Từ khi thực dân Pháp thành lập nhà tù Côn Đảo đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1/2/1862-1/5/1975). Trải qua 113 năm đen tối đoạ đày Côn Đảo như một bản cáo trạng sống kết án chính sách xâm lược của thực dân, đế quốc.
Ngay từ khi thành lập nhà tù chúng đã đày ra Côn Đảo 50 phạm nhân (3/1862), rối tiếp sau là hàng ngàn người. Đó là những nông dân và sĩ phu yêu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, chống thuế Trung Kỳ, nổi dậy ở Nam Kỳ. Trong đó có các cụ Lã Xuân Oai, Nguyễn Thiện Kế, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Dương Đình Thách, Trương Bá Huy, Ngô Đức Kế, Phạm Cao Chẩm, Trần Trọng Cung, Trần Cao Vân…
Tiếp theo những năm sau có hàng vạn cán bộ, đảng viên đảng công sản như các đồng chí: Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hông Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh…
Tháng 9/1945, hơn 2.000 tù chính trị đã nổi dậy dành quyền làm chủ và được đón về đất liền tham gia kháng chiến.
Ngày 18/4/1946, thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù. Cao uỷ Pháp tại Đông Dương đã quyết định chuyển đến Côn Đảo một số lượng tù nhân để giảm bớt mật độ và tình hình ở khám lớn Sài Gòn.
Cuối tháng 7/1954, nổ ra cuộc tổng đình công bãi thực đòi trao trả theo hiệp định Genève 1954, thực dân Pháp đã phải trao trả cho Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà 4 đợt tổng số 593 tù binh và 1.150 tù án. Côn Đảo còn lại 603 tù nhân án tư pháp (thường phạm) trong đó có vài chục người vốn là kháng chiến bị chúng kết án tư pháp nên không được trao trả.
Tháng 3/1955, thực dân Pháp bàn giao lại nhà tù Côn Đảo cho nguỵ quyền Sài Gòn.
Năm 1957, Mỹ-Diệm mở rộng hệ thống nhà tù. Riêng trong năm 1957 chúng liên tiếp lưu đày ra Côn Đảo 10 chuyến tổng số 3.080 người.
Từ khi Mỹ-nguỵ leo thang, đẩy mạnh chiến tranh số lượng tù nhân bị giam giữ tăng dần có lúc lên đến con số 10.000 người (1967-1969). Trong số đó phụ nữ, sinh viên, học sinh và một số cháu bé từ 1 đến 8 tháng tuổi (theo mẹ).
Sau hiệp định Paris (1/1973) nhiều đợt phân loại chuyển tù. Số lượng tù nhân Côn Đảo được bổ sung và biến động ở mức 8.000 người cho đến ngày giải phóng.
Theo sổ tay ghi chép của đồng chí Tịnh Văn Lâu, bí thư Đảng uỷ lâm thời ngày Côn Đảo giải phóng (1-5-1975) có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.243 tù chính trị (494 phụ nữ).
“ Chúng tôi, ai cũng rơi nước mắt, sung sướng vô ngần, các đồng chí ruột thịt của ta bị lưu đầy cầm giữ trong cái địa ngục trần gian khét tiếng này, đã vùng lên tự giải phóng. Các đồng chí đã hoàn thành thay chúng tôi một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn của Bộ Chính trị giao cho chúng tôi”…
Đó là lời phát biểu của đồng chí Tường, chính uỷ tàu Hải quân ta, một trong những chiếc tàu làm nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo, cặp bến Côn Đảo đầu tiên mờ sang ngày 4/5/1975.
Côn Đảo là một vùng đất thiêng ghi dấu sự đấu tranh kiên cường bất khuất của các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc Mỹ của nhân dân ta.