Trước khi tôn tạo, Nghĩa trang đã có một sân Hành lễ khá khang trang với sân cỏ, tương đài. Sân hành lễ nằm ở trung tâm nghĩa trang có một Tượng đài mang tên “Trao áo”.
Di chuyển tượng “Người trao áo”
Tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được khởi dựng ngày 16/7/1980 bằng bê tông. Dưới chân bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Tượng đài được tái tạo từ câu chuyện “ Chết còn cởi áo cho nhau”. Người trao áo là ông Vũ Văn Hiếu, nguyên là bí thư đầu tiên của đặc khu mỏ Hòn Gai (tháng 10/1930). Người nhận áo nguyên là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tác giả của bức tượng là nhà điêu khắc Lưu Thanh Danh. Bức tượng gây ấn tượng mạnh cho bao người đến Hàng Dương bởi một câu chuyện có thật đầy cảm động.
Tuy nhiên trong thiết kế mới: khu Hành lễ được xây dựng một cột đá cao đúng tại vị trí tượng “Trao áo”. Như vậy là chúng tôi phải phá bỏ bức tượng cũ để xây dựng Đài Tưởng niệm mới. Khi chúng tôi mang máy đào đến đào xung quanh bức tượng thì dư luận bắt đầu lên tiếng. Chủ đầu tư kêu gọi chúng tôi phá thật nhanh để thành chuyện đã rồi. Nhưng bản thân tôi cũng cảm thấy tiếc nuối và đồng tình với những ý kiến bảo vệ một tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chúng tôi đã quyết định dựng công việc phá dỡ.
Khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ, buộc Chủ đầu tư phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp. Một phương án dung hòa được đưa ra : Tượng cũ được phá dỡ để xây dựng Đài tưởng niệm, bức tượng “Trao áo” được dựng lại ở vị trí khác bằng chất liệu đá Granít bền vững nhưng kích thước được thu nhỏ lại như hiện nay.
Chiếc áo người tử tù
Cụ Vũ Văn Hiếu sinh năm 1907 tại ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nông dân nghèo. Khi còn nhỏ Hiếu (cụ Vũ Văn Hiếu) ở với người cô ruột tận Thái Nguyên. Năm 15 tuổi tốt nghiệp tiểu học Pháp Việt và được tiếp tục học trường Thành Chung, Hải Phòng. Học năm thứ ba thì cô ruột ốm chết, Hiếu đành phải bỏ học. Chịu tang cô xong, anh xin vào học tiếp tại Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, với mục đích học nghề để tìm việc nuôi thân. Tại đây, Vũ Văn Hiếu cơ may được tiếp xúc với một số nhân sĩ, trí thức, bạn học có tư tưởng yêu nước như Lê Quốc Trọng, Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang, Lưu Bá Kỳ. Ở đất cảng, học hành đang tấn tới thì Vũ Văn Hiếu bị nhà trường đơn phương đuổi học cùng 30 bạn đồng môn vì hưởng ứng phong trào sinh viên đòi dân chủ, đòi chính quyền bảo hộ Pháp trả tự do cho cụ Phan Bội Châu.
Năm 1928, anh ra Hòn Gay (nơi có bà dì ruột sinh sống) làm phu ở Sở Mới. Đến đất mỏ tuy còn “chân ướt chân ráo” nhưng Vũ Văn Hiếu đã tỏ ra thông minh, đức độ hơn người. Nghề đào than khác xa việc đồng áng dưới quê. Hàng ngày anh phải đẩy cỗ xe goòng chở than đá nặng trĩu. Người thì nhỏ, việc thì nặng nhọc, lại còn bị bọn cai thầu ngược đãi, thúc thợ bằng roi vọt, bằng cúp phạt lương, lăng nhục… Với bản tính nhẫn nại, dần dà Hiếu cũng làm quen được với môi trường mới, biết cách đun đẩy, bắn, bẩy xe goòng. Anh còn nghĩ ra cách hợp lý hóa các thao tác sản xuất, lao động có năng suất mà giảm bớt được sức người. Biết được đến đâu, anh hướng dẫn cho bạn thợ đến đấy.
Tuy đường học hành còn dở dang, nhưng Vũ Văn Hiếu đến đâu con chữ theo chân đến đấy. Nơi tá túc của anh tuy nhỏ, đơn sơ, nhà tranh vách đất, nhưng vẫn có một góc học tập vừa là nơi đọc sách báo, vừa là lớp học bình dân, thày Hiếu dạy học miễn phí cho đồng nghiệp và con em của họ. Nhờ lớp học của anh mà nhiều người xóa được mù chữ, có người còn đọc thông viết thạo.
Vũ Văn Hiếu đến với Đảng cũng là sự tình cờ. Tháng 9/1928, Kỳ bộ Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội cử hội viên đi “vô sản hóa” ở các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền trong cả nước. Đoàn công tác đến Hòn Gay có Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị), Nguyễn Khắc Khang (Lê Quốc Trọng). Nguyễn Khắc Khang vốn là bạn mục đồng của Vũ Văn Hiếu. Khang và Hiếu, hai người đã trưởng thành, hai tư tưởng lớn gặp nhau trên đất mỏ lầm than, dưới ách nô lệ của thực dân Pháp. Nguyễn Khắc Khang truyền đạt cho Vũ Văn Hiếu cơ sở lý luận về giai cấp vô sản, con đường cách mạng mà vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn. Tháng 11/1929, Vũ Văn Hiếu vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng cộng sản Đông Dương. Từ đó, người thợ mỏ trẻ tuổi đức độ này thể hiện rõ hơn vai trò thủ lĩnh của phu mỏ, đấu tranh với chủ mỏ vì quyền lợi của người lao động. Vũ Văn Hiếu tiếp tục nhân rộng phong trào cách mạng, xây dựng tổ chức Đảng trong công nhân mỏ Hà Tu, Núi Béo.
Hoạt động Cách mạng của Vũ Văn Hiếu có những việc rất đời thường mà thu phục được lòng người. Anh đã “tương kế tựu kế” biến ổ cờ bạc ở các mỏ Hà Tu, Núi Béo, Hà Lầm thành hội “chơi họ” để giúp đỡ lẫn nhau. Anh còn lập ra lò võ, CLB văn nghệ… để rèn luyện sức khỏe, vui tươi trong cuộc sống. Thông qua các hoạt động văn hóa – thể thao tuyên truyền văn hóa mới trong phu mỏ, bổ trợ cho mục tiêu xây dựng cơ sở Đảng. Kết quả là một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Hà Tu, từ hạt nhân phong trào văn nghệ, võ thuật mà Vũ Văn Hiếu là người khởi xướng và lãnh đạo.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các Chi bộ Đảng ở Mạo Khê, Hòn Gay, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt được thành lập. Tháng 3/1930, Chi bộ Hòn Gay gồm Nguyễn Khắc Khang, Vũ Văn Hiếu, Trần Văn Nghệ, Nguyễn Văn Xứng (Lê Thanh Nghị), Chi bộ đã thành lập Ban Cán sự do Nguyễn Khắc Khang làm Bí thư. Vũ Văn Hiếu làm công nhân tại nhà sàng và than luyện Hòn Gay, anh trực tiếp phụ trách cơ sở quần chúng ở đây. Nhân vụ tên cai đánh một phụ nữ, Hiếu đã vận động chị em đấu tranh bãi công chống chủ mỏ đánh đập, cúp phạt và đòi hỏi quyền lợi được tăng lương… Bọn chủ Pháp phải nhượng bộ, công nhận yêu sách của công nhân mà Vũ Văn Hiếu là người tổ chức, chỉ đạo hành động tập thể.
Tháng 4/1930, Đảng ủy khu mỏ Hòn Gai – Cẩm Phả được thành lập do Vũ Văn Hiếu làm Bí thư. Công đầu của Đảng ủy Hòn Gai – Cẩm Phả đã lãnh đạo công nhân nhà máy đình công, tiểu thương bãi thị đòi giảm thuế môn bài. Ở Cẩm Phả – Cửa Ông, ta rải truyền đơn, áp phích phản đối thực dân Pháp đàn áp sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Ngày 01/5/1930, treo cờ đỏ búa liềm ở núi Bài Thơ, tiếp đó là Hà Tu, Hà Lầm, Cẩm Phả cũng xuất hiện cờ đỏ búa liềm và hàng nghìn tờ truyền đơn áp phích đòi ngày làm 8 giờ, tăng lương, giảm thuế, phản kháng đế quốc chủ nghĩa, ủng hộ Liên bang Xô Viết…
Ngày 17/5/1930, do nội bộ có kẻ đầu hàng địch, mật thám Pháp đã bắt Vũ Văn Hiếu và 4 đảng viên khác tại Hòn Gai. Bất chấp đòn tra tấn của địch, Hiếu cương quyết không tiết lộ bí mật. Không đủ chứng cứ, bọn mật thám phải buông tha anh. Vũ Văn Hiếu trở về hầm mỏ, anh tiếp tục nối lại liên lạc với tổ chức Đảng ở Hòn Gai – Cẩm Phả để hoạt động cách mạng. Cuối tháng 10/1930, Trung ương Đảng thành lập đặc khu Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả. Trong tình hình phong trào Cách mạng ở đây bị địch khủng bố dữ dội, Vũ Văn Hiếu được cấp trên giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy mỏ Cẩm Phả – Cửa Ông để củng cố, duy trì hoạt động của Đảng.
Ngày 09/02/1931, lại do nội bộ có kẻ phản bội, Vũ Văn Hiếu và gần 70 cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng ưu tú lại bị sa vào tay giặc. Sau mấy ngày đêm tra tấn dã man, Vũ Văn Hiếu vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản, không khai báo. Bọn chúng phải chuyển anh sang lao tù ở Hải Phòng rồi lên Hà Nội, qua nhiều cực hình, địch vẫn không khuất phục nổi được ý chí của nhà cộng sản Vũ Văn Hiếu.
Ngày 13/5/1931, thực dân Pháp đưa Vũ Văn Hiếu cùng hơn 40 đảng viên, quần chúng cách mạng khác ra xét xử tại Hội đồng đề hình Hà Nội. Tại phiên xử này, chúng kết án Vũ Văn Hiếu 20 năm cầm cố và đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, chúng giam Vũ Văn Hiếu cùng phòng giam với các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Hạ Bá Cang, Nguyễn Khắc Khang…
Tháng 5/1936, phong trào Bình dân ở Pháp thắng thế, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho Vũ Văn Hiếu cùng nhiều chính trị phạm. Thoát khỏi lao tù, Vũ Văn Hiếu tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh. Sau chuyển vào miền Nam công tác, Vũ Văn Hiếu tham gia chỉ đạo tờ Đông Phương tạp chí với danh nghĩa đặc phái viên. Tháng 11/1939, anh phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.
Đêm 17/01/1940, Vũ Văn Hiếu lại bị địch bắt cùng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Văn Tấn. Trong tay giặc, Vũ Văn Hiếu còn nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ Đảng, nhất là bảo vệ các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, anh đã khẩn báo cho Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn rằng “Tôi đã khai nhận số tài liệu mà địch thu được ấy là của tôi, không liên quan đến các đồng chí. Địch có tra tấn tôi thì mình tôi chịu. Các đồng chí cứ chối phắt đi rằng mình không biết, không có chứng cứ chúng đành thua lý. Tôi chịu đòn, chịu chết thay cho các đồng chí, để các đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng”.
Đầu năm 1941, thực dân Pháp lại đày Vũ Văn Hiếu ra Côn Đảo (lần thứ hai), giam cùng Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo… Chúng bắt các chiến sĩ cách mạng ở trần truồng, ăn uống cơ cực, bệnh tật, còn hành hạ dã man.
Ông Lê Duẩn – Tổng Bí thư của Đảng sinh thời kể: Trong lao tù, Vũ Văn Hiếu bị bệnh ho lao, anh em xin được một bộ quần áo cho mặc. Một hôm đồng chí Hiếu nằm cạnh tôi nói: “Tôi không sống được nữa. Tôi đang nghĩ có cách gì làm lợi cho Đảng, mà nghĩ mãi không ra. Giờ chỉ có cách tôi đưa bộ quần áo này cho đồng chí mặc, để đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng”. Hôm sau Vũ Văn Hiếu tắt thở ngay trong đại lao, vì bệnh trọng, vết thương kẻ địch tra tấn tái phát. Người đảng viên cộng sản ấy ra đi, vẫn nghĩ đến Đảng, vẫn nghĩ cách làm lợi cho Đảng.
2 Bình luận. Leave new
[…] Xem thêm: Bức tượng “Trao áo” trong nghĩa trang Hàng Dương […]
[…] Xem thêm: Bức tượng “Trao áo” trong nghĩa trang Hàng Dương […]