Côn Đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở trên cả hai phương diện kinh tế và địa chính trị; hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, di tích lịch sử, con người. Côn Đảo có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, di tích cấp quốc gia đặc biệt của cả nước, thế giới, đã và đang tạo tiền đề vững chắc để Côn Đảo phát huy thế mạnh, đẩy nhanh tiến trình hội nhập, mở rộng quan hệ, tranh thủ các nguồn lực xây dựng và phát triển Côn Đảo.
Tiềm năng và đa dạng sinh học Côn Đảo rất đa dạng và phong phú, Vườn quốc gia Côn Đảo được tổ chức UNESCO công nhận là đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi là khu Ramsar) vào năm 2014. Di tích Côn Đảo được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt năm 2015. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2030. Năm 2017, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo. Đây là điều kiện thuận lợi để Côn Đảo phấn đấu đến năm 2030 trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo, văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, chuẩn bị các điều kiện cần thiết trở thành đô thị du lịch vào năm 2030.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, cùng với sự phát triển chung của cả nước; phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của Sở ngành liên quan, Côn Đảo đã và đang gặt hái được những thành tựu quan trọng trên các mặt kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ du lịch.
Trước yêu cầu phát triển và để tạo bước phát triển đột phá đối với những lĩnh vực có tiềm năng lợi thế, xây dựng Côn Đảo trở thành Khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao; thu hút nguồn lực phát triển Côn Đảo theo chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Huyện Côn Đảo trình bày các giải pháp để phát triển du lịch Côn Đảo chất lượng cao, xanh, sạch và bền vững, cụ thể như sau:
1. Giải pháp đẩy mạnh thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo
UBND huyện Côn Đảo đã phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan tổ chức công bố trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng về các Quy hoạch được phê duyệt, nhất là Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 theo Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch Vườn quốc gia Côn Đảo; Quy hoạch Khu Ramsar Côn Đảo; Đề án Quy hoạch các địa điểm cho thuê môi trường rừng kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Côn Đảo; Quy hoạch Khu di tích đặc biệt Côn Đảo và các quy hoạch khác có liên quan nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.
Đã triển khai Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 02/6/2017 của UBND tỉnh về thành lập Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo trên cơ sở kiện toàn Ban Quản lý các khu du lịch huyện, nhằm tăng cường công tác quản lý các hoạt động du lịch trong Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo theo Quyết định 870/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở Quyết định số 870/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện tham mưu Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 12/4/2017 về phát triển du lịch huyện Côn Đảo giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; theo đó, định hướng phát triển du lịch Côn Đảo được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn; mọi hoạt động của các ngành sản xuất và dịch vụ khác trên địa bàn đều nhằm mục tiêu phục vụ cho sự phát triển ngành du lịch một cách hiểu quả và bền vững.
Ban hành Quyết định số 735/QĐ-UBND ngày 15/9/2017 về ban hành Kế hoạch phát triển du lịch huyện Côn Đảo giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hàng năm, ban hành kế hoạch chi tiết triển khai phát triển Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo theo quy hoạch.
Định hướng phát triển du lịch Côn Đảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến 2020, tầm nhìn đến 2030, theo chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.
2. Giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên
Côn Đảo có diện tích tự nhiên là 7.600 hecta, trong đó diện tích phần rừng, đất rừng do Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý gần 6.000 hecta, ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo quản lý 14.000 hecta hợp phần bảo tồn biển bao quanh các đảo, tài nguyên, sinh thái Côn Đảo rất đa dạng, có nhiều loại hình du lịch sinh thái hấp dẫn, hiến nơi nào hội tụ đầy đủ nguồn tài nguyên, thiên nhiên phong phú như ở Côn Đảo. Phát triển du lịch Côn Đảo phải theo nguyên tắc khai thác hợp lý, bền vững tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời, chú trọng đến vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tài nguyên rừng, biển Vườn quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt và các danh lam, thắng cảnh đẹp, hoang sơ của Côn Đảo. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa – lịch sử, tâm linh, đồng thời, gắn kết với thị trường du lịch quốc tế và nâng cao hiệu quả cạnh tranh với các điểm du lịch biển, đảo khác trong nước và quốc tế.
Tập trung khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch sinh thái đặc trưng, hấp dẫn trong Vườn quốc gia Côn Đảo, như: nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng; ngắm cảnh thiên nhiên hoang dã, cắm trại dã ngoại; du lịch thể thao đi bộ, leo núi, bơi lặn biển xem san hô và sinh vật biển, quan sát động vật hoang dã; các môn thể thao biển; du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học, hội thảo khoa học, thực tập về rừng biển, di tích lịch sử văn hóa, môi trường. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch sinh thái biển không hoặc ít tác động đến môi trường, sinh vật biển xem rùa biển đẻ trứng, thả rùa con về đại dương….
Phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo đẩy nhanh triển khai thực hiện chủ trương UBND tỉnh về lập Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2020 – 2030, sớm tháo gỡ các khó khăn, tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư kinh doanh du lịch sinh thái theo hình thức thuê môi rừng tại 19 khu vực cho thuê môi trường rừng kết hợp kinh doanh du lịch sinh thái.
Trong thời gian tới tập trung phát triển các dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút khách du lịch cao cấp có thời gian lưu trú dài ngày, mức chi tiêu du lịch cao tại các khu vực cho thuê môi trường rừng, kết hợp phát triển du lịch sinh thái theo các không gian ven biển, đảo; đẩy mạnh phát triển các loại hình sinh thái biển trong hợp phần bảo tồn biển Vườn quốc gia Côn Đảo với các loại hình du lịch ít tác động đến môi trường, sinh vật biển trong khu bảo tồn.
Phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo đẩy nhanh trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng các bến cập tàu tại đảo nhỏ được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư để triển khai đầu tư xây dựng bến cập tàu tại Hòn Cau, hòn Bảy Cạnh, hòn Tre Lớn trong năm 2020 và hoàn thành trước năm 2024, nhằm tăng cường năng lực đảm bảo quốc phòng an ninh, tuần tra biển, đồng thời kết hợp phục vụ khách tham quan các đảo nhỏ.
Phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo triển khai đầu tư tuyến mới đường tuần tra kết hợp du lịch sinh thái trong rừng từ Trạm Kiểm lâm Cỏ Ống đi Núi Nhà Bàn – Núi Chúa, các tuyến đường mòn trong Vườn thực vật bãi Ông Đụng. Xúc tiến triển khai một số tuyến đường mòn tuần tra kết hợp phát triển du lịch chuẩn bị nâng cấp, sửa chữa gồm: tuyến Núi Chúa – Cầu Ma Thiên Lãnh, tuyến Hòn Bà – Đỉnh Tình Yêu phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá sinh thái của du khách.
3. Giải pháp phát triển sản phẩm, tour du lịch Côn Đảo
Hiện nay, trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo có 17 tuyến du lịch với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn thu hút nhiều khách du lich trong nước và quốc tế tham quan, khám phá, gồm: 02 tuyến tham quan di tích lịch sử Côn Đảo, 06 tuyến tham quan danh lam thắng cảnh, 06 tuyến du lịch sinh thái biển, đảo tham quan Vườn quốc gia, Khu Ramsar Côn Đảo, 03 tuyến kết hợp tham quan di tích và danh thắng. Để phát huy, khai tác tốt các tuyến, sản phẩm du lịch, cần thường xuyên tham gia Hội chợ du lịch quốc tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và một số đô thị du lịch lớn để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu các sản phẩm, tour du lịch Côn Đảo. Phối hợp các công ty Lữ hành trong nước tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch Côn Đảo. Phối hợp các báo, đài truyền hình các địa phương, quốc tế xây dựng phóng sự đưa thông tin, giới thiệu tiềm năng, du lịch Côn Đảo trên các báo, đài trong nước, nước ngoài thu hút khách du lịch.
Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch như: nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch sinh thái chất lượng cao; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch văn hóa, tâm linh, lễ hội; du lịch cộng đồng. Thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao như: các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí phức hợp, dịch vụ mua sắm cao cấp… đối với các dự án đầu tư loại hình lưu trú dài ngày.
Đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch trong ngày, dài ngày tham quan các danh lam, thắng cảnh trong Vườn quốc gia Côn Đảo; tham quan các điểm di tích Côn Đảo. Tập trung phát triển các tuyến du lịch liên vùng, kết nối Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo với các điểm du lịch quan trọng như thành phố Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Sóc Trăng, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và một số đô thị du lịch lớn trong cả nước,… bằng đường biển, đường không thu hút khách du lịch.
Tiếp tục định hướng các doanh nghiệp du lịch chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng, đa dạng các loại hình dịch vụ tại cơ sở, nhằm tạo những sản phẩm đa dạng, đặc sắc, có sức hấp dẫn cao thu hút khách du lịch.
Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng nhằm khuyến khích cộng đồng cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống; trải nghiệm, khám phá văn hóa bản địa, nếp sống tại cộng đồng, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng; khuyến khích các loại hình đi xe đạp, xe điện tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống người dân trên đảo.
Nghiên cứu cải tạo, phục hồi, giữ nguyên hiện trạng nhằm phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch tại các khu phố Pháp cổ trung tâm Côn Sơn, nhằm tạo sự khác biệt giữa các phân khu du lịch với điểm nhấn là các khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu phố cổ mang kiến trúc Pháp, khu dịch vụ du lịch tại trung tâm Côn Sơn theo định hướng tại Quyết định 870/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Côn Đảo có nhiều bãi biển đẹp, môi trường biển trong lành, khí hậu mát mẻ quanh năm, làn nước trong xanh, phù hợp phát triển nhiều loại hình thể thao giải trí trên biển như lặn biển, ca nô lướt ván, lướt ván buồm, lướt ván diều, lướt ván dù, dù lượn, bóng chuyền bãi biển, hoạt động đua bè hàng năm,… Vì vậy, UBND huyện sẽ phối hợp với các Sở ngành liên quan nghiên cứu và có giải pháp hỗ trợ phát triển các hoạt động thể thao biển phù hợp, thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình, dịch vụ thể thao giải trí trên biển.
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh lập đề án nâng cấp Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến và Nữ AHLLVTND Võ Thị Sáu từ lễ hội cấp huyện lên lễ hội cấp tỉnh nhằm tạo sản phẩm, thu hút khách du lịch.
4. Giải pháp thực hiện công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch Côn Đảo trên các kênh thông tin hàng đầu thế giới
Năm 2019, UBND huyện Côn Đảo đã phối hợp với Sở Du lịch tỉnh, Tổng Cục du lịch tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Côn Đảo tại hai thị trường du lịch lớn là Nhật Bản và Anh Quốc.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tài nguyên thiên nhiên, điểm đến Côn Đảo, sản phẩm du lịch Côn Đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo đến các thị trường khách du lịch tiềm năng. Tập trung các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu cao tại các khu vực trọng điểm như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Âu. Tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế để giới thiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Côn Đảo ra nước ngoài trên các kênh thông tin hàng đầu thế giới…
Tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch tỉnh, Tổng cục Du lịch xây dựng kế hoạch chi tiết đăng ký tham gia Chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu du lịch Côn Đảo tại các Hội chợ du lịch quốc tế, các thị trường khách tiềm năng, luôn nằm trong top 10 thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam để thu hút khách du lịch đến Côn Đảo.
Tập trung quảng bá các tuyến du lịch liên kết vùng rộng rãi trên các kênh thông tin, truyền thông, xây dựng các video clip, phóng sự, bài viết giới thiệu trên tạp chí Heritage trên các hãng hàng không, các tàu vận chuyển khách du lịch, tờ rơi, tờ gấp… giới thiệu, quảng bá các trang mạng xã hội, đài truyền hình tỉnh, khu vực, Trung ương và quốc tế.
5. Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ để phát triển du lịch
UBND huyện đã tiến hành rà soát hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông đến các khu, điểm du lịch để có kế hoạch, lộ trình đầu tư nâng cấp các hạng mục còn thiếu, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển du lịch, kết nối các điểm tham quan du lịch, như: đường Ma Thiên Lãnh, đường Cỏ Ống – Bến Đầm, đường vào cổng chính Nghĩa trang Hàng Dương, đường Phan Chu Trinh, đường Nguyễn Đức Thuận, đường song hành khu dân cư; đường Tôn Đức Thắng; đường và kè hồ Quang Trung I; đường Tây Bắc đang trong quá trình hoàn thiện.
Phối hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Côn Đảo theo Công văn số 629/UBND-VP ngày 22/01/2019 về việc phối hợp thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, Công văn số 6527/BGTVT-KHĐT ngày 19/6/2019 của Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến 2030. Tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh sớm tham mưu, đề nghị với Bộ Giao thông vận tải xúc tiến nhanh nâng cấp sân bay Cỏ Ống, nhằm liên kết với các thành phố lớn, khu du lịch khác trong cả nước; kiến nghị, kêu gọi các hãng hàng không khác đầu tư tuyến bay từ Côn Đảo đến các thành phố, đô thị du lịch lớn, nhằm hình thành các tuyến du lịch liên vùng, thu hút khách du lịch.
Tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hỗ trợ phát triển du lịch như: Hệ thống thu gom và xử lý nước thải; nhà máy xử lý rác thải; nâng cấp hệ thống cấp nước. Sớm hoàn thiện hạn mục nâng cảng Bến Đầm, cảng tàu khách nhằm nâng cao năng lực tiếp đón hành khách tàu biển.
Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xin chủ trương của Chính phủ đầu tư điện lưới quốc gia kết nối từ Sóc Trăng – Côn Đảo theo Thông báo kết luận số 722/TB-UBND ngày 23/12/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh; có ý kiến với Tổng Công ty Điện lực miền Nam tiếp tục đầu tư các tổ máy diesel mới theo quy hoạch được phê duyệt; đồng thời kiến nghị tỉnh hỗ trợ, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư nguồn gió, mặt trời trên địa bàn huyện, kiến nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, văn bản chấp nhận chủ trương đối với dự án chậm triển khai.
Tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn, uống, giải khát, dịch vụ vui chơi giải trí,… đáp ứng nhu cầu khách du lịch.
6. Giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch chất lượng cao
Tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức quản lý Nhà nước về du lịch, từng bước chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ đảm bảo nâng cao chất lượng quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch.
Tập trung đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt văn minh ứng xử giao tiếp du lịch; đào tạo trình độ ngoại ngữ giao tiếp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập.
Thống kê, đánh giá và phân loại nguồn nhân lực phục vụ du lịch hiện có đang làm việc tại Côn Đảo; phối hợp các tổ chức, doanh nghiệp dự báo nhu cầu lao động trong ngành du lịch để có giải pháp đào tạo, tập huấn và thu hút nguồn lực lao động từ đất liền ra đảo làm việc.
Tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh các doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về sử dụng lao động, cam kết sử dụng lao động có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm theo đúng các quy định hiện hành.
Hàng năm, phối hợp Sở Du lịch tỉnh mở các lớp đào tào nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện; với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức các lớp đào nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với các trường quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tổ chức các buổi hướng nghiệp, định hướng nghề cho học sinh tại địa phương.
Quyết tâm thực hiện các giải pháp nêu trên dưới sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ngành, tin rằng trong thời gian tới, du lịch Côn Đảo sẽ đạt được mục tiêu phát triển theo hướng chất lượng cao, xanh, bền vững.
Ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo