Huyện Côn Đảo gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, từ lâu đã là điểm du lịch, nghỉ dưỡng, hành hương nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Đến Côn Đảo, hẳn nhiều người sẽ thắc mắc vì sao những hòn đảo nơi đây lại có tên: Hòn Bà, Hòn Cậu, Hòn Cau, Hòn Trác, Hòn Tài…
Trải qua nhiều thế kỷ, những tên gọi ấy vẫn còn lắng đọng trong những câu chuyện lưu truyền cho đến hôm nay. Đó là những cuộc tình ngang trái, gợi nên nỗi niềm khắc khoải về những số phận con người đã từng tiên phong vượt biển, có mặt từ rất sớm trong buổi đầu khai phá vùng đất hoang sơ này.
Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng thế kỷ thứ XVIII ở làng Cỏ Ống (Côn Đảo) có đôi vợ chồng sinh sống bằng nghề chài lưới và làm vườn. Người chồng giữ chức Hương Câu trong làng, người vợ được dân làng quen gọi là bà Tranh. Hai ông bà chỉ có một người con trai là Trúc Văn Cau. Bấy giờ, trong làng có cô Mai Thị Trầu, con gái duy nhất của ông Đinh và bà Bèo. Cô Trầu là một thiếu nữ mặn mà duyên dáng cũng theo đòi nghiên bút, nghiệp văn chẳng kém chàng Cau. Một hôm, Cau đi thăm bẫy trên núi, tình cờ gặp cô Trầu đang mang giỏ bẻ măng. Giữa nơi rừng rậm thanh vắng, cô bèn mượn câu ca dao cất tiếng hát để ướm thử lòng người quân tử:
“Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng
Cau tươi ăn với trầu vàng xứng không?”.
Thấy người đẹp khéo lựa câu ca dao có tên nàng và tên mình, chàng không khỏi xúc động, bèn đối lại:
“Mai cùng chen với Trúc xanh
Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”.
Thế rồi, mặt nhìn mặt cạn lời non nước, tay nắm tay kết chặt dải đồng. Lửa gần rơm lâu ngày thì bén, sức nào ngăn sóng biển tình? Song song như bóng với hình, khi yêu thôi có tiếc mình làm chi.
Nhưng đây là mối tình thầm lặng giữa đôi trai gái, cha mẹ hai bên chưa hay biết. Một hôm, chàng Cau ngỏ ý với cha xin cưới nàng Trầu làm vợ. Thoạt nghe, ông Hương Câu biến sắc. Sau một hồi suy tính, ông Hương Câu bèn ghé vào tai con trai nói nhỏ: “Không được đâu con ạ. Việc này đáng lẽ ra cha phải giữ kín. Nhưng hôm nay nếu cha không nói thiệt thì hai con sẽ lầm lạc mất”. Thì ra, nàng Trầu tuy tiếng là con của ông Đinh, nhưng thật ra lại là giọt máu của ông Hương Câu, bởi trước khi bà Bèo về làm vợ ông Đinh, bà đã có mang với ông Câu.
Mấy lời cha nói khác nào sét đánh ngang tai. Chàng Cau hết sức khổ tâm, thì ra người con gái mà chàng yêu thương gắn bó bấy lâu chẳng ai xa lạ, chính là cô em cùng cha khác mẹ. Chàng âm thầm bỏ xứ ra đi, thả bè trôi ra một hòn đảo chơi vơi, cách đảo Côn Sơn trên 10 dặm về phía đông, ngày nay có tên gọi là đảo Hòn Cau. Để quên lãng mối tình éo le, sau đó ít lâu chàng kết duyên với một nàng sơn nữ và suốt đời ở bên ấy. Thương thay cho nàng Trầu, phải mang thai đến ngày sinh nở một mình. Cuối cùng vì tuyệt vọng, nàng gieo mình xuống một cái đầm phía Đông miếu Cậu. Ngày nay, đầm đã bị lấp dần, nhưng cái tên Đầm Trầu vẫn còn được nhắc đến cùng với mối tình ngang trái, bi ai.
Còn ông Hương Câu, sau khi câu chuyện tình giữa ông và bà Bèo vỡ lở, bị ông Đình coi là tình địch, ông cũng bỏ nhà sang bên triền núi Chúa sống cuộc đời ẩn dật. Bà Bèo cũng bỏ nhà vào tu ở một góc núi trên đường ra bãi Ông Cường. Bà Tranh (vợ ông Cau) tuy thương chồng, nhớ con nhưng vẫn sống trong căn nhà cũ. Sau khi bà qua đời, người dân trong ấp đặt tên là ấp Trảng Tranh.
Câu chuyện này lý giải cho tên gọi những địa danh thuần Việt thân quen như: bãi Đầm Trầu, Hòn Cau, hóc Ông Đinh, bưng Bèo, bãi ông Câu, ấp Trảng Tranh… Trong dân gian còn lưu truyền câu hát:
“Đi đâu mà chẳng thấy về,
Hay là quần tía, tựa kề áo nâu
Ai về nhắn với ông Câu,
Hòn Cau cách bãi Đầm Trầu bao xa”.
Hiện nay, Hòn Cau là một trong những điểm tham quan trong tour của Vườn Quốc gia Côn Đảo, nơi đây còn có dấu vết một ngôi làng cổ. Du khách có thể đến đảo bằng ca nô, vào ban đêm sẽ được các nhân viên cứu hộ rùa biển hướng dẫn xem rùa lên trên bãi cát đẻ trứng. Tại đây còn một giếng nước ngọt dưới trung tâm thung lũng đảo. Trên đảo vẫn còn một loài cau khi chín màu đỏ như son. Phía trước mặt thung lũng là bãi cát trắng thoai thoải, từ đây nhìn thấy ngọn hải đăng Bảy Cạnh. Vào những năm 1990, 1991 tại vùng biển Hòn Cau, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật một con tàu chở gốm sứ cổ thời Khang Hy, nhà Thanh, Trung Hoa bị đắm vào cuối thế kỷ XVII.
Bãi Đầu Trầu nằm ở phía Tây sân bay Cỏ Ống, là một bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, với làn nước biển trong xanh, cát trắng mịn, có thể sánh với các bãi biển nổi tiếng trên thế giới và đã làm nao lòng biết bao du khách.
NGUYỄN PHƯƠNG NGUYÊN
Báo Bà Rịa – Vũng Tàu
1 Bình luận. Leave new
[…] nhandan.com.vn Ðể Mười tám thôn vườn trầu lưu danh muôn thuở – Báo Nhân Dân vetaucondao.vn Chuyện về tên gọi Hòn Cau và bãi Đầm Trầu Huyện Côn Đảo gồm 16 hòn đảo […]