Hai mươi tháng chạp, một đại đội trưởng cầm đầu 30 tù binh vượt ngục Côn Đảo.
Vào khoảng năm 19… chiến tranh Đông Dương ác liệt ở Bắc Việt. Quân Việt cũng như quân Pháp tử thương và bị bắt càng nhiều. Tại ngục Côn Nôn đã thấy có mặt chiến sĩ bưng biền bị bắt từ ngoài Bắc đem vào giam giữ.
Sáu giờ sáng, từ cổng trại giam số 1, một đoàn tù mới trên trăm, uể oải bước vô, lính đi kèm hai bên, lưỡi lê tuốt trần nhọn lểu sáng ngời. Thiếu úy Lát-xi (Lassi), người Pháp cai quản trại giam số 1, cũng bước vô, ra lệnh đoàn tù ngồi sắp hàng tư rồi điểm danh.
Người tù sau chót, khi nghe tên, đứng lên và toan bước theo đồng bọn vào phòng giam. Thiếu úy Lát-xi đưa tay ngoắc. Anh đi khập khễnh, bước tới đứng nghiêm chỉnh trước mắt thiếu úy.
– Mầy là Nguyễn Văn Nguyên, đại đội trưởng phải không? – Thiếu úy Lát-xi soi bói nhìn anh và hỏi:
– Mầy bị thương?
– Ở chân.
– Cho đáng số, quân phiến loạn như mầy. Và rồi đây mầy còn nếm mùi… nữa.
Nguyễn Văn Nguyên bình tĩnh ngó ngay thiếu úy Lát-xi hỏi:
– Hai bên chiến tranh quân đội Pháp các anh có thi hành chế độ đối đãi tù binh theo công pháp quốc tế không?
– À, quân nầy láo thật. Cái ngữ quân ô hợp, phiến loạn như mầy mà dám đòi tao thi hành chế độ tù binh theo công pháp quốc tế à?
Thiếu úy Lát-xi ra lịnh cho lính lôi xểnh tên tù mới, nhốt ngục tối.
Một tháng sau, Nguyễn Văn Nguyên phải đi đập đá, khuân đá hoặc đốn tre chặt củi… những công việc nặng nhọc nhứt mà tù nhân cứng đầu phải làm. Trong khi anh lao công, nếu có ai tinh mắt để ý nhìn vẻ mặt rắn rỏi, nhìn vừng trán rộng, nhìn đôi mắt sắc của anh, sẽ cảm thấy như anh vừa làm vừa nhận xét, suy tư một việc gì.
Sáu tháng sau, lính dẫn xâu thấy anh lúc nào nói năng cũng vui vẻ, nhã nhặn, công việc lao công nặng của bọn anh cũng trôi chảy, nên lâu ngày sinh ra dễ dãi phần nào. Những lúc trưa trời nóng nực hoặc có mưa to, lính cho bọn tù lao công nặng, tốp năm tốp ba ngồi nghỉ dưới tàn cây to. Anh Nguyên bắt chuyện với bạn tù. Anh trao đổi với các bạn chuyện gia đình, chuyện tâm tình buồn vui, chuyện lịch sử đến phong tục tập quán, thổ sản, dân tình cảnh trí làng mạc của anh em miền Nam. Thỉnh thoảng anh dặm một vài câu hỏi về địa hình, địa thế mỗi tỉnh, mỗi hạt trong Nam. Đặc biệt những tỉnh hạt ven biển.
Lại khi cơn gió nồm mát mặt, hoặc khi gió Bắc thổi lạnh, anh khơi chuyện về gió mùa. Anh cất tiếng ca lên những điệu hát, ngâm lên những bài thi ca tụng gió, hoài bão gió, trông chờ gió, với dụng ý kín đáo, hỏi anh em biết tác dụng của gió mùa cho cuộc vượt ngục sau này.
Cuối năm, một đám tù binh lao công nặng trong đó có Nguyễn Văn Nguyên phải đi đốn tre, cắt mây rồi vác xuống Sở cá, đóng một dãy cọc cừ để cản bớt sóng biển cho vũng nước êm, cá chịu vào. Trong những ngày làm công việc nặng nhọc ấy, anh Nguyên yêu cầu lính cho lấy thêm cơm và khô để ăn dặm. Con đường từ trại 1 xuống Sở cá dài 7 cây số và đi ngang hầm đá. Những ngày ấy tù làm mệt mỏi, nên bết bê về khám, khi đi gần đến hầm đá cách trại giam lối ba cây số, anh Nguyên xin cho nghỉ chốc lát. Chính tụi lính đã mỏi chân, cũng muốn ngồi nghỉ hút thuốc. Anh Nguyên thừa dịp ấy, bảo nhỏ bốn bạn tù, lén đổ cơm vô các lỗ trống, lấy đá phủ lên.
Làm ròng rã mười ngày, xong công việc đóng cừ Sở cá, và cũng giấu nhẹm xong bao bố và cơm dư, Nguyễn Văn Nguyên nhẩm tính đủ cho 30 người ăn cầm hơi trong vài ngày.
20 tháng chạp năm Nhâm Thìn, tù lao công nặng trở lại việc đập đá. Hôm đó, bốn anh bạn tù trẻ đương khiêng cơm nước ra sân để ăn sáng đi làm, anh lấy cớ muốn uống nóng một gáo nước, dừng bốn anh bạn lại và dặn nhỏ: Hôm nay đi làm bốn anh để phần khiêng cơm nước buổi cơm trưa cho anh em khác, các anh bám riết hai tên lính dẫn xâu đi sau, để tên đầu phần tôi. Và với tư cách đại đội trưởng, tôi ra lệnh: Đến hầm đá, trông thấy tay tôi chỉ ra ngoài khơi, miệng nói: Tàu ra kìa! Lính và tù hướng mắt ra biển nhìn thì các anh lập tức, hai người một lính, khi nghe tôi hô “Đồng chí!” thì quật ngã hai tên lính đi sau, tước khí giới, trói lại; tên đi đầu phần tôi. Hôm nay tất cả củ bị rồi, bè sẵn buồm sẵn, cơm nước sẵn, chúng ta vượt ngục vào đất liền ăn tết, rồi tiếp tục chiến đấu.
Bốn người bạn tù, mắt sáng ngời lên, đáp nho nhỏ: Tuân lệnh!
Sau 4 tiếng đồng hồ, phương tiện vượt ngục chuẩn bị đầy đủ, anh Nguyên cho dẫn lính xuống Sở cá, mở trói, rút giẻ mời ngồi cùng tất cả thường phạm và đồng chí của anh, dùng một bữa cơm trưa vĩnh biệt. Vừa ăn anh vừa dùng lời lẽ ôn hòa, uy nghiêm, giáo dục lính và thường phạm cho biết yêu nước và cảm thông cuộc chiến đấu của nhân dân VN đánh Tây, giành độc lập… An trí xong lính và thường phạm, anh ra lịnh lội ra biển một lần nữa, lay nhổ thêm 15 cây cột cừ tre, bỏ lên bè trước khi hát bài Lên đường và Ra đi.
Ở nhiều địa phương trong tỉnh Trà Vinh, sau khi bộ đội của Nguyễn Văn Nguyên trẩy qua, vang ca những khúc chiến thắng, đồng bào thường kể cho nhau nghe lúc trà dư tửu hậu, cuộc vượt ngục gan dạ tài tình của anh và đồng đội.
(Dẫn theo cuốn Tùy bút – hồi ký – giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM 2020)