Côn Đảo, Hoàng Sa và cụ Huỳnh Thúc Kháng

Côn Đảo, Hoàng Sa, Trường Sa là những vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc, giữ một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ xây dựng đất nước Việt Nam từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Các quần đảo này có vị trí địa lý, địa tài nguyên, địa kinh tế, địa chính trị xếp vào tầm lợi ích quốc gia.

Trong tâm trí của người Việt, nếu Hoàng Sa, Trường Sa là nơi thể hiện bản lĩnh, tinh thần “đạp sóng dữ”, là bản hùng ca vươn ra biển lớn của người Việt thì Côn Đảo là nơi chui rèn tinh thần, ý chí, nghị lực và làm nồng thêm lòng yêu nước của những người dám đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Nó còn được xem là trường học tự nhiên của những người sĩ phu, trí thức, chiến sĩ cách mạng.

Trong hàng trăm người tù bị đày ở Côn Đảo dưới Pháp thuộc, Huỳnh Thúc Kháng là một nhân vật tiêu biểu. Trong suốt 13 năm tù đày, cụ đã viết quyển sử tù Thi tù tùng thoại để lại cho thế hệ sau nhiều sử liệu quan trọng về các nhân vật, sự kiện lịch sử của Côn Đảo nói riêng, cả nước nói chung. Khi làm chủ bút tờ báo tiếng Dân, Mính Viên viết một loạt bài báo khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Năm 2012 là năm kỷ niệm 150 năm nhà tù Côn Đảo, cũng là năm kỷ niệm 65 ngày cụ Huỳnh mất. Với những sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy, viết về Huỳnh Thúc Kháng – người cựu tù Côn Đảo khẳng định chủ quyền đảo Hoàng Sa-thiết nghĩ, là một việc làm ý nghĩa.

I. Sinh ra ở đất Quảng Nam

Sách Huỳnh Thúc Kháng Tuyển Tập

Huỳnh Thúc Kháng sinh tại làng Thạnh Bình, Tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phuớc, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) vào năm 1876. Cụ được người đời biết đến bởi thông minh, học giỏi, đỗ đầu trong nhiều kỳ thi. Cùng Trần Quý Cáp, Phạm Liệu, Huỳnh Thúc Kháng được xem là Tam hùng của đất Quảng Nam. Cụ Huỳnh vừa là người tài cao vừa có phẩm hạnh tốt. Sinh ra ở Quảng Nam – cụ sớm hấp thụ những tinh hoa của vùng đất địa linh nhân kiệt. Đó là những đức tính ham học, trung thực, thẳng thắn, khẳng khái và nhạy cảm với cái mới; điềm đạm, sốt sắng việc công và đầy khí phách, bạo nói[1], hay cãi, đặc biệt là luôn hành động. Con người vùng đất này “thấy trước mặt mình toàn là người đương đi, chớ ít ai đứng lại quan sát, nhìn ngắm mình. Do vậy, con người xứ Quảng ít khi nào thấy tâm hồn mình có thể thanh thản. Sự ngừng nghỉ đối với dân Quảng Nam chỉ là việc ảo tưởng. Thêm vào đó, phong tục, đất đai…là những động cơ thúc đẩy người dân trong xứ phải làm việc, suy nghĩ cho hợp với hoàn cảnh bên ngoài cũng như bên trong mới có thể hòa đồng được với thiên nhiên để sống còn”[2].

Huỳnh Hanh, thời trẻ, vượt lên những hoàn cảnh khó khăn để đến với sự học. Đỗ cao trong các kỳ thi, cụ Huỳnh không ra làm quan mà chọn con đường đấu tranh chống lại chính sách đàn áp của triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp, những bất công và lạc hậu của xã hội, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Ở cụ, nguời cùng thời và các thế hệ sau đều cảm nhận rõ sự vuơn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó, hăng hái làm việc nghĩa, rất can đảm, sẵn sàng hy sinh đấu tranh chống những thế lực đàn áp[3].

Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phan Châu Trinh – những người con của đất Quảng Nam ưu tú- đã cùng nhau làm nên phong trào Duy Tân nổi tiếng ở Trung kỳ nhằm phê phán những hủ nho, hư học; đề cao tân học, thực học. Luôn vận động trong suy nghĩ, hành động và trong phong trào đấu tranh vì lợi ích dân tộc, Huỳnh Thúc Kháng bị bắt giam và đày ra Côn Đảo. Trong 13 năm lao tù, nhân cách và bản lĩnh của cụ Mính Viên càng thể hiện rõ. Nhưng chính những năm tháng ở Côn Đảo-Trường học tự nhiên đã giúp người thanh niên trẻ hoàn thiện nhân cách, chui rèn ý chí, tinh thần và bản lĩnh của một Viện trưởng, nhà báo tương lai và sau này là Bộ trưởng Nội vụ của Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

II. Tại nhà tù Côn Đảo, với “chút tự chư về tinh thần” dùng “thi văn” để viết

Thi tù tùng thoại, nhằm làm món ăn tinh thần “đầm thầm” và “bổ ích” Ngày 23/9/1908, Huỳnh Thúc Kháng đến Côn Đảo. Cụ đặt chân đến nhà tù này với một tinh thần lạc quan như nhiều nhà yêu nước cùng thời. Sau 3 năm ở tù, cụ Mính Viên khẳng định:

“ Tích niên kim nhật đáo Côn Lôn;

Tù huống tân toan yết cương thôn,

Bồ tịch lâm giai biên bạch trú,

Tây thơ bang khích triển hoàng hôn..

Dịch thơ:

Ngày nay năm ngoái đến Côn Lôn

Cay đắng mùi tù nuốt cứ ngon

Thềm gạch ban ngày đan chiếu lác

Kẽ phên chiều tối học bài con…”[4].

Dù thân thể bị giam cầm và chỉ còn một chút tự do nhưng cụ Huỳnh dùng chút tự do để viết thi văn, dùng việc viết thi văn để giữ được tấm lòng kiên trung với đất nước, kiên định với con đường đã chọn. Đó là một sự điềm tĩnh trước những biến đổi của thời cuộc. Ngay trong Bài tựa sau của quyển sách Thi tù tùng thoại, cụ đã ghi rõ:

“ Đến như cảnh tù, trăm điều tự do không còn một chút gì, đến cái xu xác cũng không phải của mình , chỉ lưa có một chút tự chư về tinh thần mà muốn an ủy cho tinh thần thì lại là món ăn tinh thần rất thích hợp. Vậy tôi dám nói: Ở tù mà dùng thi văn làm món đi dưỡng tinh thần, không phòng hại gì mà sự bổ ích rất rõ ràng: trong trường học thiên nhiên 13 năm (1908-1921) cả bọn đồng thời với tôi, cả thân sĩ cho đến người, kẻ chết không nói, người còn mà được tha về, vẫn giữ được tấm lòng không thay đổi. Biết đâu không nhờ món nuôi tinh thần đầm thầm đó mà không tự biết”.[5]

Côn Đảo là trường học tự nhiên, là nơi để Huỳnh Thúc Kháng cùng những nhà yêu nước cùng thời tiếp xúc, đàm luận, trao đổi và cùng phát triển. Bởi, sợi dây kết nối những nhà sĩ phu yêu nước đầu thế kỷ XX là tinh thần vì dân, vì nước. Ở họ, mỗi người có cách đấu tranh riêng nhằm mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, nhưng luôn dành cho nhau sự quý mến và trân trọng, xem nhau là bằng hữu dù chưa gặp mặt. Chính vì vậy, khi biết cụ Huỳnh đến, cụ Phan Châu Trinh đã tìm cách gửi một bức thư với nội dung “ Thoạt nghe tin anh em ra đây, dậm chân vang trời một tiếng! Đoạn, tự nghĩ rằng anh em vì quốc dân mà hi sinh đến phải ra đây, chắc là có trăm điều vui mà không có chút gì buồn. Đây là một trường học thiên nhiên, mùi cai đắng trong ấy, làm trai giữa thế ký 20 này, không thể không nếm cho biết…”[6].

Sau bức thư của cụ Tây Hồ, Bắc Hà thượng cát Trần Trọng Cung gửi một bài thơ:

“….Nhơn hữu đồng tâm tăng kích khái,

Võ vô dụng địa khấp anh hùng,..”

Dịch thơ:

“Người có đồng lòng thêm khẳng khái,

Võ không lưa đất khuẩn anh hùng…”[7]

Về việc đàm luận trong tù, Thi tù tùng thoại ghi lại cuộc “tranh luận chủ nghĩa” giữa Huỳnh Thúc Kháng và Phan Châu Trinh cụ thể:

“ Cụ Tây Hồ đối với đại cuộc nước nhà và tình thế trong ngoài, quan sát bằng cặp mắt đặc biệt, có khác với phần đông trong bạn đồng thời. Cụ Tây học về thuyết “dân quyền” tâm đắc một cách sâu sắc, không phải ném cạn nghe mùi như ai, nên cảnh hành động cơ cảnh, và gặp việc nhận đề, thường biết thấy tâm sự cụ, không rõ thâm ý thế nào.

Sang Nhật về, đưa ngay lên chính phủ Pháp một bức thơ, đó là một việc làm không ai tưởng trước.

Lúc cụ ở Côn Lôn có cùng tôi bàn giải tâm sự xã hội.

Tôi hỏi: – Xem ý chánh phủ Pháp đãi ông theo cách đặc biệt, chắc trong bọn ta, ông sẽ về trước, sau về nước sẽ làm thế nào?

Cụ trả lời: Tôi được về thì xin đi sang Tây ngay, ấy là bước đầu. Còn bao nhiêu công việc khác sẽ tùy tình thế mà hạ con cờ, không thể nói trước được”[8].

Nói chuyện “chủ nghĩa” là việc thường xuyên trong nhà tù Côn Đảo. Cụ Huỳnh kể lại “ lúc ấy trong khám B vấn đề chủ nghĩa sôi nổi rất náo nhiệt, không ngày nào không bàn chủ nghĩa. Những người thực lòng yêu nước, thương xác trao đổi ý kiến để dung hòa thành kiến, cũng có người chỉ bận cãi om sòm nghe cũng chán”[9]. Có thể thấy, những buổi “anh em nói chuyện khoa học, triết học, cùng học thuyết Âu Tây” ít nhiều ảnh hưởng đến cụ Huỳnh trong việc nhìn vấn đề một cách toàn diện. Qua những buổi đàm luận, Huỳnh Thúc Kháng tự rút rằng:

“Tôi viết một bài biện hộ cho cụ Tây Hồ, đại ý nói thời cuộc ngày nay khác với cuộc thế đời xưa là cái cuộc thưở nay chưa từng có. Ai có mắt nên trông toàn cuộc, và có định lực nên kiên trì, tâm sự của kẻ anh hùng không thể bằng theo chỗ thấy ít biết gần mà suy trắc. Cụ Tây Hồ đi Tây, tất có định kiến thế nào, “gặp đề hẹp đi đường rộng” nên chờ xem cuộc sau nầy ra sao…”[10].

Trong tù, cụ Huỳnh vẫn rất “Quảng Nam”, tinh thần ham học được duy trì. Ông đem theo bên mình một quyển Pháp Việt từ điển của Trương Vĩnh Ký, một quyển Lecturelangague, một quyển mẹo (Grammaire), mỗi ngày giờ làm việc xong vào khám học chữ Tây. Cùng học với Huỳnh Thúc Kháng còn có Ngô Đức Kế và vài ba người khác. Dù sau này sách bị tịch thu nhưng cụ cùng những người khác vẫn tìm sách tiếng Pháp để học.

“Bọn tù “Politique” được ở riêng trong khám, không có bọn tù khác khuấy nhiễu; mỗi bữa nghỉ trưa, vào khám là kẻ học người viết. Sau lại mua thêm một ít sách Lecture và sách mẹo, cùng một bản “L’Histoire nationale Francaise” cùng nhau nghiên cứu, có hiểu biết Pháp văn ít nhiều”[11].Sự nhạy bén với các mới của người Quảng Nam càng được thể hiện rõ ở cụ Huỳnh. Chỉ “một thẻo báo Hoa kiều ở Xiêm, do cụ Tây Hồ gửi xem, trong có thuật tin trận đánh Đề Thám ở Phồn Xương (An Thế), cùng vài tin khác, cho rằng cái máy dân quyền ở Việt Nam đã bắt đầu chuyển động…”[12].

13 năm tù đầy cũng là khoảng thời gian cụ Mính Viên trải qua nhiều việc làm khác nhau, nhẹ nặng đều có. Mọi việc đối với cụ Huỳnh đều được xem là một sự trải nghiệm để tiếp xúc và cọ xát với thực tế dù trong một hoàn cảnh đặc biệt. Cụ kinh qua công việc của người thợ thủ công, người làm xâu, đón củi, của người thông ngôn, người nông dân và cả tập thành làm người đi buôn. Bởi như cụ Huỳnh từng thú nhận: “ Tôi, một anh học trò, gốc sanh trưởng nhà nông nghèo trong thôn quê, đã là cái hoàn cảnh phác dã thô vụng, khô khan quê kệch, gia dĩ trời phú ham mê về sự học, nửa đời người tôi, ngoài thơ văn sách vở, gần như không có cái gì gọi là mỹ cảm”[13].

Về công việc đập đá, Thi tù tùng thoại ghi lại “ có một việc mà chúng tôi (HTK-TG) trọn đời không quên được. Nguyên xâu trong tù thì đập đá là công việc nhẹ nhất. Chúng tôi mới lại tháng đầu, còn bị cấm cố trong khám, thường ngày ma tà dẫn ra cùng bọn tù kia đập đá lớn nhỏ, cầm búa đập xuống là rã ra từng miếng, trong chốc lát đã thấy đống đá rồi chất đóng. Duy có “tụi quan to” chúng tôi thì ra sức khẽ mà viên đá không chịu bể.

Đến viên đá con con mà rút cả thần lực đập luôn 5,7 búa, nó vẫn cứng cổ, không them bể, mới nực cười cho chớ!”[14]. Về công việc dọn tàu nặng nhọc, cụ kể: công việc dọn tàu nặng, đến ngày tàu lại, trừ các sở đặc biệt như sở ghế, sở lò gạch cùng các sở nhất định đi làm ngoài, còn các tạp dịch đều đình lại làm việc dọn tàu cả, có khi trưa không nghỉ, có khi dọn đến 8 giờ tối mới xong. Đó là việc năm 1908-1910, lúc chúng tơi mới ra,c ó dọn 2 lần, rất là tê mê bải hoải, rước lấy vô số là roi[15].

Bên cạnh, cụ Huỳnh đế với công việc trong phòng giấy như một sự hạnh ngộ. Cụ viết: công việc trong phòng giấy đối với tôi lại là trường học. Lúc mới vào không hiểu gì cà. Nhưng dần dần rồi tìm ra mối manh, thấy rõ người Tây về mặt sổ sách, biên chép, số mục thứ lớp, cái gì ra vào cùng ghi ngày tính tháng, cũng có môn loại rành rẽ, nhân đó được môn học thực nghiệm về mặt làm việc tập sự mà có thú, trong đôi ba tháng, đã thành tay thạo, Phàm phần việc của tôi cho đến sổ sách, đều gji chép hằng ngày, không có việc gì sai lầm, tánh lại hay nhớ, hỏi cái gì tôi trả lời ngay được, nên chef Gardien (M.Campion) trước còn nghi ngờ, sau lại thấy “bọn quan to” không có cái lối gian dối như tù thường kia, nên đãi cách dễ chịu”[16]. Trong khoảng thời gian này, cụ vẫn tiếp xúc với thời sự bên ngoài qua báo. “Tôi ở phòng giấy Gardein Chef thường được qua lại sở điểm báo, thấy những tin “Arip” yếu nơi tường. Như chuyện Trung Quốc cách mạng năm 1911 và cuộc Âu chiến 1914. Thấy được tin thuật lại cho an hem rất lấy làm thích”[17].

Dưới thời Tham biện O.Coonell, những tù quan to như Huỳnh Thúc Kháng được mở tiệm buôn bán. Chính trong bối cảnh đó, tinh thần lạc quan và tự do của những con người yêu nước thể hiện rõ nét.

“ Ở trong tù mà mấy tiệm buôn của tụi quan to tranh với mấy tiệm khác, quyền lợi độc hưởng của mấy chí Chệt trải từ lâu nay, nay bị bọn tù chia bớt, mà phong lưu nhất là bọn quốc sự phạm, nhiều người quên mình ở cảnh tù, rõ là cái trường hợp không ngờ!”

Cụ Huỳnh làm một bài thơ thể hiện rõ suy nghĩ cũa cụ:

“ Đố sát Côn lôn quốc sự tù

Lợi quyền chiếm tận cánh phong lưu,

Bàng nhân nhược vấn đương niên sự,

Như thử thanh nhàn dĩ tự do”

Dịch thơ

“Tù quan to nọ đáng ghê chưa!

Được lợi, phong lưu vẩn chẳng vừa.

Ai hỏi trước kia nào những chuyện?

Như vầy cũng đã tự do thừa!”[18]

Đặc biệt, công việc làm nông đã gây cho cụ Huỳnh nhiều cảm xúc.

“Tân khổ điền gia trước thủ sơ

Phong lưu tỷ tích cánh hà như,

Lăng hàn lâm bạn triêu khu độc,

Mạo thử khê biên ngọ đái sừ,

Thủy hạc ti diền khuynh tự bản,

Nê thâm mãn thảo mạt ư sơ

Nho gia quán bảo nhân gian phạn,

Đản hướng bàn gian luận tế sơ,

Dịch thơ

Khó nhọc nghề nông mới mó tay

Phong lưu ngày trước khổ ngày nay?

Sương mai, cạnh núi băng lửa nghé,

Nắng xế, bờ khe gắng kéo cày,

Nước cạn nủa phần chênh ruộng dốc.

Bùn sâu mấy lớp cỏ lung dày.

Nhà nho chỉ biết cơm xơi mãi,

Làm những công việc của các tầng lớp khác nhau trong hoàn cảnh mất tự do, Huỳnh Thúc Kháng ít nhiều hiểu thêm nỗi khổ của những tầng lớp khác của xã hội. 13 năm đó, cụ Huỳnh đã sống, học tập và trải nghiệm. Khi nhắc về những năm tháng tù đày của cụ, Nguyễn Q. Thắng viết “Côn Lôn vì vậy đã mà tôi luyện, mài dũa Huỳnh Thúc Kháng nên một con người toàn diện trong tình tự dân tộc đã sản sinh ra con người đó nên một bài học lớn cho hậu thế”[20]. Sau khi ra tù, cụ trở thành Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ, lập tờ báo Tiếng Dân, dùng sức mạnh của báo chí đấu tranh cho những quyền của người Việt Nam.

III. Ra tù, dùng Tiếng Dân khẳng định chủ quyền nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 10/8/1927, Huỳnh Thúc Kháng sáng lập ra nhà in và báo Tiếng Dân. Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên ở Trung kì, nó là tiếng nói của nguời dân trong hang cùng ngõ hẻm; nó nói lên tiếng phần lớn của nhân dân Việt Nam thời ấy. Những hàng chữ trên mặt tờ báo là những hàng mực nhiệt thành xuất phát từ bầu nhiệt huyết của ông đều nhắm tới một đối tượng chính : nhân dân. Nó là một cơ quan ngôn luận nặng hơn là thông tin;

Nguời đọc tờ báo không phải thuần chỉ đọc những dòng chữ mà còn đọc nơi tâm hồn, nhân cách của nguời chủ trương, người viết những bài bình luận[21]. Trải đều trên các chuyên mục, nguời ta thấy Huỳnh Thúc Kháng xuất hiện với những bút danh khác nhau : Khách quan trên mục bình luận tình hình thế giới ; Chuông Mai trong mục Chuyện đời ; Minh Viên trong những bài có tính chất quan trọng và Huỳnh Thúc Kháng khi cần trình bày một sự kiện cấp bách, rất hệ trọng. Tồn tại 16 năm, báo Tiếng Dân phản ánh nhiều mặt đời sống Việt Nam lúc bấy giờ: từ chủ đề kinh tế, chính trị, xã hội đến văn hóa và những sinh hoạt thành thị và nông thôn. Tờ báo của ông gắn liền với những vấn đề thời sự và chính trị của nuớc ta lúc bấy giờ.

Những năm tháng tại Côn Đảo góp phần tôi luyện thêm “ ý thức gánh vác việc non sông đất nước và nhạy cảm với vấn đề biên cương”[22] cũng như “ý thức trách nhiệm chính trị” của cụ Mính Viên. Chính vì vậy năm 1938, khi cuộc chiến tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Pháp và Nhật trở nên gay gắt. Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết một loạt bài về quần đảo này. Đặc biệt, bài Dấu tích đảo Tây Sa (Parasels) trong lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản “Phủ Biên Tạp Lục” có một ý nghĩa lớn. Bởi so những người sĩ phu yêu nước cùng thời, cụ đã lên tiếng sớm hơn và trên một cơ quan ngôn luận lớn nhất Trung Kỳ về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đoạn mở đầu của bài viết như sau : “Như trong bài báo Tiếng Dân số trước đã nói, đảo Tây Sa là mấy hòn đảo con con làm nơi trú cho loài chim biển ở ngoài biển khơi, không ai cần để ý đến, mà nhân cuộc Trung Nhật chiến tranh trở nên một vấn đề nghiêm trọng trên trường quốc tế, rõ là một điều không ngờ . . .Thì nay chúng ta lại phát kiến một điều không ngờ nữa là một mớ sách chữ Hán của tiền nhân ta trứ thuật, lâu nay đã bỏ xó, lề hư bìa nát, phần đông, nhất là bạn thanh niên, cho đó là một thứ học mượn, thứ chữ chết, không cần đếm xỉa đến, nay nhân vấn đề đảo Tây Sa, trở thành món tài liệu rất quý giá có quan hệ đến công pháp quốc tế không phải là ít” .

Để chứng minh cho luận điểm của mình, Huỳnh Thúc Kháng đã dẫn ra hàng loạt sự kiện quan trọng thông qua các sách lịch sử như Ðại Nam Nhất Thống Chí, Lịch Triều Hiến Chương của cụ Phan Huy Chú, Bản Triều Chính Yếu Thực Lục, Bản Biển Sử Cương Giám của Nguyễn Thông, Cống Hạ Ký Văn của cụ Dương Quốc Dung, Mán Hình Thi Thoại và Ðông Hành Thi Thuyết của cụ Lý Văn Thứ,…Cụ Huỳnh đánh giá rất cao giá trị của cuốn Phủ Biên tạp lục. Bởi “tác phẩm bản Phủ Biên Tạp Lục của cụ Lê Quý Ðôn là nói rõ hơn hết ”. Đồng thời, Phủ Biên Tạp Lục còn là tài liệu thành văn xưa nhất đến nay ta còn giữ có những ghi chép cụ thể về quần đảo Hoàng Sa (và Trường Sa).

Bài chuyên khảo đã giới thiệu đến “nguời dân trong hang cùng ngõ hẻm” những tác phẩm lịch sử có giá trị về chủ quyền biển đảo của dân tộc. Số lượng độc giả của báo Tiếng Dân thuộc loại lớn của miền Trung. Vì vậy, nhìn ở góc độ tính tuyên truyền của báo chí, bài viết đã tuyên truyền đến hàng trăm, thậm chí là cả hàng đồng bào Việt Nam về lịch sử khai thác và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa hàng trăm năm trước.

Cuối bài, Huỳnh Thúc Kháng khẳng định lại: “Vấn đề “quốc tịch đảo Tây Sa” này, nếu trên sân khấu quốc tế, nhận chủ quyền sở hữu của những ai chiếm trước và có tài liệu làm chứng hẳn hoi, như luật điền thổ, khai tài, khai lập nghiệp ở xa, bằng theo lộ tịch và phân thư chúc từ của tiền nhân để lại, tưởng không có nước nào có chứng cứ đầy đủ như nước ta”.

Có thể nói với bài viết trên một tờ báo “ mang nặng tính ngôn luận”, một trí thức yêu nước đã thay mặt cho hàng triệu đồng bào Việt Nam, dựa trên những bằng chứng lịch sử cụ thể tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Lời tuyên bố mạnh mẽ của Huỳnh Thúc Kháng là một trong những lời tuyên bố hiếm hoi của người trí thức, có tinh thần “cách mạng công khai” lúc bấy giờ.

* * *
Cuộc đời trí thức Huỳnh Thúc Kháng là một hành trình sống, học tập, trải nghiệm và hành động. Đến cuối cuộc đời, ông cũng ra đi khi đang hành động vì dân vì nước. Từ Thi tù tùng thoại đến những bài viết khẳng định chủ quyền biển đảo nước ta trên báo tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đều thể hiện: “ý thức gánh vác việc non sông đất nước và nhạy cảm với vấn đề biên cương” cũng như “ý thức trách nhiệm chính trị” của một người trí
thức

Cuộc đời đó có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên liên quan ít nhiều đều những vùng biển đảo quê hương. Nhưng những sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy lại điểm sáng thêm cho cuộc đời của một si phu cấp tiến. Đặc biệt, những năm tháng tù đày Côn Đảo đã giúp người thanh niên trẻ họ Huỳnh thêm dày dặn, trưởng thành và mạnh mẽ. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương cho những người trí thức dám sống, dám nghĩ và dám hành động với một tâm hồn trong sáng.

NGUYỄN THẾ TRUNG
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP.HCM

Rate this post
Previous Post
Những cứ liệu cũ về địa danh Côn Đảo
Next Post
Mảnh đất, con người Côn Đảo

1 Bình luận. Leave new

Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.