Tự hào “trụ đồng Côn Đảo” quê Bạc Liêu

Cũng khoảng thời gian này của năm 2019, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bạc Liêu có chuyến tham quan di tích lịch sử Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau khi viếng mộ nữ liệt sĩ Võ Thị Sáu và mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương, đoàn chúng tôi tham quan Bảo tàng lịch sử quốc gia Côn Đảo.

Trong những dòng chữ vàng khắc trên bảng đỏ, tôi tìm gặp tên ông – liệt sĩ Nguyễn Công Tộc! Ông là một trong những “trụ đồng Côn Đảo” người Bạc Liêu đã anh dũng hy sinh và trịnh trọng nằm trên bảng vàng ghi danh những anh hùng liệt sĩ trong một bảo tàng đặc biệt trên hòn đảo thiêng liêng này.

Nguyễn Công Tộc tên thật là Cao Văn Ba, bí danh Trần Phong Thạnh, sinh ngày 17/5/1925 tại làng Phong Thạnh, huyện Giá Rai. Gia đình có truyền thống cách mạng, các anh chị em của ông hầu hết đều tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc. Năm 1938, sau khi đậu sơ học ở tỉnh nhà, ông rời gia đình lên Sài Gòn tiếp tục học tại Ban tú tài trường Pétrus Trương Vĩnh Ký. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã tích cực tham gia các tổ chức học sinh – sinh viên tiến bộ yêu nước ở tỉnh Cần Thơ, Thủ Dầu Một…

Ngôi mộ liệt sĩ tập thể tại Nghĩa trang Hàng Dương – có tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Công Tộc. Ảnh: T.M.C

Tham gia nhiều phong trào cách mạng trong hơn 10 năm, từ năm 1945 – 1955, từng giữ các vị trí như: đại diện Đảng dân chủ tham gia Thành bộ Việt Minh, Bí thư Thành ủy Đảng Dân chủ, tham gia Ủy ban Hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn, đặc phái viên của Trưởng ty Thông tin Sài Gòn – Chợ Lớn, công tác ở Sở Thông tin Nam bộ… và cũng từng vào tù ra khám. Đến năm 1955, ông tiếp tục hoạt động trí vận tại Sài Gòn – Chợ Lớn cho đến tháng 8/1957 thì bị bắt tại ngã tư đường Yên Đỗ – Công Lý (nay là Lý Chính Thắng). Sau khi đánh trả bọn công an ngụy, ông thất thế, bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, biệt giam tại Chuồng Cọp.

Nhắc đến Côn Đảo, Chuồng Cọp…, chúng ta đều biết rằng từ năm 1945 nhà tù Côn Đảo đã trở thành công cụ đắc lực, một “địa ngục trần gian” để địch thực hiện quốc sách tố cộng, diệt cộng. Những hình thức tra tấn dã man nhằm đánh vào sinh mạng chính trị của người tù, làm cho họ suy sụp về lý tưởng, kiệt quệ về thể xác, mòn mỏi về ý chí… Thế nhưng, những hình thức tra tấn man rợ mất hết tính người ấy đã không làm lung lay những người tù cộng sản! Những cuộc đấu tranh của tù chính trị Côn Đảo đã trở thành tiêu điểm của cuộc đối đầu giữa những người cộng sản trung kiên và lực lượng chống cộng cực đoan, tàn bạo nhất. Tiêu biểu trong cuộc đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị Côn Đảo thời Mỹ – ngụy là tập thể chống ly khai của tù chính trị câu lưu (không án tiết) và tập thể chống chào cờ của tù chính trị. Trên 1.000 tù chính trị câu lưu đã kiên cường đấu tranh chống ly khai Đảng Cộng sản, chống hô khẩu hiệu xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 7 năm liên tục (từ 1957 – 1963). Hơn 500 người đã hy sinh vô cùng anh dũng! Tháng 4/1960 còn lại 59 người chống ly khai, địch đưa về Chuồng Cọp và thực thi những hình thức khủng bố để áp đảo phong trào.

Tháng 3/1961, lực lượng chống ly khai chỉ còn 17 người tại Chuồng Cọp, Côn Đảo – trong đó có ông Nguyễn Công Tộc. Từng người viết bản xác định lập trường cam kết thà chết không ly khai Đảng Cộng sản, không đả đảo lãnh tụ Hồ Chí Minh, không từ bỏ con đường cách mạng, quyết đấu tranh thống nhất đất nước. Nguyên văn bản xác định lập trường của đồng chí Nguyễn Công Tộc còn được lưu giữ lại tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Côn Đảo: “Côn Sơn, ngày 27/3/1961… Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Công Tộc xin xác nhận lập trường là tôi không ly khai Đảng Cộng sản”. Và đó cũng là thể hiện ý chí kiên cường cho đến hơi thở sau cùng của một trong những anh hùng xứng danh là “trụ đồng Côn Đảo”. Đồng chí Nguyễn Công Tộc đã hy sinh ngay trong đêm đó!

… Mới đây, tôi có buổi gặp gỡ, chuyện trò cùng chú Trương Minh Chiến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu. Chú kể tôi nghe về lần thăm nhà tù Côn Đảo năm 2018, chuyến đi đó, chú đã dừng chân đúng ngay ngôi mộ tập thể 5 liệt sĩ – những người đã anh dũng hy sinh vì giữ gìn khí tiết cách mạng, không bước qua ảnh Bác, không xé cờ Đảng, không ly khai. Trong 5 liệt sĩ đó có tên liệt sĩ Nguyễn Công Tộc… Kể tới đây, khóe mắt đỏ hoe, chú nghẹn ngào không kể được nữa!

Con đường vào nhà tôi cũng mang tên Nguyễn Công Tộc! Thật sự như là một cơ duyên, để từ chuyến tham quan di tích lịch sử Côn Đảo thiêng liêng, tôi bỗng yêu hơn tên con đường quen thuộc mỗi ngày tôi vẫn đi qua. Mãi nhớ về một người con kiên trung đất Bạc Liêu anh hùng, một “trụ đồng Côn Đảo” đáng tự hào!

Cẩm Thúy
Báo Bạc Liêu

Rate this post
Bài trước
Côn Đảo chính thức mở cửa lại các điểm di tích, nghĩa trang
Bài sau
Văn phòng vé tàu cao tốc Côn Đảo tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn)
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.