Chuyện về một người tù Côn Đảo bất khuất

Hoạt động cách mạng khi 20 tuổi, cụ Bùi Đình Hoàn, ở thôn Đoàn Xá 1, xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chẳng bao giờ quên những kí ức bị kẻ địch giam cầm, tra tấn tàn bạo đến gần chết nơi nhà tù Côn Đảo. Với sự can đảm, niềm tin vào lý tưởng cách mạng, Bác Hồ, cụ và đồng đội vẫn giữ vững khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản.

Một ngày giữa Tháng Tám lịch sử, chúng tôi tìm về thôn Đoàn Xá 1, con ngõ nhỏ dẫn vào nhà cụ Hoàn, hai bên đường, cờ Tổ quốc, băng rôn khẩu hiệu chào mừng Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tung bay phấp phới. Thấy chúng tôi, cụ Hoàn mừng lắm, khuôn mặt cụ bỗng chốc vui tươi hẳn. 95 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, chịu cảnh tù đày khổ ải nơi “địa ngục trần gian”, vậy mà cụ Hoàn luôn nói mình may mắn…

Trong ngôi nhà nhỏ hai gian quay ra ruộng lúa trước mặt, cụ Hoàn đôi mắt bỗng nhòa đi, chậm rãi lần giở những dòng hồi ký trên mảnh giấy ố vàng, nhớ về một thời hoa lửa… Nhấp ngụm trà nóng, cụ hồi tưởng, năm 1945, cụ tham gia kháng chiến, hoạt động trong lòng địch. Đến năm 1951, trong một lần hoạt động bí mật, do cơ sở bị bại lộ, cụ bị địch bắt tại khu vực chùa Bắc Mã và đưa vào trại giam ở Đồn Cao. Tại đây, cụ bị địch tra tấn, đánh đập dã man trong 20 ngày đêm. Không khai thác được gì, chúng kết án cụ 10 năm tù và đày ra Côn Đảo.

Cụ Bùi Đình Hoàn bên tấm Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng của mình. Ảnh: Long Vũ

Nhớ lại những tháng ngày gian khổ ấy, cụ Hoàn kể: “Sau khi bị bắt, bọn Pháp cho chúng tôi lên một chiếc xà lan chở rất đông người trên đó. Các anh em ở khắp nơi đều bị chúng bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo. Đi mất 7 ngày, chúng tôi – những cựu tù chính trị bị đày ra Côn Đảo, được đưa lên bờ. Hai bên đường, bọn giám thị, cai ngục, lính Pháp và hàng trăm tên trật tự cầm gậy tre liên tục chửi, đánh. Bọn chúng nhốt tôi vào phòng có rất nhiều đồng chí, trước đó cũng bị chúng bắt giam.

Trong suốt một tháng đầu tiên ở Côn Đảo, chúng tôi không ngày nào không bị đánh dã man. Bữa ăn của tù nhân là lưng gáo dừa cơm gạo hẩm, cá khô mục rữa… thấm cả máu. Người tù bị cùm chân, nằm dưới nền xi măng ẩm ướt, bị tra tấn. Họ không còn sức, muốn di chuyển phải bò lết. Người bị bệnh, già yếu, tật nguyền không được chữa trị, chỉ còn da bọc xương, răng, tóc rụng, ghẻ lở đầy mình. Bọn cai ngục tàn bạo đã dùng gậy mây gắn đinh đánh lên đầu tù nhân trong cả lúc ăn, bởi chúng muốn các chiến sĩ cách mạng phải khuất phục, phải gục ngã trước những trận đòn hiểm ác. Không nao núng trước những trận đòn thù, tôi và các chiến sĩ vẫn kiên trung, bất khuất”.

Gần 2 năm làm tù khổ sai trong xiềng xích, cụ Hoàn chứng kiến không ít đồng đội của mình hy sinh, bị vùi thân nơi hàng dương sóng vỗ. Nhiều lần, cụ Hoàn cùng đồng đội định vượt ngục, nhưng vì bị quản thúc và không có phương tiện rời đảo nên kế hoạch không thành. Trong thời gian bị nhốt trong ngục, cụ Hoàn cùng một số đồng đội khác, từng tham gia chiến đấu trước đây tập hợp lại, thành lập một số chi bộ cơ sở. Riêng cụ phụ trách chi bộ trại 4. Các đồng chí thề quyết tử, đấu tranh giữ vững khí tiết. Nghị quyết đầu tiên của các đồng chí đưa ra là chủ yếu đòi dân sinh với hình thức hợp pháp, nhẹ nhàng. Lần tiếp theo, biểu tình công khai đòi được thả tự do.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954, cụ Hoàn và các tù nhân chính trị được trả tự do. Trong quá trình thả tự do cho tù binh, bọn Pháp vẫn còn giở thủ đoạn đánh đập và bắn chết một số tù binh của ta. Sau khi được trả tự do trở về quê hương, cụ Hoàn được tổ chức phân công về làm lương thực ở Hòn Gai. Cụ vẫn tâm niệm, thời chiến cũng như thời bình, tổ chức phân công làm gì mình làm nấy, không nề hà, cốt sao được phục vụ cho Đảng, cho dân. Sau vài năm làm ở lương thực, cụ được điều động về làm công an của thành phố Hải Phòng.

Năm 1975, cụ Hoàn nghỉ hưu, trở về địa phương khi mang quân hàm Trung úy. Nhà nghèo, với đồng lương ít ỏi, cụ phải đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn. May mắn cho cụ có được người vợ hiền đảm đang. Cụ bà vốn là người cùng quê, đẹp người, đẹp nết nhất thôn Đoàn Xá 1. Người vợ ấy đã cùng cụ Hoàn chịu đựng những ngày gian khó, nuôi dạy 4 người con nên người, chăm sóc cụ những lúc trái gió trở trời, vết thương của những ngày tù ngục lại hành hạ. Nhưng không may, cụ bà mắc bệnh hiểm nghèo và sớm qua đời.

Giờ đây, tuổi cao, sức yếu, nhưng ngày nào cụ Hoàn cũng nghe đài và xem ti vi về thời sự và các phim lịch sử về Đảng, cách mạng. Ngoài ra, cụ còn thường kể chuyện cho các cháu học sinh ở các trường trên địa bàn thị xã về ngày truyền thống cách mạng để bồi đắp thêm tình yêu, lòng tự hào cho các cháu. Quá nửa đời người thầm lặng vì cách mạng, vì sự bình yên và tự do cho dân tộc, cụ Hoàn cũng giống như nhiều chiến sĩ cách mạng khác đã có những tháng ngày trải qua giây phút đau đớn về thể xác, nhưng vẫn kiên trung vì lý tưởng cách mạng.

Được tiếp xúc với cụ Hoàn – cựu tù nhân Côn Đảo, chúng tôi càng cảm thấy trân trọng hơn những chiến sĩ lão thành cách mạng, những tù nhân Côn Đảo ngày nào, giờ đây đã ở tuổi xưa nay hiếm. Cụ và những đồng đội đã hy sinh cả cuộc đời cho dân, cho nước, đi qua hai cuộc chiến tranh, trở về sống giữa đời thường, vẫn luôn là tấm gương sáng về lòng tận tụy, đức hy sinh vì Tổ quốc, xứng đáng để lớp lớp thế hệ trẻ noi theo.

Long Vũ
https://www.bienphong.com.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Thạch sùng Côn Đảo
Bài sau
Côn Đảo – ký ức, hiện tại và tương lai
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.