Điểm đầu tiên mà chúng tôi đến là Côn Đảo – ngày xưa là “địa ngục trần gian” và nay đã trở thành “báu vật” và là “vùng đất thiêng” của Tổ quốc ta.
Theo kế hoạch, chúng tôi đến Côn Đảo bằng tàu thủy để cho chúng tôi và những cán bộ giảng viên trẻ, có thể “trải nghiệm” một phần, dù rất nhỏ, cảm giác của những khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ cách mạng vượt ngục, vượt biển năm nào. Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, chúng tôi phải đi bằng máy bay. Vì vậy, chúng tôi lại có dịp may mắn là có thể nhìn Côn Đảo từ trên cao. Từ trên cao nhìn xuống, phía dưới chỉ toàn mây và mây, thỉnh thoảng, có những vạt nước hiện ra có lúc trắng xóa, có lúc mờ ảo, lau lách phía bên dưới, đó chính là biển Đông!
Sau gần 45 phút khởi hành, tiếng cô tiếp viên hàng không thông báo trên loa: “Máy bay chúng tôi chuẩn bị hạ cánh. Đề nghị quý khách kiểm tra lại dây thắt lưng an toàn để tiếp đất”. Có khá nhiều người hướng mắt về phía cửa sổ. Có lẽ, ai cũng muốn nhìn rõ Côn Đảo từ trên cao, để hình dung miền đất ấy thật ra thế nào, nhất là hình dạng của nó giữa sự mênh mông của biển cả. Giữa muôn ngàn đợt sóng nhấp nhô, phía dưới một vệt xanh đậm nổi lên, khi mờ, khi khuất giữa những lượn sóng bạc đầu. Vệt xanh đậm càng rõ, càng to dần và những vạt rừng núi trùng điệp xanh thẳm mượt mà nối tiếp nhau nổi lên như đội hạm tàu hùng dũng giữa biển Đông mênh mông.
Côn Đảo (trước đây còn gọi là Côn Sơn) là một quần đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km² nằm ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Trước thế kỷ XX thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn; tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Năm 1977, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Hiện nay, Côn Đảo là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu.
Đường từ sân bay Cỏ Ống (Côn Sơn) vào trung tâm huyện đảo dài khoảng 10 km và đây là con đường duy nhất, chạy dọc ven biển. Những cung đường được tráng nhựa phẳng lỳ nhưng quanh co, hiểm trở. Cảm giác đi trên cung đường ấy thật lạ, hồi hộp và đầy ấn tượng. Một bên biển, một bên núi, nhìn đâu cũng cảm thấy hoang sơ, hoành tráng, trong lành và thấy mình chừng như nhỏ bé trước những cơn gió lồng lộng, rười rượi thổi vào từ phía biển.
Côn Đảo là một huyện có chính quyền một cấp (thông qua các cơ quan chức năng huyện trực tiếp đến địa bàn dân cư, không có các cấp phụ thuộc như xã, phường hay thị trấn), với tổng số gần 7000 nhân khẩu sinh hoạt trong 10 khu dân cư. Anh Thắng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Côn Đảo còn cho biết thêm: Ngoài những người “bản địa”, nơi đây còn “hội tụ” gần như tất cả “đại diện” các tỉnh, thành trong cả nước. Côn Đảo có hạ tầng – kỹ thuật khá hoàn thiện với hệ thống đường xá rộng rãi, sạch đẹp, trường học khang trang; 4 mạng điện thoại di động được phủ sóng với chất lượng sử dụng rất tốt và hệ thống internet tốc độ cao ASDL được kết nối đảm bảo công tác thông tin liên lạc thông suốt. Ngoài ra, Côn Đảo còn có đài phát thanh và truyền hình, hệ thống các chi nhánh ngân hàng, các khu resort, khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ du lịch khác,…Trước cuộc sống yên bình ấy, mấy ai nghĩ rằng cho đến ngày Côn Đảo được giải phóng nơi đây từng khét tiếng là “địa ngục trần gian”!
Người Trung Quốc thường nói vui đầy tự hào rằng: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” và câu chuyện kể rằng, một cụ già trước khi qua đời, ngẫm mình tuổi già sức yếu, chẳng sống bao lâu nên nhất mực đòi con cháu phải cõng lên thăm “Vạn lý trường thành” một phen cho thỏa chí. Những ai đã từng chiến đấu ở Trường Sơn cũng thường tự hào về sự trải nghiệm cái khắc nghiệt của mình với câu thơ: “Trường Sơn đông nắng, tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”.
Đối với chúng tôi, Côn Đảo không có cái vẻ uy nghi như “Vạn lý trường thành”, không oai hùng như Trường Sơn kỳ vĩ; nhưng lại hội tụ tất cả những đặc trưng của “vùng đất thiêng” của Tổ quốc. Hơn 100 năm đô hộ của các thế lực thực dân, đế quốc đã biến Côn Đảo thành “địa ngục trần gian”. Mười sáu hòn đảo của Côn Đảo giữa biển khơi xanh biêng biếc, cây cối xum xuê mượt mà phải đè nặng trên mình những nhà tù, tháp canh, trại lính… Chính nơi đây đã ghi dấu tội ác dã man của thực dân đế quốc đối với dân tộc ta. “Cầu tàu 914” – nơi có ít nhất 914 người đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ Núi Chúa mang ra biển để xây dựng cầu tàu. “Ma Thiên Lãnh” – cái tên mới nghe thôi cũng đã cảm thấy rợn người, là nơi từng có ít nhất 356 người (theo nhẩm tính của các tù nhân, thực tế có thể còn cao hơn) ngã xuống bởi đòn roi, tra tấn, hành hạ dã man của kẻ địch. Những khu trại giam [Bagne 1, tức trại Phú Hải; Bagne 2, tức trại Phú Sơn; Bagne 3, tức trại Phú Thọ (Chuồng gà), Bagne 3 phụ, tức trại Phú Cường…], khu biệt lập chuồng bò, “khu tắm nắng” với kiểu tra tấn “tứ trụ” dã man và đặc biệt là hệ thống chuồng cọp nổi tiếng,…làm cho “Côn Nôn đi dễ khó về/Già đi bỏ xác, trai về nắm xương”.
Côn Đảo cũng là nơi thử thách lòng kiên trì, sự quyết tâm, ý chí bền gan,…của người “hảo hán”, những chiến sĩ yêu nước như cụ Phan Châu Trinh từng tuyên bố: “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lỡ núi non/Xách búa đánh tan năm bảy đống/Ra tay đập bể mấy trăm hòn”. Đồng thời, đây còn là nơi từng có các bậc anh hào “tụ hội” (như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu, Lê Duẩn, Trương Mỹ Hoa, Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre và là chồng của nữ tướng Nguyễn Thị Định,…) mà ở họ không chỉ sáng ngời những tấm gương hy sinh cao cả, ý chí bất khuất trước kẻ thù mà còn lắng đọng trong mỗi người khi có dịp đến thăm là tấm lòng nhân ái, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn, thậm chí ngay cả trước khi chết của người chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ cách mạng. Ngay cả trong ngục tối, người tù Côn Đảo, người chiến sĩ vẫn đấu tranh không ngừng nghỉ, vẫn kiên định một lòng, thà chết chứ không khai bất cứ điều gì tổn hại đến sự nghiệp chung của cách mạng; chấp nhận gian khổ, hi sinh để bảo vệ đồng đội, đồng chí của mình. Và cũng chính trong chốn “địa ngục trần gian”, “có đi không có về” ấy, những chiến sĩ cách mạng vẫn không hề mất niềm tin, họ biến nơi đây thành trường học cách mạng, là nơi rèn luyện khí tiết của mình. Khái quát phẩm chất cao đẹp đó là tượng đài “Chết còn cởi áo cho nhau” ở sân hành lễ tại trung tâm Nghĩa trang Hàng Dương. [Người trao áo là đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai (1930). Người nhận áo là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn]. Bức tượng đầy ý nghĩa này thắm đượm tình người, ngời sáng tình đồng chí cao lồng lộng giữa Nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc, của Đảng đã hy sinh oanh liệt và chiến thắng vẻ vang trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội.
Vì vậy, chẳng là quá đáng khi nói rằng, Côn Đảo chính là “vùng đất thiêng”, “bàn thờ thiêng” của Tổ quốc. Thôi thúc và vẫy gọi chúng tôi hành hương về Côn Đảo là “tìm về thánh địa”. Nơi đây, từ năm 1862 đến năm 1975, những chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị các thế lực đế quốc và phản động đày ra đảo bằng tất cả các nhục hình trần gian, đầy ải cho đến chết dần, chết mòn (với hơn 20 nghìn tù nhân đã bỏ mình tại Côn Đảo, nhưng đến nay theo các đồng chí hướng dẫn viên của Bảo tàng lịch sử Côn Đảo cho biết: Nghĩa trang Hàng Dương mới chỉ quy tập được hơn 2000 ngôi mộ, trong đó có 23 ngôi mộ tập thể, 600 ngôi mộ có tên, còn lại là vô danh); nhưng lòng yêu nước không bị khuất phục, các thế hệ nối tiếp nhau bền gan, vững chí góp phần giành thắng lợi vẻ vang vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Côn Đảo không chỉ là nơi tù đày mà là chiến trường mặt giáp mặt với kẻ thù – ý chí sắt đá, lòng dũng cảm quật cường đối lại với sức mạnh và đòn roi, súng đạn ngục tù. Côn Đảo là trường học thực tiễn đã “đào tạo” những thế hệ cách mạng làm nên chiến thắng vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính tinh thần và dũng khí đó đã hun đúc nên những giá trị cao quý và truyền lại để tạo sức mạnh và niềm tin vững chắc cho những thế hệ chúng tôi hôm nay.
Quá khứ chẳng thể ngủ yên khi nỗi mất mát của con người quá lớn mà trong câu chuyện kể của người hướng dẫn viên hôm nay có cả cái đau, cái thương, cái hùng, cái dũng của một thời quá khứ, làm cho chúng tôi lặng người trước những câu chuyện kể tội ác của kẻ địch, về tình người, tình đồng chí, về sự chịu đựng, hi sinh… với niềm cảm phục, tự hào và chợt nhận ra những giọt nước mắt ấm nóng không chỉ lăn trên mỗi gò má của mình.
Những cầu tàu, trại giam, chuồng cọp, chuồng bò,…năm xưa vẫn còn đó nhưng Côn Đảo hôm nay đã không còn là “địa ngục trần gian”. Quá khứ đã khép lại, cánh cửa nhà tù cũng khép lại và trở thành một trong những di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Côn Đảo trở thành là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia được nhiều du khách đánh giá là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên với các chương trình du lịch sinh thái phong phú, đa dạng.
Tạm biệt Côn Đảo, chúng tôi trở về đất liền, tạm biệt một phần máu thịt của non sông, tạm biệt những người con ưu tú của Tổ quốc… Hành trình đến Côn Đảo để lại cho chúng tôi những cảm xúc khó quên và những bài học vô cùng bổ ích để củng cố niềm tin và sức mạnh, cống hiến hết sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu, xứng đáng với bao xương máu cha anh đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng quê hương./.
Thạc sĩ Phan Văn Thuận
Trưởng khoa Xây dựng Đảng – Trường chính trị tỉnh Bến Tre