Ông Cao Văn Ngọc đã được viết trong cuốn “Bất khuất” nổi tiếng và cũng là người đầu tiên, duy nhất tính đến nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì thành tích đấu tranh trong tù…
Tới Côn Đảo giữa một ngày nắng xanh, tình cờ tôi dừng bước trước cổng một ngôi trường phổ thông với tấm biển “Trường tiểu học Cao Văn Ngọc”.
Cao Văn Ngọc là ai mà cách đây gần 15 năm, tại Liên hoan thanh niên tiên tiến “Chân dung trẻ miền Đông Nam Bộ”, 100 triệu đồng đã được quyên góp để xây dựng ngôi trường mang tên ông và ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều con đường mang tên ông?
Vào mạng internet, tìm thông tin về ông, tôi ngạc nhiên không hề thấy một bài viết nào cả. Phải đến khi vào thành phố Hồ Chí Minh, may mắn gặp ông Võ Huy Quang, một cựu tù Côn Đảo nghiên cứu khá sâu về “địa ngục trần gian”, tôi mới có thể phác thảo được một chân dung Cao Văn Ngọc.
Tháng 3 năm 1961, đã sang xuân nhưng cái rét mùa đông vẫn còn dai dẳng, tê cóng. Trong nhà tù Côn Đảo, “cuộc chiến” chống ly khai đang ở vào thời kỳ căng thẳng nhất. Một buổi sáng, tên Phạm Sau, Trưởng trung tâm Cải huấn 1 lượn một vòng qua dãy trại giam Chuồng Cọp, dừng chân ở chỗ nằm của tử tù Cao Văn Ngọc. Sau bao ngày bỏ đói triền miên, đánh đập dã man từ sáng đến tối, đêm qua không biết là đêm thứ bao nhiêu chúng giội nước, ông già 63 tuổi lúc này nằm trần truồng, dán cơ thể teo tóp, gầy đét xuống nền xi măng ướt sũng. Vậy mà, thấy Sau vào, ông Ngọc ngồi dậy, ngay lập tức lấy lại vẻ ung dung. Cho đến lúc này, Sau vẫn chưa hết ngạc nhiên vì sao ông già nông dân này giữ được cái khí phách “kinh khủng” đến thế? Theo hồ sơ tại nhà tù, Sau biết ông Ngọc vốn không phải là đảng viên cộng sản. Ông sinh năm 1897 tại làng An Ngãi, quận Long Điền (nay là xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), vốn chỉ là một tay hương quản trong làng. Cách mạng Tháng Tám 1945 đã giác ngộ viên hương quản, ông Ngọc trở thành Thư ký Hội Nông dân cứu quốc của xã. Ngày 28-9-1956, ông bị bắt với tang chứng là 3 xấp tài liệu tuyên truyền cho Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Chỉ thế thôi nhưng ông bị kết án khá nặng, bị giam giữ một năm ở Biên Hòa, rồi gia hạn 2 năm và bị đày ra Côn Đảo. Chẳng phải đảng viên, thế mà ông già nông dân này nổi tiếng hiên ngang, khí phách, hơn cả nhiều cán bộ cấp cao bị bắt cùng thời. Thương ông tuổi già sức yếu, có người trong tù đã khuyên ông nên “ly khai” cho đỡ cực. Ai dè, ông tuyên bố thẳng thừng: “Tôi già rồi, sướng có, khổ có, đủ cả rồi, nay chỉ còn thiếu chết cho cách mạng”. Khi cuộc chiến “ly khai” ngày càng ở vào giai đoạn khốc liệt, đã có những cán bộ dao động, sa ngã, từng xảy ra những cuộc tranh luận “sống – chết”, “ly khai – chống ly khai”. Ông Ngọc nằm nghe mọi người tranh luận, dù học thức thấp, trình độ lý luận… không có nhưng ông với tư cách người anh, khuyên răn, khiến không ít kẻ giật mình. Ông nói:
– Mấy chú là cộng sản, mấy chú được chiến đấu cho lý tưởng cộng sản, được chết cho lý tưởng cộng sản thì còn vinh dự nào bằng. Như tôi chưa phải là cộng sản, chỉ mong được… như thế!
Lời khuyên ấy khiến nhiều người tỉnh ngộ, biết đứng dậy!
Anh em kính nể còn kẻ thù thì quyết nhổ cho được “cái gai” Cao Văn Ngọc. Nếu không khuất phục được ông Ngọc thì tấm gương sống của ông còn có sức tác động mạnh mẽ ghê gớm tới tù nhân. Vì thế, đánh đập không xong, bọn chúng quay sang dụ dỗ. Sau đến bên ông, giọng ngọt nhạt:
– Ông Ngọc này, cổ nhân có câu “ngũ thập tri thiên mệnh”, biết được mệnh trời, ông giờ “lục thập” rồi sao còn dại thế. Ông có phải là đảng viên đâu mà đi chống ly khai “tự bôi mỡ vào chân”. Vả lại, ông cũng chẳng có duyên nợ gì với Hồ Chí Minh mà phải đi theo đến nỗi phải ở tù, nằm chờ chết ở đây?
Sau hi vọng những lời “chân tình” trên sẽ khiến ông Ngọc lung lay. Nhưng không, ông trả lời đanh thép:
– Cụ Hồ giải phóng cho dân tộc thoát khỏi ách nô lệ, tôi mắc nợ khoản đó, tôi phải trả suốt đời.
Dụ dỗ không xong, có lần, tên ác ôn Dậu lấy chày vồ đánh ông Ngọc hộc máu, lôi sang trại ly khai. Ông kiên quyết giật tay lại, la lớn:
– Trả tao về lao I, không tao đập đầu chết tại đây cho coi!
Tên Dậu ác ôn khét tiếng phải chịu thua. Có người hỏi: “Sao ông già giỏi chịu đựng quá vậy?”, ông trả lời:
– Tôi có bửu bối.
Hỏi đến bửu bối, ông đọc liền một mạch hàng trăm câu thơ của Hồ Chí Minh, vừa đọc vừa giảng giải từng câu.
Đã sang thu mà vẫn chưa khuất phục được ông Ngọc cùng nhiều “ngôi sao sáng” khác, do sự thúc ép của Sài Gòn, tỉnh trưởng Lê Văn Thể đã ký lệnh “thanh toán” nhóm chống ly khai ngoan cố nhất. Chúng bắt mọi người phải viết cam đoan, ai chấp nhận ly khai sẽ được khoan hồng, ai chống lại, sẽ bị tiêu diệt hết. Ông Ngọc cầm bút viết ngay, với lối viết điềm tĩnh và pha chút… hài hước:
Tên tôi Cao Văn Ngọc, 64 tuổi, vì già yếu và dốt, học tập không được nên không ly khai. Và xin ở đây đến ngày chết thôi.
Một điều khá thú vị khác là ông Ngọc không ký tên một cách thông thường mà ký bằng… chữ Hán.
Bọn cai ngục tức điên cuồng. Trong trận khủng bố đêm 27-3-1961, chúng đã đánh chết tại chỗ 5 người, trong đó có ông Cao Văn Ngọc.
Sau này, đồng chí Phan Trọng Bình, một trong “5 ngôi sao sáng” toàn thắng trở về sau cuộc đấu tranh chống ly khai đã viết: “Trong chúng ta, nếu có người không phút giây nào dao động thì người đó là Lưu Chí Hiếu và ông già Cao Văn Ngọc”.
37 năm sau ngày ông hi sinh, ngày 31-7-1998, Chủ tịch nước đã ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông. Ông Nguyễn Đình Thống, một người nghiên cứu về các cựu tù Côn Đảo nhận xét: “Ông Ngọc là người đầu tiên, duy nhất cho đến hôm nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì thành tích đấu tranh trong tù. Ý nghĩa lớn lao của sự kiện này chính là sự mở đầu: Mở đầu cho một quan niệm mới trong cách nhìn về vấn đề người tù trong kháng chiến của Đảng, Nhà nước ta…”.
Bài và ảnh: NGUYỄN BAN MAI
https://www.qdnd.vn