Chuyện về tên gọi Núi Chúa và kho báu ở Côn Đảo

Nằm ở vị trí trung tâm Côn Đảo, Núi Chúa sừng sững như bức trường thành hùng vĩ che chắn, bao bọc cho toàn đảo và soi bóng dưới mặt hồ nước ngọt Quang Trung thơ mộng. Những câu chuyện về kho báu của chúa Nguyễn Phúc Ánh khi bôn tẩu nơi đây cũng là điều kỳ thú.

Ngọn Núi Chúa trước hồ Quang Trung ở Côn Đảo.

Trước năm 1975, Núi Chúa là ngọn núi mà mỗi sáng tù nhân thức dậy, hay trước khi đi làm khổ sai trông lên đều nhìn thấy và mới biết mình còn sống. Nếu một khi qua đời, tù nhân sẽ gửi xác tại nghĩa địa Hàng Keo (một nghĩa địa thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ XIX, nằm sát mé biển, nơi có nhiều cây keo mọc hoang). Vì vậy, ở Côn Đảo còn lưu truyền câu ca dao biết bao thế hệ tù nhân “nằm lòng”:

“Côn Lôn đi dễ, khó về

Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo”.

Vì sao lại có tên gọi Núi Chúa? Tư liệu “Côn Đảo, ký sự và tư liệu” có ghi: Năm 1788, khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) bôn tẩu ra Côn Lôn (tức Côn Đảo ngày nay), cùng đoàn tùy tùng khoảng 100 gia đinh. Chúa Nguyễn Phúc Ánh dự định kế hoạch lâu dài (dưỡng quân, chiêu binh, cầu viện) nên lập ra 3 làng: An Hải, An Hội, Cỏ Ống để đoàn người tự túc nuôi quân, dựa vào các đảo chủ yếu Côn Lôn và Phú Quốc làm căn cứ bàn đạp chống quân Tây Sơn.

Tương truyền, trên một ngọn núi cao ở Côn Đảo có hang là nơi trú ẩn của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Ngoài ra, trên đỉnh núi còn lưu lại dấu tích 1 bàn cờ khắc trên đá, vừa tầm 2 người ngồi chơi, tục truyền do quân sĩ tạo dựng làm nơi cho chúa Nguyễn Phúc Ánh đánh cờ giải trí. Vì vậy, nhân dân trên đảo gọi tên ngọn núi này là Núi Chúa.

Tại Côn Đảo có lưu lại câu chuyện phát hiện ra những kho báu của chúa Nguyễn Phúc Ánh đã chôn giấu trong những ngày bị quân Tây Sơn truy đuổi. Theo nguồn tư liệu của người Pháp để lại cho biết, những cư dân ở làng An Hải là con cháu trực tiếp của chúa Nguyễn Phúc Ánh. Họ giữ cẩn thận những quyển sách cổ viết bằng chữ Nho. Người ta cũng nói tới những bộ giá và súng cổ tìm thấy trong hầm mộ dưới thời Thống đốc đảo Lambert. Khắp nơi trên đảo đồn đại về chuyện những kho vàng được chôn giấu.

Chuyện kể, ngày 25/11/1896, trong vòng thành trại I, người tù Đặng Văn Tám trong khi đào cống thoát nước đã bắt gặp 2 cái lu to đầy tiền bằng đồng và vòng vàng. Có lẽ đây là một trong những kho báu của chúa Nguyễn Phúc Ánh chạy trốn chôn cất trước khi bỏ chạy sang Xiêm khi bị các thuyền quân Tây Sơn vây hãm. Để xử lý kho báu, Thống đốc Nam Kỳ là Thiếu tá Ducos đã ra một quyết định ngạc nhiên nhưng đúng luật. Ông ra lệnh cho nhân viên thu ngân công sản Sài Gòn bán kho báu và chia số tiền bán được thành 2 phần bằng nhau, 1 phần nộp cho Bộ Thuộc địa, 1 phần trả cho người tù khổ sai Đặng Văn Tám. Ông giải thích việc này trong báo cáo ngày 14/1/1897 như sau: “Khi 1 kho báu tìm thấy một cách tình cờ, theo luật định, người tìm ra nó có quyền được hưởng một nửa, nửa kia thuộc sở hữu của chủ mảnh đất”.

Trong “Tư liệu Côn Đảo, ký sự và tư liệu” có ghi: Năm 1930, một phạm nhân làm khổ sai ở Bến Đầm bắt gặp một cái hũ, một dây đai bằng vàng. Vào năm 1930-1940, người ta cũng đào được ở làng An Hải một lu đựng chén đĩa sứ cùng những đồ văn phòng tứ bảo và ấn triện của vua, chúa.

Những câu chuyện trên lý giải về sự xuất hiện địa danh Núi Chúa ở Côn Đảo đã có cách đây mấy trăm năm. Ngày nay, Núi Chúa nằm trong diện tích Vườn Quốc gia Côn Đảo với muôn chủng loài động, thực vật đa dạng sinh học, hấp dẫn các nhà nghiên cứu khoa học và du khách tham quan đối với loại hình rừng nguyên sinh trên biển.

NGỌC TRÂN
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Rate this post
Previous Post
Chuyện về tên gọi bãi Ông Đụng ở Côn Đảo
Next Post
Côn Đảo tạm dừng tiếp nhận khách du lịch từ 0 giờ 24/3/2020
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.