9 điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Côn Đảo

Côn Đảo được biết đến là Hòn đảo ngọc biển Đông, nơi đây từng là địa ngục trần gian, chốn lao tù hơn 113 năm, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn hai vạn anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến thần thánh để bảo vệ và giải phóng dân tộc. Dù đã hình thành hơn trăm năm, di tích về nơi từng được coi là địa ngục trần gian vẫn còn nguyên vẹn và ngày càng rộn tiếng bước chân của hàng ngàn du khách. Họ đến để tìm hiểu về nơi mà tù nhân chính trị từ thời chống Pháp đến chống Mỹ bị giam giữ, tra tấn và giết hại. Xiềng xích hay những đòn tra tấn dã man một thời cũng không che lấp được ý chí đấu tranh kiên cường, anh dũng.

  1. Di tích Cầu tàu lịch sử 914.

Cầu tàu lịch sử 914 khởi công xây dựng từ năm 1873, nằm trước Dinh chúa đảo. Dấu ấn còn đọng lại với thời gian là những tảng đá to hàng thước khối, nặng nhiều tấn đã làm kiệt quệ và đè nát bao nhiêu thân tù. Con số 914 chỉ mang tính ước lệ chỉ số người tù đã chết khi xây dựng Cầu tầu.

Đây là nơi chứng kiến bao cảnh khổ sai nặng nhọc, đòn roi man rợ của kẻ thù. Nhưng cũng chính nơi đây từng rợp bóng cờ bay ngày cách mạng tháng 8 thành công (1945), ngày đất nước giải phóng (1975), chứng kiến hàng nghìn tù nhân tự do trở về đất liền. Giờ đây dù đã xa cái thời đau thương ấy nhưng trong từng viên đá như còn âm vang những câu ca: “Côn Lôn ơi viên đá mạng người” hay “Còn đây đá lấp cầu tàu, Đá bao nhiêu khối máu đào bấy nhiêu…”

Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

  1. Di tích Nghĩa trang Hàng Keo

Nghĩa trang hàng Keo có diện tích 80.000m2, là nơi vùi chôn khoảng 10.000 tù nhân bị thực dân Pháp giết hại tại nhà tù Côn Đảo từ đầu thế kỷ XX cho đến giai đoạn khủng bố trắng 1940-1941.

Đi Hàng Keo là lối nói của người tù khi tiễn bạn về nơi an nghỉ. Có câu ca ai oán đeo đẳng bao kiếp tù thuở ấy.

“Côn Lôn đi dễ khó về

Sống nương Núi Chúa, thác về Hàng Keo”.

Năm 1997, các phần mộ tìm thấy ở đây đã được cải táng di dời về khu D – Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo. Hiện nay chỉ còn lại rừng cây tự nhiên và những hài cốt của tù nhân còn nằm dưới lòng đất chưa tìm thấy.

Nghĩa trang Hàng Keo là chứng tích tội ác của thực dân đối với dân tộc ta, là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sỹ, mỗi con người, mỗi thời kỳ đấu tranh của nhà tù Côn Đảo. Nơi hàng nghìn chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, là một bài học sâu sắc để giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau.

Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

Nghĩa trang hàng Keo
  1. Đền thờ Côn Đảo

Đền thờ Côn Đảo được khởi công xây dựng vào ngày 06/12/2009 và khánh thành vào ngày 20/11/2011, xây dựng trên khu đất rộng 30.040 m2 . Công trình có tổng diện tích xây dựng là 3.760 m2 , bao gồm 10 hạng mục: Tứ trụ, Cổng đền, Nhà treo chuông, Tả mạc, Hữu mạc, Tiền đường, Hậu Cung, Hồ Ngũ Nhạc, Nhà hóa vàng, Vườn đền. Đền thờ là nơi tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước trong suốt 113 năm “Địa ngục trần gian” và đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo.

  1. Di tích Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2 .Theo số liệu ước định, có khoảng 2 vạn tù nhân yên nghỉ tại Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa đầu tiên được lập ở khu vực Chuồng Bò (Di tích bãi sọ người), sau dời lên Hàng Keo. Đến sau năm 1934 và nhất là giai đoạn 1941, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mới mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù.

Hiện nay NTHD được chia làm 4 khu: A-B-C và D ( Riêng khu B được chia ra làm 2 phần B1 và B2).

Khu A Nghĩa trang Hàng Dương, là nơi chôn những ngôi mộ đầu tiên (Khoảng năm 1934), ở đó có phần mộ của đồng chí Lê Hồng Phong (Cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ), chí sỹ yêu nước Nguyễn An Ninh. Anh hùng LLVTND VN Vũ Văn Hiếu.

Đến cuối năm 1944, khu A đã chôn chật mộ, nhà tù đã mở rộng nghĩa trang về phía Nam, tức khu B hiện nay. Hài cốt lớp tù nhân kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954) được chôn kế tiếp từ đồi cát chạy dài xuống phía Đông Nam, nơi có các phần mộ của nữ AHLLVTNDVN Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Phạm Thành Trung,  Lưu Chí Hiếu, Hồ Văn Năm

Hài cốt lớp tù nhân chống Mỹ được chôn vào phần còn lại của khu B (Còn gọi là khu B2) .

Đến khoảng năm 1960 chôn tiếp qua khu C. Ở đây có phần mộ của anh hùng LLVTND VN Lê Văn Việt, Nguyễn Thị Thanh (Trần Thị Hoa), Hùynh Tấn Lợi.

Nghĩa trang Hàng Dương được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19/12/1992. Ngoài 3 khu mộ được phân định trên, công trình tôn tạo còn lập thêm khu D, đây là nơi quy tập hài cốt từ nghĩa trang Hàng Keo, Hòn Cau và 1 số nơi khác trên Côn Đảo về. Nơi đây có phần mộ AHLLVTNDVN Trần Văn Thời.

Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo là di tích căm thù, có giá trị tố cáo chế độ thực dân đế quốc, đồng thời giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

  1. Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh

Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh xây dựng năm 1930. Thực dân Pháp mở con đường từ ngã ba Núi Chúa qua Bãi Ông Đụng nhằm khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở…và lập nên những trạm kiểm soát đề phòng tù nhân vượt ngục.

Tù nhân làm khổ sai ở đây, do địa thế cheo leo hiểm trở, ăn uống thiếu thốn đói khát, nước suối lại rất độc, bị đá đè cây đổ, lao dịch nặng nhọc quá sức,cai ngục trật tự đánh đập, hối thúc… Mới xây dựng xong 2 mố cầu đã có 356 người chết (đây chỉ là con số ước lệ do người tù nhẫm tính).

Cái tên Ma Thiên Lãnh để gọi cho 2 mố cầu xây dang dở bằng máu xương của hàng trăm tù nhân. Từ đó người tù mới lấy tên ngọn núi Ma thiên Lãnh ở Triều Tiên với địa thế hiểm ác, khó lên xuống, phỏng theo truyện Tàu “Tiết Nhân Quý Chinh Đông” đặt tên cho cây cầu này.

Cách mạng tháng 8/1945 thành công, công trình bị bỏ dở cho đến ngày nay.

Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 10/5/2012.

Di tích Cầu Ma Thiên Lãnh
  1. Di tích Chùa Núi Một (Vân Sơn tự)

Di tích Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) tọa lạc trên Núi Một, do Mỹ – ngụy xây dựng năm 1964. Nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình của những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ trên đảo, bên cạnh đó còn mục đích mỵ dân, trá hình che mắt báo chí và dư luận quốc tế về sự cai trị tù nhân tàn bạo của chế độ Mỹ – ngụy.

Di tích Chùa Núi Một là công trình kiến trúc văn hóa, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đồng thời công trình được tổ chức hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh, kết nối chặt chẽ với hệ thống di tích lịch sử Côn Đảo, cũng là điểm tham quan hấp dẫn của du khách đến với Côn Đảo.

Di tích được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh.

  1. Di tích Miếu bà Phi Yến (An Sơn Miếu)

An sơn miếu là nơi thờ Bà Phi Yến – thứ Phi của Chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), Bà có tên thật là Lê Thị Răm. Tương truyền, năm 1783, Nguyễn Ánh bôn đào ra Côn Đảo để tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn. Vì thất bại liên tục nên Ông có ý định đưa Hoàng tử Hội An ( tên tục là Hoàng tử Cải ) tháp tùng cùng Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yến ngỏ lời khuyên Nguyễn Ánh rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghỉ Chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau. . .”

Vì lời khuyên ấy mà bà bị Chúa Nguyễn Ánh truyền lệnh giam cầm Bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng nằm về hướng Tây nam của quần đảo Côn Đảo (Hòn Bà ngày nay). Theo truyền thuyết dân gian kể lại, Bà Phi Yến đã được hai con vật rất khôn ngoan – trung thành cứu sống, đó là Vượn bạchhắc Hổ. Chúng đưa Bà về làng Cỏ sinh sống gần phần mộ của Hoàng tử Cải.

Tháng 10 (âm lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức hội đàn chay tế lễ trong làng. Họ rước Bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, Bà đã bị tên Biện Thi lén vào cấm phòng của Bà dở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay Bà thì Bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy Bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn tồn danh tiết, dân làng đã lo việc tống táng và lập miếu thờ Bà – người phụ nữ “Trung trinh tiết liệt”.

Hàng năm cứ vào ngày 18 tháng 10 âm lịch, nhân dân Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ Bà rất long trọng và thường là làm cỗ chay để tưởng nhớ cũng vì một hội đàn chay mà Bà phải bỏ mình./.

Di tích được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh.

  1. Di tích Miếu Cậu

Di tích “Thiếu Gia Miếu” hay còn gọi là Miếu Cậu là một ngôi miếu thờ Hoàng tử Hội An còn có tên tục là Hoàng tử Cải (con của bà Hoàng Phi Yến tục gọi là bà Lê Thị Răm và Chúa Nguyễn Phúc Ánh).

Theo truyền thuyết vào cuối thu năm 1783 Nguyễn Ánh sau khi thất trận ở cửa Cần Giờ, đã bôn đào ra Côn Đảo. Khi đi ông có mang theo khoảng 100 gia đình thuộc hạ thân tín cùng với người vợ thứ là bà thứ phi Hoàng Phi Yến và Hoàng tử Hội An (Hoàng tử Cải) lúc đó khoảng 5 tuổi cùng chạy ra đảo.

Do bất đồng ý kiến nên Chúa Nguyễn Ánh đã giam bà Phi Yến trên hòn Côn Lôn nhỏ.

Khi nghe quân Tây Sơn truy đuổi, ông cùng bầy tôi thân tín xuống thuyền chạy ra Phú Quốc, khi thuyền sắp nhổ neo Hoàng tử Cải không thấy mẹ nên gào khóc thảm thiết để yêu cầu với cha là cho mẹ cùng theo, hoặc là cùng sống chết với mẹ nên đã bị ném xuống biển, xác Hoàng tử Cải trôi dạt vào làng Cỏ ống, dân làng đã vớt xác mang an táng và lập miếu thờ. Miếu ấy được mệnh danh là miếu Cậu. Phần mộ của hoàng tử Cải nằm phía sau ngôi miếu.

Năm 1964 cùng với kế hoạch trùng tu kiến thiết tô điểm lại Côn Sơn, do đó Mỹ ngụy đã cho trùng tu “Thiếu gia miếu”.

  1. Miếu Ngũ Hành (Miếu 5 cô).

Miếu Ngũ Hành được xây dựng và hoàn thành khoảng năm 1967. Ngôi Miếu xây dựng trong chương trình kiến thiết chung của tỉnh Côn Sơn, trong hệ thống các công trình trên Đảo lúc bấy giờ.

Theo phong tục Á Đông. Miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương, do triều Nguyễn năm Duy Tân thứ 5 (năm 1911) sắc phong chung cho 5 bà “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo, Trung hưng Thượng Đẳng Thần”, được phân Kim đức thánh Phi, Mộc đức thánh Phi, Thủy đức thánh Phi, Hỏa đức thánh Phi, Thổ đức thánh Phi. Ngôi Miếu xây dựng nhằm mục đích phục vụ cho các gia đình binh lính, giám thị đến đây để cầu sự bình an, may mắn.

Ngày nay, Miếu Ngũ Hành đã tạo nên một tập quán thờ cúng tốt đẹp của người dân Côn Đảo cũng như khách thập phương. Theo Văn hóa dân gian Miếu thờ năm Nữ thánh tượng trưng cho: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ nhằm cầu cho Mưa thuận, Gió hòa, người dân sinh sống và khu vực cửa biển khi ra khơi được bình an.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Cao Văn Ngọc – Người anh hùng mang tên “ông già chuồng Cọp”
Bài sau
Những lưu ý cần thiết đi CÔN ĐẢO bằng tàu Côn Đảo Express
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.