban Chỉ đạo công tác trục vớt, hợp đồng cùng Xí nghiệp Liên hiệp trục vớt cứu hộ Visal (Bộ Giao thông – Vận tải & Bưu Điện), Công ty Hallstrom Holdings Oceanic (Thụy Điển) tiến hành 3 đợt khai quật từ tháng 6-9 năm 1990 và tháng 4-7 năm 1991 (6). Đoàn khai quật ghi nhận con tàu đắm bằng gỗ chìm sâu dưới cát 0,6-1m ở độ sâu 40m dưới tầng nền sò cát đáy biển.

Thuyền có chiều dài 32,71m và rộng gần 9m, chỉ còn nửa mạn phía đông, nằm nghiêng, sống tàu cao gần 1m, rộng 40 x 40cm. Ngoài nhiều cổ vật tàu đắm Hòn Cau đã bị thất thoát từ trước với số lượng đáng kể được Hải Quan Tp. Hồ Chí Minh giữ lại được ở Sân bay Tân Sơn Nhất và tàu Mimosa, toàn bộ cổ vật tàu đắm Hòn Cau chỉnh lý với hơn 6 vạn tiêu bản, bao gồm:

Đồ đá: 77 tiêu bản (0,1% tổng số), bao gồm: chân tảng cột buồm chạm cánh sen, cối xay, cối và chày giã, con dấu vuông, nghiên mực mài, hột súc sắc và 11 pho tượng với phong cách tạc từ đá mềm rất thuần thục tinh tế thể hiện các tượng tiêu biểu Phật Điện Trung Hoa cuối thế kỷ 18 như tượng Quan Âm ngồi trên tòa sen cao 29cm với kim đồng-ngọc nữ và rồng chầu hai bên; tượng Đại Tiên Ông Thọ, La Hầu La Đa, Long Thụ Bồ Tát, Tuyết Sơn .v.v…

Đồ đồng: 448 tiêu bản (0,6% tổng số), bao gồm: các sản phẩm xuất xứ Châu Âu như 2 khẩu súng thần công, 3 khẩu súng hiệu, đồng hồ đo thời gian bằng ánh sáng mặt trời và nhiều vật dụng thủy thủ như khay, siêu đun nước, bát, đĩa, hộp hình lục giác và tứ giác, hộp và quai hộp, khóa treo và chìa khóa, mặt ổ khóa bản lề, đinh và nạo, lưỡi câu, các bộ nhíp nhổ râu, que móc dáy tai đầu tròn và đầu nhọn, gương đồng khuy tròn, quả cân tiểu ly, 29 đồng tiền cổ mang niên hiệu “Vạn Lịch thông bảo” (1573-1619) (23,5 tiêu bản), “Thuận Trị thông bảo” (1644-1661) (1 tiêu bản) và “Khang Hy thông bảo” (1662-1722) (4 tiêu bản). Đồ gỗ & chất liệu khác: 43 tiêu bản (0,05% tổng số) là mảnh vỡ của lược bí, các thanh nẹp và rẻ quạt, 33 túi và 6 bình nhựa đựng mẫu vật gồm: Gỗ cột buồm cháy, sơn cục, nhuyễn thể, xương cá (trong các hũ mắm), quả hồng khô, 8 ống thủy tinh, 2 con dấu chữ triện, các nút áo tròn bằng đồng, 2 thỏi mực tầu (1 thỏi còn rõ chữ “Canh Ngọ”), 11 chảo gang, 1 thỏi chì dùng đo độ sâu dưới nước biển, 3 túi khuy .v.v…

Đồ gốm: 28827 tiêu bản thân đồ đựng & nắp đậy (38,1% tổng số), bao gồm: đồ gốm tráng men (đồ sành) với đĩa, bát, hũ .v.v… và gốm không tráng men (đất nung) gồm ấm, vò, hũ, nồi, âu, đĩa đèn, bếp lò, đế, gạch, con kê nắp… với nhiều kích cỡ từ cao 2cm đến cao 70cm.

Đồ sứ: 46174 tiêu bản thân đồ đựng & nắp đậy (61,1% tổng số)), bao gồm các loại đồ kiểu Trung Hoa cổ truyền như chóe, đĩa, ấm, chén, ống cắm bút, nậm, âu, đỉnh, bát, thìa, nắp, tượng; có loại mang ảnh hưởng phong cách Châu Âu như cốc, đài, đế, lọ, bình, hộp .v.v.. Đồ sứ về cơ bản được chế tạo ở trình độ kỹ thuật rất cao từ khâu làm đất đến lúc tạo hình, phơi phôi, trang trí phủ men và đưa vào lò nung, chúng thuộc dạng hàng hóa sản xuất hàng loạt nên thường đi thành bộ theo kích cỡ-kiểu dáng-trang trí với nhiều dáng vẻ như miệng loe, cổ cao và ngắn; thân hình tròn, vuông, lục giác, bát giác bề mặt mịn màng hay được chia thành múi chéo và múi thẳng, ấn lõm hình cánh sen, tạo mũi lồi hình nghê hay nắp búp sen; chân đế thót hay phình, choãi hay thẳng, trôn lõm hay bằng. Từ những đĩa, chén mỏng dính nhẹ tênh như tờ giấy đến chóe, bình lớn có xương sứ đạt độ thấu quang cao, nhiệt độ nung có thể tới 1300-1350°C, hoa văn trang trí dày đặc phức tạp nhưng chuẩn xác tinh xảo với màu sắc tươi rói có khi thể hiện trên đỉnh sứ bé xíu (cao 12cm, đường kính miệng 6cm) .v.v… Hoa văn trang trí là các họa tiết màu xanh lam, màu đỏ, đen, xanh đen và trắng thể hiện bằng kỹ thuật vẽ trên men và dưới men, thể hiện các họa tiết ở trong các ô hình cánh sen, cánh hoa cách điệu, hình tròn hay tứ giác, với phong cách tả thực và phác họa cây lá bằng nền gạch đan chéo, trang trí khắc nổi dưới men hình hoa lá và chim phượng. Ngoài ít đề tài Châu Âu miêu tả cung điện, Vua và Nữ hoàng, chim phượng xòe cánh trong ô tròn kiểu quốc huy, người cá kéo đàn vĩ cầm; đa số đề tài trang trí thể hiện tâm thức Phương Đông truyền thống như:

Văn phong cảnh tả sông, núi, cung trăng (thỏ ngọc dưới gốc đa), thuyền và lầu các (sơn – thủy – tùng – đình); Các tích “Văn Vương cầu hiền”, “Ngư ông đắc lợi”, “Lã Vọng ngồi câu cá”, các nhân vật tố nữ, đồng tử, trẻ em cởi trần tóc trái đào, chăn trâu, học trò, người chèo thuyền, người uống rượu, cưỡi ngựa, bắn cung, đôi nam nhi phi thân và tỷ thí võ nghệ trước thiếu nữ trên thuyền câu. Văn động vật và thực vật như rồng, phượng, nghê, sư tử, hươu, nai, thỏ, trâu, ngựa, bướm, chim – hoa, các loài hoa sen, mẫu đơn, mộc lan, dâm bụt, chuối, hoa và quả đào, cành cây lựu, chậu cảnh, đa, mai, tùng, trúc, liễu .v.v… Các băng chữ V lồng bằng bông lúa, vạch đan chéo tam giác, băng hồi văn chữ triện, băng nửa chữ S, băng chấm, vòng tròn đồng tâm, dấu cộng nối nhau .v.v… Văn họa thi ca, các chữ số, các chữ “Vạn”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Cát”, “Thập”, “Chuy”, “Thái bình niên hưng” .v.v… Một số mang Hán tự trong lòng hoặc trôn như “Ngọc”, “Thu”, các ký hiệu “Thận Đức Đường chế”, “Trường Xuân Trần Bảo Đường chế”, “Lâm Ngọc Đường chế”, “Kinh khê Chu công Hậu”, phổ biến là dấu bát bửu: cỏ linh chi, loa ốc, miếng chả, hòn ngọc, sách, quạt, đồng tiền, bầu rượu và các hình hoa, song ngư, con bướm, lá dâu, dấu vuông, đỉnh, án thư. Một số chén, bát, đĩa trang điểm hình thái cực trong có thái âm-thái dương, tám quẻ trong bát quái như Càn – khôn – cấn – chấn – tốn – khảm – ly – đoài.

Nhóm tượng gốm sứ phần nhiều nhỏ (cao cỡ 11cm) nhưng đều có tỷ lệ cân đối thể hiện tinh tế tượng Quan Âm tống tử, Quan Âm Nam Hải, Tô Vũ chăn dê, thị giả, sư và rồng, nữ khỏa thân màu trắng men đen, nam phủ men lục, sư tử đôi, sư tử leo cột, thỏ đôi, cua trong cành lá, đài sen rồng cuốn .v.v… Theo các nhà khai quật, căn cứ vào hiện vật, đặc biệt sưu tập tiền có niên hiệu “Khang Hy” và thỏi mực tàu “Canh ngọ niên”, với các đồ gốm sứ mang dấu ấn trang trí có thể tin rằng thuyền buôn Hòn Cau – Côn Đảo được đóng theo phong cách Trung Quốc không phải tàu viễn dương mà quy mô thuộc loại trung bình có thể là loại thuyền lấy hàng gốm sứ men trắng vẽ lam và vẽ màu ở khu lò Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) và sứ trắng Đức Hóa (Phúc Kiến) để đổ hàng ở các hội chợ hay thương điếm Hà Lan vùng Nam Á và có thể do bị cướp biển đốt cháy đã “không may nằm lại vùng biển Hòn Cau” từ hơn 3 thế kỷ trước (1690-1692) [10;27;54;59:1992a-b;77-1991; 84-85].

2.Vết tích tàu đắm trên vùng biển Vũng Tàu – Côn Đảo khác:

Theo các bản đồ hàng hải thì Côn Đảo nằm trên tuyến đường biển từ Phương Tây đến Trung Hoa và từ Trung Hoa đến Đông Nam Á và nhiều tư liệu ghi nhận từ cuối thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19 nhiều tàu buôn bị chìm ở Đông Nam Á. Trong thềm lục địa Vũng Tàu – Côn Đảo, năm 1992 ngư dân đã phát hiện một xác tàu có 7 khẩu thần công bằng đồng niên hiệu thời Minh Vạn Lịch và Gia Tĩnh (1522-1566) cùng một số vật dụng. Năm 1995, tại khu vực Hòn Bà (Vũng Tàu) ngư dân phát hiện một xác tàu chở khoảng 600 đồ gốm sứ, chủ yếu là lu, hũ, lọ, gốm thô có khả năng là dạng tàu buôn đồ gia dụng sinh hoạt gia đình bị chìm các nay 3 thế kỷ. Một xác tàu khác được ngư dân Nguyễn Văn Ba phát hiện chìm ở độ sâu 25m ở vị trí cách bờ biển Bình Châu (Xuyên Mộc) khoảng 30km cũng chở theo 1092 đồ gốm sứ (đĩa, tô, bát men trắng…) là sản phẩm các lò gốm dân gian phục vụ sinh hoạt gia đình sản xuất từ vùng Hoa Nam. Tháng 11-1996, ông Bùi Văn Tri ngư dân phường 6 (Vũng Tàu) lại tìm thấy xác tàu dưới độ sâu 15m phía tây bắc Bãi Dâu thu được 105 đồ gốm sứ, pha lê, thủy tinh thuộc các hình loại như thố, tô, đĩa, hộp, ly tách, với cả sưu tập sứ men trằng kiểu Pháp còn khá nguyên vẹn sản xuất giữa thế kỷ 19 và các vật dụng đi biển như đèn đi biển, đèn hoa tiêu, phù hiệu bằng đồng. Tháng 5-1999, ông Phan Cao Thạch ở phường 10 (Vũng Tàu) phát hiện thêm một xác tàu chở hơn 200 đồ gốm men ngọc và men nâu, đen trang trí văn khắc vạch, đắp nổi, vẽ màu có vân thuộc các loại hình vò, bình, thố, bát, đĩa… sản xuất vào thế kỷ 15 tại vùng Sukhothai và Sawankhalok (Thái Lan) .v.v. [37;77-1991; 78;85]

Đó là chưa kể rất nhiều cổ vật gốm sứ liên quan đến nhiều tầu đắm khác do ngư dân phát hiện và tự ý trục vớt thất thoát khắp nơi và có khi bị xáo trộn với cổ vật của nhiều tầu đắm khác. Ví như, ngay từ các năm 1998-1999, tôi đã giám định một số tiêu bản gốm sứ do Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Cà Mau niêm phong với nhiều loại hình như đĩa (2544 tiêu bản), ấm (7 tiêu bản), hộp-tráp (32 chiếc), nắp thố (47 chiếc), ống đựng bút (20 chiếc), chum (323 chiếc), ly tách (7 chiếc), tượng thú… Đây cũng chỉ là phần nhỏ trong hàng vạn cổ vật do ngư dân các tàu đánh cá BTH 1365, 1891 (32.569 gốm sứ và 2,4 tấn kim loại), BTH 2368TS, IO2A… vớt từ lòng biển, chủ yếu là sản phẩm dân dụng (đồ đựng, đồ dùng, đồ ăn uống) còn bám đầy cát và san hô là các sản phẩm chế tạo phục vụ cho mục đích thương mại mà nhiều chuyên gia vẫn gọi là “Gốm xuất khẩu” (Exported Stonewares) nhưng chúng có nhiều nguồn xuất xứ khác nhau (Gốm sứ lò “Cảnh Đức Trấn” và các lò cùng thời làm theo đặt hàng của các nguồn tiêu thụ ngoài Trung Hoa với niên đại chung cuối đời Minh – đầu Thanh (đời Khang Hy) thế kỷ 17 – đầu thế kỷ 18; có cả gốm mang đặc điểm các lò Sukhothai, Sawakhalok, Buriam (Thái Lan) kiểu hộp-tráp lại cùng nguồn với các sưu tập gốm Thái Lan (vò, chum, hũ, bình dạng “kendi”, bát, tô, đĩa hộp) [79:1998-1999]. Vào tháng 11-2002, ngư dân Huỳnh Tấn Luân phát hiện và trình báo Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu cả sưu tập 40 cổ vật (chén, đĩa xanh lam, tô bâch định men rạn, hũ và bính gốm…) xuất xứ từ đời Thanh cách nay 3 thế kỷ [77:2008;78] .v.v… Những sưu tập thu lại từ các nguồn ngẫu nhiên này cũng không khó tìm nguồn trục vớt và cả niên đại chính nhờ các cuộc khai quật ở tàu cổ Hòn Cau (1690) và các xác tàu khác trên hải phận phía Nam nước ta. Đó chính là các tàu buồm Cà Mau 1 (7°41’12” N – 105°29’18” E) đắm ở độ sâu 35m còn dài 24m, rộng gần 8m được TS Nguyễn Đình Chiến, Lê Công Uẩn và các chuyên viên lặn Visal khai quật 1998-1999 thu được tiền đồng “Khang Hy thông bảo”, đèn đồng, trâm cài tóc đầu chim bằng xương, chậu và chao đèn đồng, khóa đồng, chảo gang, hộp tròn và thỏi kim loại, đồ đá gồm nghiên mực, dấu triện, bùa hộ mệnh và cả thẻ đá khắc chữ “nhất phẩm thanh”, cùng nhiều đồ gốm sứ hoa lam – men trắng vẽ lam và vẽ đa sắc sản xuất đời Thanh Ung Chính (1723-1735) (62.213 cổ vật gồm 385 ấm, 408 âu, 431 bát, 51 bình, 15.409 chén, 26.003 đĩa, 15.551 thân và nắp hộp, 9 hũ, 460 lọ, 12 liễn, 12 nậm, 451 ống, 22 tách, 11947 nắp các loại, 268 thìa, 785 tượng, 9 lâu thuyền) và tàu đắm Cà Mau 2 chở gốm sứ Trung Hoa (hoa lam lò Cảnh Đức Trấn và men ngọc Long Tuyền phong cách Nguyên thế kỷ 14) và gốm hoa lam Việt Nam (bát, đĩa, lọ nhỏ, bình tỳ bà khắc chìm quanh thân hình rồng, vẽ văn xanh cobalt hoặc vẽ lam hình phượng [54-55]. Đó là tàu cổ Cù Lao Chàm nằm ở độ sâu 70-72m cách bán đảo Sơn Trà 20km về phía đông, cách Hội An 30km (tọa độ: 16°7’4” N – 108°31’8” E), do TS Phạm Quốc Quân, PGS.TS Tống Trung Tín cùng các chuyên gia Việt Nam và ngoại quốc (Bound Mensun, Giám đốc phân khoa KCH dưới nước Đại học Oxford – Anh, Đại học Kebangsan, Công ty SagaHorizon-trục vớt tàu Nassan, Malacca – Malaysia, Singapor, Indonesia) khai quật 1997-1999 ghi nhận tàu làm bằng gỗ tếch quy mô 29,4 x 7,2m, lòng chia 19 khoang chìm sâu 72m chất nặng hơn 240.000 cổ vật; hàng hóa chính là gốm Chu Đậu Việt Nam thế kỷ 15-16 (chiếm hơn 95%) thuộc các dòng: hoa lam, vẽ đa sắc, men xanh ngọc, men xanh dương sẫm, lam sẫm, men trắng, men trắng mỏng văn in, men nâu, gốm sành với 18 loại hình chính và hơn 100 kiểu (đĩa, bát, chén, cốc, tước, âu, liễn, chậu, kendi, bình rót, ấm, bát nhang, nậm, ống nhổ, vò, lọ, hộp, bình vôi, tượng ngồi, tượng động vật nghê-cóc-cá, chum, hũ, lọ sành, đèn, nồi nấu đủ kích cỡ (từ các đĩa có đường kính miệng lớn 45-50cm, đồ đựng cao tới 56,8cm cho tới đồ nhỏ chỉ cao 2,7cm); với hoa văn vẽ trên men (tam thái), kết hợp với vẽ hoa lam phong phú các đề tài người (các vị thần tiên, nữ quý tộc, cụ già câu cá và chèo thuyền, người cưỡi ngựa, quản tượng, chiến binh phi ngựa, trẻ đùa và chăn trâu thổi sáo); động vật (rồng, phượng, kỳ lân, sư tử, long sư, voi, hổ, ngựa, trâu, bò, hươu, khỉ, đại bàng, vẹt, chích chòe, chào mào, sáo, bói cá, uyên ương, thiên nga, chim sâu, cò, hạc. rùa, rắn, cá chép, cá măng, cá trê, dơi, bươm bướm, ong, chuồn chuồn); thảo mộc (đào-mai, cúc-trúc, hoa lan, sen, mẫu đơn, hoa chanh với nhiều biến thể, tùng, cổ thụ, cây cỏ); Nhà cửa, chùa tháp, cung điện, cầu cống, sông nước, núi non, mây trời, mây lửa; Hình học (thoi, ô trám lồng, vuông, bát giác), các chữ: “Tỉnh”, “Phúc”, “Ngọc”, “Chính”, “Sĩ”, “Trung”, “Kính”, “Phượng”.… (nhiều loại giống các tàu đắm Pandanan, Ko Khram, Ko Si Chang III và một số hàng cao cấp như sứ văn cầu kỳ tinh xảo có thể ở lò Thăng Long hoặc Kim Lan-Bát Tràng). Ngoài ra, còn có ít gốm Gò Sành – Bình Định (bình, lọ men nâu, vàng), gốm sứ Trung Hoa (đĩa men ngọc, bát trắng vẽ lam các lò Cảnh Đức Trấn & Long Tuyền thế kỷ 15) và gốm Thailand (lọ men ngọc, chum, hũ, ấm sành men nâu đen), các đồ hữu cơ (thanh dầm, ván tàu, nhãn, gấc, cây óc chó, hạt dẻ gai Bắc Giang), một số bàn nghiền đá, đồ đồng (chảo, ấm, nồi), 41 đồng tiền (24 đồng tiền có niên hiệu thời Đường thế kỷ 7 đến tiền Vĩnh Lạc thời Minh thế kỷ 15); đặc biệt, với 11 di cốt người (6 lớn – 1 nữ đặc điểm gần sọ Thái Lan, 1 thiếu niên, 2 trẻ nhỏ), các nhà nghiên cứu cho rằng đây là tàu Thailand (Chantaburi) đến Vân Đồn nhập gốm Chu Đậu (niên đại khoảng C14 gỗ vào cuối thế kỷ 14-đầu 16) [3;6;26;54;72;82;98;97:1994].

Đó còn là tầu cổ Hòn Dâm (Phú Quốc-Kiên Giang) đã được Jeremy và Rosemary  Harper thông báo ở hội thảo về gốm ở Hong Kong năm 1978 và sau đó được Công ty Visal cùng Mike Flecker (Australia) và Warren Blake (New Zealand) khai quật tháng 5-1991 xác định tàu chìm độ sâu hơn 40m, vùi cát biển có chỗ sâu 2m, quy mô gần 30 x 7m, chứa gần 16.000 đồ gốm men ngọc và nâu, có loại chậu miệng loe có gờ cắt khấc, rộng 38cm, nặng 3kg là sản phẩm lò gốm Sawankhalok (Thái Lan) thế kỷ 15 [54-55;59:1991;81] ..v.v…

Đó cũng là tàu cổ Bình Thuận có kết cấu chia khoang (23,4 x 7,2m), do Công ty Visal khai quật từ 11-2001 đến 10-2002, tàu chất nặng 61.604 cổ vật, với một số đồ kim loại của thủy thủ đoàn (ấm, đĩa, hộp…) và chủ yếu là gốm sứ hàng hóa Chương Châu của các lò Phúc Kiến và ở phía bắc Quảng Đông có trang trí in nổi, chạm đắp nổi (thú, cóc, rùa, rắn, cá, sóng nước, chim-cành hoa, hoa cúc, sen) và vẽ lam, đa sắc (vẽ người múa võ, cưỡi ngựa, ông Thọ, bát tiên; linh thú: rồng, lân, sư tử, ngựa, hươu; lông vũ: phượng, công, trĩ, gà, vịt, cò, chim; cá đàn, cá – trăng lý ngư vọng nguyệt, cá-cò, cá-tôm; Cành hoa 1-3 bông, khóm hoa lá, sen, mai, cúc, lan, phù dung, mẫu đơn; chữ: “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Xuân”, “Chính”, “Ngọc”; xuân sắc mãn đường, xuân sắc mãn trì; Bát bảo đạo giáo (loa ốc, nậm rượu, cuốn thư, dải lụa, đồng tiền, lá dâu); hình vảy cá); thuộc 8 dòng: Gốm sứ men trắng, trắng xám với 5 loại hình: bát, chậu, hũ, lọ, đĩa (đĩa dáng chậu phổ biến thời Tống-Nguyên, hũ thời Minh còn bảo lưu Thanh); Gốm sứ men trắng vẽ lam (bát với 7 loại; chậu; chén; đĩa; hộp; lọ hình cầuvai vuông-dáng chuông); Gốm sứ men trắng vẽ đa sắc (âu có nắp; bát; chậu trang trí rồng mây – tích Long vân khánh hội; đĩa dáng chậu-tròn thành cong-ghép 9 phần hình bông hoa 8 cánh; hộp); Gốm sứ men trắng vẽ đa sắc trên men kết hợp vẽ lam (bát lớn); Sứ hoa lam gồm: bát (9 loại với 15 kiểu: sen vịt bên 2 khóm sen), chậu, đĩa (13 loại với chục kiểu miệng loe thành cong hay cong gãy), lọ (3 loại với 8 kiểu), 1 hộp, 1 chén; Đồ sành (hũ cổ cao và cổ thắt; lọ hình cầu); Gốm men nâu (ấm cổ cao và dáng thon, hũ tai con đỉa; chữ “Phúc”, “Bảo”, “Lợi”, “Trinh”; lọ cổ cao và hình cầu); Gốm men lục văn in (hộp chữ nhật-bát giác-con thỏ tai dài-quả đào-bí đỏ-hộp tròn dẹt; lọ cổ cao-cầu-bí đỏ); Gốm phủ sơn đen (bát; chậu, đĩa dáng chậu, đĩa thành cong; hũ cổ đứng và dáng thon, lọ) – sản phẩm ấm, hũ, lọ, hộp lò Sơn Đầu (Quảng Đông); âu, bát (sứ men trắng đa sắc cùng kiểu dáng sứ hoa lam đa sắc), chậu (men trắng cùng kiểu hoa lam), chén cao chân, đĩa (đa sắc đế tài chủ yếu phương, hoa lá bổ ô xen kẽ mạng ô hình thoi tạo bằng các vạch chéo – theo mẫu in vải Phương Tây đầu thế kỷ 17; đĩa ghép 9 phần kiểu dáng giống loại vẽ lam – kiểu mới xuất hiện thời Minh).

Theo các nhà nghiên cứu, hàng gốm men Chương Châu của các lò Phúc Kiến và ở bắc Quảng Đông có thị trường chính là Đông Nam Á (Java, Sulawesi-Indonesia, Philippines) và Nhật Bản. Gốm Chương Thâu vận chuyển trên các tàu Hà Lan ở các cảng Đông Nam Á để bán sàng Châu Âu (tàu cổ 1613 của Công ty Voc,White Leeuw bị chìm tại Saint Helene Island trên đường về từ Indonesia). Gốm Chương Thâu cũng bán sang Trung Đông – đĩa lớn dùng lễ hội và cả thuộc địa Hà Lan ở Nam Phi. Tàu Bình Thuân có thể theo lộ trình đô đốc Trịnh Hòa đã đi từ 2 thế kỷ trước (Thành Đăng Khánh – Mills) theo đường biển xuống mũi nam đảo Hải Nam vào vùng đá ngầm Pratas và quần đảo Hoàng Sa, thẳng hướng nam đối diện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) – lộ trình thuyền buồm ven biển lấy mũi Đại Lãnh (Cape Varella) hoặc ngọn núi Vân Phong (Kolly Mountain) làm mốc bờ chính và mốc bờ cuối cùng của vùng biển Việt Nam là Côn Đảo.

Tuyến đường dẫn đến bờ biển Malaysia trong vùng Trengganu, xuống đảo Tioman, dọc phía đông quần đảo Riau, trước khi đi vào các eo biển nguy hiểm của Bangka hoặc Karimata về phía tây hay đông đảo Java [54;56;60]. Bên cạnh các xác tàu đắm được trục vớt trên, cứ liệu hoạt động thương mại hàng hải & công thương quốc tế nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau diễn ra trên biển Đông thuộc lãnh hải Việt Nam còn tiếp tục “cắm mốc lịch sử” ở nhiều địa danh khác khắp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Ví như, cố GS Trần Quốc Vượng từng phát hiện cả một bãi gốm sứ rất rộng và dày đặc có niên đại thế kỷ XVII-XVIII ở ngay chân ngọn hải đăng cổ, với nhiều mảnh gốm sứ “y hệt đồ sứ tìm thấy trong con tàu đắm (shipwreck) ngoài khơi Hòn Cau (niên đại thế kỷ XVII)” và, cùng với di vật đá “y hệt cái vừa tìm thấy” ở hai di chỉ cư trú trên nhà sàn cọc tràm Bưng Bạc, Bưng Thơm trong nội địa Bà Rịa – Vũng Tàu nổi tiếng thời Kim khí (niên đại khoảng 3000 – 2500 BP), ông tin rằng “Đảo Lớn Côn Sơn” từng là cảng biển – nơi dừng chân của nhiều con tàu buôn bán đại dương và cả sử, cả khảo cổ đều xác nhận Côn Đảo có cộng đồng người cư trú (dù tạm thời chăng nữa) và làm ăn (làm ruộng rẫy đánh cá, buôn bán với vùng nội địa Bà Rịa – Vũng Tàu – Cần Giờ và với bên ngoài) từ những thế kỷ xa xưa ấy [96:1998]. Đáng lưu ý hơn là kết quả điền dã (điều tra, khai quật) và giám định-khảo cứu dài ngày của đoàn nghiên cứu Việt Nhật (1991-1995) (7) ở các tinh phía Nam Việt Nam (Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tp. Hồ  Chí Minh, Côn Đảo); với các khám phá một số bến bãi trên đất liền có nhiều gốm trơn Cảnh Đức Trấn và gốm Nam Trung Quốc thế kỷ 17-18 ở Đầm Bông (Khánh Hòa) và các bến bãi khu vực bắc và ở ngay khu vực trung tâm Côn Sơn, có nhiều loại hình gốm sứ Việt Nam và vả gốm sứ ngoại quốc (gốm Islam Trung Cận Đông; gốm Trung Quốc niên đại thế kỷ 10-18).

Theo công bố chi tiết của GS Aoyagi Yoji (Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á của Nhật Bản) và PGS.TS Trịnh Cao Tưởng (Trưởng Phòng nghiên cứu Khảo cổ học Lịch sử, Viện Khảo cổ học) cùng cộng sự, dấu ấn của các dải “lụa” (Silk roads) ngang dọc Biển Đông ghi nhận ở miền Nam Việt Nam từ Cổ đại (thế kỷ 2-4) và đặc biệt sôi nổi từ thời Trung đại (thế kỷ 9-16) cả trên đất liền vùng duyên hải (Kinh thành Sư tử Trà Kiệu, Đô thị cảng Hội An) lẫn trên mặt biển và hải đảo (các xác tàu đắm Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang, Hòn Cau, bến bãi Côn Lôn) [98-99;107-108]. Đó chính là “Mạng lưới thương mại Quốc tế chính” Đông – Tây (main maritime Trade route Networks between the East and West Worlds) qua cả ba đại dương nối liền vùng Đông Á (Nhật Bản – Korokan, Trung Quốc – Yangzhou) với Đông Nam Á (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Bruney, Mã Lai, Thailand) qua eo biển Malacca và các khe-lạch Khokao-Leampo ở Chaiya về Tây Á (Ấn Độ, Trung Cận Đông xung quanh vịnh Persian biển Arabi, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Iran, Iraq) và xa hơn. Cả hải trình gian lao và vĩ đại có “vạn lý” vận hành không ngưng nghỉ suốt “vạn niên” thời Trung và Cận Đại ấy đã làm vương vãi bao “mảnh vỡ lịch sử” của gốm Việt Chu Đậu – Bát Tràng – Thăng Long – Bình Định trên hành tinh; và ngược lại, cũng rải dọc duyên hải Việt đủ mọi nguồn hàng do thủy thủ và lái buôn mang đến từ Trung Hoa (gốm Đông Hán thế kỷ 2-3, ngói Tam Quốc thế kỷ 3-4, gốm cuối Đường – Ngũ Đại thập quốc thế kỷ 9-10, gốm Celadon và hoa lam các lò Guangzhouxicun thời Bắc Tống thế kỷ 11-12, lò Longquan thời Nam Tống – Nguyên thế kỷ 13-14, lò Zhangzhou thời Minh thế kỷ 17, hàng hoa lam, men nâu-vàng, tam thái, celadon thời Nguyên-Minh thế kỷ 13-16; ); từ Nhật Bản (gốm hoa lam Hizen thế kỷ 17); từ Ấn Độ (chuỗi thủy tinh, đồ kim hoàn, bình vòi kendi, gốm kiểu: “Indo-Roman” thế kỷ 2-6); từ Thế giới Ả Rập ven vịnh Persian (gốm cobalt Islam thế kỷ 9-10) và cả Đông Nam Á (gốm men ngọc Thailand các lò Savankhalok thế kỷ 15-16; gốm men nâu đen Khmer thế kỷ 12-13) hiện hữu trong trầm tích Trà Kiệu, Mỹ Sơn, các cảng thị Hội An và Óc Eo, nghĩa trang Đại Làng và bến bãi Côn Đảo .v.v…

Ngoài đất Việt, gốm cobalt Islamic “xuất xưởng” các lò Basra – Iraq và Siraf – Iran cũng được các thủy thủ và lái buôn Ả Rập rải ra từ đất Trung Hoa (Yangzhou, Fuzhou) và Nhật Bản (Dazaifu và cả thương cảng sầm uất nhất quần đảo thế kỷ 9-10 Korokan ở Hakata) đến đầt liền và hải đảo Đông Nam Á (Jurua ở Nakhon Sithammarat – miền nam Thailand; Chaya, Pengkalan Bujan ở Kedah – bán đảo Mã Lai; Laurel, Batangas và Balangay ở Butuan – Philippines) và không ít mảnh Lưỡng Hà còn phơi mình trên bến bãi Côn Lôn tính từ thời Trung Đại .v.v…

Căn cứ vào trích đoạn thư tịch của sử gia Đường Jia Dan, Huang Hua Si Da Ji (viết khoảng thế kỷ 8) và sử liệu Minh về 7 lần “Tây Du” của nhà hàng hải Thái giám Trịnh Hòa (1371-1435) chỉ huy hải đội 62-200 thuyền chở đầy vàng bạc, gốm sứ, tơ lụa mất hơn 3 năm đi hơn 100 ngàn dặm từ cửa sông Lưu (Thái Thương-Giang Tô) qua hơn 30 nước (Đại Việt, Chiêm Thành, dọc bán đảo Đông Dương xuống Nam Dương và Tích Lan (Sri Lanka) sang bán đảo Ả Rập vào Biển Đỏ và xuôi xuống Somali Phi Châu) trong thời gian 1405-1433 (Thanh Đăng Khánh, 1998 – [55]); Căn cứ cả các biên niên hàng hải, các học giả phác thảo “Con đường tơ lụa – gốm sứ” trên biển Đông nối liền thế giới Ả Rập và Tây Phương Thiên Trúc (Ấn Độ) với Đông Á theo các hải trình: eo biển Mallacca, Khokao-Leampo (Chaiya) – quần đảo Côn Sơn – Cù Lao Chàm & Hội An – Mondaro (Philippines) đến Nam Trung Hoa – Nhật Bản. Bởi lộ trình lâu niên dài đường “gian lao mà anh dũng” vì đầy bão tố, hiểm nguy, nên Côn Sơn và Cù Lao Chàm trên hải phận Việt Nam từ Cổ đến Trung và Cận Đại vẫn được xem là các “địa điểm lý tưởng” để nhà hàng hải dừng chân “nghỉ mệt” và cùng với các “thành phố cảng duyên hải” (Seaborne Port-cities) Đông Nam Á khác (kiểu “Óc Eo-Ta Kev” thời Cổ đại và “Hội An” thời Trung Đại) mang vị thế “trung chuyển hàng hóa” (transshipped goods), các mắt xích “trung điểm – tích lũy – tiêu thụ” (Intermediating – Accumulating – Consuming Areas) của cả “mạng mậu dịch” Liên Châu – Liên Dương rộng lớn này [28:1996;38;79:2010-2011;87-89;98-99;107-109].

Dẫu không đồng ý với nhận định của các học giả Nhật Bản coi cụm di tích Lò gốm thương mãi Gò Sành-Gò Hời-Cây Me gần kinh cổ Vijayas là “Champa Ceramics”, tôi lại rất muốn chia xẻ với niềm tin của họ rằng “Côn Đảo từng là nơi nhộn nhịp tàu thuyền” và đã từng “tham gia một cách tích cực vào con đường tơ lụa trên biển” [97:1994a-b;98;107-108].

Đó cũng chính là các chứng tích “Sử Đất” vô giá của công cuộc nghiên cứu lịch sử gốm sứ và thương mại Việt Nam – các minh chứng sống động về những con đường gọi là “tơ lụa – gốm sứ – hồ tiêu” Phương Đông truyền thống “nối mạng” nhiều châu lục qua mặt biển Thái Bình thời Trung & Cận Đại và, quá vãng với hệ giá trị vĩnh hằng cả hùng lẫn bi tráng của quần đảo Côn Sơn không chỉ xứng danh thành “Di sản hỗn hợp Thiên nhiên – Lịch sử – Văn hóa” tầm Thế giới ở Việt Nam bên các quần thể nhân tạo – thiên tạo kiểu Hương Sơn, Cúc Phương, Cát Tiên, Hồ Ba Bể và Bãi đá cổ Sapa, mà còn hơn tất cả danh sản này, Côn Sơn còn có yêu cầu thời sự cấp thiết trong “Thế kỷ của đại dương” XXI phải đảy nhanh hơn tốc độ quy hoạch để quản lý toàn diện và phát huy hữu hiệu giá trị di sản trong Sự nghiệp Đổi mới Côn Sơn bằng công nghiệp hóa-hiện đại hóa trước mắt và dài lâu vì chính vị thế “Giao lộ” (Node) giữa trùng khơi cổ truyền của chính nó.

“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” (Bác Hồ).

CÔN SƠN – THE “NODE” ON THE “SILK ROUTES” OF THE ANCIENT MARITIME ASIAN & WORLD TRADE

Pham Duc Manh, Pham Thi Ngoc Thao

In the Paper, the Authors present all ancient cultural relics of Côn Sơn Archipelago throught “Geo-ecological” & “Archaeological” Viewers. In terms of Space, Côn Sơn Archipelago located in the Southeast Vietnam, including the main Island of Côn Lôn (with the total area of 51.32km²) and 15 small Islands (20.56km²) in the northeast-southwest direction, at 8º34’-49’ north latitude and 106º31’-45’ east longitude. The main Island of the Côn Sơn Archipelago contains mountain and hill regions (6328 ha = 88,4%) and some small valleys formed in Holocene Flandrian sea-advance (c.a. 6,000 – 3,000 BP) where the fauna at sea and on land are very rich and diversified being suitable for human life.

Côn Sơn archaeology has been known since 1944-1963 with some finds of phtanite tools at Bến Đầm and Hàng Dương sites by French scholars L.Malleret and E.Saurin. So far, 10 archaeological sites have been found there by Vietnamese Scientists of Institut of Archaeoly at Hanoi. These sites are located at Côn Lôn Island (7 settlement sites such as Hàng Dương, Hồ Sen, Sở Tiêu, Cồn An Hải, Nhà Máy Nước, Bến Đầm and 2 jar-burial cemetries such as Cồn Miếu Bà, Cồn Hải Đăng) and at Hòn Cau Island (1 settlement site).

In terms of Times, there are “sand dune-water pool” sites, including 2 large settlement sites and 2 cemeteries have been excavated, with characteristic archaeological artifacts that from 10-9 centuries to 2-1 centuries BC. The “Island type”settlement sites used to face sea and be located in low valleys in between high sand bank and water pools with the suitable assemblage of stone, bone, metal tools for the exploitation at sea, hunting, digging rooted plants and trading with the mainland and far Inslands. It was the physiognomy and the cultural power of the First Owners living on Côn Sơn Archipelago in Prehistory and ancient History..

Another main content of the paper is prove Côn Sơn was a “Node” of ancient Maritime World & Asian Trade Routes with evidents of Côn Lôn sea-shore wharfs, especially of the Hòn Cau shipwreck which sank under the sea in 15km far from the Hòn Cau Island in late 17th Century. Based on the historical literature and ceramic artifacts discovered from excavations at ancient loading berths, commercial ports, wrecked ships (Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Cà Mau 1-2, Kiên Giang, Bình Châu, Vũng Tàu etc.), domestic and foreign ceramic centers, the authors sketche a basic picture of “Maritme Silk Roads” and “Ceramic ways” in the 9-16th centuries and emphasise intergration of Côn Sơn Archipelago on this “International Trade Network” with important role such as “Node” of Vietnamese & Asian Intermediating – Accumulating – Consuming Areas in the Medieval & post-Medieval Times.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Abu Ridho-Wahyano, The Ceramics found in Tuban, East Java – TCS,3 (1983).

[2] ACRO (Asian Ceramic Research Organization) Update, Chicago (1999-2001).

[3] Ban khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm, Khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (1997-1999) – NPHMVKCH:548-552 (H.2000).

[4] Barnouin, R.P. Les Bas-Reliefs des Urnes Dynastiques de Huế – BSEI, Nouvelle Série, XLIX(3): Saigon, 1974:427-577 (1974).

[5] Bellwood, P. Prehistory of the Indo-Malaysia Archipelago. Sydney.Baron, S. (1985)

[6] Bùi Minh Trí, Tìm hiểu ngoại thương Việt Nam qua “Con đường gốm sứ trên biển” – KCH, số 5:49-74 (H.2003).

[7] Bùi Minh Trí – Kerry Nguyễn Long, Gốm hoa lam Việt Nam (Vietnamese Blue and White Ceramics), NXB KHXH (H.2001).

[8] Cadiere, L. Les urnes dynastiques du Palace de Hue:Notice historiques–BAVH:39-46 (1914).

[9] Ceramics from the Guft of Thailand, 1990. Samaphan Published Co., Ltd (1990).

[10] Christie’s Amsterdam, Auction catalogue “The Vũng Tàu Cargo, Chinese Export porcelain” (1992).

[11] Cort, Louise Allison, Vietnamese ceramics in Japanese contexts – VC:ST.AMRAP: 63-83 (1997).

[12] Crawfurd, John. Journal of an Embassy (from the Governergeneral of India) to the Courts of Siam and Cochinchina, Oxford University Press (1967).

[13] Diem, Allison, Relics of a lost Kingdom-Ceramics from the Asia Maritime trade – The Pearl RoadTales of Treasures Ships in the Philippines. Christophe Loviny, ed. Asiatype, Makati City, Philippines:95-108 (1996); Vietnamese blue anf white ceramics in the Philippines: late 14 th–16
th centuries – Chinese and Vietnamese Blue &White found in the Philippines:183-205 (1997).

[14] Diệp Đình Hoa, Điều tra Côn Đảo – NPHMVKCH:71-72 (H.1979).

[15] Dizon Eusebio, D. Anatomy of a shipwreck-Archaeology the 15 th century Pandanan shipwreck – The Pearl Road-Tales of Treasures Ships in the Philippines. Christophe Loviny, ed. Asiatype, Makati City, Philippines:63-94 (1996); Underwater Archaeology of the Pandanan Wreck: A mid- 15 th century Ad vessel, Southern Palawan, Philippines – Paper of International Conference in Berlin (1998).

[16] Dương Văn Cầu, Các thành tạo magma ở Côn Đảo – Côn Đảo ký sự & tư liệu, NXB Trẻ (1998).

[17] Đại Nam nhất thống chí, NXB KHXH (H. 1969,1970,1971).

[18] Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất – đệ tam kỷ, tập 2-26(II), NXB Sử học & KHXH (H.1963-1974).

[19] Đào Quý Cảnh, Về chức năng của những chiếc rìu lưỡi tròn ở Bà Rịa và Côn Đảo – NPHMVKCH:272 (H.2007); Khảo cổ học Côn Đảo, góc tiếp cận sinh thái nhân văn – KCH, số 1:3-17 (H.2008).

[20] Đào Quý Cảnh – Lưu Văn Nhi – Nguyễn Thị Thanh Vân – Nguyễn Văn Tâm, Địa điểm Sở Tiêu, Côn Đảo (Bả Rịa-Vũng Tàu) – NPHMVKCH:136 (H.2007)

[21] Đào Quý Cảnh – Nguyễn Trung Chiến – Lê Hải Đăng, Sưu tập mảnh gốm hình rìu tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) – NPHMVKCH:284-285 (H.2008).

[22] Đào Thị Luyến – Hoàng Trà My – Hoàng Lan Anh, Hỏi đáp về những cánh rừng và vườn quốc gia Việt Nam, NXB Quân Đội Nhân Dân (H.2009).

[23] Đặng Việt Thủy, chủ biên, Hỏi đáp về các đảo, quần đảo, vịnh, vũng nổi tiếng ở Việt Nam, NXB Quân Đội Nhân Dân (H.2009).

[24] Đoàn điều tra khảo cổ học Côn Đảo, Điều tra và phát hiện mới về khảo cổ học tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – NPHMVKCH: 296-298 (H.1999).

[25] Đoàn khai quật Hòn Cau, Khai quật địa điểm Hòn Cau huyện Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) – NPHMVKCH: 292-294 (H.1999).

[26] Đỗ Mạnh Hà, Hiện vật gốm tàu cổ Cù Lao Chàm phân chia cho các Bảo tàng ở Việt Nam – BTLSVNTBKH:41-48 (H.2000).

[27] Flecker, Michael, Excavation of an Oriental Vessel of c.1690 off Côn Đảo, Vietnam – The International Journal of Natural Archaeology, vol.21.3:239 (H.1992).

[28] Glover, I.C. Early trade between India and Southeast Asia: a link in the development of a World trading system (Occasional Papers 16). Hull (1990); Bead Notes from Southeast Asia: Bead Study Trust Newsletter 22&23:7-11 (1993); The Southern Silk Road: Archaeological Evidence for Early Trade between India and Southeast Asia – Ancient Trades and Cultural Contacts in Southeast Asia, The Office of the National Cultural
Commission, Bangkok, Thailand: 57-94 (1996).

[29] Groslier,B.P. Indochine, Carrefour des Arts, Paris (1961).

[30] Guy, John, A Summary Analysis of foreign Ceramics found on Panay Island – Philippines Quartearly of Culture and Society, 9(3) (1981); Oriental Trade Ceramics in Southeast Asia 9 th to 16 th Centuries. Oxford University Press (1986); Ceramics excavation Sites in Southeast Asia. A Preliminary Gazettes – TCS, 9 (1989a); Ceramic Traditions of Southeast Asia. Oxford University Press (1989b); Vietnamese ceramics and Cultural Identity –VC:ST.AMRAP:11-21 (1997a); Vietnamese ceramics in International trade – VC:ST.AMRAP: 47-61 (1997b); Đồ gốm Việt Nam – Toàn tập đồ gốm Thế giới, 16, Shogakukan, Tokyo:145 (1984).

[31] Hà Văn Cẩn, Các trung tâm sản xuất gốm sứ cổ ở Hải Dương – Luận án TS Lịch sử (H.2000).

[32] Hà Văn Tấn, Nhận xét về kết quả các chương trình khảo cổ học Trường Sa, Tây Nguyên và Nam Bộ – KCH, số 4:5-10 (H.1996).

[33] Hall, K.R. The origin of maritime trade in Southeast Asia – The Elmira Review, 2:35-43; 1982. The “Idianization” of Funan – JSEAS, 13:81-106 (1980).

[34] Hán Văn Khẩn, Đôi điều về gốm thương mại Việt Nam thế kỷ 15-17 – KCH, số 1:46-58 (H.2004).

[35] Hồ Vĩnh, Số phận của những khẩu thần công thời Nguyễn – Sông Hương, số 2 (1991).

[36] Jansé,O. Vietnam–Carrefour de Peple et de Civilisations–Extrait de France-Asie, N.165, Tokyo (1961).

[37] Hồ Khắc Bửu, Phát hiện về một con tàu chìm chứa cổ vật tại vùng biển Bình Châu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu – NPHMVKCH:74 (H.1993); Bộ sưu tập gốm sứ Pháp được phát hiện trên tàu chìm tại vùng biển Vũng Tàu – NPHMVKCH:438 (H.1998).

[38] James C.M.Khoo. ed. Art & Archaeology of Fu Nan Pre-Khmer Kingdom of the Lower Mekong Valley, The Southeast Asian Ceramic Society, Orchid Press, Bangkok (2003).

[39] Kerry Nguyễn Long, Gốm hoa lam Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu – Gốm hoa lam Việt Nam, KHXH:73-101 (H.2001).

[40] Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ, 15 tập, NXB Thuận Hóa.

[41] Kin Seiki, 1999. Mậu dịch với Đông Nam Á của vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) và đồ sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa – KYHTQT:QHV-NTK15-17QGLGS (H.1999).

[42] Kin, Shouku, Thai and Vietnamese Ceramics found in the Ryukyu. Okinawa, Japan (1991).

[43] Lammers, C – Abu Ridho, Annamese Ceramics in the Museum Pusat (1974).

[44] Larry Gotuaco – Rita C. Tan – Allion I. Diem, Chinese and Vietnamese Blue and White found in the Philippines, Bookmark, Makati City, Philippines (1997).

[45] Lê Quý Đôn, 1776. Phủ biên tạp lục, KHXH, H.

[46] Lê Thanh Hà, Đồ gốm sứ Trung Quốc-Thái Lan trong tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) – BTLSVNTBKH:148-152 (H.2001).

[47] Lê Xuân Ái, Vườn Quốc gia Côn Đảo –Côn Đảo ký sự & tư liệu,NXB Trẻ,Tp HCM (1998)

[48] Leskov, A.M. – Muller-Beck, H. Arktische Waljager vor 3000 Jahren, Unbekannte sibirische Kunst. V.Hase & Koehler Verlag, Mainz-Munchen, Germany (1993).

[49] Malleret, L, L’Archéologie du delta du Mékong, I-IV. Paris (1959-1963).

[50] Monique Crik, Hongzhi (1488-1505) and Zhengde (1506-1521) Ceramics found on Shipwrecks off the Coast of the Philippines – Transactions of the Oriental Ceramic Society 1977-1998:74 (1999).

[51] Mori, Tsuyshi, 1999. Gốm sứ Việt Nam qua cuộc điều tra khai quật khảo cổ ở Osaka – KYHTQT:QHV-NTKQGLGS, (H.1999)

[52] Morimoto, Asako, Vietnamese trade ceramics – A study based an Archaeological Data from Japan – The Journal of Sophia Asian Studies, 11:47-73 (1993); Về đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam đào được ở Nhật Bản và xuất xứ của những sản phẩm này – Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh:50-52 (1994); Kilns of North Vietnam – VC:ST.AMRAP: 85-93 (1997).

[53] Nguyễn Bá Vân, Một số vấn đề về gốm hoa lam thương mại Việt Nam – KCH, số 1:73-77 (H.1993).

[54] Nguyễn Đình, Khai quật khảo cổ học dưới biển ở Việt Nam – BTLSVN-TBKH:83-87 (H.1999).

[55] Nguyễn Đình Chiến, 2002. Tàu cổ Cà Mau (1723-1735) (H.2002).

[56] Nguyễn Đình Chiến – Michael Flecker, Các giá trị khoa học của cuộc khai quật khảo cổ học tàu cổ Bình Thuận – BTLSVN-TBKH:78-82 (H.2003).

[57] Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1, Sài Gòn (1959).

[58] Nguyễn Khắc Sử, chủ biên. Khảo cổ học tiền sử Kontum, NXBKHXH (H.2007)

[59] Nguyễn Quốc Hùng, Phát hiện con thuyền cổ thế kỷ 15 bị chìm ở gần Hòn Càng, Phú Quốc – NPHMVKCH:129(H.1991); Phát hiện về chiếc tàu chìm tại Bà Rịa-Vũng Tàu – NPHMVKCH:271(H.1992a); Khai quật kho tàng cổ dưới đáy biển Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu) – KCH, số 3:62-73 (H.1992b).

[60] Nguyễn Quốc Hữu, Hiện vật gốm sứ trong tàu đắm cổ Bình Thuận – BTLSVN-TBKH:83-91 (H.2003).

[61] Nguyễn Tiến Cảnh, chủ biên. Mỹ thuật Huế,Viện Mỹ thuật-TT Bảo tồn Di tích Huế (1992).

[62] Nguyễn Trung Chiến – Đào Quý Cảnh, Khai quật Bãi Ngự – Bãi Dong trên đảo Thổ Chu (Phú QuốcKiên Giang) 1998 – KCH, số 2: 46-73  H.2000); Khảo sát và phát hiện mới tại Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) – KCH, số 3:28-42 (H.2001a); Sưu tập mũi lao ngạnh từ xương động vật ở Hòn Cau-Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) – NPHMVKCH:348 (H.2001b); Ghi chú về một loại hình vò táng mới ở địa điểm Cồn Miếu Bà (Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2002 – NPHMVKCH:281 (H.2003).

[63] Nguyễn Trung Chiến – Đào Quý Cảnh – Phạm Chí Thân, Kết quả điều tra khảo cổ học tại Côn Đảo (tháng 3/2001) – NPHMVKCH:296 (H.2001).

[64] Nguyễn Trung Chiến – Đào Quý Cảnh – Phan Bình Nguyên – Phạm Chí Thân – Hồ Khắc Bửu – Nguyễn Thanh Liêm – Nguyễn Quang Chiến, Khai quật khu mộ vò Cồn Hải Đăng, huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) năm 2001-2002 – NPHMVKCH:171 (H.2002).

[65] Nguyễn Trung Chiến – Đào Quý Cảnh – Phan Bình Nguyên – Phạm Chí Thân – Phạm Quang Minh – Nguyễn Văn Tâm, Khai quật địa điểm Cồn Miếu Bà, huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) – NPHMVKCH:278-281 (H.2003).

[66] Nguyễn Trung Chiến – Nguyễn Đình Bướng – Lê Hải Đăng, Phù điêu mặt người di chỉ Cồn An Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu) – NPHMVKCH: 286-287 (H.2008).

[67] Nguyễn Trung Chiến – Lại Văn Tới, Điều tra khảo cổ học một số đảo ven bờ biển phía Nam – KCH,số 4:27-40 (H.1996).

[68] Nguyễn Trung Chiến – Nguyễn Văn Hảo – Lại Văn Tới – Nguyễn Mạnh Cường – Dương Trung Mạnh – Nguyễn Hữu Thiết, Phát hiện khảo cổ từ quần đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) cuối năm 1995 – NPHMVKCH:217 (H.1996).

[69] Nguyễn Trường Kỳ, Đồ thủy tinh ở Việt Nam (H.1996).

[70] Nguyễn Văn Hảo, Phát hiện khảo cổ học trên quần đảo Hoàng Sa và các quần đảo phía Nam Việt Nam – KCH, số 4:11-15 (H.1996).

[71] Nguyễn Việt-Vũ Minh Giang-Nguyễn Mạnh Hùng, 1983. Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, NXB QĐND (H.1983).

[72] Nguyễn Viết Cường – Đỗ Mạnh Hà, Thông tin đầu tiên về con tàu cổ dưới lòng biển Cù Lao Chàm – BTLSVN-TBKH:243-254 (H.1998).

[73] Ogiura, Masayoshi, 1999. Gốm sứ Việt Nam qua cuộc điều tra khảo cổ ở Nagasaki – KYHTQT:QHVNTK15-17QGLGS (H.1999).

[74] Ogura Sadao, About Two Japanese Scrolls – “Sea Map-Trade with the State of Jiaozhi” and “Avalokitesvara” – Ancient Town of Hoi An, The Gioi Publishers:128-134 (H.1993).

[75] Ohashi Koji – Sakai Takashi, Ceramics from the site of Banten in Indonesia – Bulletin of the National Museum of Japanese History, 82 (1999).

[76] Pelliot,P. Deuse ininéraires de Chine en Inde – BEFEO, IV (1904).

[77] Phạm Chí Thân, Về con tàu cổ chìm ở vùng biển Hòn Cau-Côn Đảo – NPHMVKCH:131 (H.1991); Khảo cổ học Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện & nghiên cứu – Di sản văn hóa Bà Rịa – Vũng Tàu: 71-74 (2008).

[78] Phạm Chí Thân – Hồ Khắc Bửu – Phạm Quang Minh – Đinh Văn Hạnh, Phát hiện và khai quật chiếc tàu cổ đắm ở vùng biển Hòn Bà-Vũng Tàu – NPHMVKCH:273 (H.1992).

[79] Phạm Đức Mạnh, Hoạt động của Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học trong mùa điều tra 1997-1998 ở miền Nam – NPHMVKCH:14-17 (H.1992); Báo cáo kết quả giám định Cổ vật thu giữ ở Cà Mau 1999 – NPHMVKCH: 572-576 (H.1999); Kỹ nghệ tinh luyện kim loại nguyên sinh ở cuối nguồn “Sông Mẹ” – cội nguồn và bản sắc – KCH, số 3:21-31(H.2008); Sa Huỳnh, Văn hóa – Phức hệ & diện mạo “thống nhất trong đa dạng” – KCH, số 5:27-66 (H.2009); Các phức hệ di tích văn hóa thời tiền sử – cổ sử trên đất An Giang (Việt Nam) – KCH, số 1: 27-56 (H.2010); Những “Phần tử đánh dấu” quan hệ Trung Hoa & Nam Bộ (Việt Nam) thời Thự sử – Tham luận Hội thảo khoa học Quốc tế “Việt Nam & Trung Quốc – những quan hệ văn hóa, văn học trong lịch sử”. Trường ĐHKHXH&NV–ĐHQG-HCM & ĐHSP Hồ Nam:182-197 (2011).

[80] Phạm Hữu Công, Cửu đỉnh và cổ khí đúc thời Minh Mạng (1820-1840), Luận án PTSKHLS, Tp.HCM (1995).

[81] Phạm Quốc Quân – Nguyễn Quốc Hùng, Gốm Thái Lan ở tàu đắm Phú Quốc, Kiên Giang – Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật, số 1:66-67 (H.1993).

[82] Phạm Quốc Quân – Tống Trung Tín, Khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao ChàmHội An-Quảng Nam (1997-2000) – BTLSVN-TBKH:5-14 (H.2000).

[83] Phan Liêu, Đất Đông Nam Bộ, NXB Nông Nghiệp (H.1992).

[84] Phan Quốc Sơn, Đồ sứ Khang Hy của thuyền buôn Trung Quốc đắm tại biển Côn Đảo nước ta – Hợp Lưu, số 12:69 (H.1992).

[85] Quang Hưng – Trần Tử Văn, Tọa độ X, NXB Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh (1992).

[86] Seiki, Kin, Mậu dịch với Đông Nam Á của Vương quốc Ryukyu (Lưu Cầu) và đồ gốm sứ Việt Nam phát hiện được ở Okinawa – KYHTQT:QHV-NTKQGLGS (H.1991).

[87] Sakurai, Y. Thử phác họa cấu trúc lịch sử của khu vực Đông Nam Á–NCĐNA,4:37 (H.1996).

[88] Sayan, Prishanchit, Maritime Trade during the 14th to 17th Century: Evidence from the Underwater Archaeological Sites in the Gulf of Thailand – Ancient Trades and Cultural Contacts in Southeast Asia, The Office of the National Cultural Commission, Bangkok, Thailand: 275-300 (1996).

[89] Shindo, Y. East-and-west exchange of glass in the 9-10 th century: Islam glass found from Cu Lao Chàm, Vietnam. Monthly Archaeological Journal, 464:12-15 (Japanese) (2000).

[90] Stevenson, John – John Guy (eds), Vietnamese ceramics: A Separate tradition. Art Media Resources with Avery Press. Chicago (1997).

[91] Tatsuo Sasaki, Vietnamese, Thai, Chinese, Iraqi and Iranian ceramics from the 1988 sounding at Julfar. Offprint from AL-AFIDAN, 12:205-216 (1991).

[92] Tenazas, R.C.P. Underwater Archaeological investigation of the Rang Kwian shipwreck – SPAFA Digest, 11 (2):31-32.

[93] Thành Thế Vĩ, 1961. Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ 17, 18 và đầu 19. NXB Sử học (H.1961).

[94] Tồng cục Địa Chính, Tập bản đồ địa danh-địa giới các tỉnh Đông Nam Bộ (H.1999); Tập bản đồ hành chính Việt Nam, NXB Bản Đồ (H.2003).

[95] Tống Trung Tín, 1999. Vài nét về gốm sứ trong các con tàu đắm được trục vớt tại vùng biển Việt Nam – KYHTQT:QHV-NTK15-17QGLGS (H.1999).

[96] Trần Quốc Vượng, Côn Đảo cái nhìn Địa-Văn hóa – Việt Nam cái nhìn địa văn hóa, NXBVHDT-Tạp chí Văn hóa nghệ thuật:470-478 (H.1998); Văn hóa Đông Sơn, hệ biểu tượng – Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn hóa Dân tộc:139-147 (H.2000); Về miền Trung (mấy nét khái quát về Nhân học Văn hóa) – Kỷ yếu Hội thảo khoa học 5 năm nghiên cứu và đào tạo của Bộ môn Khảo cổ học (1995-2000), NXB Chính Trị Quốc
Gia:17-28 (H.2002).

[97] Trịnh Cao Tưởng, Hợp tác Việt-Nhật Bản nghiên cứu gốm cổ Việt Nam năm thứ tư– NPHMVKCH:325-326 (H.1994a); Báo cáo sơ bộ về tàu thuyền cổ bị đắm chìm trong vùng cửa biển Hội An, Quảng Nam-Đà Nẵng – NPHMVKCH:327-329 (H.1994b); Hội An, nơi hội tụ của nhiều dòng gốm – NPHMVKCH:449-450 (H.1995a); Gốm Việt Nam ở Nhật Bản – NPHMVKCH:452-453 (H.1995b).

[98] Trịnh Cao Tưởng – Seichi Kikuchi, Thêm thông tin về con tàu chở gốm Chu Đậu thế kỷ 16 bị đắm ở ngoài khơi cửa biển Hội An – NPHMVKCH: 450—451 (H.1995).

[99] Tsuzuki, Shinichino, Gốm sứ Việt Nam khai quật từ di chỉ hào thành Sakai – KYHTQT:QHV-NTK15-17QGLGS (H.1999).

[100] Underwater Archaeology in Thailand, Ceramics from the Gulf of Thailand. Samaphan Published Co.Ltd, Bangkok (1991).

[101] Van Orsoy De Flines, Guide to the Ceramic Collection of the Museum Pustat Jakarta, Holland (1972).

[102] Volker, T. Porcelain and the Dutch East India Company as Recorded in the Dagh-Registers of Batavia Castle – Those of Hirado and Deshima and other Contemporary Papers 1602-1682, E.J.Brill, Leide (1954); Porcelain and Dutch East India Company, Leiden, E.J.Brill (1971).

[103] Vũ Minh Giang – Đào Duy Hồng, Những khẩu thần công ở Huế – NPHMVKCH:264-266 (H.1979).

[104] Willets, William, Ceramic Art of Southeast Asia – Southeast Asian Ceramic Society,Singapore (1971).

[105] Xưa & Nay, NXB Thời Đại, Nguyễn Đình Đầu, hành trình của một tri thức dấn thân (H.2010).

[106] Yến Phi, Khái quát về Côn Đảo – Côn Đảo ký sự & tư liệu, NXB Trẻ, Tp.HCM (1998).

[107] Yoji Aoyagi, Vietnamese ceramics discovered on Southeast Asian Islands – Ancient Town of Hội An:72-76 (1991a); Đồ gốm Việt Nam đào được ở quần đảo Đông Nam Á – KCH, số 4:78-82 (1991b); The trend of Vietnamese ceramics in the history of ceramic trade with particular reference to the Islands of Southeast Asia – Journal of East-West Maritime Relations, 2:1-17 (1992); Excavation of the Gò Sành Kiln Complex – Champa Ceramics in the history of the maritime route of silk road – Champa Ceramics Production and Trade. The Study Group of the Gò Sành Kiln Sites in Central Vietnam, Japan/Vietnam:5-18 (2002).

[108] Yoji Aoyagi – Gakuji Hasebe (eds), 2002. Champa Ceramics Production and Trade – Excavation Report of the Gò Sành Kiln Sites in Central Vietnam. The Study Group of the Gò Sành Kiln Sites in Central Vietnam (2002).

[109] Yuko Hirano, Buôn bán và phát triển của nó trong thời đại đồ Sắt Việt Nam qua nghiên cứu về đồ trang sức bằng thủy tinh – KCH, số 4:39-44 (H.2008).

CHỮ VIẾT TẮT

  • BAVH: Bulletin des Amis du Vieux Húe.
  • BCAI: Bulletin de la Commission archhéologique de l’Indochine.
  • BEFEO: Bulletin de l’Etude francaise d’Extrême-Orient, Paris.
  • BIPPA: Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association.
  • BSEI: Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Saigon
  • BTLSVN-TBKH : Bảo tàng Lịch sử Việt Nam-Thông báo khoa học, Hà Nội.
  • JSEAS: Journal of Southeast Asian Archaeology Society
  • KCH: Khảo cổ học, Hà Nội
  • KYHTQT:QHV-NTKQGLGS: Kỷ yếu Hội thảo QT quan hệ Việt-Nhật thế kỷ 15-17 qua giao lưu gốm sứ, H.1999.
  • NPHMVKCH: Những phát hiện mới về khảo cổ học, Hà Nội (1975-2011).
  • RI: Revue indochinoise.
  • SMJ: Sarawak Museum Journal
  • TCS : Trade Ceramics Studies.
  • VC:ST.AMRAP: Vietnamese ceramics: A Separate tradition. Art Media Resources with Avery Press. Stevenson & John Guy (eds.), Chicago, 1997.

Chú thích :

(1) Vườn Quốc gia Côn Đảo thành lập theo Quyết định số 135/TTg ngày 31/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, với tổng diện tích 15.043ha gồm 6.043ha phần đảo và 9.000ha phần biển [22;23].

(2) Kết quả điều tra 1993-2000 của Phân viện điều tra Quy hoạch Rừng II, Tp. Hồ Chí Minh [22;23].

(3) Kết quả điều tra của Viện Hải Dương học Nha Trang và Hải Phòng [22;23].

(4) Tham gia các đoàn điều tra – khai quật Côn Đảo gồm có: TS Nguyễn Trung Chiến, Nguyễn Văn Hảo, Đào Quý Cảnh, TS Lại Văn Tới, TS Nguyễn Mạnh Cường, Dương Trung Mạnh, Lê Hải Đăng, Nguyễn Đình Bướng, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Hữu Thiết (Viện Khảo cổ học) và Phạm Chí Thân, Hồ Khắc Bửu, Phạm Quang Minh, Nguyễn Văn Tâm, Phạm Quang Chiến (Bảo tàng Bà Rịa – Vũng Tàu), Phùng Thị Hương (Ban Quản lý di tích Côn Đảo) (PĐM).

(5) Trong các công bố về “Việt Nam, tập bản đồ hành chính 64 tỉnh, thành phố” (NXB Bản Đồ, Hà Nội, 2003, 2005), “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đều có niên đại 1834. Riêng các công bố của Nguyễn Đình Đầu, niên đại chỉ là 1840 [105]

(6) Đoàn gồm có: PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng (Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL), cán bộ Bảo tàng Vũng Tàu – Côn Đảo, các chuyên viên lặn Công ty Visal Việt Nam và các chuyên viên ngoại quốc gồm: Sverkiing Hallistrom, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hallstrom Holdings Oceanic (Thụy Điển), Stan William Angore chuyên viên người Anh điều khiển các trạm lặn, Flecker Michael David – hội viên Hội Khảo cổ học dưới nước
Australia phụ trách khai quật cùng các thợ lặn người Mỹ Edward Alphimae Camyre và người Canada Gottselig Garth Anbert, Baker Darryl Teevor.

(7) Các đoàn công tác 1991-1994 với sự tài trợ của Quỹ Nishida gồm có: GS Lương Ninh, PGS.TS Trịnh Cao Tưởng, PGS.TS Tống Trung Tín, PGS.TS Phạm Lý Hương, Phạm Như Hồ, TS Lê Đình Phụng, TS Bùi Minh Trí, TS Trần Anh Dũng, TS Nguyễn Mạnh Cường, TS Lê Thị Liên, TS Hà Văn Cẩn, TS Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Đăng Cường, Nguyễn Hữu Thiết (Viện Khảo cổ học), PGS.TS Phạm Đức Mạnh, PGS.TS Bùi Chí Hoàng (Viện KHXH tại Tp.HCM), TS Đinh Bá Hòa, Võ Thanh Hương (Bảo tàng Bình Định) và các học giả Nhật Bản Aoyagi Yoji (Chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Nam Á của Nhật Bản), Hasebe Gakuji (Giám đốc Bảo tàng Idemisu), Kido Yasutoshi, Kikuchi Seiichi, Marui Masako, Momoki Shiro, Morimoto Asako, Nishida Hiroko, Nishitani Tadashi, Ogawa Hidefumi, Ohashi Koji, Tanaka Kazuhiko, Tezuka Naoki, Tsuda Takenori, Yamamoto Nobuo (PĐM).

 

Rate this post
Bài trước
Côn Đảo qua ghi chép của Đại Nam Nhất Thống Chí
Bài sau
Những cứ liệu cũ về địa danh Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.