Di tích An Sơn Miếu, nhân dân địa phương quen gọi là Miếu Bà Phi Yến, tọa lạc tại làng An Hải, dưới chân núi Thánh giá, cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 2500m về hướng Đông nam trên trục đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Miếu Bà. Nơi đây xây dựng để thờ Thứ phi Hoàng Phi Yến (vợ thứ của chúa Nguyễn Phúc Ánh).
Theo truyền thuyết Bà đã mất tại làng An Hải năm 1785, nơi hiện nay có ngôi miếu thờ Bà. Ngôi miếu tọa lạc trên một khu đất khá bằng phẳng, có nhiều cây thị rừng cổ thụ tỏa bóng mát. Kiến trúc sân vườn hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, tạo vẻ linh thiêng, huyền bí. Di tích là một ngôi miếu nhỏ, xây dựng lại vào năm 1958 thời Mỹ – Ngụy, thờ Bà Cậu Côn Lôn và Quan Đô đốc Ngọc Lân (một vị quan trung thần với mẹ con bà Phi Yến)
Năm 1783 Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy ra Côn Đảo tị nạn. Bà thứ phi Hoàng Phi Yến cùng chạy theo ông ra đảo. Theo truyền thuyết Bà bị giam cầm trong một hang đá, trên hòn đảo hoang vắng, nằm về phía tây nam của đảo chính, do ngăn cản Nguyễn Ánh cầu viện sự giúp đỡ của người Pháp. Con trai của Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là Hoàng Tử Cải (Hoàng Tử Hội An) khóc lóc đòi mẹ, cũng bị Nguyễn Ánh khép vào tội a tòng 1 với mẹ và bị ném xuống biển. Xác trôi dạt tấp vào làng Cỏ Ống, được dân làng vớt, đem chôn và lập miếu thờ (ngày nay miếu và mộ Hoàng Tử Cải vẫn còn tại làng Cỏ Ống). Khi bị giam trong hang đá bà Phi Yến đã được con Vượn Bạch nuôi sống bằng những trái cây rừng. Sau đó Vượn Bạch cùng Hắc Hổ (con vật này là bạn của Hoàng Tử Cải) cứu sống ra khỏi hang đá và đưa về làng Cỏ Ống nơi có mộ con bà.
Năm 1785 tại làng An Hải có tổ chức cúng tế trong làng. Theo lệ thường hàng năm vào rằm tháng 10 âm lịch, bà Phi Yến được dân làng rước về cùng tham dự cho thêm phần long trọng. Tại đây, bà đã bị một tên đồ tể người làng An Hải tên là Biện Thi xâm phạm đến danh tiết. Bà đã tự tử để giữ vẹn danh tiết vào ngày 18/10 âm lịch (1785). Để tỏ lòng thương tiếc, dân làng đã xây một ngôi miếu để thờ Bà.
Năm 1861 Thực dân Pháp chiếm Côn Đảo, thiết lập nhà tù và cho di dời toàn bộ số dân trên đảo về đất liền, do đó ngôi miếu không được chăm sóc nên đã sụp đổ. Đến năm 1958, Côn Đảo trở thành tỉnh Côn Sơn dưới chế độ Mỹ-Ngụy. Trưởng ty ngân khố Côn Sơn là ông Nguyễn Kim Sáu đã xem lại “Sử lược Côn Đảo” và thấy một người phụ nữ Việt Nam “Trung trinh tiết liệt” đã bỏ mình tại đây, bèn đề nghị trích một khoản tiền trong quỹ phúc lợi của tỉnh, sử dụng sức lao động khổ sai của tù nhân để xây dựng An Sơn Miếu, thờ bà Phi Yến ngay trên nền ngôi miếu ngày xưa.
Giá trị Văn hóa vật thể: Ngôi miếu xây dựng theo dạng chữ nhất, có tường rào bao quanh. Tổng diện tích là 4200m2, trong đó diện tích kiến trúc chiếm 1.100m2 ( 21,5m x 50m ), có cổng ra vào quay về hướng tây nam, (cao 2,5m, rộng 2m, dày 0,4m) bằng xi măng. Bên trên cổng vào gắn tấm biển cũng bằng xi măng (cao 0,5m, dài 2,5m, dày 0,1m) sơn vàng với dòng chữ “An Sơn Miếu” đắp nổi sơn đỏ.
Lối vào lát đá rộng 2m, phía trứơc ngôi miếu là sân miếu, đặt một bàn thờ thiên. Trước bàn thờ thiên là một ao tròn xây bằng xi măng, bên trong có hòn non bộ, biểu tượng hang đá nơi bà Phi Yến bị Nguyễn Ánh giam cầm. Trong sân miếu trồng nhiều hoa và cây cảnh tạo cảnh quan, lối đi lát đá dẫn vào miếu, hai bên đặt ghế đá cho khách thập phương nghỉ chân, trong sân miếu có hai cây thị cổ thụ.
Cửa Tam quan của ngôi miếu xây vòm cuốn quay về hướng đông. Bên trên cửa gắn tấm bảng gỗ (cao 0,5m, dài 1,5m) nền vàng, chữ Hán sơn đỏ (AN SƠN MIẾU). Xung quanh bảng trang trí hình hoa cúc dây. Phía sau cửa Tam quan là chính điện, tiếp giáp sau chính điện là nhà nghỉ, nhà bếp, kho. Bên phải chính điện là nhà ăn. Trong chính điện đặt 4 bàn thờ, ngoài cùng thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ở giữa lui vào phía trong, bàn thờ bà Hoàng Phi Yến. Bên phải bàn thờ bà Phi Yến là bàn thờ Quan Đô đốc Ngọc Lân và bên trái là bàn thờ Hoàng Tử Cải.
Giá trị Văn hóa phi vật thể: Côn Đảo từ sau ngày giải phóng 1975 không có một tổ chức tôn giáo nào. Huyện Côn Đảo tuy nhỏ có diện tích khoảng 76,71 km2, dân số chưa đến 6000 người nhưng lại là nơi tập trung một “nền văn hóa Việt Nam thu nhỏ”. Bởi lẽ, người dân Côn Đảo đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước. Mỗi người đều mang những nét văn hóa ở vùng miền nơi họ sinh sống trước khi nhập cư ra Côn Đảo. Điều đáng quan tâm đó là sự dung hòa tất cả những nét văn hóa vùng miền, các tôn giáo… tạo nên một bản sắc văn hóa riêng cho Côn Đảo.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, người dân đã thỉnh một pho tượng phật Bà Quan Âm vào thờ trong Miếu Bà. Hàng tháng vào ngày rằm, mồng một người dân địa phương và người đi biển đều đến đây cúng viếng, vì thế miếu còn có thêm tên gọi là Chùa Bà. Trước đây việc tổ chức giỗ bà Phi Yến chỉ là tự phát của nhân dân địa phương, đến năm 1987 có sự tham gia của Mặt Trận Tổ Quốc Huyện Côn Đảo và sau này là Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo hợp tác tổ chức thành Lễ giỗ Bà vào ngày 18/10 ( âm lịch ) hàng năm.
Thực trạng và giải pháp tồn tạo, phát huy: Di tích An Sơn Miếu với những giá trị về cảnh quan, lịch sử văn hóa cần được bảo tồn, tôn tạo một cách xứng đáng. Mặc dù được chính quyền và nhân dân, hàng năm đầu tư kinh phí trong việc duy tu, sửa chữa nhưng hiện nay di tích vẫn đang bị xuống cấp trầm trọng, có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Gây cảm giác nguy hiểm cho du khách và người dân khi đến đây.
Di tích hiện nay được Ban Quản lý Di tích Lịch sử Cách mạng Côn Đảo quản lý. Nhằm trùng tu, tôn tạo và phát huy tốt hơn nữa giá trị di tích, trước mắt cần phải có những giải pháp cụ thể, tránh việc làm mới di tích. Loại bỏ các bộ phận kiến trúc xây chắp vá với di tích.
Về kinh phí trùng tu di tích, hiện nay nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thì chưa có. Vì vậy, sự tự nguyện đóng góp kinh phí từ tất cả các ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, cá nhân… trên địa bàn huyện, cũng như trong cả nước là hết sức quan trọng. Do đó, cần nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân với di tích. Nâng cao niềm tự hào và ý thức trách nhiệm của cộng đồng cư dân huyện đảo, trên cơ sở gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích và khai thác có hiệu quả nhất.
THIÊN ANH
https://www.baotangbrvt.org.vn