Côn Đảo – ký ức, hiện tại và tương lai

Những ngày tháng 8, tôi may mắn được tham gia đoàn công tác của Báo Hòa Bình vào các tỉnh phía Nam. Điểm đến đầu tiên của đoàn là huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Từ sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ hơn 40 phút bay là chúng tôi đã tới Côn Đảo. Từ trên cao nhìn xuống thấy những hòn đảo nhấp nhô, trong đó, Côn Đảo là đảo lớn nhất nổi lên giữa biển xanh bao la, sóng vỗ dạt dào bên những bờ cát trắng xóa. Côn Đảo có hình dạng như một con gấu lớn quay lưng về đất liền, chân hướng ra biển Đông.

Theo hướng dẫn viên du lịch, trung tâm hành chính huyện Côn Ðảo có chiều dài khoảng 15 km, chiều ngang chỗ rộng nhất khoảng 9 km, chỗ hẹp nhất khoảng 1 km, với diện tích 51.520 km2, chiếm gần 2/3 tổng diện tích cả quần đảo. Ðây chính là khu vực nhà tù do thực dân Pháp xây dựng năm 1930, sau này Mỹ – Ngụy tiếp quản, xây dựng thành “địa ngục trần gian”, nơi hơn nửa thế kỷ XX đã giam giữ, đầy ải, tra tấn những người con yêu nước của dân tộc Việt Nam. Từ trung tâm Côn Ðảo, những tuyến đường nhựa đưa du khách đến nghĩa trang Hàng Dương, đến trại biệt giam Chuồng Bò, cầu Ma Thiên Lãnh, lò vôi và các trại giam: Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Phong, Phú An, Phú Bình, Phú Hưng… nơi mà sau 113 năm kể từ khi trại giam đầu tiên được thành lập đến năm 1975 đã có hơn 20 nghìn chiến sĩ cách mạng Việt Nam phải trải qua những ngày biệt giam ở nơi này. 1.922 phần mộ tại nghĩa trang Hàng Dương, con số đó khiến bất cứ ai cũng hiểu mỗi viên sỏi, hạt cát nơi đây đều thấm máu những người con ưu tú của dân tộc.

Ông Phan Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội người tù kháng chiến tại nhà tù Côn Đảo chuyện trò với phóng viên Báo Hòa Bình.

Trong chuyến đi này, chúng tôi đã được trực tiếp gặp ông Phan Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội người tù kháng chiến tại nhà tù Côn Đảo. Ông Oanh bị địch bắt và đưa vào trại giam Phú Bình từ năm 1970 cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975). Ông là một trong 150 người tình nguyện ở lại Côn Đảo sau khi đất nước thống nhất và hiện chỉ còn 5 người còn sống.

Ông Oanh bùi ngùi nhớ lại: Tôi sinh năm 1945 ở xã Đông Hưng, huyện An Biên, nay là huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Năm 1970, tôi công tác ở Huyện Đoàn An Biên, trên đường đi công tác cùng 2 đồng chí khác, chúng tôi bị lọt vào ổ phục kích của biệt kích ngụy. Địch bắn tôi bị thương, một đồng chí hy sinh và chúng tôi bị bắt. Để đảm bảo bí mật cho tổ chức, tôi khai báo là trốn quân dịch, bị xử mức án 10 năm tù và bị đày từ khám Chí Hòa ra Côn Đảo.

Nhà tù của chế độ Mỹ – Ngụy nổi tiếng tàn độc. Đa số tù nhân bị nhốt vào những phòng giam chật trội, bị xiềng chân, xích tay, dây treo. Chúng thường dùng dùi cui, roi vọt, máy điện để xét hỏi, tra tấn. Hơn thế, chúng còn dùng những thủ đoạn tra tấn dã man như rắc vôi bột, đổ nước bẩn xuống đầu tù nhân, bắt tù nhân “đi tàu bay”, “đi tàu ngầm”, tắm mưa, phơi nắng, chôn chân dưới phân bò ngập 30 – 40 cm suốt ngày đêm… Thương nhất là những nữ tù, có thời điểm hàng tháng trời không có nước tắm rửa. Ăn uống thì vô cùng kham khổ, mỗi bữa, mỗi người chỉ được lưng bát cơm gạo mốc và một thìa nước mắm hoặc một miếng cá khô mục nát. Nhưng chính ở “Địa ngục trần gian” khét tiếng này, các chiến sỹ cách mạng đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cộng sản.

Dấu ấn sâu sắc nhất in đậm trong tâm khảm ông Oanh trong hơn 4 năm lưu đầy tại Côn Đảo là tình đoàn kết gắn bó, ý trí kiên cường, bất khuất của những chiến sỹ cách mạng. Dù bị đòn roi, tra tấn, lao động khổ sai nhưng họ cương quyết không hát quốc ca, không chào cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa, không suy tôn Tổng thống và không có ai chịu sự thúc ép của địch mà xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, những người tù cộng sản có sức hút mạnh mẽ đối với tù thường phạm, họ đã cảm hóa những tướng cướp lừng danh, những kẻ máu lạnh từng gây ra các vụ án “động trời” để cùng đoàn kết chống lại âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, khiến bọn cai ngục buộc phải tách riêng tù chính trị và tù thường phạm hòng giảm bớt áp lực trong quá trình cai quản.

Trước ngày 30/4/1975, ở Côn Ðảo không có dân thường. Trên đảo chỉ có bọn cảnh sát ác ôn, binh lính và vợ con của chúng. Ông Oanh nhớ lại: Ngày 4/5/1975, khi binh lính địch thông báo chế độ ngụy quyền Sài Gòn đã bị lật đổ, do cảnh giác trước âm mưu đàn áp, thủ tiêu của địch, chúng tôi không tin. Khi chúng lấy radio cho chúng tôi nghe chương trình của Đài phát thanh Giải phóng, ai nấy đều sung sướng tột cùng, tất cả cùng có chung cảm giác nhưng mình được sinh ra một lần nữa. Do xa đất liền, nên tù chính trị chúng tôi, chính là những người tiếp quản, bảo vệ và giữ gìn ANTT trên đảo trong những ngày đầu giải phóng.

Trong những năm gắn bó với Côn Đảo, ông Phan Hoàng Oanh đã từng là Bí thư Huyện Đoàn, Giám đốc Lâm trường, Trưởng BQL di tích Côn Đảo và hiện là Chủ tịch Hội người tù kháng chiến tại nhà tù Côn Đảo. Ông Oanh chia sẻ: Từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, 44 năm đã trôi qua, Côn Ðảo hôm nay, có thể thấy một cuộc sống mới đã rõ hình hài và đang trên đường phát triển. Sau mấy chục năm, khu trung tâm Côn Ðảo đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhà dân hầu hết là các nhà hàng và dịch vụ, nhiều nhà xây cao hai, ba tầng. Chợ Côn Ðảo có đủ các mặt hàng điện tử, may mặc, đồ gia dụng, ăn uống, giải khát, thực phẩm tươi sống. Tôi và bà con ở đây tràn đầy hy vọng đất nước sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn.

Chia tay ông Oanh, tạm xa Côn Ðảo giữa ngày nắng đẹp, trời xanh, biển biếc. Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi có cảm giác như Côn Ðảo đang cất cánh bay lên trong bình minh của cuộc sống mới.

Đức Phượng
https://baohoabinh.com.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
Chuyện về một người tù Côn Đảo bất khuất
Next Post
10 món ăn không thể bỏ lỡ khi đến với Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.