Về thời gian hiện diện của thương điếm Anh trên Côn Đảo

Đầu thế kỷ 18, Công ty Đông Ấn của Anh đổ bộ lên Pulo Condore, tức Côn Đảo ngày nay, và cho xây dựng một đồn lũy cùng với một nhà kho sau khi đã đóng cửa thương điếm ở Chusan (tức Zhoushan, Trung Hoa). Nhưng sau một thời gian ngắn, sự hiện diện của họ trên đảo này đã kết thúc bằng một cuộc tấn công đẫm máu. Về sự kiện này, các tài liệu bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và tiếng Anh có nhiều khác biệt. Thông tin mà độc giả thường bắt gặp trên các tài liệu được phổ biến rộng rãi hiện nay đại loại như sau:

“Năm 1702, tức năm thứ 12 đời Chúa Nguyễn Phúc Chu, đích thân giám đốc Công ty Đông Ấn của Anh chỉ huy quân đổ bộ lên Côn Đảo, xây dựng pháo đài và cột cờ.

Sau 3 năm, vào ngày 3 tháng 2 năm 1705 thì xảy ra cuộc nổi dậy của lính Macassar (lính người Sulawesi). Đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo.” (Wikipedia)

Còn tài liệu cổ Đại Nam thực lục (tập 1, phần Tiền biên) do Quốc Sử Quán Triều Nguyễn biên soạn từ năm 1821-1844 thì lại ghi như sau:

“Nhâm ngọ năm thứ 11 [1702] […] Mùa thu tháng 8 […] Giặc biển là người Man An Liệt có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn.” (tr. 115)

“Quý mùi, năm thứ 12 [1703] […] Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phước Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết.” (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 2002, tr. 117)

Khi đối chiếu với các bài viết của người trong cuộc, các tường thuật của các nhân chứng thời bấy giờ, và nhất là các tài liệu đã được Công ty Đông Ấn thuộc Anh công bố, chúng tôi nhận thấy sự khác biệt có trên nhiều phương diện, về thời gian, về lực lượng, về thành phần tham gia tấn công, và cả về nguyên nhân dẫn đến xung đột trên Côn Đảo hơn 300 năm trước. Trong bài viết này, chúng tôi điểm lại các nguồn tư liệu về thời gian mà người Anh đặt chân và rút chạy khỏi Côn Đảo để đi tìm thông tin chính xác.

Về thời điểm người Anh đặt chân lên Côn Đảo

Đa số các tài liệu bằng tiếng Việt cũng như tiếng nước ngoài chỉ ghi năm mà người Anh đặt chân lên Côn Đảo (1702), chỉ có một số ít ghi đủ chi tiết ngày, tháng. Sách Đại Nam Thực Lục (tập 1, phần Tiền biên) có ghi:

“Nhâm ngọ năm thứ 11 [1702] […] Mùa thu tháng 8 […] Giặc biển là người Man An Liệt[1] có 8 chiếc thuyền đến đậu ở đảo Côn Lôn. Trưởng là bọn Tô Thích Già Thi 5 người tự xưng là nhất ban, nhị ban, tam ban, tứ ban, ngũ ban (mấy ban cũng như mấy bực, nguyên người Tây phương dùng những tên ấy để gọi bọn đầu mục của họ) cùng đồ đảng hơn 200 người, kết lập trại sách, của cải chứa đầy như núi, bốn mặt đều đặt đại bác.” (Quốc Sử Quán Triều Nguyễn 2002, tr.115)

Trong khi đó, các tài liệu của người Anh ghi sự kiện này diễn ra sớm hơn: từ điển Academic Dictionaries and Encyclopedias[2] ghi ngày mà Công ty Đông Ấn của Anh đặt trạm ở Côn Đảo là ngày 16/6/1702. Trong Nhật ký Hedges, Henry Yule có ghi cụ thể hơn:

“Rời Batavia vào ngày 16/6/1702, ông ấy [Catchpoole, chủ tịch thương điếm Chusan] ghé lại hòn đảo vừa nói đến [Pulo Condore], cho nhiều sĩ quan và những người khác, cùng với quân lính người Macassar và nhiều nô lệ ở lại để xây dựng một trạm, và sau một số chuyến đi đến Chusan[3] không hiệu quả, ông ấy đã dừng chân trên đảo này.” (Yule H. 1888, tr.112)

Như vậy, nếu ghi chép của Yule là chính xác thì ngày 16 tháng 6 năm 1702 không phải là ngày Công ty Đông Ấn của Anh đặt chân lên Côn Đảo, mà chỉ là ngày rời bến của con thuyền chở quân đổ bộ đi Côn Đảo mà thôi, và các tài liệu lấy ngày đó để làm ngày thành lập thương điếm ở đảo này. Thật ra, Catchpoole[4], chủ tịch thương điếm Chusan (Trung Hoa), từ lâu đã ấp ủ kế hoạch xây dựng Côn Đảo thành trạm trung chuyển hàng hóa giữa Surat và Trung Hoa, và kế hoạch này đã được đề cập nhiều lần trong các giấy tờ của Công ty Đông Ấn, chẳng hạn như trong các bức thư của Hội đồng Giám đốc của Công ty gửi cho Chủ tịch và các giám đốc kinh doanh ở Trung Hoa đề ngày 25 tháng 11 và 24 tháng 12 năm 1701:

“Ý kiến thoát khỏi người Trung Hoa và báo cáo của Chủ tịch Catchpoole về sự xác đáng phải thành lập thương điếm ở Côn Đảo đã khiến Hội đồng, sau khi trao đổi ý kiến với thuyền trưởng lừng danh Dampier, thiết lập một thương điếm ở Côn Đảo, và dựng lên một đồn lũy để bảo vệ thương điếm.” (Bruce 1810, tr.454)

Việc Đại Nam Thực lục ghi “giặc biển người Man An Liệt” đến đảo này vào mùa thu tháng Tám [âm lịch] có lẽ cũng không khó lý giải: có thể là nửa năm sau khi người Anh lên đảo thì quan quân chúa Nguyễn ở trong đất liền mới nhận được tin. Cũng có thể là tài liệu này được biên soạn sau khi sự kiện xảy ra ở Côn Đảo hơn 100 năm đầy biến động, với nhiều cuộc chiến tranh hủy hoại, nên hồ sơ lưu trữ không còn đầy đủ nữa, và việc biên tập phải dựa vào trí nhớ của một số người nào đó.

Về thời điểm người Anh rút khỏi Côn Đảo

Nếu thời điểm người Anh đặt chân lên Côn Đảo không có dị biệt lớn giữa các nguồn tài liệu, thì thời điểm người Anh rút khỏi nơi này được ghi lại rất khác nhau, thậm chí giữa các tài liệu của các cường quốc hàng hải thời bấy giờ như Anh và Pháp. Đại Nam Thực lục ghi thời gian dẹp xong đảng An Liệt và vào “tháng 10” tính theo âm lịch, nghĩa là khoảng tháng 11 hoặc 12 dương lịch, tức là người Anh chỉ hiện diện ở Côn Đảo chỉ hơn 1 năm mà thôi:

“Quý mùi, năm thứ 12 [1703] […] Mùa đông, tháng 10, dẹp yên đảng An Liệt. Trước là Trấn thủ Trấn Biên Trương Phước Phan mộ 15 người Chà Và sai làm kế trá hàng đảng An Liệt để thừa chúng sơ hở thì giết.” (2002, tr.117).

Cotembert và Rosny, hai nhà nghiên cứu người Pháp thì viết trong quyển Tableau de la Cochinchine xuất bản năm 1862 về thương điếm này như sau: “Năm 1702, người Anh đã đặt trên đảo chính của cụm đảo này một thương điếm, và bị phá hủy vào năm 1704 bởi một đội lính người bản xứ được giao nhiệm vụ canh gác đảo; ngày nay người ta vẫn còn thấy vết tích của nó.” (Cotembert & Rosny 1862, tr.6)

Thế mà Biên niên sử của Công ty Đông Ấn còn ghi lại là vào năm 1704 có nhiều con tàu đi Trung Hoa đã cặp bến Côn Đảo. Tàu thứ nhất tên là Catherine ngày 22 tháng 4 năm 1704 được phái đi Amoy (Hạ Môn), trên đường di đã cặp bến Côn Đảo vào ngày 5 tháng 7 năm 1704 (Morse 1926, tr. 130). Tàu thứ hai tên là Stretham rời Madras ngày 17 tháng 5 năm 1704, sau một thời gian nằm chờ ở Malacca vì được tin cướp biển đang hoành hành ngoài khơi vùng biển Singapore (Morse 1926, tr.135), đã cặp bến Côn Đảo ngày 27 tháng 7 năm 1704, (Morse 1926, tr.137) rước Chủ tịch Catchpoole đi Quảng Đông. Tại đây cũng đã có các tàu Kent, Eaton, Loyal Cook và Herne neo đậu.

Hơn nữa, một kế toán trưởng của Công ty Đông Ấn tên là Ch. Lockyer, người đã có dịp dừng chân tại Côn Đảo năm 1704, đã ghi chép khá chi tiết về những điều đã quan sát được ở đây trong một quyển sách xuất bản tại Anh năm 1711:

“Người Anh đến xây công sự vào năm 1702, gồm 45 người châu Âu, 7-8 lính da đen theo đạo Thiên Chúa[5] và 15-16 người Bugis[6], những người này ít lâu sau đó trở thành tai họa cho chủ của họ. Họ là cư dân của vương quốc Bugos, nằm trên đảo Celebes gần Macassar, do ông Landon tuyển mộ trong cuộc chiến tranh của Công ty với người Banjar trên đảo Borneo, và giới thiệu lại cho ông Catchpole ở Batavia, khi ông này chuẩn bị lập thương điếm ở Côn Đảo.” (Lockyer 1711, tr.78)

Ngoài ra, trong các thư từ của nhân viên quản lý ở Borneo gửi cho Hội đồng quản trị vào các ngày 16 tháng 5, 30 tháng 9 năm 1704, 1 tháng 2 và 13 tháng 2 năm 1705, cũng như thư của chính viên Chủ tịch Catchpoole viết từ Côn Đảo gửi cho Hội đồng quản trị vào năm mậu dịch 1704-5 có các nội dung sau đây:

“Mùa này, Chủ tịch Catchpoole đã làm một bản báo cáo lạc quan về tình trạng của Côn Đảo, và yêu cầu tăng cường nhiều nhân viên trẻ làm thư ký, với chỉ thị là phải có kiến thức về ngôn ngữ Trung Hoa; rằng hòn đảo này sẽ sớm trở thành một trạm giao thương với Trung Hoa, từ đây tàu thuyền có thể tỏa đi khắp các thương cảng của vương quốc ấy để bán hàng hóa châu Âu và để thu gom các mặt hàng Trung Hoa.” (Bruce, 1810, tr.580)

Điều đó có nghĩa là sự kiện người Anh rút khỏi Côn Đảo không thể xảy ra trong năm 1704.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều tài liệu ghi năm kết thúc thương điếm Côn Đảo trễ hơn. Trần Luân Quýnh trong Hải Quốc Văn Kiến Lục (1730) thì ghi: “Vào thời Khang Hy thứ 45, 46 [1706-1707] Hồng Mao [Anh] lại mưu lấy Côn Lôn, nhưng không dám trú gần núi, bèn làm phố gần bờ biển; cho rằng Côn Lôn là chỗ 4 biển lưu thông, nên tham vọng không dừng. […] Hồng Mao không hợp thuỷ thổ nên chết nhiều; lại bị phiên Quảng Nam [chúa Nguyễn] cướp giết gần hết, nên bèn bỏ nơi này”. (Hồ Bạch Thảo, 2019)

Cũng có không ít tài liệu phương Tây cho rằng ngày tàn của thương điếm này xảy ra nhiều năm sau đó. A. Bouinais và A. Paulus trong quyển Cochinchine, Cambodge của bộ sách L’Indo-Chine française contemporaine xuất bản năm 1885 ghi:

“Người Anh đã đến dựng trạm ở Poulo-Condore năm 1702 và đã lập một thương điếm ở đó, nhưng vào năm 1708, họ đã bị tàn sát bởi binh lính người Macassar do họ tuyển mộ.” (Bouinais & Paulus 1885, tr.57)

Một tác giả người Pháp khác, A. Martineau, trong một quyển sách xuất bản năm 1917 ghi rằng người Anh đã để mất cơ sở này vào năm 1709 sau một cuộc nổi loạn (Martineau 1917, tr.85).

Hai nhà thám hiểm người Pháp Lagré & Garnier còn kéo dài thời gian đóng quân của Công ty Đông Ấn trên Côn Đảo đến năm 1717:

“Những người châu Âu trong đội quân đồn trú [ở Côn Đảo] bị tàn sát vào năm 1717 bởi những người Macassar. Chỉ có 2 người Anh, là bác sĩ Pound và Salomon Lloyd là thoát thân được trên một chiếc thuyền.” (Lagré & Garnier 1873, tr.144)

A.R. Colquhoun, nhà du hành người Anh đã tham gia nhiều cuộc thám hiểm ở các nước Đông dương, và đã được Hội Địa Lý Hoàng Gia Anh trao tặng Huy chương Vàng năm 1884, cũng có cùng ghi chép như hai nhà thám hiểm Pháp:

“Cơ sở đầu tiên của người Anh đặt tại Côn Đảo vào năm 1702, nhưng vào năm 1717 đội lính canh người Macassar đã tàn sát người châu Âu, chỉ có 2 người chạy thoát.” (Colquhoun 1885, tr.353-354)

Thế còn những nhân chứng thời bấy giờ, và nhất là những người trong cuộc đã nói như thế nào?

Thuyền trưởng W. Funnell trong chuyến đi vòng quanh trái đất từ năm 1703-1706 đã ghi lại những quan sát của thuyền phó Clipperton[7] sau khi chia tay với thuyền trưởng Dampier ở vịnh Nicoya, và vượt Thái Bình Dương đến Philippines và biển Đông:

“Hành trình sắp đến của ông là đi về thương điếm của Anh đặt tại Côn Đảo tại vĩ độ 8° 40′ Bắc, nằm ngoài khơi sông Cambodia[8], và khi đã đến đó, biết được rằng người Anh đã bị tàn sát bởi nhóm lính Ấn Độ của họ[9] vào ngày 3 tháng 3 năm 1705, vì lý do không có gì bảo đảm an toàn ở đó nên ông đã đi vòng lên Macao, là một cảng thuộc Bồ Đào Nha nằm trên bờ biển Trung Hoa” (Kerr, 1814, tr.335)

Về sự việc này, Dampier cũng có nhắc đến trong quyển IV bộ hồi ký của mình: năm 1705, từ Philippines “họ đi Côn Đảo; nhưng khi thấy người Anh bị giết hết, họ bèn đến Macao ở Trung Hoa.” (Dampier, 1729, tr.204)

Biên niên sử Công ty Đông Ấn vào năm mậu dịch (trade year) 1704-1705 cũng có ghi:

“Vào cuối năm [mậu dịch] này, những câu chuyện bi thảm nhất đã bay về đến Borneo, về một cuộc nổi dậy của lính Mã Lai trên Côn Đảo vào ngày 2 tháng 3 năm 1704-5: trước tiên, những kẻ nổi dậy đã phóng hỏa kho hàng, kế đến hạ sát Chủ tịch Catchpoole và phần lớn người Anh trên đảo”. (Bruce 1810, tr.606)

Trong The Diary of William Hedges, khi giới thiệu các tư liệu về thương điếm Côn Đảo, Yule có đề cập một số chi tiết liên quan đến sự kiện:

“Các giấy tờ này gắn liền với việc đặt một thương điếm của Công ty Đông Ấn mới trên đảo này – một kế hoạch yêu thích của Allen Catchpoole, người đã thành lập nó vào tháng 6 năm 1702, và chết một cách thê thảm cùng với thương điếm vào đêm ngày 2 rạng sáng ngày 3 tháng Ba năm 1705”. (Yule 1888, tr.328)

Lockyer ghi lại theo lời kể của Moses Wilkins, một nhân viên của Công ty trốn thoát an toàn cùng với 10 người khác trên chiếc thuyền nhỏ:

“Ngày 3 tháng 3 năm 1705, khoảng 1 giờ sáng, các lính người Macassar đang phục vụ cho Công ty đã nổi lửa đốt nhà cửa bên trong đồn lũy, và sát hại những nhân viên người Anh khi họ chạy ra khỏi giường ngủ để dập lửa. Thomas Fuller, và Joseph Ridges bị bắn khi họ chạy vào đồn; khi thấy cảnh ấy, đại úy Rashwell chỉ kịp báo động cho người Anh lấy vũ khí thì bị giết. Các ông Pound, Greenhill, Wilkins, Chitty, Dennet, và Coningham[10] lúc ấy đang ở cùng nhau, họ rút lui vào lán trại của ông Pound cách đồn một đỗi, nhưng vì không thấy an toàn, họ bèn xuống một con thuyền của người Đàng Trong và đưa mọi người lên một chiếc xà lúp của công ty đậu ở cảng cảng, trừ ông Coningham, ông này chạy về phía người Đàng Trong để nhờ họ bảo vệ.” (Lockyer, tr.87-88)

Tóm lại, qua đối chiếu tài liệu được cung cấp bởi những người trong cuộc và các nhà du hành đương thời, chúng ta thấy rằng thông tin thương điếm Côn Đảo bị tấn công vào đêm 2 rạng sáng ngày 3 tháng 3 năm 1705 là hoàn toàn đáng tin cậy.

Như nhận xét của A. Faure, một nhà nghiên cứu người Pháp vào thế kỷ 19, người Anh đã giấu nhẹm thông tin về sự kiện này, đến nỗi cường quốc cạnh tranh của họ thời bấy giờ là nước Pháp mấy chục năm sau mới biết được một số thông tin ít ỏi, và vì thế có tài liệu đưa tin sai lệch như chúng ta đã thấy ở trên:

“Truyền thống lâu đời của người Anh là im lặng trước những nỗi sỉ nhục khủng khiếp nhất của họ, kể cả đẫm máu nhất, và thông tin chỉ lan truyền ra ngoài khi họ có thể rửa hận, và luôn luôn rất tàn khốc, như sấm sét.” (Faure 1889, tr.345)

TS Trần Thanh Ái

(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay, số tháng 7 năm 2019.)

 

Tài liệu tham khảo

  • Bouinais A., Paulus A. 1885. L’Indo-Chine francaise contemporaine. Tome 1: Cochinchine, Cambodge. Paris: Challamel Ainé, Editeur.
  • Bruce J. 1810. Annals of the Honorable East-India Company: From Their Establishment by the Charter of Queen Elizabeth, 1600, to the Union of the London and English East-India Companies, 1707-8. Volume 3. London: Black, Parry, and Kingsbury.
  • Colquhoun A.R. 1885. Amongst the Shans. New York: Scribner & Welford.
  • Cortambert E. & Rosny L., 1862. Tableau de la Cochinchine. Paris: Armand Le Chevalier.
  • Dampier W. 1729. A Collection of Voyages, Vol. IV. London: James and John Knapton.
  • Faure A. 1889. Les origines de l‘empire français dans l’Indo-Chine. Trong tạp chí Revue de Géographie, Tome 24, tr. 342-350.
  • Hồ Bạch Thảo, 2019. Quân chúa Nguyễn bảo vệ biển đảo, xua đuổi người Âu Châu. Trang tin điện tử TRITHUCVN, https://trithucvn.net/van-hoa/quan-chua-nguyen-bao-ve-bien-dao-xua-duoi-nguoi-au-chau.html tham khảo ngày 3/7/2019.
  • Kerr R. 1814. A general history and collection of voyages and travels, Volume 10. Edinburgh: William Blackwood & John Ballantyne.
  • Lagré D. & Garnier F. 1873. Voyage d’exploration en Indo-Chine, Tome 1. Paris: Hachette.
  • Lockyer Ch. 1711. An Account of the Trade in India. London: Samuel Crouch.
  • Martineau A. 1917. Les origines de Mahé de Malabar. Paris: Edouard Champion, Emile Larose
  • Morse H.B 1926. The Chronicles of the East India Company Trading to China 1635-1834. Vol.1. Oxford: The Clarendon Press.
  • Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, 2002. Đại Nam Thực lục, Tập 1, Hà Nội: Nxb Giáo Dục.
  • Yule H. 1888. The Diary of William Hedges, Vol. 2. London: The Hakluyt Society.

Chú thích:

Bản đồ Côn Đảo được lưu trữ tại Thư viện Quốc Gia Pháp, không ghi năm thực hiện (có lẽ do đoàn thám hiểm của Pháp vẽ năm 1721-1723):

A Bến cảng B Trại lính Pháp (1721-1723) C. Phế tích đồn lính Anh

D Làng dân đảo E. Lối vào cảng vào mùa gió Đông Bắc F. Lối vào cảng vào mùa gió Tây Nam

[1] Tức người Anh (An Liệt là phỏng âm từ chữ English).

[2] https://enacademic.com/dic.nsf/enwiki/843571

[3] Tức Zhoushan (Chu Sơn), một thành phó trên bờ biển Trung Hoa.

[4] Về tên của nhân vật này, có nhiều tài liệu dùng nhiều cách viết khác nhau: Catchpole, Cathpole, Ketchpole… Trong bài này, chúng tôi dùng cách viết trong các văn bản của Công ty Đông Ấn của Anh.

[5] Nguyên văn: Topaz, là từ ngữ tiếng Anh Ấn, dùng để chỉ lính da đen theo đạo Thiên Chúa trong quân đội Anh.

[6] Một dân tộc sống tại Macassar thuộc tỉnh Sulawesi (Indonesia).

[7] Dampier Vol.IV (1729) ghi là Clippinton.

[8] Nhiều nhà hàng hải châu Âu những thế kỷ trước gọi sông Mékong là sông Cambodia, Camboge, Camboje…

[9] Nguyên văn : “their Indian soldiers”.

[10] Nhiều tài liệu xuất bản sau này ghi là Cunningham.

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Những lưu ý cần thiết đi CÔN ĐẢO bằng tàu Côn Đảo Express
Bài sau
Dự báo thời tiết: Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông
Bạn phải đăng nhập để gửi phản hồi.