Sắc xanh du lịch Côn Đảo

Ngày 26-4-2019, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo (29-4-1979 – 29-4-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. Dịp này, tỉnh cũng đã phối hợp các đơn vị tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt Côn Đảo gắn với tăng cường quản lý, phát triển hoạt động du lịch”. Điểm nhấn trong hội thảo là chương trình tọa đàm “Để Côn Đảo trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn”.

Sau 44 năm giải phóng, từ “địa ngục trần gian”, Côn Đảo ngày nay đã trở thành “thiên đường du lịch biển” mà ít nơi có được.

SẮC XANH CÔN ĐẢO

Côn Đảo cách thành phố Vũng Tàu khoảng 185km, bao gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích phần đất nổi gần 76km2 và diện tích mặt nước tính từ ranh giới đường thủy nội địa khu vực Côn Đảo khoảng 14.000km2. Huyện Côn Đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên cả 2 phương diện địa kinh tế và địa chính trị. Côn Đảo hội tụ đầy đủ yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, di tích lịch sử, con người và được ví như “hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ”.

Tài nguyên, thiên nhiên rừng và biển Côn Đảo rất đa dạng, phong phú. Năm 2014, Vườn quốc gia Côn Đảo được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam. Vườn quốc gia Côn Đảo có trên 1.000 loài thực vật có mạch, cùng các loại động vật đa dạng. Trong đó có nhiều loài chim quý không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào tại Việt Nam, như loài bồ câu nicobar, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh. Hệ sinh thái biển Vườn quốc gia Côn Đảo có rừng ngập mặn, các rạn san hô và cỏ biển. Rừng ngập mặn rộng khoảng 31 ha với 46 loài thực vật phân bố xung quanh Hòn Ba, Bảy Cạnh và dọc theo bờ biển phía Nam, bắc của đảo Côn Sơn. Các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất của nước ta, phân bố tại khu vực nước cạn xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.800 ha. Các rạn san hô có mức độ đa dạng sinh học cao, với hơn 370 loài. Biển Côn Đảo có 1.323 loài động, thực vật biển, trong đó có 44 loài có tên trong Sách đỏ; với khoảng 1.040 ha cỏ biển; quần thể loài bò biển, ước tính có khoảng 12 cá thể. Côn Đảo là nơi làm tổ quan trọng của loài vích (rùa xanh) và đồi mồi. Hằng năm, có hơn 250 cá thể rùa mẹ đến làm tổ sinh sản tại 14 địa điểm trong Vườn quốc gia… Vẻ đẹp của Côn Đảo được du khách, giới báo chí trong nước và quốc tế hết lời ca ngợi, đồng thời xếp Côn Đảo vào danh sách những địa điểm có vùng nước biển xanh nhất thế giới.

Một thoáng Côn Đảo qua lăng kính Thùy Linh

THIÊN ĐƯỜNG DU LỊCH

Trước đây, nhắc đến Côn Đảo người ta chỉ nghĩ đến một “địa ngục trần gian” – nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng. Nhưng Côn Đảo ngày nay còn được nhắc đến nhiều hơn với hình ảnh một hòn đảo du lịch hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Những bãi biển trong xanh, cát trắng trải dài, với bầu không khí trong lành đã thu hút đông du khách đến với vùng biển đảo tuyệt đẹp này. Hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt khách đến Côn Đảo đã nói lên sự hấp dẫn nơi đây.

Theo Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo, mục tiêu chung đến năm 2030 Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa – lịch sử – tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế. Côn Đảo sẽ có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành đô thị du lịch. Quyết định này được giới khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tầm nhìn cho một đô thị hết sức đặc biệt. Di sản và du lịch vừa là nguồn lực vừa là mục tiêu bảo đảm cho Côn Đảo phát triển bền vững trong thế cân bằng và hài hòa.

Côn Đảo có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng trong chiến lược phòng thủ quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nơi tránh trú bão cho hàng ngàn tàu thuyền hoạt động trong khu vực có ngư trường rộng lớn. Côn Đảo được ví như “báu vật”, là viên ngọc giữa biển Đông của nước ta. Hiện Côn Đảo xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn duy nhất trong vòng 5 năm tới. Hệ thống giao thông từ đường không, đường biển đến Côn Đảo đã được kết nối, rút ngắn thời gian đi lại của du khách. Cùng với du lịch tâm linh, những chuyến du lịch khám phá hệ sinh thái rừng, xem rùa đẻ trứng và những chuyến ngụp lặn dưới biển để chiêm ngưỡng những rạn san hô rực rỡ… thu hút du khách từ khắp bốn phương về với Côn Đảo để chiêm ngưỡng và tận hưởng cảm giác trong lành của vùng biển đảo nhiệt đới. (*)

Đức Hồng

https://www.baobinhphuoc.com.vn

(*) Bài viết tham khảo baria-vungtau.gov.vn

5/5 - (1 bình chọn)
Bài trước
Khám phá Côn Đảo cùng Ngọc Nhi
Bài sau
Phát triển Côn Đảo và những bất cập về giao thông
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.