Các loài bay ở Côn Đảo

Bình minh ở Côn Đảo có một ấn tượng thật lạ lùng, dù bạn đã từng đặt chân tới đây. Vẻ tĩnh mịch thật thanh bình ngự trị nơi những con phố mang đậm dấu tích của lịch sử dường như đối lập với sự sôi động đầy háo hức của biển cả. Phía xa xa ngoài khơi là nơi có một hòn đảo nhỏ với những thú vị đang đón chờ.

Là tập hợp gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, Côn Đảo là tên gọi tắt của quần đảo Côn Sơn. Vị trí tự nhiên của nó mang lại cho nơi đây những môi trường tự nhiên cực kỳ phong phú. Sau 2 giờ di chuyển, các bạn sẽ tới một hòn đảo nhỏ với những phiến đá sắc lẹm bao quanh là nơi dừng chân đầu tiên. Men theo con đường đất từ dưới ngược lên là một căn chòi nhỏ giống như một đài quan sát hơn là nơi ở. Đây là đảo Hòn tre nhỏ, một điểm đặt trạm kiểm lâm của Vườn quốc gia Côn Đảo.

Nằm không xa với các hòn đảo nhỏ lân cận, những mỏm đá nằm trải mình dưới ánh nắng gay gắt và có biển bao quanh, các vách đá là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loài chim biển.

Ngay ở khe núi lớn phía cạnh đường đi, những con nhạn biển bạo dạn không hề để ý đến những vị khách lạ. Chúng đậu trên các vách đá dựng đứng, bay lượn, chao cánh rồi đậu xuống rỉa cánh một cách bình thản. Chúng cũng không hề để ý tới những đám mây kéo đến báo hiện cơn mưa sắp trút xuống như để làm mát những phiến đá đã phơi nắng cả ngày.

Ở Côn Đảo, vào giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9, những cơn mưa rào thường đến vào bất chợt trong ngày. Lượng nước mưa lớn cung cấp cho khu vườn tự nhiên này một nguồn sống dồi dào. Những cơn mưa ấy dường như còn gột rửa đi cái nóng bức và trả lại cho hòn đảo nhỏ một bầu không khí trong lành. Hoàng hôn là thời điểm có thể phân biệt dễ dàng từng loài.

Nhạn biển Côn Đảo

Vách đá sát những con sóng dập dềnh là nơi trú ngụ của các loài nhạn biển, còn những con gầm ghì trắng và bồ câu thường đậu trên ngọn cây gần tổ. Nhạn biển thường cư trú ở sát mép biển và chỉ trong những hốc đá, kể cả khi nghỉ ngơi chúng cũng không đậu trên những cành cây cao. Chỉ tới khi tối trời, chúng mới miễn cưỡng bay về tổ của mình.

Nhạn đầu xám – Anous stolidus (Ảnh: pari.go.jp)

Vượt qua một khu rừng rậm rạp với các cây phong ba khô ra mé phía Tây của hòn đảo nhỏ, biển oà ra trước mắt với những cánh nhạn đang chao nghiêng. Nếu để ý một chút, có lúc, các bạn sẽ thấy dấu hiệu sự sống của loài chim này ở ngay dưới mặt đất – đó là những quả trứng nhạn vẫn còn hơi ấm. Nhạn biển có nhiều loài, mỗi loài có những đặc điểm riêng. Hai giống nhạn đại diện cho Côn Đảo là nhạn đầu xám và nhạn lưng đen.

Loài nhạn đầu xám có tên khoa học là Anous stolidus. Khi trưởng thành, chúng có bộ lông màu trắng và chuyển sang xám ở đỉnh đầu. Chúng sống theo đàn, và nằm trong danh sách những loài chim quí hiếm.

Nhạn lưng đen là loài nhạn biển phổ biến nhất ở Côn Đảo. Chúng có màu trắng và đen. Đầu và mặt màu đen, có vệt trắng từ trán kéo đến phía sau mắt, phần trên lưng nhạt màu hơn. Chúng có thể ngụp đầu xuống nước và lặn giỏi để có thể kiếm mồi sát dưới mặt nước. Loài nhạn lưng đen này sống thành từng cặp và theo đàn khá đông. Cấu trúc cơ thể của nhạn lưng đen rất phù hợp với môi trường biển. Chân chúng mảnh và tương đối dài là đặc điểm thuận lợi cho việc đậu trên các mỏm đá, vách đá cũng như săn mồi dưới mặt nước.

Cấu trúc bên trong hầu như giống các loài chim khác, bộ não của nhạn biển được xếp gọn trong khoang xương đỉnh để phù hợp với môi trường kiếm sống dưới nước. Xương của chúng xốp và nhẹ hơn các loài gia cầm, điều này giúp nhạn biển có thể cất cánh dễ dàng ở mọi địa hình. Khi bay, do sải cánh khá rộng và cấu trúc xương nhẹ, loài nhạn lưng đen có thể chao lượn một quãng đường dài mà không cần đập cánh.

Tổ nhạn lưng đen thường khá đơn giản. Những hốc, vách đá tương đối hiểm trở mà các loài khác không đến được là nơi chúng luôn chọn lựa. Trong tổ, đất được đào lõm xuống với đường kính trung bình từ 15 đến 20cm, lòng tổ không lót.

Thời gian để chim nhạn mẹ sinh con vào khoảng đầu tháng 5 dương lịch hàng năm. Trong mùa sinh sản của loài nhạn biển, mỗi tổ nhạn thường có từ 1 đến 2 trứng, đẻ cách nhau khoảng 2 tuần. Khoảng vài tuần, noãn trứng rất nhanh chóng hình thành phôi chim non. Sau khi chim mẹ đẻ trứng, phôi trứng hình thành rất nhanh và đã có thể nở ra chim con sau một tháng, chim non trưởng thành và ra ràng cũng rất nhanh. Khi những đốm lấm tấm trên quả trứng bắt đầu sậm màu hơn là lúc mà chim non trong nó đã hoàn thiện để ra đời.

Thời điểm mới ra đời này các chú chim nhạn non rất dễ bị làm mồi cho các loài bò sát như rắn, chuột. chính vì thế địa hình vách đá sát mép biển thực sự là nơi trú ngụ an toàn cho chúng. Dó cũng là lý do số nhạn lưng đen sinh sản nhiều hơn ở mé bờ Tây của đảo Hòn Tre nhỏ.

Lúc còn bé, nhạn lưng đen có một bộ lông xám nhạt, nó cũng chưa chia khoang trắng đen rõ rệt như bộ lông của bố mẹ nó. Bản năng sống trên đá như một thứ gien di truyền của loài nhạn này.

Lúc mới nở được 1 tuần, kích thước của chim non chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay người, sải cánh vẫn chưa phát triển đủ rộng. Khoang màu lông trắng dưới bụng đã bắt đầu hình thành tuy chưa rõ rệt. Thức ăn của chúng chỉ là những mẩu thức ăn nhỏ mà bố mẹ chúng tách ra từ những con cá, con tôm bắt được.

Cứ vào khoảng cuối tháng 5 là thời điểm lũ nhạn con này góp mặt vào cộng đồng nhạn biển đông đúc nhất. Chỉ sau một mùa kiếm ăn, những con chim non sẽ mạnh mẽ và trưởng thành để có thể nhập đàn. Chúng lại tiếp diễn cuộc sống như những ngư dân thực thụ, luôn luôn nhìn ra biển và tìm nguồn thức ăn ở đó.

Cách Hòn tre nhỏ một quãng đường, có một nơi được coi là thiên đường của các loài chim biển. Đó là Hòn trứng. Cái tên này xuất phát từ hình dáng bên ngoài của hòn đảo nhỏ với địa chất toàn đá này.

Chính vì cấu trúc toàn là vách đá nên việc tiếp cận và lên đỉnh cao của Hòn trứng thật không đơn giản. Lũ chim đậu với số lượng nhiều đã thải ra đây một lượng chất thải lớn làm cho những mỏm đá trở nên trơn trượt và nguy hiểm. Nếu có ai leo gần lên tới đỉnh, những con đậu phía ngoài vội vã lao vọt lên và báo động cho những con khác trên hòn.

Với diện tích gần 1km2, bãi đáp trên đỉnh của Hòn trứng thật lý tưởng cho mọi sinh hoạt của lũ chim biển. Ở đây, dường như ngoài sự tò mò của những người tham quan thì chúng không bị bất cứ sự quấy rầy của loài nào khác.

Tuy sống thành từng đàn khá đông, nhưng tập quán tổ chức cuộc sống riêng lẻ vẫn áp đặt rõ nét ở loài nhạn lưng đen. Từng cặp, từng cặp tạo ra những góc riêng. Vào mùa giao phối, những con nhạn cái quyến rũ đối tượng của mình bằng bộ cánh óng ả được tỉa tót cẩn thận. Con đực đậu xuống và giữ một khoảng cách khá xa, chăm chú nhìn con cái như thể thăm dò. Một lúc sau, như thể làm giá, con cái bay vọt lên trêu ngươi. Cả hai con nhạn lưng đen hoà vào vũ điệu tập thể như để xác định rõ hơn về nhau. Chỉ sau đó ít lâu, con cái hạ xuống nơi đã chọn lúc trước, và con đực như được lời, không chút e dè sà ngay xuống bên cạnh.

Vào thời điểm hưng phấn nhất trong năm, những cặp nhạn lưng đen cặp kè nhiều vô kể, lúc này dường như chúng chỉ quan tâm đến đối tác cuộc đời của mình. Mỗi cặp lại chọn cho mình một mỏm đá riêng tách biệt với những con còn lại, tính cạnh tranh của chúng lúc này khá cao. Vẻ e lệ dịu dàng bên con đực của con nhạn biển cái sẽ biến mất ngay khi có những con khác hăm he định chiếm chỗ của nó đã giành từ trước.

Mùa giao phối của lũ nhạn lưng đen không dài, thường chỉ diễn ra khoảng 2 tuần. Sau thời gian đó, những con chim cái hạn chế di chuyển hơn trước, chúng chỉ bay đi vào những thời điểm kiếm mồi trong ngày. Dường như, bản năng làm mẹ buộc chúng trở nên nhu mì hơn để bảo vệ mầm sống bắt đầu được hình thành.

Gầm ghì trắng Côn Đảo

Cuối mùa giao phối của nhạn lưng đen, ở Côn Đảo xuất hiện khá nhiều loài chim khác, những con gầm ghì trắng thường đậu trên cành cây mỗi khi chiều về trông thật vui mắt.

Mọi việc đã được sắp đặt ổn thoả, việc di chuyển trong rừng tre khá khó khăn, nhưng cũng chính nhờ những rặng tre này mà lũ chim biển các loài có được một môi sinh lý tưởng. Trong suốt thời gian một năm, phía trên những rặng tre ở đây không bao giờ vắng bóng những loài chim biển.

Khác với loài nhạn biển, gầm ghì trắng non được nở ra trong tổ ở trên cao, thức ăn của chúng thì ngược lại với loài nhạn, chúng chỉ ăn các loại hạt, trái cây nhỏ và chồi cây. Có lẽ vì vậy mà thời gian trưởng thành của chúng không nhanh như ở loài nhạn biển.

Loài gầm ghì trắng ở Việt Nam chỉ có tại Côn Đảo, chúng sống trên các đảo có rừng xanh, đặc biệt là rừng thứ sinh hoặc rừng ngập mặn. Vào mùa sinh sản, chúng thường đẻ từ 1 đến 2 quả trứng. Những con non sau nở thường được chim mẹ ấp, còn chim bố thời gian này tách riêng ra. Chim mẹ đi kiếm mồi ban ngày, chiều về lại ấp chim con suốt đêm.Loài gầm ghì trắng khi trưởng thành có một bộ lông trắng kem, mỏ và viền mắt màu xanh xám.

Gầm ghì trắng Côn Đảo

Cảnh tượng không gian biển sớm thật tuyệt vời, các loài chim sau một đêm nghỉ ngơi thả mình vào không gian như tận hưởng cái sảng khoái của bình minh đảo nhỏ, ướp mình trong hương vị biển tươi mát của một ngày mới. Và trong cái nhộn nhịp của xã hội trên trời này, dường như có một điều gì đó vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng đang diễn ra nơi những vách đá, những ngọn cây. Xen giữa với những cú chao nghiêng hào sảng của loài gầm ghì, phóng khoáng lại có những giây phút êm đềm, thanh thản.

Bên cạnh những đôi nhạn biển son rỗi, là những bà mẹ hớn hở với quả trứng bé xíu vừa ra đời trong hốc đá – kết quả của thiên chức duy trì giống nòi bản năng. Những sinh linh nhỏ bé ẩn mình phía dưới bụng những con chim mẹ nơi vách đá chính là những chặng nối tiếp của một cuộc chạy tiếp sức vĩ đại của tạo hoá. Cuộc chạy vĩ đại ấy đã duy trì cho không gian đại dương một xã hội phồn thịnh các loài bay.

Ở cái không gian mênh mông giữa trời và biển, những loài chim như nhạn, gầm ghì trắng, nicoba hay vô số các loài đặc hữu khác đã trở thành một cái gạch nối. Gạch nối đó đã kéo liền không gian trời biển, làm nhỏ đi cự ly khoảng cách và đặc biệt hơn là nó đã xoá nhòa ranh giới thiên nhiên và con người.

Sự bình đẳng của các loài bay ở một nơi mà sự sống của chúng không bị đe doạ bởi những xâm hại từ phía con người đã cho phép từng loài phát triển số lượng và giống nòi của chúng.

Với độ ẩm cao luôn được duy trì trong những cánh rừng rậm, các loài sinh vật gồm cả thực vật và động vật đã có được điều kiện để phát triển sự sống của họ hàng của chúng với tính đa dạng cao. Điều kiện sống ấy giống như cái nôi êm ái cung cấp lượng dinh dưỡng cực kỳ phong phú cho muôn loài. Sự phong phú của những loài chim cũng không phải là ngoại lệ, từ lũ nhạn chao chác và đanh đá cho đến loài chim sâu e dè trên mép tổ, rồi những con yến mẹ chăm chút lũ con nhỏ… tất cả góp vào cái sôi động của một xã hội bay trên biển.

Bồ câu Nicoba Côn Đảo

Tiến sâu vào rừng Ma Thiên Lãnh, nơi có hang Đức Mẹ, các bạn sẽ hy vọng thấy các loài bay đặc biệt khác của Côn Đảo. Một trong số chúng là loài chim khá lớn có tên là Nicoba. Đây loài chim bồ câu cực hiếm mà ở Việt Nam chỉ hiện diện tại Côn Đảo. Loài chim này không dễ tiếp cận, chúng sẽ bay ngay khi thấy động.

Bồ câu Nicoba

Khác với loài nhạn biển, lũ bồ câu Nicoba không đi kiếm ăn thành đàn mà chỉ đi đơn lẻ từng con hoặc cặp đôi. Loài chim này không sống sát mép biển và trên các kè đá, chúng kín đáo lùi sâu hơn vào bên trong những tán cây rậm rạp. Loài bồ câu Nicoba chọn nơi làm tổ kỹ lưỡng và kín đáo hơn loài gầm ghì trắng, tổ của chúng được làm ở phía dưới rất nhiều tán lá và cành cây.

Những con sóng vỗ vào sâu hơn trong bờ đá báo hiệu nước triều dâng khi mặt trời đã ngả bóng. Lũ gầm ghì trắng và nhạn biển các loài đã trở về tổ nơi ngọn cây và vách đá. Con chim sâu mẹ cũng tha mồi về tổ cho lũ chim non như thường lệ. Không gian nơi vách đá sát biển chợt ồn ào như một khu chung cư lúc sẩm tối. Con bồ câu Nicoba non trong tổ dường như không hề sốt ruột bởi cái náo động của hàng xóm.

Ở vách đá sát mép nước có những âm thanh rối rít rất đặc biệt phát ra nơi khe đá cao. Phía trên, những con chim yến nháo nhác lượn một vòng bên ngoài rồi bay thẳng vào trong vách hang đá. Vách hang khá hep, chỉ đủ cho hai người chui vào, và ở trên những phiến đá dựng đứng có những cái tổ xinh xắn màu trắng của loài chim yến.

Cứ vài cái đốm trắng chụm lại thành một cụm, loài yến thường làm tổ trên những vách đá dựng đứng trong khe núi sát nước biển. Mỗi cái tổ ấy có kích thước khoảng hơn 10cm2, đủ để chứa được 1 đến 2 quả trứng nhỏ của loài chim yến. Đây là thời gian ấp trứng hàng năm của chúng.

Cứ vào thời điểm tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, loài chim yến này lại tập trung ở những vách đá hiểm trở và ít có loài nào tới được để làm tổ và đẻ trứng. Có nhiều địa điểm ở Côn Đảo đáp ứng được điều kiện sinh nở của loài chim quý này. Ngoài Hòn tre nhỏ, hang Việt Minh cũng là nơi sinh sản lý tưởng của loài này. Chỉ mất 15’ đi ca nô, bạn đã có thể tới được hang Việt Minh.

Thời tiết về chiều ở Côn Đảo tháng 7 thường hay có những thay đổi thất thường. Những cơn mưa bất chợt đến cũng đủ làm cho việc di chuyển trên những kè đá trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn bao giờ hết. Chặng đường di chuyển qua lại giữa những hòn đảo nhỏ vì thế luôn hết sức cập rập.

Ở vào giai đoạn hai tuần tuổi, những con Nicoba non thường đã có được sức chịu đựng nhất định. Do tổ của chúng được làm trên cao và khá kín đáo nên hầu như không bị ảnh hưởng bởi sự xâm phạm của các loài khác.

Những cơn mưa mang đến độ ẩm cần thiết cho không khí những cũng tạo điều kiện cho lũ côn trùng hoạt động hung hãn hơn. Trời tối hẳn, những con Nicoba non bắt đầu nhúc nhắc ra chiều nôn nóng mong mẹ về. Giai đoạn này, chúng vẫn chưa trang bị được bản năng săn mồi, dù là những con côn trùng nhỏ vo ve xung quanh.

Ánh nắng sớm cũng không gay gắt. Con chim non dường như đã dậy từ lâu, nó vươn mình khoan khoái trước những ánh nắng hiếm hoi rọi vào tổ. Ở lũ chim non này, khi lông bắt đầu phủ trên toàn thân thì những sắc màu đặc trưng cũng dần được hình thành. Cơ chế phát triển của mỗi loài bay lại có những khác biệt nhất định.

Loài Nicoba khi được già 3 tuần tuổi, những bộ phận đã hình thành khá hoàn thiện tuy chưa phát triển hết mức. Chúng đã có thể nhận biết được xung quanh và đặc biệt là khả năng nhận ra đồng loại từ rất xa.

Dường như ngay cùng với lúc ấy, những tín hiệu không giống với các loài khác làm cho con non trở nên rối rít hơn, đó là những đôi cánh chao liệng trên nền ban mai. Con Nicoba mẹ nhanh chóng xác định được tổ của mình và sà xuống. Mặc cho con non mong ngóng, nó chưa vào ngay tổ mà con thăm dò bên ngoài như phát hiện ra điều gì đó khác biệt. Chỉ sau khi không thấy điều gì nguy hiểm, nó mới nhảy lên tổ với con non của mình. Con Nicoba non tỏ ra an tâm dưới sự che chở của con mẹ. Nhưng cũng chỉ được một lúc, cơn đói sau hơn một đêm khiến con non thúc giục mẹ cho ăn. Song cơn mưa hôm trước khiến con chim mẹ không kiếm được nhiều mồi như mong muốn. Và trước sự đòi hỏi của con non, nó quặn mình lên như để trút hết những gì ít ỏi tích lũy được từ hôm trước.

Thức ăn của loài chim hiếm này khá đơn giản, đó chủ yếu là những trái cây rừng, đặc biệt là những hạt rất cứng và một vài động vật không xương sống ở mặt đất. Môi trường kiếm ăn của Nicoba thường tập trung ở sinh cảnh rừng ngập mặn hoặc rừng xanh rụng lá.

Chim non được chim bố mẹ mớm cho thức ăn từ nguồn kiếm được trong ngày. Nhưng cơn mưa hôm trước đã vô tình ngăn cản nó kiếm được lượng thức ăn cần thiết, có thể đó cũng là lý do cho sự vắng mặt của con chim bố. Có lẽ lúc này, con Nicba bố đang đi kiếm thức ăn bù vào thời gian mà cơn mưa hôm trước đã tước đi của nó. Biển có lẽ lúc nào cũng hào phóng và ưu đãi với muôn loài.

Thường thường, chim bố mẹ đi kiếm ăn từ sáng sớm cho đến chiều tối. Khoảng từ 6,7h cho đến 17h trong ngày là thời gian kiếm ăn còn cả đêm chúng dành cho chim non.

Kích thước con chim Nicoba đực thường lớn hơn con mái một cách rõ rệt. Chiếc tổ xinh xắn tỏ rõ sức bền khi phải ôm ấp cả gia đình Nicoba. Khi đã yên tâm bởi sự hiện diện đầy chắc chắn của con đực, con chim cái bắt đầu rời tổ để tiếp tục công việc mà hàng ngày nó vẫn cần mẫn thực hiện. Con chim đực tiếp quản vị trí và trách nhiệm từ con cái một cách hoàn hảo, nó dường như không có chút bỡ ngỡ.

Ở loài Nicoba, tập quán sinh sản và chăm sóc con non khá giống với chim yến. Chim đực và chim cái thay phiên nhau kiếm mồi và bảo vệ con non. Trong suốt quá trình ấp trứng cũng như vậy. Thời gian về đêm là lúc cả đôi cùng bảo vệ cho thế hệ nối tiếp của mình.

Con chim non sau khi nở vài ngày đã có được bộ lông khá mượt. Khi chưa mọc kín khắp thân mình, bộ lông của nó có màu đen tuyền chứ chưa chuyển màu xanh đặc trưng như bố mẹ nó. Màu đen ấy cứ theo thời gian bóng dần lên, khi nó đã đen óng là lúc nó có thể ra ràng và tập làm quen với cuộc sống tự chủ.

Quá trình chuẩn bị để ra ràng đối với chim non thật dài. Nó phải tập di chuyển trên đôi chân trước khi có thể tung mình vào không gian của biển cả. Rồi cũng đến lúc nó thừa hưởng được hết những khả năng ấy, đó là lúc nó đã trưởng thành. Khi ấy, mắt nó bắt đầu có màng trong màu đen, bộ lông ánh lên màu xanh kim loại với màu trắng đặc trưng lộ ra phía đuôi. Chân nó khỏe và lớn để vừa nâng đỡ được trọng lượng cơ thể, lại vừa phục vụ cho mục đích kiếm ăn trên những địa hình khác nhau.

Loài Nicoba sống tập trung ở vùng ven biển Nam Á. Người ta phát hiện ra chúng lần đầu tiên ở quần đảo Nicobar của Ấn Độ nên nó được gọi với cái tên như vậy.

Đặc điểm dễ nhận biết nhất của chúng chính là cấu trúc và màu sắc của bộ lông, cùng với đó hệ thống xương ống ở cánh. Cấu trúc lông ống cũng làm nên những điểm khác biệt chỉ có ở loài này.

Vòng đời của Nicoba cũng khá dài, sau khi nở ra từ trứng khoảng 5-7 tuần là nó có thể sống độc lập và dần trưởng thành.

Sự có mặt của loài chim quý hiếm Nicoba ở Côn Đảo được ghi trong sách đỏ Thế giới này đã góp phần làm phong phú và đa dạng hơn bức tranh sinh cảnh tuyệt vời của thiên nhiên vùng biển đảo này.

Xem thêm: Bí ẩn loài bồ câu quý hiếm chỉ có ở Côn Đảo

https://khoahoc.tv

5/5 - (1 bình chọn)
Previous Post
Thông tin về đất ngập nước Ramsar (RIS) – Côn Đảo
Next Post
Điêu khắc ở Côn Đảo
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.