Nằm ở vị trí tiền tiêu và cũng là “hàng giậu thiên nhiên” [1] phía Đông Nam tổ quốc, Côn Đảo ngày nay góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc, với cả nước và quốc tế. Và trong tiến trình lịch sử, Côn Đảo – hòn đảo ngọc – từ rất sớm đã được biết đến bởi các nhà du hành phương Tây.
Vào năm 1292, nhà du hành người Ý Marco Polo đã từng đặt chân đến nơi này với những ghi chép đầu tiên khẳng định sự tồn tại như một trạm dừng chân của quần đảo trên tuyến đường từ bắc xuống nam, từ đông sang tây[1]. Từ đó về sau, Côn Đảo còn được nhắc đến như một điểm dừng chân quan trọng của các nhà hàng hải trên hải trình Đông Tây. Các chuyến hải trình từ Ấn Độ sang Trung Quốc đều phải qua Côn Đảo và đây là điểm định vị để vào Chân Lạp, Champa, Đại Việt[2]. Năm 1702, công ty Đông Ấn Anh đã đổ bộ lên hòn đảo này, nhưng sau đó, họ đã không trụ lại được lâu, mà cuối cùng, thế lực phương Tây chiếm đóng lâu dài nhất trên đảo lại là người Pháp (từ 1862 – 1954). Trước khi chính thức áp đặt sự thống trị lên đảo, người Pháp đã có một quá trình “nhận thức” về Côn Đảo bắt nguồn từ trước đó hơn hai thế kỷ, chứ chẳng phải chỉ mới bắt đầu “nhòm ngó” đảo này khi vừa đặt chân xâm lược lên lãnh thổ Việt Nam vào năm 1858.
Ấn tượng về Côn Đảo trong những chuyến du hành đầu tiên của người Pháp đến Đàng Trong.
Ở Châu Á, từ thời Cổ đại và Trung đại, ngoài con đường giao thương trực tiếp giữa các quốc gia, sớm hình thành hai hệ thống giao lưu kinh tế – văn hóa lớn là “con đường tơ lụa trên bộ” và “con đường tơ lụa trên biển”. Sau đó thì con đường trên biển dần chiếm ưu thế. Hệ thống thương mại châu Á này, chẳng những có quan hệ và tác động đến quan hệ giao thương của các nước châu Á, nhất là các nước ven bờ đại dương, mà còn tác động đến quan hệ thương mại phương Đông và phương Tây. Sang đến thế kỷ XV-XVII thì đó là “thời kỳ hoàng kim” của thương mại châu Á.
Bên cạnh đó, các cuộc phát kiến địa lý đã dẫn đến những biến chuyển trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới. Sau các tàu Bồ Đào Nha, các tàu phương Tây khác cũng tìm đường đến phương Đông. Đầu thế kỷ XVI, con đường hàng hải từ châu Âu qua Đại Tây Dương đến Châu Phi lại được nối liền với Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mở đường cho sự bành trướng của Chủ nghĩa Tư bản Phương Tây sang phương Đông. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đi tiên phong trong phong trào khai phá thuộc địa của châu Âu và trong quá trình đó đã xây dựng nên một đế chế rộng lớn. Sau đó, Anh, Pháp và Hà Lan bắt đầu xây dựng thuộc địa và những mạng lưới giao thương tại châu Mỹ và châu Á.
Con đường thương mại thế giới từ đó mà hình thành. Thuyền buôn các nước phương Tây bắt đầu tìm đến mở rộng quan hệ buôn bán, lập thương điếm, cũng như các căn cứ quân sự ở phương Đông. Các tàu buôn phương Tây đã nối Đông Nam Á với hệ thống thương mại thế giới. Trong bối cảnh đó, Đại Việt nói chung, Đàng Trong nói riêng, có một vị trí địa lý cực kì thuận lợi, có đường bờ biển kéo dài, tiếp giáp với nhiều quốc gia, nằm ở ngã tư đường giao thông quan trọng của khu vực và thế giới, nơi các tuyến đường vận tải quan trọng đi qua, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là chạm trung chuyển của những tàu buôn qua lại trên thế giới. Nhiều thuyền buôn phương Tây, gồm các thương nhân và giáo sĩ, đã tìm đến Đàng Trong trong hoàn cảnh đó.
Ngươi Pháp đến Việt Nam sau các nước tư bản khác về phương diện truyền đạo và buôn bán, trong mối lo sợ sự thống trị của người Anh ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á và cũng muốn có chân ở khu vực màu mỡ và ngã ba đường này. Tuy đến sau, nhưng Pháp lại kiên trì dành “sự quan tâm” cho Việt Nam lâu nhất. Các nguồn tư liệu, thông tin mà họ có được từ các nhà du hành, các giáo sĩ, thương nhân, hoặc giáo sĩ “đội lốt” thương nhân đã cung cấp những cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách của triều đình.
Năm 1621, giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri đã đến Đàng Trong và tường trình rất công phu góc nhìn thực dân đầu tiên của một giáo sĩ phương Tây về xứ này: “… sớm xây cất ở đó một thành phố tốt đẹp, làm nơi an toàn và cư trú, lại dùng để nhanh chóng bảo vệ các thuyền tàu đi Trung Quốc. Cũng có thể giữ một hạm đội sẵn sàng chống lại người Hà Lan. Họ đi Tàu hay Nhật, dù muốn dù không, họ bắt buộc phải qua giữa eo biển xứ này”[3]. Tác phẩm của ông sau đó đã được dịch ra nhiều thứ tiếng vào những năm 1631- 1633, trở thành động lực định hướng cho việc mở rộng thuộc địa ở Viễn Đông của các nước thực dân.
Từ năm 1624, Alexandre De Rhodes trở thành giáo sĩ mang quốc tịch Pháp đầu tiên đến nước ta trong xứ mệnh truyền giáo. Trong suốt 17 năm ở Việt Nam, ông đã hoàn thành tốt hai chức phận của mình là truyền đạo và là “công dân nước Pháp”.
Năm 1652, linh mục Alexandre De Rhodes trở về Paris và công bố các bài viết thu hút dư luận Pháp về Việt Nam như một lựa chọn chiến lược cho việc đặt trụ sở tại vùng Viễn Đông của công ty Đông Ấn Pháp[4]. Hơn 25 năm sống ở nước ta, lúc vào Nam, lúc ra Bắc, ông đã mang về Pháp một tấm bản đồ đầu tiên về xứ này và cho in tại Lyon cuốn Từ điển Việt – Bồ – La, Hành trình truyền đạo và lịch sử xứ Đàng Ngoài, trong đó ông đã nhận định: “Ở đây, có một chỗ cần chiếm lấy và đặt cơ sở tại đó, thương nhân châu Âu có thể tìm thấy một nguồn lợi phong phú tiền lời và của cải”[5] .“Chỗ cần chiếm lấy” ấy chính là Côn Đảo.
Chính vì những mối bận tâm ấy, sự thèm khát các vùng đất có vị trí chiến lược Việt Nam, các giáo sĩ và thương nhân Pháp đã ra sức hoạt động tích cực, điều tra tình hình trong nước để cung cấp những thông tin “tình báo” cho triều đình Pháp, chuẩn bị cho một âm mưu xâm lược sau này.
Năm 1653, công ty Đông Ấn Pháp thành lập, và những thương nhân Pháp đầu tiên đã đến Việt Nam. Thư của các giáo sĩ, của thương nhân gửi về cho triều đình Pháp, các mặt tường thuật không đơn thuần là tiềm năng buôn bán và truyền đạo nữa, mà nó dần bộc lộ màu sắc chính trị, những tham vọng thị trường sâu xa hơn.
Năm 1681, việc vua Louis XIV (1638-1715) gửi thư cho chúa Trịnh Tạc (1657- 1682) ở Đàng Ngoài (trước yêu cầu dai dẳng của các thừa sai và cũng nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng cơ sở thương mại của công ty Đông Ấn Pháp đang trong bờ vực sụp đổ vì những khó khăn tài chính) có thể xem là “nỗ lực tiếp cận chính thức đầu tiên” của triều đình Pháp đối với vấn đề Việt Nam. Nhưng do thất bại về đường lối ở Xiêm năm 1688, toan tính nhất thời của vị vua này phải dang dở[6].
Và cũng từ đây, Côn Đảo đã bắt đầu “đã rơi vào tầm ngắm” của công ty Đông Ấn Pháp. Năm 1686, Véret, nhân viên công ty Pháp đã khuyên nên chiếm đóng Côn Đảo như một một điểm trung chuyển thuận lợi để đặt chi điếm: “Các tàu bè Trung Quốc, Đàng Ngoài, Macao, Manille, Đàng Trong v.v… muốn buôn bán ở các xứ vùng Ấn Độ, cần đến xem xét tận nơi hòn đảo này, cũng như những tàu bè các xứ vùng Ấn Độ muốn qua đây để tới các vùng biển Trung Quốc, các tàu Anh và Hà Lan qua lại nơi này, và lối đi này cũng thuận lợi y như hai eo biển Sonde và Malacca[7]”[8].
Nhưng không phải chỉ có người Pháp mới nhận thức được vị trí chiến lược đó của Côn Đảo. Vào năm 1687, nhà du hành người Anh William Dampier đã dừng chân tại Côn Đảo[9]. Và ông cũng đã nghĩ ngay đến các kế hoạch cho nước ông ở đó: “Các đảo này nằm rất thuận lợi trên đường đến và đi từ Nhật Bản, Trung Hoa, Manila, Đàng Ngoài (Tonquin), Đàng Trong (Cochinchina), và nói chung mọi vùng ở Bờ Biển Cực Đông của Lục Địa Ấn Độ này dù bạn đi qua vịnh Malacca hay vịnh Sunda giữa Sumatra và Java; và qua một trong những đường này bản phải qua một đường chung từ châu Âu, hay các xứ khác của Đông Ấn, trừ phi bạn muốn đi vòng lớn đại lục Ấn Độ như chúng tôi đã đi. Bất kỳ tàu thuyền nguy khốn nào có thể được tái tiếp tế và bổ sung tại đây một cách rất thuận tiện và ngoài những vật dụng bình thường, có thể sửa bườm, xích, sơn…”[10] Dampier cho biết thêm: “nó cũng có thể là một địa điểm thuận tiện để dẫn đường cho một công cuộc thương mại với nước láng giềng của Đàng Trong, các đồn lính có thể được xây dựng để bảo toàn cho một cơ xưởng, đặc biệt tại bến tàu, với khả năng có thể được củng cố một cách hoàn hảo”. Dampier còn kẹp một bản đồ Côn Đảo vào tập tường trình của ông bởi, ông giải thích, địa dư của nó ít được hay biết đến.[11]
Và công ty Đông Ấn của Anh đã đi trước người Pháp khi quyết định cho xây dựng một thương điếm ở đảo lớn và giao cho chủ tịch Allen Catchpole của thương điếm Chu Sơn (Trung Hoa) điều hành thi công công trình này[12]. Năm 1702 công ty Đông Ấn của Anh đã đặt chân lên Côn Đảo và xây dựng ở đấy một pháo đài[13]. Nhưng “những người Macassar được tuyển mộ để lập thành đội vệ binh của pháo đài do bị lưu giữ quá hạn định trong giao kèo nên đã nổi loạn vào ban đêm, hạ sát tất cả những người Châu Âu có mặt trong khu vực pháo đài vào năm 1705”[14]. Tuy một người Anh khác là Alexander Hamilton, người đã đến Đông Nam Á ngay sau Dampier và đã ở lại cho đến năm 1723, ghi nhận rằng Côn Đảo là “một sự lựa chọn tồi để làm thành một thuộc địa, rằng đảo không sản xuất gì khác ngoài gỗ, nước, và cá để bắt”[15], các tàu của công ty Đông Ấn Anh có thời đã ghé đây một cách đều đặn để nhận lệnh và để trao đổi tin tức thương mại[16].
Cũng theo J.C Demariaux, sau vụ thảm sát do lính Macassar gây ra năm 1705, người Pháp mới tính đến việc chiếm Côn Đảo. Tuy nhiên, dù Pháp có ý dòm ngó đảo này, trước bài học thất bại của người Anh, họ đã phải thận trọng[17]. Kế hoạch xây dựng một thương điếm ở Côn Đảo chỉ dừng lại ở mức ý tưởng.
Nhưng sau đó, Công ty Đông Ấn của người Pháp cần tìm một cơ sở chi điếm mới, khi chi điếm Quảng Châu của họ vào khoảng năm 1720 phải chịu thêm áp lực từ những thương đoàn người Hoa và sự cạnh tranh gay gắt của người Anh (đã có thêm các chi điếm ở Singapore, Hương Cảng – Hồng Công.
Có lẽ vì vậy mà vào năm 1721, công ty Đông Ấn của người Pháp cho rằng nên cử người nghiên cứu lại vấn đề lập một cơ sở ở Côn Đảo, và đã cử phái viên tên là Renault.
Khác hẳn quan điểm của Véret, bản báo cáo gửi lên các giám đốc ngày 25/07/1723 của Renault, sau thời gian nghiên cứu, điều tra dân cư, khí hậu, sản phẩm ở đảo từ 9/1721 đến 6/1722, lại cho rằng “Côn Đảo là đất nghèo, không có nguồn lợi gì, ít người ở cùng những điều kiện khí hậu không thuận lợi cho công việc của người châu Âu. Ông kết rằng Côn Đảo là địa điểm “đáng bỏ hơn đáng chiếm”[18].
Có lẽ vì thế mà công ty Đông Ấn Pháp đã tạm thời “gác lại” vấn đề Côn Đảo. Tuy nhiên, việc thiết lập một cơ sở ở Đàng Trong vẫn luôn “nóng” đối với chính phủ Pháp.
Năm 1737, vua Louis XV (1715-1774) đã nhận được một bản dự án trình bày khá tỉ mỉ về kế hoạch xâm lược Việt Nam do tướng Dumas, người cai quản vùng Pondichéry ở Ấn Độ dâng lên, trên trên cơ sở thu thập ý kiến của các nhà buôn, nhà truyền giáo đã đến Việt Nam. Sau đó năm 1747, Dumond, chủ nhiệm một công ty Đông Ấn của Pháp sau khi sang Việt Nam thăm dò tình hình lại tiếp tục đề nghị Chính phủ Pháp chiếm Cù lao Chàm, gần Hội An.
Bên cạnh đó, người Pháp còn có những chuyến du hành của Dupleix[19] (tổng chỉ huy các cơ sở của người Pháp tại Ấn Độ từ năm 1742) nhằm đặt quan hệ với các chúa Nguyễn, và các chuyến đi của Pierre Poivre[20] vào xứ Đàng Trong.
Nhưng tất cả các báo cáo đều không được chú ý, ngoại trừ báo cáo của Pierre Poivre. Năm 1741 và 1749, công ty Đông Ấn của Pháp đã hai lần cử Pierre Poivre, một giáo sĩ làm thương gia đến Phú Xuân điều tra tình hình Đàng Trong để đặt kế sách lâu dài. Nhưng do sự sa sút của nền thương mại Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát nên Pierre Poivre đã viết một bản tường trình công phu và đề nghị chính phủ Pháp cho quân đội đánh chiếm Đà Nẵng, nếu muốn kinh doanh lâu dài ở xứ sở này. Từ đó, Pháp tăng cường quan hệ với Đàng Trong qua con đường truyền giáo một cách chính thức và hết sức kiên trì[21].
Tháng 5/1755, Protais-Leroux, một thương nhân người Pháp sau hơn 4 năm liền nghiên cứu đã trình bày về lợi thế của Côn Đảo một cách xác đáng hơn. Theo ông, “đây là nơi nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca”, bằng cách này có thể tiến hành buôn bán lớn trong khắp mọi vùng, sẽ có lợi cho công ty của Pháp và gây thiệt hại cho các công ty của Anh và Hà Lan”. Ông cũng đưa ra những lý do chiến lược: Hòn đảo sẽ là nơi trú ẩn cho các tàu của châu Âu đi sang Trung Quốc, “các cảng phía Bắc cho phép người ta có thể trú chân vào mùa đông, sửa sang đáy tàu, chữa lại cho chắc chắn đủ mọi loại tàu bằng các loại gỗ dùng cho xây dựng sẵn có khi cần thiết. Các cảng ở phía Nam cũng rất tiện dụng”.
Nếu người Pháp không muốn buôn bán tại đây thì cũng nên lập ra 1 kho chứa và 1 nơi tàu ghé đậu. Và nếu người Pháp đã có trụ sở này từ cuộc chiến tranh trước thì công ty đã không bị mất tàu của mình ở Trung Quốc và Manille; và nền thương mại của người Hà Lan và người Anh đã bị dồn vào giai đoạn cuối cùng; còn công việc kinh doanh của công ty đã vào loại thịnh vượng nhất tại châu Âu.[22]
Protais-Leroux đề nghị De Machault, chánh thanh tra Bộ Tài chính Pháp, cho xây thương điếm càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, tình hình của Công ty Đông Ấn Pháp không cho phép ban giám đốc nghĩ đến kế hoạch to tát đó. Năm 1769, công ty gần như chấm dứt vai trò hoạt động. Và từ sau chiến thắng của Robert Clive (huân tước, toàn quyền đầu tiên của Anh tại Belgal) ở Plassey năm 1757, công ty Anh qua mặt thống trị các biển toàn khu vực Nam Á, trở thành một sức mạnh xâm lược lẫn quân sự[23]. Hơn nữa, cuộc chiến Anh – Pháp kéo dài 7 năm[24] đã khiến kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn của Pháp không được quan tâm đến.
Nhưng cũng chính vào thời điểm đó, chính quyền trung ương Pháp bắt đầu bị xáo động. Với mong muốn bù đắp lại những mất mát sau chiến tranh trong sự so sánh với người Anh, người Pháp – mà đại diện là Bộ trưởng hải quân Choiseul Praslin, bắt đầu nghiên cứu những hồ sơ để tìm ra những lợi ích mà một chi điếm của Pháp ở Đàng Trong có thể đem lại lợi ích cho đất nước, nhằm cân bằng với những cơ sở của người Anh.
Trong lịch sử của Đoàn Truyền giáo Nam Kỳ, Cha Launay, theo nhật ký của Cha Levasseur, cũng nói rằng vấn đề thiết lập các cơ sở trên quần đảo Poulo-Condore được đặt ra vào năm 1768. Trong một bức thư của giám mục Piguel gửi các giám đốc Đoàn Truyền giáo nước ngoài (Missions étrangères) cũng có vấn đề thành lập thương điếm của Pháp trên quần đảo[25].
Poivre (vào năm 1768) đã đề xuất rằng nên dùng võ lực một cách hiệu quả để đạt được lợi ích ở Đàng Trong. Theo ý ấy, chính phủ Pháp đã quyết dùng võ lực và kế hoạch thực hiện đã quy định xong. Nhưng rồi, ý định đó phải gác lại.[26]
Năm 1775, triều đình Pháp dự định cho người sang Đàng Trong để xin thông thương. Nhưng sau đó, vì có ý kiến phản đối về tình hình phức tạp ở Đàng Trong lúc bấy giờ, cũng như Pháp can thiệp vào cuộc chiến tranh của các tiểu bang Mỹ chống lại Anh năm 1776 nên mưu toan của họ đành phải đình lại.
Côn Đảo trong bản Hiệp ước Versailles 1787 đến quá trình xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp.
Qua những công trình trên, có thể thấy quá trình tìm hiểu và nghiên cứu Côn Đảo phụ thuộc rất nhiều vào những nhận thức của người Pháp đối với đất An Nam, đặc biệt là xứ Đàng Trong. Phải đến cuối thế kỷ XVII thì người Pháp dưới thời Đại đế Louis XIV mới bắt đầu tiến hành những hoạt động chính thức nhằm thiết lập quan hệ thương mại với đất An Nam, nhưng chỉ dừng ở khu vực của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Dưới thời vua Louis XV, các kế hoạch tiếp theo nhằm mở một cơ sở thương mại ở xứ Đàng Trong cũng lâm vào bế tắc do những khó khăn về đối nội cũng như sự thua thiệt của công ty Đông Ấn Pháp dẫn đến việc bị giải thể (1769-1770). Do đó, dù nắm rõ những ưu thế về địa lý, tài nguyên và tiềm năng thương mại, quân sự của Côn Đảo, nhưng mãi đến triều đại của vua Louis XVI, tên địa danh này mới được xuất hiện trở lại trong các kế hoạch chinh phục của người Pháp ở miền Viễn Đông.
Côn Đảo xuất hiện trong bản dự thảo 13 điều mà chúa Nguyễn Phúc Ánh đã gửi cùng quốc ấn của mình cho Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) để cầu viện Pháp, trong đó công nhận chủ quyền của Đế quốc Pháp đối với quần đảo này nếu Hoàng đế Louis XVI chịu đưa quân can thiệp chống lại nhà Tây Sơn. Bản dự thảo được chính thức xem xét và ký kết vào ngày 28/11/1787, trở thành Hiệp ước Versailles[27] nhằm thiết lập liên minh phòng thủ và tấn công, đặt nền tảng cho quan hệ ngoại giao Việt – Pháp về sau.
Tuy nhiên, cửa sông Hàn (Đà Nẵng) cùng với Côn Đảo (Côn Lôn), một vùng là hải cảng trọng yếu, một nơi là quần đảo trấn giữ phía đông nam, đều là những vị trí hiểm yếu về chính trị, kinh tế và quốc phòng của xứ Đàng Trong. Dùng chủ quyền ở các địa điểm này làm điều khoản để đàm phán, qua đó có thể thấy tình trạng nguy cấp của chúa Nguyễn trước thế áp đảo của chính quyền Tây Sơn. Đồng thời cũng chứng tỏ sự xem nhẹ vị trí tiền tiêu của Côn Đảo trong chuỗi hệ thống phòng thủ của chúa Nguyễn Phúc Ánh, một điều mà các chúa Nguyễn trước đó rất coi trọng[28]. Sau này khi lập nên triều Nguyễn, vua Gia Long vẫn giữ quan điểm đó trong quá trình xác định chủ quyền lãnh thổ bằng cách xây dựng những khu giam giữ phạm nhân trên quần đảo hẻo lánh này: “Gia Định phải giải những kẻ phản loạn là bọn giặc Nặc Yểm, quan mục là tên Giao, Xiêm mục là Ba Lặt Đột đến kinh, vua sai đình thần tra xét ở nhà công chính. Ba Lặt Đột bị xử tử. Nặc Yểm, tên Giao đều bị giam cầm… còn những nô bộc trước kia lưu đày các tỉnh Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường nay phái đi an trí ở Côn Lôn”[29]. Phải đến dưới thời vua Minh Mạng, vị trí của Côn Đảo mới được củng cố như một vị trí quan trọng về quốc phòng trước âm mưu xâm lược của các thế lực thực dân, trên đảo mới được lập đồn binh để “ngăn ngừa sự lo bất ngờ” mà về sau chính đạo binh này cũng được trưng dụng để làm nhiệm vụ khẩn hoang, phát triển kinh tế trên đảo từ năm 1840[30]. Về sau, khi các giáo sĩ phương Tây bắt đầu can dự quá nhiều vào công việc chính trị, vua Thiệu Trị, một mặt ra lệnh cấm người ngoại quốc vào giảng đạo nhưng đồng thời một mặt khác tiến hành phòng bị những nơi hiểm yếu của đất nước, trong đó có Côn Đảo[31].
Có lẽ việc đưa địa điểm Côn Đảo vào trong bản dự thảo cầu viện Pháp xuất phát từ quan điểm của chúa Nguyễn Phúc Ánh cho rằng Côn Đảo chỉ là một nơi xa xôi đơn lẻ, chỉ phù hợp làm nơi giam giữ và ít có giá trị so với những quần đảo Thổ Chu, Phú Quốc hoặc các vùng đất còn lại của Lục Tỉnh Nam Kỳ. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng Nguyễn Ánh đã rất thông minh khi đưa Côn Đảo cùng với cù lao Hàn (Đà Nẵng) làm điều kiện với thực dân Pháp. Trong cuộc tiếp kiến chính thức giữa Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh với Hoàng đế Pháp Louis XVI vào ngày 5/5/1787; Bá Đa Lộc đã phân tích: “Ngoài lợi tức về thương mại mà nước Pháp có thể thu hoạch Nam Hà theo vị trí địa dư, rất thuận lợi cho việc giao thương với Trung Quốc. Chính điều đó làm cho cứ điểm Nam Hà trở thành quan trọng. Từ bờ biển này, chỉ mất 3 ngày, người ta sẽ đến Ma Cao, Manila, Bornéo, Batavia”[32]. Với một hải cảng huyết mạch và một quần đảo rất phù hợp cho nhu cầu xây dựng cứ điểm thương mại, đây là 2 địa danh mà người Pháp rất quan tâm qua báo cáo của các nhà du hành trước đó đến Đàng Trong, riêng với Côn Đảo thậm chí họ còn phái người đến làm những nghiên cứu riêng biệt để đánh giá tiềm năng của nó, nên rất dễ thu hút sự chú ý của chính giới Pháp. Vị trí đặc biệt của Côn Đảo vừa đủ để nhà Nguyễn về sau có thể phong tỏa từ xa, lại vừa thỏa được cả nhu cầu bức thiết của người Pháp về một cơ sở vững chắc ở viễn Đông. Do đó, không thể phủ nhận sự xuất hiện địa danh “Côn Đảo” trong bản Hiệp ước Versailles năm 1787 như là một điểm giao thoa tối thiểu giữa chúa Nguyễn Phúc Ánh và vua Pháp Louis XVI.
Nhưng cuối cùng, do Hiệp ước Versailles năm 1787 đã không được thực hiện, do sự mâu thuẫn dâng cao trong xã hội Pháp dẫn đến cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 lật đổ chế độ phong kiến của Vua Louis nên rốt cuộc chỉ có Giám mục Bá Đa Lộc – dưới sự tài trợ của giới tài chính có tham vọng mở rộng thuộc địa – đã tự vận động binh lính, khí giới về giúp Nguyễn Phúc Ánh “thay đổi cán cân lực lượng”[33]. Nhưng Hiệp ước này đã trở thành cái cớ cho âm mưu chiếm đóng xứ An Nam và toàn bộ Đông Dương của người Pháp, thông qua sách lược “giáo sĩ đi trước, binh lính theo sau” quen thuộc của họ mà chính Hoàng đế Napoleon (1769-1821) cũng phải thừa nhận: “Tấm áo của họ (Hội truyền giáo – TG) sẽ che chở cho họ và sẽ dùng để che giấu những mưu đồ chính trị và thương nghiệp”[34]. Địa danh Côn Đảo đi cùng nội dung của bản Hiệp ước này, ban đầu xuất phát từ tầm quan trọng của địa danh này đối với người Pháp và những tính toán của chúa Nguyễn, nhưng về sau chỉ còn là sự xuất hiện mang tính hình thức. Vì thực chất người Pháp chỉ muốn dùng những điều khoản đó để tạo bàn đạp xâm chiếm toàn bộ Đông Dương, mà Côn Đảo là điểm phù hợp để bắt đầu mưu đồ đó. Tầm quan trọng của Côn Đảo, về mặt kinh tế, trong mắt người Pháp có vẻ đã “giảm sút”, như trong lá thư đề ngày 15-3-1789, Toàn quyền Pondichéry, thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ là De Conway gửi cho Bá tước Luzerne ở Paris: “Hiệp sĩ De Kersaint (là người được Toàn quyền De Conway cử đi điều tra Côn Lôn đã về đến đây ngày 13 tháng này với chiến hạm Druyade và chiến thuyền hai buồm Pandonse. Ông ta đã tiến hành một chiến dịch lý thú và định trình lên ngài những bản đồ ông ta mới vẽ cùng nhật ký và những lời chú thích của ông ấy.
Qua nhật ký và hồi ký ấy, ngài sẽ thấy rằng hai hòn đảo mà hoàng đế trong điều 5 của hiệp ước, một cái là Poulo Condore thì rất độc, mọi người Âu đã bỏ đi và ở đó chỉ có không đầy 60 gia đình đi trốn sinh sống ngắc ngoải trong cảnh nghèo đói cùng cực”[35].
Sau này, việc Pháp cho tàu La Cybèle đến Đà Nẵng vào năm 1817 nhằm thiết lập quan hệ thương mại chính thức và nhắc lại Hiệp ước 1787 chỉ là một bước đệm trước khi tiến tới những bước đi nhằm hợp pháp hóa hành động xâm lược cụ thể vào năm 1858, thông qua quyết định vào năm 1857 của “Hội đồng Nam Kỳ” do Hoàng đế Napoleon III (1808-1873) lập nên nhằm tìm cách đơn phương công nhận tính “pháp lý” về chủ quyền của người Pháp đối với cửa sông Hàn và quần đảo Côn Lôn theo Hiệp ước 1787.
Một năm sau đó, từ ngày 31/08/1858, quân Pháp với sự hỗ trợ của đồng minh Tây Ban Nha đã tiến hành đánh chiếm bán đảo Sơn Trà, uy hiếp cảng Đà Nẵng và triều đình Huế. Trọng tâm của người Pháp lúc này nhằm “đánh nhanh thắng nhanh” ở Đà Nẵng, nhưng khi gặp sự phản kháng mạnh mẽ của quân đội nhà Nguyễn dưới sự lãnh đạo của Tổng đốc Quảng Nam Nguyễn Tri Phương, họ đã cho quân lùi về phía Nam nhắm vào “vựa lúa” Gia Định. Đến tháng 2/1859, quân Pháp chiếm Vũng Tàu, và đến giữa tháng đó chiếm luôn Gia Định và giằng co với quân triều đình ở phòng tuyến Chí Hòa. Sau khi đã ký điều ước Bắc Kinh (10/1860), sang năm 1861, Pháp đã rảnh tay cho vấn đề Nam Kỳ và tập trung quân đánh thẳng vào đại đồn Chí Hòa, lan ra chiếm được Định Tường (4/1861), Biên Hòa (12/1861), thâu tóm cả 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trong đó có hai thành phố Gia Định và Mỹ Tho là những trọng tâm chiến lược ở Nam Kỳ[36]. Tuy nhiên, phải đến tháng 11/1861, Pháp mới cho tàu ra cắm cờ trên Côn Đảo, chứ không nhằm vào quần đảo này như một mục tiêu chiến lược từ ban đầu – đúng như tinh thần Hiệp ước 1787 mà Pháp luôn đòi hỏi. Qua đó thấy được dã tâm xâm lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp với trọng tâm chuyển sang Đà Nẵng – Gia Định, còn quần đảo Côn Lôn chỉ còn là
mục tiêu hình thức của người Pháp. Hòa ước Nhâm Tuất (1862) giữa thiếu tướng Bonard đại diện cho Pháp ký kết với triều đình Huế đã cụ thể hóa tính hình thức đó thành những điều khoản cụ thể, trọng tâm là buộc triều Nguyễn phải “nhượng lại” toàn bộ 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho người Pháp, và cả quần đảo Côn Lôn.
Côn Đảo trong sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa Pháp và Anh.
Cũng như người Pháp, người Anh nhận thức được vai trò của Côn Đảo từ rất sớm. Với người Anh, việc lập một khu định cư tại Côn Đảo, ngoài mục đích tìm kiếm một địa điểm giúp cho mối quan hệ với Trung Quốc thêm thuận lợi, còn có ý đồ ngăn chặn người Pháp sau khi cuộc chiến liên minh Augsbourg (1686 – 1697) kết thúc[37] và muốn biến đảo này thành một bàn đạp để xâm chiếm những vùng đất mới. Có lẽ vì thế mà theo J.C Demariaux “sau vụ nổi loạn năm 1705, người Anh vẫn quan tâm tới quần đảo PouloCondore và tìm cách nối lại quan hệ với cư dân trên đảo”[38].
Năm 1778, người Anh (mà đại diện là Charles Chapman) lại tiếp tục sang đặt quan hệ thông thương với Đàng Trong với những lo lắng: “nước Âu châu nào đến đây cũng dễ thành công, người Pháp đã sai người đến xem xét tình trạng xứ này, và họ đương mong tìm cái để bù lại sự tổn thất ở Ấn Độ thì chắc họ sẽ không bỏ qua; công ty Anh phải gấp đi, kẻo người ta đi trước mất”. Nhưng rốt cục họ đã không gặp may, tàu của họ phải quay về Ấn Độ[39].
Từ ngày 20-28/1/1780, thuyền trưởng người Anh là Gore đã đặt chân lên quần đảo này trong chuyến vòng quanh thế giới với hai chiếc tàu Résolution và Découverte. Thuyền trưởng Gore hỏi người dân làm thế nào có thể mua thức ăn dự trữ. Một viên quan theo đạo Cơ đốc tên là Luc (hay Lực? – TG) cho hay ông ta sẽ bán trâu cho thuyền trưởng, mỗi con chừng 4-5 đồng bạc. Lúc khởi hành, thuyền trưởng Gore tặng viên quan một cái kính và nhờ ông ta chuyển một bức thư tới giám mục tòa Adran Bá Đa Lộc[40].
Một người Anh khác, Huân tước Macartney, đại sứ đặc biệt của vua Anh Georges Đệ tam bên cạnh triều đình Trung Hoa cũng từng dừng chân trên các đảo Côn Lôn trong hai ngày 17 và 18/5/1793. Ông muốn xem xem liệu người Pháp đã đổ bộ lên các đảo hay chưa. Và ông đã không gặp một người lính Pháp nào ở đây. Nhưng có vẻ như người Anh không có may mắn với vùng đất này, bởi vào lúc tàu của họ bắt đầu nhổ neo rời đi đến Trung Hoa thì tời đứng trên tàu Indoustan bị đứt. Vụ tai nạn khiến viên thuyền trưởng hoảng sợ, vội vã ra lệnh rời đảo, bỏ lại chiếc neo của tàu Indoustan[41].
Người Pháp hẳn phải biết rõ những mưu tính của người Anh, và họ luôn e ngại về một sự hiện diện chính thức của người Anh ở khu vực này. Một báo cáo gửi cho vua Louis XVI sau cuộc chiến tranh Bảy năm ở châu Âu, có đoạn viết cho thấy tầm quan trọng của Đàng Trong trong chiến lược của thực dân Pháp: “Dường như chỉ có Đàng Trong là xứ mà người Anh chưa để ý đến thôi. Nhưng chúng ta có thể nào tự nhủ rằng người Anh sẽ không nhòm ngó xứ này. Nếu họ quyết định tiến hành trước ta thì ta sẽ bị loại trừ vĩnh viễn khỏi xứ này. Chúng ta sẽ không có một căn cứ quan trọng ở vùng châu Á này. Ngược lại, nếu chúng ta sớm chiếm được vùng này, thì khi xảy ra chiến tranh, chúng ta là chúa tể … Còn như người Anh chiếm được Đàng Trong, thì họ sẽ coi ta là bị phụ thuộc vào họ trên khắp ven biển vùng châu Á này và họ sẽ coi ta không ra cái gì nữa”[42].
Cũng trong cuộc tiếp kiến chính thức giữa Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Hoàng tử Cảnh với Pháp hoàng Louis XVI vào ngày 5/5/1787, vị giám mục đã phân tích: “Quốc gia nào lập được cứ điểm ở đây (Đàng Trong – TG) sẽ có được lợi điểm tuyệt đối là ngăn chặn hoàn toàn được các nước khác, và trong thời chiến sẽ trở thành bá chủ tất cả các nền thương mại Trung Quốc và các đảo lân cận. Sao ta không lo ngại người Anh đã rất mạnh tại Ấn Độ và họ không ngừng tìm cách bành trướng ảnh hưởng. Họ sẽ chiếm cứ điểm này nếu ta không ra tay trước. Họ đã đề nghị vào năm 1778 và họ có thể trở lại nữa”[43].
Vào thời kỳ xâm lược nước ta (1858-1882) Pháp còn bận giải quyết nhiều cuộc tranh chấp khác trên thế giới: chiến tranh ở Ý (1859), chiến tranh Hoa – Pháp (1860)… và còn phải tiến hành chiến tranh ở ngay chính nước mình (chiến tranh Pháp – Phổ 1870- 1871), nên không thể dốc hết sức vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương.
Tuy nhiên, Pháp đang đứng trước một bối cảnh mà địch thủ của họ – đế quốc Anh đã xây dựng được các đại diện thương mại quan trọng ở Hương Cảng (Hồng Kông) từ sau Hiệp ước Nam Kinh (1842) và Quảng Châu (1845); ngoài ra còn có các khu định cư ở Eo biển Malacca (gồm Malacca và Penang trên bán đảo Malay và Singapore từ 1826) để kết nối một hệ thống thuộc địa trải dài từ Canada đến toàn bộ Ấn Độ, một bộ phận quan trọng của Đông Nam Á, Úc và Trung Quốc. Sự kiểm soát của Anh tập trung vào những quốc gia nằm trên tuyến đường hàng hải huyết mạch từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây, và chỉ đang để hổng một điểm mà vào năm 1705 đế quốc này đã bỏ lỡ: chính là Côn Đảo. Vì thế, Côn Đảo trở thành địa điểm chiến lược cần phải đoạt được của người Pháp để ngăn chặn ảnh hưởng của người Anh.
Năm 1844, sau Chiến tranh Nha phiến (1839-1942), Francois Guizot – Bộ trưởng Ngoại giao Pháp đã chỉ thị tìm căn cứ hoạt động: “Nước Pháp chưa có một điểm tựa nào trong vùng biển này để tàu thuyền đóng thường trực nơi đây có thể tiếp tế lương thực, sửa chữa rò thủng, đưa lên bộ những kẻ đau yếu, vậy nên phải xin với thuộc địa Bồ Đào Nha ở Ma Cao hoặc hải quân công xưởng ở Lugon (Philippines) một điểm tựa, một điểm trú ấn, một điểm tiếp tế. Đây là một sự thể không thể chấp nhận được”[44]. Việc tìm kiếm một địa điểm của riêng người Pháp để neo đậu các tàu, các hải đội, kiểm soát tuyến đường biển đi qua Đông Nam Á trở nên cấp thiết.
Chính vì vậy, sau khi chiếm Định Tường vào 4/1961, Pháp đã khẩn cấp đặt vấn đề chiếm Côn Đảo vì nỗi lo sợ “sự hiện diện của người Anh” ở vị trí chiến lược này.
Trong thư ngày 10/7/1861 của Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa Pháp Chasseloup Laubat, người luôn quan tâm đến vấn đề Côn Đảo, gửi cho chỉ huy đạo quân xâm lược của Pháp tại Việt Nam là Đô đốc Charner, ông đã viết: “Người ta cho tôi biết rằng quần đảo Côn Lôn là thuộc quyền sở hữu của chính quyền An Nam… đồng thời cũng lưu ý tôi đến mối hiểm nguy nếu như có một cường quốc Tây phương nào đó đến chiếm cứ hải đảo này… Liệu việc cắm cờ để chiếm lĩnh có đủ chứng minh chủ quyền của ta trên đảo này hay không?”
Trong thư gửi cho Đô đốc thiếu tướng hải quân Louis Adolphe Bonard (người sẽ thay thế Charner), ông còn nhấn mạnh: “Tôi luôn lo ngại rằng sẽ có một quốc gia nào đó tới chiếm đảo, biến nó thành pháo đài quan sát rất nguy hiểm cho chúng ta. Phải cố gắng chiếm lấy, lấy cớ là để xây dựng một ngọn hải đăng”[45].
Tuy nhiên, không phải người Pháp nào cũng đồng tình với quan điểm trên. Trong thư gửi Bonard, Bộ trưởng Hải quân cũng cho biết là: “Đô đốc Charner có gửi thư cho tôi viết rằng, quần đảo đó đối với chúng ta không có giá trị gì”.[46] Điều đó cho thấy, Charner lại không tán thành việc đánh giá vai trò quần đảo Côn Lôn như Bộ Hải quân nhận định!
Ngày 23/11/1861, vừa mới đến Sài Gòn, Bonard đã hối thúc quân đội chiếm ngay Côn Đảo. Ngày 28/11/1861, đại úy hải quân Pháp Lespès Sébastien-Nicolas Joachim đã chỉ huy tàu Hoàng gia Norzararay đến Côn Đảo, đổ bộ lên hòn đảo lớn nhất của quần đảo này, kéo cờ Pháp và lập biên bản “Tuyên cáo chủ quyền” của Pháp tại đây[47]. Sau hành động tuyên bố chủ quyền của Pháp, phía Anh đã phản đối hành động bị coi là “không có giá trị pháp lý” này. Chính vì thế mà Pháp buộc phải hợp thức hóa hành động này qua Hòa ước Nhâm Tuất ngày 5/6/1862 bằng cách cho thêm vào điều 3 hiệp ước: triều Nguyễn phải nhường đảo Côn Lôn cho Pháp. Và nước Anh cũng đã “vĩnh viễn không còn cơ hội” đặt chân lên Côn Đảo nữa !!!
Như vậy, qua diễn trình lịch sử, nhận thức của người Pháp về mặt “địa kinh tế” của Côn Đảo không thống nhất, và càng “nhạt nhòa” vào nửa đầu thế kỷ XIX. Với Pháp, Côn Đảo thời điểm lúc bấy giờ chưa thực sự có ý nghĩa về mặt thương mại. Nhưng xét về ưu thế vị trí địa lý và ý nghĩa “địa chính trị”, Côn Đảo luôn ở trong tầm ngắm của Pháp như là một địa điểm tiền tiêu, một cửa ngõ để kiểm soát tuyến đường lưu thông trên biển, và quan trọng hơn nữa là để khống chế tầm kiểm soát của người Anh ở khu vực Viễn Đông, nhất là khi nước Anh đã thiết lập được hệ thống thuộc địa trải dài từ Bắc Mỹ đến Ấn Độ, trải dài qua Đông Nam Á, đến tận Trung Quốc. Có lẽ vì vậy mà trong suốt thời gian lâu dài, Pháp chưa bao giờ “từ bỏ” hẳn Côn Đảo trước khi họ chính thức áp đặt sự thống trị của mình lên dải đất này vào năm 1862.
LỤC MINH TUẤN – THÁI VĨNH TRÂN
Trường ĐH KHXH-NV ĐHQG TP.HCM
[1] Henry Yule (ed.), The Book of Ser Marco Polo, London, Murray, 1921, Volume 2, 276-277.[2] Lữ Huy Nguyên – Giang Tấn, Đất thắng cảnh Vũng Tàu, Nxb Văn hóa, 1987, tr.24-25[3] Cristoforo Borri, Xứ Đàng Trong năm 1621, Bản dịch của Hồng Nhuệ – Nguyễn Khắc Xuyên, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr.93-94.[4] Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ (1862-1874), Nxb Thế giới, 2011, tr.27[5] A. Thomazi, Cuộc chinh phục xứ Đông Dương, Tư liệu khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NV, ký hiệu VT 306 ABC, tr.7.[6] Trương Bá Cần, sđd, tr.28.[7] Đông Nam Á, với lợi thế của eo biển Malacca đã trở thành trạm trung chuyển hàng hóa giữa hai khu vực Đông Bắc Á và Tây Nam Á.[8] C.B.Maybon, Những người châu Âu ở nước An Nam, Nxb Thế Giới, 2011, tr.86-87, trích từ văn kiện trong sổ lưu trữ 1686-1748 của Thư từ giao thiệp chung của Đàng Trong.[9] Ông đến đảo ngày 14/3/1687. Ngày 21/4/1687, ông rời Côn Đảo hướng về phía Tây nam để đến vịnh Xiêm La rồi quay trở lại Côn đảo. Ngày 4/6/1687, Dampier đã rời Côn Đảo.[10] “A voyage around the world” by Sir Francis Drake and William Dampier, NXB Li-quor Tea Company, Luân Đôn, 1879; Trần Quang Đệ trích dịch (10/2009). Tác phẩm được William Dampier công bố lần đầu năm 1697.[11] Thomas Suárez, Thế kỷ thứ mười chín và việc vẽ bản đồ vùng nội địa Đông Nam Á, tr.216, tr.217, Ngô Bắc dịch, https://www.gioo.com/NgoBac/NgoBacSuarezBanDo1.htm.[12] Theo J.C Demariaux, trong bài viết đăng trên tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire Illustré) số 196, 197 ra ngày 1/6 và 8/6/1944 (dịch giả: Đào Thị NgọcNhàn), hiện người ta vẫn còn có thể nhận ra vết tích sót lại của khu thương điếm mà người Anh cho xây là những đống đá, đống đổ nát của lò nung và vài mảnh sứ vỡ vùi dưới các bụi cây (các tài liệu lưu trữ liên quan đến số phận của khu thương điếm này có thể tìm thấy ở Calcutta, Ấn Độ). Sau khi người Anh đóng cửa cơ xưởng của họ tại Hà Nội trong năm 1697 (người Hòa Lan đóng cửa xí nghiệp của họ trong năm 1700), phải chăng người Anh đã nhắm Côn Đảo (Poulo Condore) như một địa điểm thay thế?[13] Sau một số lần thương thuyết không thành, người Anh đã sử dụng vũ lực từ rất sớm. Năm 1702, họ sử dụng tàu chiến chiếm đảo Côn Lôn (Côn Đảo ngày nay), xây pháo đài và tuyển mộ 200 lính người Malaysia đến bảo vệ. Tuy nhiên, chỉ đến một năm sau, năm 1703, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho người đến thu hồi hòn đảo này.[14] C.B.Maybon, sđd, tr.87, xem thêm Alexander Hamilton, “A new account of the East Indies”, trong John Pinkerton, A General Collection of the Best and Most Interesting
Voyages and travels in All parts of the World, London, 1811, quyển 8, tr.480-481.[15] Thomas Suárez, Thế kỷ thứ mười chín và việc vẽ bản đồ vùng nội địa Đông Nam Á, tr.216-217, Ngô Bắc dịch, https://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacSuarezBanDo1.htm.[16] Li Tana (bản dịch của Nguyễn Nghị), Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, 1999, tr.113-114.[17] TS. Nguyễn Văn Đăng, “Quan hệ Pháp – Việt trước năm 1858”, 220 năm Cách mạng Pháp (1789-2009) và Quan hệ Việt – Pháp trong lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2009, tr.301-302.[18] C.B.Maybon, sđd, tr.88[19] J.C Demariaux cho rằng năm 1752, Dupleix thu thập thông tin từ các nhà truyền giáo và tiếp quản kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn. Nhưng ông đã bị triệu hồi về Pháp khi cuộcchiến tranh Bảy năm xảy ra.[20] Nguyễn Mạnh Dũng, “Xung quanh chuyến đi của Pierre Poivre tới Đàng Trong giữa thế kỷ XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 12 (2009).[21] PGS.TS. Đỗ Bang, Hệ thống phòng thủ miền Trung dưới triều Nguyễn. Nxb Văn hóa Thông tin, 2011, tr.28[22] C.B.Maybon, sđd, tr.100, tr.101. Trong sách “Lịch sử ngoại giao” của Nguyễn Lương Bích (Nxb QĐND, HN, 2003, tr.184) ghi là năm 1675???[23] Theo J.C Demariaux, bđd.[24] Chiến tranh Bảy năm (1754 và 1756–1763): Những thỏa thuận trong Hiệp ước Paris 1763 kết thúc vị trí cường quốc thuộc địa của Pháp ở châu Mỹ. Pháp mất phần lớn các thuộc địa về tay Anh: Pháp mất các vùng đất ở Bắc Mỹ về phía đông sông Mississippi và nhiều vùng khác ở Canada, cộng thêm các đảo ở Tây Ấn. Anh củng cố các vùng đất thuộc địa ở Ấn Độ và Bắc Mỹ, trở thành cường quốc thực dân hàng đầu thế giới.[25] J.C Demariaux, bđd.[26] Xem thêm Phan Khoang, Việt sử Xứ Đàng Trong, Nxb Văn học, 1969, tr.444.[27] Trong Hiệp ước, đảo Côn Lôn (Côn Đảo) có tên Poulo Condor và được quy định chủ quyền thuộc Pháp trong điều khoản thứ 5, nếu Hiệp ước được thực hiện. Xem thêm về bản chụp toàn văn Hiệp ước trong quyển Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Nxb Trẻ, 2012, tr.71-79.[28] Xem lại sự kiện năm 1705, khi chúa Nguyễn Phúc Chu đã dùng kế để đoạt lại Côn Đảo từ tay người Anh.[29] Theo Đại Nam thực lục chính biên, tập XXII, đệ nhị kỷ XVIII (1840), Nxb KHXH, Hà Nội, 1969, tr.16[30] PGS.TS. Phạm Xanh, “Pháo đài tiền tiêu phía Đông Nam tổ quốc”, Tạp chí Xưa và Nay, số 402 (4/2012)[31] PGS.TS. Nguyễn Văn Tân, “Chính sách đối ngoại của triều Nguyễn trong quan hệ với thực dân Pháp giai đoạn 1802 – 1858”, Lịch sử Nhà Nguyễn một cách tiếp cận mới, Nxb Đại học Sư phạm , 2005, tr.369[32] Hoàng Cao Khải, Vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc đối với Nguyễn Ánh (1784-1799), Tiểu luận Cao học Sử, trường Đại học Văn Khoa – Viện Đại học Huế, 1974, tr.76; Xem thêm Ch.Gosselin, L’Empire d’Annam, Librairie académic Didier, Paris, 1904, tr.36[33] Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885, Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, 1992, tr.61.[34] J.Nurret Canale, Afrique noir, Paris, 1858, tr.120[35] Albert Septans, Thời kỳ đầu của xứ Đông Pháp (Les commencements de l’Indochine francaise), bản dịch của khoa Lịch sử trường Đại học KHXH & NV, ký hiệu VT 474, Paris, 1887, tr.51[36] Xem thêm Le1opold Pallu, bản dịch của Hoàng Phong, Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ: năm 1861, Nxb Phương Đông, tr.39[37] Nguyễn Mạnh Dũng, “Về hoạt động thương mại của công ty Đông Ấn Pháp với Đại Việt (nửa cuối thế kỉ XVII – giữa thế kỉ XVIII)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9 (2006), tr.51.[38] Theo J.C Demariaux, bđd.[39] Phan Khoang, sđd, tr.445, tr.446, tr.448.[40] Theo J.C Demariaux, bđd.[41] Theo J.C Demariaux, bđd.[42] C.B.Maybon, sđd, tr.102.[43] Hoàng Cao Khải, Vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc đối với Nguyễn Ánh (1784-1799), Tiểu luận Cao học Sử, trường Đại học Văn Khoa – Viện Đại học Huế, 1974, tr.76[44] Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt triều Nguyễn, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005, tr.104[45] Nguyễn Đình Thống – Nguyễn Linh – Hồ Sĩ Hành, Lịch sử Nhà tù Côn Đảo (1862 – 1975), NXB Tổng hợp TP.HCM, tr.26.[46] Nguyễn Đình Thống – Nguyễn Linh – Hồ Sĩ Hành, sđd, tr.26.[47] Nguyễn Đình Thống – Nguyễn Linh – Hồ Sĩ Hành, sđd, tr.26